eMagazine

Từ cửa sổ của tàu Shinkansen, khung cảnh rừng cây xanh tốt tựa một ốc đảo nhỏ hiện ra giữa đồng ruộng, thấp thoáng bóng dáng cánh cổng Torii của Thần đạo có lẽ là điều bí ẩn với du khách lần đầu ghé thăm nước Nhật. Nếu bước qua cánh cổng này và tiến vào sâu hơn, bạn sẽ thêm lần nữa bất ngờ khi phát hiện ra một ngôi đền lọt thỏm giữa rừng.

Khu rừng thiêng trong Thần đạo

“Chinju no Mori – 鎮守の森” là khu rừng được trồng và chăm sóc bên trong hoặc xung quanh đền thờ Thần đạo, nó bao quanh đền, con đường dẫn vào đền (参道 – Sando) cũng như các địa điểm thờ cúng khác.

Kể từ thời Jomon (14.000 TCN – 300 TCN), người Nhật đã trồng cây và gìn giữ đất rừng. Rừng nguyên sinh chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong tổng diện tích đất rừng Nhật Bản, còn lại chủ yếu vẫn là rừng trồng. Có thể thấy, môi trường sống gần gũi với thiên nhiên đã được người Nhật định hình và duy trì qua nhiều thế kỷ nhờ tổ tiên của họ.

Và rừng thiêng Chinju no Mori bao quanh những ngôi đền Thần đạo là một trong những yếu tố then chốt tạo nên khung cảnh nông thôn truyền thống xanh mát tại Nhật Bản. Từ thời cổ đại, một ngôi đền Thần đạo thờ phụng các vị tổ tiên hoặc thần hộ mệnh của địa phương đóng vai trò là tâm điểm của cộng đồng làng xã, giúp duy trì nhịp sống của từng cá nhân và cả cộng đồng.

Rừng thiêng Chinju no Mori bao quanh đền thờ Thần đạo.
Rừng thiêng Chinju no Mori bao quanh đền thờ Thần đạo. Ảnh: @usalica/ Twitter
Rừng thiêng của đền Meiji Jingu, Tokyo
Rừng thiêng của đền Meiji Jingu, Tokyo. Ảnh: tokyocheapo.com
Vườn Shirotori nằm ở thành phố Nagoya được thiết kế mô phỏng theo địa hình của vùng Chubu.
Vườn Shirotori nằm ở thành phố Nagoya được thiết kế mô phỏng theo địa hình của vùng Chubu. Ảnh: aichi-now.jp

Nguyên lý căn bản nằm sau một khu rừng Chinju no Mori chính là sự tôn kính và hòa hợp với tự nhiên. Đây cũng là niềm tin đã lan tỏa khắp mọi khía cạnh trong văn hóa Nhật Bản, có thể quan sát biểu hiện của nó ở nghệ thuật làm vườn mô phỏng tự nhiên, tận dụng cảnh quan xung quanh như ngọn núi, khu rừng (được gọi là “Shakkei” - cảnh mượn), cho đến kiến trúc nội thất với cửa trượt Shoji dán giấy mà chỉ cần mở ra là có thể xóa tan ranh giới giữa trong và ngoài ngôi nhà...

Với người Nhật, âm thanh, mùi hương hay thậm chí là sự nóng, lạnh của tự nhiên cũng là phước lành được thiên nhiên ban tặng. Sự tôn kính dành cho thiên nhiên này bắt nguồn từ quan niệm bản địa xem rừng là nơi linh thiêng mà các vị thần sinh sống hoặc viếng thăm.

Chinju no Mori trước nguy cơ bị xóa sổ

Mãi cho đến thế kỷ 20, Chinju no Mori vẫn là một phần không thể thiếu trong cảnh quan ở mỗi làng quê Nhật Bản. Nhưng điều này bắt đầu thay đổi kể từ nửa sau thời Minh Trị (1868 – 1912), khi vào năm 1906, Chính phủ ban hành lệnh sáp nhập đền thờ, hợp nhất nhiều ngôi đền trong nước lại với nhau nhằm đảm bảo sự tồn tại có hệ thống của Thần đạo.

Kết quả của sắc lệnh năm 1906 là các ngôi đền nhỏ ở địa phương buộc phải sáp nhập với nhau tạo thành những đền lớn hơn gọi là Jinja Goushi, khiến cho tổng số đền thờ từ khoảng 200.000 giảm xuống còn khoảng 120.000 trên toàn quốc.

Rừng thiêng Chinju no Mori của đền Kifune ở thị trấn Senda, thành phố Kanazawa, tỉnh Ishikawa.
Rừng thiêng Chinju no Mori của đền Kifune ở thị trấn Senda, thành phố Kanazawa, tỉnh Ishikawa. Ảnh: iijikanazawa.com

Đặc biệt, một số vùng nhất định tại Nhật chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách trên như tỉnh Mie – mất gần 90% đền, tỉnh Wakayama ghi nhận số lượng đền giảm từ 3.700 xuống còn 790.

Khuôn viên của các ngôi đền nhỏ cũng mất đi cùng những khu rừng thiêng, bao gồm cả các cây thiêng được tôn thờ gọi là Himorogi. Cùng với đó, đất đai được giải tỏa không đền bù và giao cho chính quyền địa phương nên nhiều quan chức đã nhúng tay chuộc lợi từ việc bán đất và gỗ.

Cuộc tấn công dữ dội vào các rừng thiêng vẫn tiếp diễn cho đến khi vấp phải làn sóng phản đối được dẫn đầu bởi nhà tự nhiên học Minakata Kumagusu (1867–1941). Trong bài luận ngắn “Jinja goushi ni kansuru iken” (tạm dịch: Ý kiến về hợp nhất đền thờ) của Minakata, ông phản đối gay gắt việc phá hủy các ngôi đền địa phương và Chinju no Mori, nhấn mạnh tầm quan trọng của chúng với đời sống tâm linh của con người, cộng đồng địa phương và hệ sinh thái.

Minakata Kumagusu, nhà tự nhiên học tiên phong trong việc phản đối sáp nhập những ngôi đền nhỏ.
Minakata Kumagusu, nhà tự nhiên học tiên phong trong việc phản đối sáp nhập những ngôi đền nhỏ. Ảnh: Nippon
Những lá thư phản đối chính sách sáp nhập đền thờ của ông Minakata cùng bức ảnh chụp đền Oyama, tỉnh Wakayama – nạn nhân của chính sách này.
Những lá thư phản đối chính sách sáp nhập đền thờ của ông Minakata cùng bức ảnh chụp đền Oyama, tỉnh Wakayama – nạn nhân của chính sách này. Ảnh: Nippon

Hơn nữa, ông còn tuyên bố rằng tình yêu quê hương chính là cơ sở của tình yêu đất nước và chính sách sáp nhập đền thờ đã gây tổn hại lớn đến tình yêu nước. Từ đó, sự phản đối dần lan rộng khiến cho chính sách sáp nhập không còn mạnh bạo như trước.

Từ đấu tranh cho rừng thiêng đến bảo vệ tự nhiên

Cùng với rừng thiêng Chinju no Mori, nhà tự nhiên học Minakata cũng là người có công lớn trong việc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên của đảo Kashima ở quê hương Wakayama của ông.

Một trong những địa điểm yêu thích của Minakata lúc dạo bộ và thu thập mẫu vật tự nhiên là mũi Tenjinzaki ở vịnh Tanabe. Theo bà Fumie, con gái của ông Minakata, ông lo lắng rằng ngay cả nơi có phong cảnh ngoạn mục này cuối cùng cũng sẽ bị mua lại bởi các nhà đầu tư và biến thành khu nghỉ dưỡng.

Vào những năm 70 của thế kỷ 20, Tenjinzaki đã được giải cứu khỏi số phận trên nhờ vào nỗ lực của cư dân địa phương. Họ đã mua lại đất ở đây và để lại cho hậu thế. Đây là khởi đầu cho phong trào bảo tồn di sản tự nhiên tại Nhật Bản.

Tenjinzaki nằm trong vùng Kumano vốn nổi tiếng với tuyến đường hành hương gắn liền ba ngôi đền: Kumano Hongu ở Tanabe, Kumano Hayatama ở Shingu và Kumano Nachi ở Nachikatsuura. Đây là những ngôi đền bảo tồn nét đặc trưng nguyên sơ của Thần đạo - tôn thờ tự nhiên.

Ông Minakata (bên phải) thực hiện chuyến thu thập mẫu vật ngoài tự nhiên.
Ông Minakata (bên phải) thực hiện chuyến thu thập mẫu vật ngoài tự nhiên. Ảnh: Nippon

Trong tín ngưỡng Thần đạo, Shintai là những vật thể linh thiêng mà Kami (Thần) cư ngụ như dòng sông, tảng đá, thác nước... và ngày nay chúng được bao quanh bởi rừng thiêng Chinju no Mori rậm rạp. Những khu rừng thiêng còn nguyên sơ này là kết quả của quá trình đấu tranh quyết liệt bảo vệ tự nhiên của ông Minakata và người dân.

Đảo Kashima ở vịnh Tanabe cũng trở thành “đứa con” may mắn được cứu thoát nhờ những nỗ lực này. Vào năm 1929, dưới mệnh lệnh của Thiên hoàng Hirohito, ông Minakata trở thành hướng dẫn viên cho Thiên hoàng - vốn là một nhà sinh vật học, dạo quanh khám phá môi trường tự nhiên nơi đây, trước khi mang đến bài giảng về nấm mốc và sinh vật biển cho Thiên hoàng. Đến năm 1935, nhờ vào nỗ lực của ông Minakata mà đảo Kashima đã được chỉ định là Tượng đài tự nhiên.

Đảo Kashima với dãy núi Kii ở phía xa.
Đảo Kashima với dãy núi Kii ở phía xa. Ảnh: Nippon

Tương lai của rừng thiêng Chinju no Mori

Một trong những khu rừng thiêng Chinju no Mori nổi bật nằm ngay trung tâm Tokyo và có từ năm 1920 là khu rừng thuộc đền Meiji Jingu, nơi thờ phụng Thiên hoàng Hirohito và Hoàng hậu Shouken.

Rừng thiêng Chinju no Mori bao quanh đền Meiji, Tokyo.
Rừng thiêng Chinju no Mori bao quanh đền Meiji, Tokyo. Ảnh: Nippon

Việc xây dựng ngôi đền bắt đầu vào năm 1915, ba năm sau khi Thiên hoàng băng hà. Trên diện tích 70 hecta của khu rừng thiêng, hơn 100.000 cây thuộc 365 loài khác nhau được quyên góp từ khắp nước Nhật rồi được vun trồng bởi một lực lượng tình nguyện viên hùng hậu lên đến 110.000 người.

Nhưng không may mắn như khu rừng này, ở những nơi khác, Chinju no Mori vẫn chưa được thuận lợi phát triển. Đặc biệt, những ngôi đền ở thành thị chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế đất đắt đỏ, kết quả là hiện giờ nhiều đền vẫn trơ trọi và khu rừng thiêng được thay thế bằng các bãi đậu xe.

Khung cảnh của cổng Torii ở đền Meiji khi mới được trồng cây hai bên.
Khung cảnh của cổng Torii ở đền Meiji khi mới được trồng cây hai bên. Ảnh: Nippon
Khu rừng rậm rạp quanh cổng Torii của đền Meiji sau một thập kỷ.
Khu rừng rậm rạp quanh cổng Torii của đền Meiji sau một thập kỷ. Ảnh: Nippon

Trong khuôn viên đền thờ, cây bị đốn hạ để nhường chỗ cho các công trình phục vụ hoạt động cộng đồng và những mục đích khác. Thật không may, những ngôi đền “trần trụi” không có rừng như vậy lại không truyền tải được niềm tin về tâm linh cho du khách. Trái lại, bản thân một khu rừng dù không có công trình đền thờ nào vẫn có thể mang đến niềm tôn kính, bởi đây là cách tổ tiên người Nhật tôn thờ tự nhiên.

Trong hai thế kỷ qua, quá trình hiện đại hóa đã tác động mạnh mẽ đến rừng thiêng Chinju no Mori, vốn là nơi nuôi dưỡng lòng tôn kính với tự nhiên của người Nhật. Và sự cống hiến của các nhà bảo tồn thiên nhiên như Minakata là minh chứng hùng hồn cho sự tồn tại của tinh thần này.

Khu rừng thiêng quanh đền Meiji Jingu đã tồn tại qua 102 năm góp phần mang lại hy vọng cho tương lai. Nếu có thể tạo lập được hệ sinh thái rừng phong phú ngay giữa Tokyo trong vài thập kỷ như trường hợp của Meiji Jingu, thì chắc chắc giấc mơ khôi phục các khu rừng thiêng nhỏ hơn ở các thành phố và thị trấn trên khắp nước Nhật sẽ chẳng phải là điều viển vông.