
Kitamaebune (北前船 - Bắc Tiền Thuyền) là những tàu buôn đi lại giữa Hokkaido và Osaka từ giữa thời Edo (1603-1868) cho đến đầu thế kỷ 20. Tàu đi theo lộ trình dọc bờ Biển Nhật Bản và quanh mũi phía nam của đảo Honshu, dừng lại để buôn bán tại các cảng trên đường đi. Nhiều loại hàng hóa được vận chuyển bằng Kitamaebune, từ lương thực thực phẩm, đặc sản địa phương và đồ thủ công cho đến các nguyên vật liệu như giấy và vỏ cây tuyết tùng.
“Kitamae” là từ mà người dân ở Osaka và vùng biển Nội địa Seto dùng để gọi khu vực ven Biển Nhật Bản của đảo Honshu, vì vậy tàu thuyền đến từ Biển Nhật Bản được gọi là “Kitamaebune”. Còn ở vùng ven Biển Nhật Bản, các tàu này được gọi là “Sengoku-bune” (nghĩa là “tàu chở 1.000 koku gạo”, tương đương khoảng 150 tấn), hoặc “Bai-bune” (tàu gấp đôi) – ám chỉ tiềm năng tăng gấp đôi lợi nhuận chỉ trong một chuyến ra khơi.
Chiếc tàu lớn nhất trong lịch sử Kitamaebune có thể chở đến 2.400 koku. Với một cánh buồm lớn duy nhất, con tàu này có thể di chuyển ngay cả khi ngược gió như một chiếc du thuyền, cho thấy tính năng điều hướng bằng buồm xuất sắc.
Vào thời bấy giờ, hệ thống phân phối chưa phát triển nên giá cả hàng hóa sẽ thay đổi tùy theo khu vực. Lợi dụng điểm này, các tàu Kitamaebune sẽ “mua thấp, bán cao”: tại các cảng mà tàu ghé qua, họ sẽ thu mua các mặt hàng có giá rẻ và bán các mặt hàng nào được giá đang có trên tàu.
Chẳng hạn, cá trích đánh bắt ở Hokkaido sẽ bán được với giá cao ở miền tây, nơi người nông dân sử dụng để làm phân bón trồng bông. Mặt khác, do sự khác biệt về kỹ thuật sản xuất quần áo giữa miền tây và miền bắc Nhật Bản, cũng như việc cây bông không trồng được ở xứ lạnh, quần áo cũ từ phía tây lại trở thành một mặt hàng có giá trị ở phía bắc.
Sau khi bán cá trích ở phía tây, họ sẽ chất đầy quần áo cũ lên những con tàu rỗng để chở lên miền bắc. Cách kinh doanh này của Kitamaebune được gọi là "buôn bán cưa xẻ" vì họ bán cả trên đường đi lẫn đường về, giống như hình ảnh cây cưa khi đẩy hay kéo thì cũng đều cắt vào gỗ.
Khác với tàu thông thường, Kitamaebune không kiếm tiền bằng cách vận chuyển hàng hóa của người khác, mà chủ tàu đóng vai trò là chủ hàng và trực tiếp mua bán hàng hóa tại mỗi cảng trong suốt chuyến đi.
Những Kitamaebune đầu tiên là những chiếc thuyền nhỏ, một cánh buồm và chỉ có thể thực hiện một chuyến đi khứ hồi mỗi năm. Đến khoảng những năm 1870, tàu có tới bốn cánh buồm, có thể vận chuyển hàng trăm tấn hàng hóa và thực hiện ba hoặc bốn chuyến mỗi năm.
Vào giữa những năm 1800, các chủ tàu Kitamaebune nằm trong số những thương gia giàu có nhất Nhật Bản. Các mặt hàng đặc biệt sinh lời từ Hokkaido có cá trích, được sử dụng để làm dầu, phân bón; và tảo bẹ kombu, dùng để nấu nước dùng dashi.
Chỉ với một chuyến khứ hồi giữa Osaka và Hokkaido, chủ tàu có thể thu về lợi nhuận lên tới 1.000 ryo (tương đương 60 đến 100 triệu yên hiện nay). Tuy nhiên, lợi nhuận cao đi kèm với rủi ro lớn. Các tai nạn hàng hải thường xuyên xảy ra trên vùng biển đầy hiểm nguy, đe dọa tính mạng của thủy thủ đoàn, như câu thành ngữ của người đi biển thời xưa: “板子一枚下は地獄 – Itago ichimai shita wa jigoku” (Địa ngục nằm ngay dưới tấm ván thuyền).
Dẫu vậy, đây là thời kỳ mà giấc mơ làm giàu có thể trở thành hiện thực ngay cả với người dân thường, miễn là họ có lòng dũng cảm, trí thông minh và tinh thần phiêu lưu. Mặc dù lương nhận về không cao, thuyền trưởng trên tàu Kitamaebune được phép chất lên tàu khoảng 10% tổng hàng hóa của chủ tàu bằng hàng hóa của chính mình. Với số tiền dành dụm qua các chuyến đi, nhiều người đã có thể mua được tàu riêng và vươn lên làm chủ.
Có thời cơn sốt Kitamaebune chẳng khác nào cơn sốt đào vàng trên biển Nhật Bản. Những con tàu này là một kỳ quan của thời đại, là hiện thân cho ước mơ, quyết tâm làm giàu và lòng dũng cảm của con người thời Edo.
Các thủy thủ tàu Kitamaebune đến từ vùng Hokuriku và những nơi khác sẽ đi bộ từ Osaka về quê để đón năm mới, sau đó lại đi bộ trở về Osaka vào đầu mùa xuân.