eMagazine
Miko: Vu nữ sở hữu năng lực kết nối với thần linh

Tengu (天狗) là vị thần Thiên Cẩu nổi tiếng trong văn hoá dân gian Nhật Bản với mặt đỏ, mày chau, chiếc mũi dài quá cỡ và một đôi cánh lớn. Từng được xem là Yokai mang lại điềm dữ, chiến tranh, chuyên dụ dỗ người tu hành Phật giáo và ăn thịt người, nhưng đến nay, Tengu lại trở thành vị thần bảo hộ mang lại bình an và may mắn.

Bài viết: RinThiết kế: NutoHình ảnh: i.pinimg.com, yukoart.com

Có đến hai loài Tengu

Loài Daitengu với cơ thể to lớn, và chiếc mũi dài. Nguồn: Kuro no Kishi

Dù được biết đến là Yokai có chiếc mũi dài, mặt đỏ, nhưng trong thế giới Tengu, có tới hai loài khác nhau: Daitengu và Kotengu.

Daitengu (大天狗 – Đại Thiên Cẩu) là loài Tengu được biết đến rộng rãi ngày nay, có cơ thể to lớn với khuôn mặt đỏ au, chiếc mũi dài, đôi cánh rộng, bên ngoài khoác áo choàng và tay cầm một chiếc quạt khổng lồ. Các Daitengu sống trong những cánh rừng sâu thẳm, sở hữu kỹ năng đặc biệt như bay, điều khiển gió và kiếm thuật. Chiếc quạt lớn trên tay Đại Thiên Cẩu được dùng để tạo các trận gió lớn nhằm mục đích gây ra chiến tranh hoặc thiên tai. Trong quá khứ, Daitengu thường bắt cóc con người, đôi khi để hành hạ, nhưng cũng có vài trường hợp là để dạy phép thuật cho họ. Thậm chí, các vị sư còn tìm đến chúng để học tập nhưng họ nhanh chóng hối hận vì đi lệch với mục tiêu giác ngộ ban đầu.

Loài Daitengu với cơ thể to lớn, và chiếc mũi dài. Nguồn: Kuro no Kishi
Loài Kotengu có hình dạng giống chim diều hâu đen. Nguồn: Wikipedia.org

Loài còn lại trong họ Tengu là Kotengu (小天狗 – Tiểu Thiên Cẩu), hay còn được gọi là Karasutengu (烏天狗 – Ô Thiên Cẩu). Mặc dù “Karasu” có nghĩa là con quạ nhưng những Tengu này lại có hình dạng của các loài chim săn mồi như diều hâu đen. Kotengu cũng mặc áo choàng giống của nhà sư, nhưng về hình dáng và hành vi, chúng giống động vật hơn là con người. Khác với Daitengu vốn tập trung vào quấy nhiễu các thầy tu và xã hội loài người, Kotengu lại chủ yếu tập trung vào việc ăn thịt người. Đôi khi, chúng cũng được xem là thuộc hạ của Daitengu. Tuy nhiên, thực chất Kotengu là phiên bản cũ của Daitengu và từng là loài Tengu duy nhất, nhưng chúng ngày càng phát triển giống con người hơn và mất đi hình dạng chim ban đầu. Ngày nay, khi nhắc đến Tengu, hầu như Daitengu luôn chiếm ưu thế và trở thành biểu tượng của loài sinh vật thần thoại.

Loài Kotengu có hình dạng giống chim diều hâu đen. Nguồn: Wikipedia.org

Quá trình tiến hoá của Tengu

Thế kỷ thứ 9 – 10: Thời này, câu chuyện về Tengu lan truyền trong dân chúng với những hành vi gian ác như các loài Yokai khác. Tengu được miêu tả là những con quỷ sống trên núi vô cùng gian xảo và thường dụ dỗ con người vào rừng bằng âm nhạc, ném đá cuội vào nhà, nhập vào người mù làm cho họ đột nhiên có khả năng viết chữ Kanji hay gây ra hoả hoạn lớn. Ngoài ra, một số câu chuyện cổ khác về Tengu lại kể rằng chúng rất dễ bị đánh bại. Khi sử dụng khả năng biến hình thành người, Tengu hóa thành vị Phật xuất hiện bên trong một cái cây toả ra ánh sáng rực rỡ kèm theo một cơn mưa hoa. Tuy nhiên, một trưởng làng thông minh đã nghi ngờ và nhìn chằm chằm vào nó trong một giờ. Tức thì, sức mạnh của Tengu bị suy yếu, nó biến thành một con chim ưng, rơi khỏi cây và bị gãy cánh. Câu chuyện đặt nền móng cho mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” giữa Tengu và Phật giáo, chúng dần trở thành kẻ thù của đạo Phật.

Thế kỷ 11 – 18: Đến thế kỷ 11, nhiều truyền thuyết về Tengu được phát triển và tập hợp thành 31 tập trong truyện Konjaku Monogatari. Trong những câu chuyện ấy, Tengu biến hình thành Phật để đánh lừa các nhà sư. Chúng cũng bắt cóc các vị sư và dụ dỗ họ đi theo Tengu để học hỏi sức mạnh thay vì theo đạo Phật để tìm con đường giác ngộ. Một số nhà sư đã mắc bẫy của Tengu. Chuyện kể rằng, một vị Yamabushi – tu sĩ núi đã nghe lời dụ dỗ của Tengu và theo học nhiều năm. Dù có khả năng chữa khỏi bệnh cho vua nhưng khi các vị sư thân cận bên cạnh nghi ngờ và bắt đầu tụng kinh, người này đã nằm xuống sàn và khóc lóc xin tha mạng: “Trong suốt những năm qua, tôi luôn tôn thờ các Tengu và cầu mong họ làm cho mình nổi tiếng. Nhưng đó là một sai lầm khủng khiếp vì học được sức mạnh của Tengu không giúp tôi giác ngộ”. Từ câu chuyện này, các giáo phái Phật giáo đang tranh chấp với nhau thường gọi phe thù địch là “Tengu” nhằm hạ bệ đối phương và ngụ ý giáo lý của họ là lừa lọc hoặc nguy hiểm.

Vào thế kỷ 12, người ta bắt đầu lan truyền câu chuyện các vị sư xấu xa khi chết đi sẽ biến thành Tengu. Bên cạnh đó, mục tiêu tấn công của Tengu vào thời gian này không còn là dân thường và các vị sư nữa, thay vào đó, chúng kiểm soát và hãm hại Thiên hoàng. Chuyện kể rằng, một vị Thiên hoàng bị mù nhưng thỉnh thoảng có thể nhìn được. Hồn ma của vị sư đã biến thành Tengu xuất hiện, nói rằng: “Tôi đang ngồi trên cổ của Thiên hoàng và lấy đôi cánh che mắt ông ta, khi tôi vỗ cánh, ông ấy có thể nhìn thấy thoáng qua”. Ngoài ra, còn có sự tương đồng giữa Tengu với Garuda trong Phật giáo và Hindu giáo. Đó là con vật mình người mỏ chim, thú cưỡi của thần Vishnu, một trong ba vị thần tối cao của Hindu giáo bên cạnh thần Brahma và thần Shiva.

Tranh Tengu và Yamabushi của hoạ sĩ Kawanabe Kyousai thể hiện cảnh Tengu đang cướp nón và áo choàng của tu sĩ. Nguồn: wikipedia.org
Tranh Ushiwakamaru và vua Tengu trên núi Kuruma của hoạ sĩ Seisai Eiichi. Nguồn: ukiyo-e.org

Đến thế kỷ 13, Tengu lại giả dạng thành tu sĩ Yamabushi. Trang phục Tengu cũng giống với các bộ đồ mà Yamabushi mặc. Khác với các tu sĩ ở ẩn, Tengu muốn được con người tôn thờ. Lúc này, chúng nổi danh nhờ võ thuật phi phàm, Samurai huyền thoại thời Heian Minamoto no Yoshitsune cũng đã học kiếm thuật từ Tengu Soujoubou, nhưng cũng có nhiều câu chuyện kể lại rằng Tengu thời này bắt đầu bắt cóc trẻ em.

Vào thế kỷ 14, Tengu với chiếc mũi dài xuất hiện và trở thành hình ảnh phổ biến của loài Yokai này. Các học giả cho rằng khi Yokai ban đầu có hình dáng động vật dần biến hoá thành hình người, điều này đồng nghĩa chúng trở nên thiện lương và giúp đỡ cho cuộc sống của con người. Khi mang hình người, những nhân vật nổi tiếng trong thế giới Tengu bắt đầu xuất hiện, chúng sống ở các ngọn núi nhất định và có thể là Tengu tốt hoặc Tengu xấu. Thêm vào đó, các Thiên Cẩu thuộc phe ác không chỉ tập trung vào gây rối cho các vị sư mà hướng tới tàn phá xã hội loài người. Đến thế kỷ 17, các Tengu được miêu tả là Yokai hình người với chiếc mũi dài và sở hữu sức mạnh thể lực đáng sợ.

Tranh Ushiwakamaru và vua Tengu trên núi Kuruma của hoạ sĩ Seisai Eiichi. Nguồn: ukiyo-e.org

Thế kỷ 19 đến nay: Vào thế kỷ 19, Tengu có thêm khả năng bay. Câu chuyện nổi tiếng về Tengu biết bay được kể lại như sau: vào năm 1810, một người đàn ông không mảnh vải che thân đã rơi từ trên trời xuống Asakusa, Edo. Khi được hỏi, người này đáp rằng anh rời Kyoto vào hai ngày trước để đi hành hương và được một Tengu biết bay chở đi. Ngoài ra, cũng có một số truyền thuyết khác như vị sư nọ bỗng nhiên biến thành Tengu, mọc cánh và bay đi. Bên cạnh khả năng bay, Tengu cũng được cho là có thể hô mưa, gọi gió, tạo sấm sét. Khi tức giận, chúng làm ra những cơn bão lớn và gió lốc cuốn bay người lên không trung.

Đến nay, Tengu trở thành vị thần linh bảo vệ khu rừng mà họ sinh sống. Những người tiều phu khi lỡ đốn gỗ trong rừng có Tengu ngự trị, nếu dâng lễ vật là bánh gạo hoặc cá có thể làm Tengu nguôi giận và tha cho mình. Một số câu chuyện khác kể rằng tu viện dù không ai quét dọn nhưng khu vườn vẫn luôn sạch sẽ hoặc tất cả các cửa và cổng đều không đóng nhưng khi kẻ trộm xâm nhập, chúng lại không thể tìm được lối ra. Tất cả những điều này là nhờ vào sự bảo vệ của vị thần Tengu.

Tranh Yoshitsune trên núi Kurama của hoạ sĩ Utagawa Yoshikazu. Nguồn: ukiyo-e.orgTranh Yoshitsune trên núi Kurama của hoạ sĩ Utagawa Yoshikazu. Nguồn: ukiyo-e.org

Bí ẩn về tên gọi Tengu

“天狗 – Tengu – Thiên Cẩu” mang ý nghĩa là thiên khuyển – chó trời, nhưng trong suốt quá trình tiến hoá của Tengu, hình dạng của Yokai này lại không hề giống với loài chó. Vậy cái tên này xuất phát từ đâu?

Nó được cho là bắt nguồn từ Trung Quốc vào năm 637. Thiên khuyển trong thần thoại Trung Hoa giống như một ngôi sao chổi hoặc sao băng, kèm theo tiếng sấm, khi chúng xuất hiện là điềm báo về chiến tranh sắp xảy ra. Tuy nhiên, trong một số câu chuyện khác, khi Thiên Cẩu xuống Trái Đất, nó biến thành hình dạng một chú chó. Vào năm 1672, tại Trung Quốc, một dân làng trông thấy sinh vật kỳ lạ trên mái nhà có hình dạng giống chó nhưng khi đứng thẳng lại biến thành người đàn ông. Nửa thân trên màu đỏ, nửa thân lại xanh lam, chúng có cái mỏ sắc nhọn và đuôi giống cây chổi. Một số nguồn khác lại kể rằng Thiên Cẩu giống như một con quỷ sống trên núi. Tại Trung Quốc cũng có loài hồ ly tinh sở hữu sức mạnh giống với Tengu như biến hình thành Đức Phật, phóng hoả, nhập vào con người. Một học giả cho rằng người Nhật đã không phân biệt rõ ràng được sự khác biệt giữa Thiên Cẩu và hồ ly tinh nên đã áp dụng cái tên Thiên Cẩu cho loài Tengu.

Bảy nhân vật Tengu nổi tiếng

Vào thời Edo, cuốn “天狗経 – Tengu Kyou – Kinh Tengu” gồm 48 vị Tengu có sức ảnh hưởng lớn đã được tập hợp lại và trong tên của họ đều có hậu tố “Bou”, nghĩa là vị sư. Theo triết gia Hayashi Razan, Soujoubou ở núi Kuruma, Taroubou ở núi Atago, Kyoto và Jiroubou ở núi Hira, phía Tây hồ Biwa là 3 vị Tengu vĩ đại nhất.

Tengu Soujoubou. Nguồn: traditionalkyoto

Soujoubou ở núi Kuruma, Kyoto

Soujoubou được mệnh danh là Vua của Tengu và nổi tiếng với giai thoại dạy kiếm thuật cho Samurai Minamoto no Yoshitsune. Ngoài ra, tương truyền, người sáng lập môn võ Aikido – Morihei Ueshiba cũng đã học võ thuật từ vị Tengu vĩ đại này. Issai Chozanshi–một Samurai sống ở thế kỷ mười tám đã viết nên bộ truyện ngụ ngôn “天狗芸術論 – Tengu Geijutsuron – Bài giảng nghệ thuật của Tengu” kể về một kiếm sĩ đã trò chuyện với Tengu Soujoubou trên núi Kuruma.

Tengu Soujoubou. Nguồn: traditionalkyoto
Tengu Taroubou. Nguồn: hoheto.seesaa

Taroubou ở núi Atago, Kyoto

Tengu được Đức Phật giao cho nhiệm vụ bảo vệ đền thờ Atago – nơi thờ vị thần Izanagi vào khoảng 3.000 năm trước và được xem là đại diện của tất cả các Tengu khác tại Nhật. Trước kia, không ai biết tên của vị Tengu này. Mãi đến khi trận hoả hoạn lớn xảy ra ở Kyoto vào năm 1177, cái tên Taroubou mới xuất hiện vì người dân tin rằng chính Tengu này đã gây ra hoả hoạn, và vụ cháy được gọi là “太郎焼亡 – Taroushoubou – Vụ thiêu rụi Tarou”.

Tengu Taroubou. Nguồn: hoheto.seesaa
Tengu Jiroubou. Nguồn: Tengupedia Japan

Jiroubou ở núi Hira, Hokkaido

Ban đầu, Jiroubou sống trên ngọn núi Hiei và được cho là có sức mạnh ngang tầm với Taroubou, nhưng khi những tu sĩ quyền năng chuyển đến, ông đã di cư về núi Hira. Nhân vật Tengu này xuất hiện trong một số câu chuyện vào cuối thời Heian với nhiều hành động bạo tàn như tấn công một con rồng, bắt lấy một nhà sư và ném ông vào hang động nơi con rồng đang trú ngụ.

Tengu Jiroubou. Nguồn: Tengupedia Japan
Tengu Saburou. Nguồn: Tengupedia Japan

Saburou ở núi Izuna, tỉnh Nagano

Tengu Saburou được cho là có nhiều người tìm đến học kiếm thuật hơn so với Tengu Fujitarou ở núi Phú Sĩ vì sở hữu nhiều phép lạ. Trong một lần cả nước Nhật mất mùa, Tengu này đã cứu mạng nhiều người bằng cách phân phát Iizuna – thực phẩm của loài Tengu tương tự như gạo lứt của con người, xuống chân núi để cứu dân thoát khỏi nạn đói. Saburou còn có tên gọi khác là Izuna Gongen, được miêu tả là vị Tengu cưỡi trên lưng một con cáo trắng.

Tengu Saburou. Nguồn: Tengupedia Japan
Tengu Sagamibou. Nguồn: 龍馬 @Ryoma_ROV Tengu Buzenbou. Nguồn: nichibun.ac.jp

Ooyamahoukibou ở núi Sagami, tỉnh Kanagawa

Ban đầu Ooyamahoukibou sống ở núi Houki Daisen, tỉnh Tottori nhưng phải chuyển đến núi Sagami và trở thành người kế vị, vì Tengu ở đây là Sagamibou đã di cư đến núi Shiromine ở Kagawa, đảo Shikoku.

Sagamibou ở đảo Shikoku

Sagamibou chính là vị Tengu đã từng sống ở núi Sagami nhưng chuyển đến Kagawa, đảo Shikoku vì muốn an ủi và ở bên cạnh hoàng đế Suutokujoukou bị lưu đày tại đây. Dù luôn mong mỏi trở về Kyoto nhưng sau 8 năm lưu đày hoàng đế đã băng hà trên hòn đảo này.

Tengu Sagamibou. Nguồn: 龍馬 @Ryoma_ROV

Buzenbou ở núi Hikozan, tỉnh Fukuoka

Được xem là thủ lĩnh của Tengu tại vùng Kyushu, Buzenbou luôn quan sát xem người nào tốt bụng và người nào sống dối trá, tham lam để rồi ông cử các Tengu dưới cấp đến để trừng phạt người tham lam một bài học. Điều đặc biệt, nếu tôn thờ Yokai Tengu đúng cách, các vị thần mũi dài này sẽ giúp biến ước mơ của người thờ phụng thành hiện thực.

Tengu Buzenbou. Nguồn: nichibun.ac.jp

Những lễ hội Tengu nổi tiếng và 3 lưu ý không thể bỏ qua

Mỗi ngọn núi tại Nhật Bản được cho là nơi trú ngụ của một Tengu, và người dân đã lập ra các miếu thờ để tưởng niệm vị thần này. Bên cạnh đó, hàng năm, ở xứ Phù Tang còn diễn ra rất nhiều lễ hội liên quan đến Tengu.

Tại Shimokitazawa, Tokyo, lễ hội Tengu nổi tiếng có tên là Shimokita Tengu Matsuri diễn ra vào ngày 01/02 hằng năm trong kỳ nghỉ đông, gồm các cuộc diễu hành với đoàn người mang mặt nạ Tengu. Lễ hội dành sự tôn kính cho vị thần hộ mệnh Doryosatta đã trở thành một Tengu để bảo vệ ngôi chùa Shinryuji. Đặc biệt, tại Otaru, Hokkaido còn có một ngọn núi tên là Tengu và dĩ nhiên là cả lễ hội Tengu. Sở dĩ ngọn núi được đặt tên như vậy bởi có một vị Tengu sống trên núi, và cũng có giả thuyết cho rằng do hình dáng của núi giống với Tengu. Ở thành phố Numata, tỉnh Gunma, lễ hội Numata với màn diễu hành của khoảng 300 phụ nữ khiêng một mặt nạ Tengu khổng lồ với chiếc mũi siêu dài có tên là “Daitengu Mikoshi” cũng diễn ra vào ngày 16/6 hằng năm để tôn thờ vị thần sống ở núi Kashouzan. Chỉ phụ nữ mới được trao nhiệm vụ khiêng mặt nạ này vì nó được cho là sẽ ban phước lành đến việc sinh con.

Khoảng 300 phụ nữ đang khiêng mặt nạ Daitengu Mikoshi tại lễ hội Numata. Nguồn: visit-gunma.jpKhoảng 300 phụ nữ đang khiêng mặt nạ Daitengu Mikoshi tại lễ hội Numata. Nguồn: visit-gunma.jp

Nếu đến thành phố Toyokawa, tỉnh Aichi, lễ hội Donki diễn ra vào ngày 19/12 hằng năm với màn rượt đuổi phụ nữ và trẻ em của các nhân vật: con cáo trắng, Tengu đỏ và Tengu xanh cầm theo que dính sơn vô cùng kịch tích là sự kiện du khách không nên bỏ lỡ. Việc quẹt sơn vào người được cho là để cầu chúc sức khoẻ. Tại Osaka, một lễ hội Tengu có tên “Minoo Tengu” bắt nguồn từ thời Edo được tổ chức vào ngày 16/10 ở chùa Saikoji. Tại đây, nếu đánh trúng Tengu, phụ nữ sẽ có những đứa con ngoan ngoãn, lớn lên khoẻ mạnh và thông minh. Tại Furubira, Hokkaido, có tới hai lễ hội Tengu được tổ chức vào mùa hè và mùa thu. Lễ hội kết thúc bằng việc người đóng vai Tengu đi xuyên qua đống lửa.

Tuy nhiên, khi tham gia các lễ hội Tengu, du khách phải tuân thủ đúng 3 quy định sau:

  • Không xem lễ hội từ trên cao vì điều này đồng nghĩa với việc coi thường các vị Thần. Nếu những người đóng vai Tengu phát hiện ra điều này, họ sẽ nổi giận và ngừng di chuyển.
  • Không được phơi quần áo bên ngoài trong ngày diễn ra lễ hội vì bạn không nên để những thứ dơ bẩn bị các vị thần nhìn thấy. Một lần nữa, các Tengu cũng sẽ dừng lại đến khi bạn cất quần áo đi.
  • Không đi bộ trước Tengu vì cũng là điều xúc phạm đến các vị Thần. Nếu một đứa trẻ cố tình đi phía trước và bỏ chạy thì những người đóng vai Tengu cũng sẽ cố gắng bắt lấy và dùng gậy đánh nhẹ chúng như lời cảnh cáo.