eMagazine

#Kilalaseries#Naruhodo

Bài: Ái Thương Thiết kế: IN191

Những chiến binh Samurai từ lâu đã trở thành một biểu tượng của xứ anh đào. Nhắc tới Samurai, người ta nhớ ngay đến Bushido - cốt lõi của tinh thần Nhật Bản, huyền thoại về lòng trung thành của 47 lãng nhân từng được dựng thành phim và nhiều những giai thoại anh hùng khác. Tuy nhiên, bạn đã bao giờ thắc mắc cuộc sống của các Samurai thời xưa như thế nào?

Samurai là ai?

Bắt nguồn từ động từ “saburau - さぶらう” trong tiếng Nhật, mang nghĩa là “phụng sự, phục vụ”, khái niệm “Samurai - 侍” ra đời vào những năm 700 sau Công nguyên. Ban đầu, theo đúng nghĩa của từ “saburau”, họ là những người canh gác, bảo vệ cho các thành viên cấp cao của triều đình. Samurai được các lãnh chúa phong kiến (Daimyo) trọng dụng vì sở hữu những kỹ năng chiến đấu để bảo vệ lãnh thổ của họ trước kẻ thù.

Samurai Nhật Bản thời xưa.
Samurai Nhật Bản thời xưa. Ảnh: britannica
Tướng quân Minamoto no Yoritomo.
Tướng quân Minamoto no Yoritomo. Ảnh: ames.cam.ac.uk

Dần dà, võ sĩ Samurai được tổ chức thành các nhóm do những lãnh chúa nắm quyền lực chính trị lãnh đạo. Các lãnh chúa này đã thách thức chính quyền trung ương và chiến đấu với nhau để tranh giành quyền lực trên toàn cõi Nhật Bản. Minamoto no Yoritomo nổi lên và giành thắng lợi, sau đó ông thành lập chính quyền quân sự mới của tầng lớp Samurai do tướng quân (Shogun) lãnh đạo vào năm 1192. Và kể từ đó, tầng lớp võ sĩ đã thống trị Nhật Bản trong gần 700 năm, cho đến tận gần cuối thế kỷ 19.

Cuộc sống của các Samurai trong giai đoạn lịch sử này xoay quanh nhiều biến cố như: xung đột vũ trang, sự thay đổi quyền lực, giai cấp và địa vị xã hội. Kể từ cuối thời Kamakura (1185 - 1333), Samurai được huấn luyện để trở thành những chiến binh có văn hóa, kỷ luật. Và đến cuối thời Edo (1603 - 1868), giá trị về đạo đức của một võ sĩ dần được khẳng định trong một hệ thống nguyên tắc gọi là “Bushido” (Võ sĩ đạo), mà những ảnh hưởng của nó đến xã hội Nhật Bản hiện đại vẫn còn rất rõ nét.

Tướng quân Minamoto no Yoritomo.
Tướng quân Minamoto no Yoritomo.
Ảnh: ames.cam.ac.uk

Những câu chuyện và giai thoại về giới võ sĩ được ghi chép trong các tài liệu lịch sử lưu truyền qua nhiều thế kỷ, để ngày nay, họ trở thành một biểu tượng văn hóa thu hút nhiều người bỏ công nghiên cứu, tìm hiểu.

Những chiến binh được
đào tạo từ nhỏ

Những đứa trẻ được chọn để trở thành Samurai sẽ bắt đầu bước vào quá trình đào tạo kiếm sĩ trước khi lên 10, thậm chí là từ năm lên 3 tuổi. Việc đào tạo mỗi chiến binh nhí phụ thuộc vào hoàn cảnh tài chính của từng gia đình.

Samurai phải luyện kiếm thuật (Kenjutsu) từ khi còn nhỏ.
Samurai phải luyện kiếm thuật (Kenjutsu) từ khi còn nhỏ. Ảnh: budodragon

Trong các gia đình trung lưu, bé trai được cử đến học tại trường làng hoặc được cha, anh trai hay chú bác chỉ dạy. Còn với những nhà giàu có, họ sẽ đưa con cái của mình đến các trường đào tạo danh giá để học kỹ năng chiến đấu cùng kiến thức về văn học, nghệ thuật.

Samurai phải luyện kiếm thuật (Kenjutsu) từ khi còn nhỏ.
Samurai phải luyện kiếm thuật (Kenjutsu) từ khi còn nhỏ. Ảnh: budodragon

Võ thuật, kỹ năng dùng kiếm được coi là rất quan trọng. Samurai nhí học đấu kiếm gỗ khi 3 tuổi, và tới khi lên 5 sẽ phải dùng kiếm thật để tập luyện. Bên cạnh đó, đứa trẻ còn được dạy về cưỡi ngựa, bắn cung.

Ngoài kỹ năng chiến đấu, Samurai cũng được đào tạo trong các lĩnh vực như văn học và lịch sử. Sau thời Kamakura (1185 - 1333), Samurai là tầng lớp có học thức, giáo dục, thuộc kiểu "văn võ song toàn" (bunbu ryodo - 文武両道) và rất được coi trọng trong xã hội. Để trở thành những chiến binh thiện nghệ, mỗi Samurai cần có kiến thức chuyên môn về võ thuật và vũ khí. Họ dậy từ lúc 4 giờ sáng và dành cả ngày để học võ, học cách sử dụng kiếm Katana - loại vũ khí trở nên phổ biến trong thời kỳ Kamakura.

Tranh của Utagawa Kunisada I.
Tranh của Utagawa Kunisada I.
Ảnh: Wikipedia

Địa vị xã hội của Samurai

Cấu trúc xã hội thời Edo.
Cấu trúc xã hội thời Edo.

Đến tuổi trưởng thành, Samurai được giao đảm nhận nhiều vai trò, trong đó chủ yếu và được biết nhiều nhất là chiến đấu, phục vụ lãnh chúa hay chủ tướng. Sự trung thành của Samurai đổi lấy sự thừa nhận, địa vị xã hội cùng tài sản. Còn những Samurai vô chủ, hoạt động độc lập, không còn gắn kết gì với hệ thống chính trị sẽ được gọi là “Ronin - 浪人” (lãng nhân).

Cấu trúc xã hội thời Edo.
Cấu trúc xã hội thời Edo.

Theo hệ thống phân cấp thời Edo của Nhật, Samurai là tầng lớp chiến binh quý tộc và đứng thứ 5 trong hệ thống phân chia giai cấp Tokugawa. Các Samurai chiếm khoảng 10% dân số và hoạt động như những người lính phục vụ lãnh chúa trong mối quan hệ phong kiến “chủ nhân - chiến binh”. Các tầng lớp khác bị cấm sở hữu kiếm dài như Tachi hoặc Katana, nên việc mang theo cả kiếm dài và kiếm ngắn đã trở thành biểu tượng của tầng lớp võ sĩ.

Các Samurai khi phục vụ sẽ được lãnh chúa trả một khoản tiền trợ cấp. Ngoài ra, họ không được sở hữu đất đai - điều có thể mang lại cho họ thu nhập độc lập với nghĩa vụ của mình. Samurai thường sinh sống xung quanh lâu đài của các lãnh chúa, tạo ra một thị trấn thịnh vượng xung quanh dinh thự.

chiến binh samurai
Ảnh: Wikipedia

Bản thân tầng lớp Samurai cũng có sự phân chia cấp bậc: Samurai cấp cao được quyền trực tiếp diện kiến lãnh chúa và có thể nắm giữ những vị trí thân cận nhất bên cạnh chủ nhân, một số đủ giàu có để sở hữu các Samurai làm thuộc hạ cho mình. Samurai cấp trung giữ các chức vụ trong quân đội, chính quyền và có thể diện kiến lãnh chúa trong một số trường hợp cần thiết. Còn Samurai cấp thấp thường chỉ được trả công đủ sống và đảm nhiệm các công việc như người bảo vệ, người đưa tin, thư ký...

chiến binh samurai
Ảnh: Wikipedia

Các vị trí trong tầng lớp Samurai phần lớn là cha truyền con nối, nên những cá nhân tài năng sinh ra trong một gia đình thuộc cấp thấp cũng hiếm khi thay đổi được cấp bậc của mình.

Tinh thần Võ sĩ đạo và
ảnh hưởng của Thiền Tông

Samurai sống theo hệ thống quy tắc đạo đức được gọi là “Võ sĩ đạo” (Bushido - 武士道). Trong đó, quy tắc đầu tiên của một Samurai là phải trung thành với lãnh chúa và tướng quân của mình. Những nguyên tắc và nghĩa vụ của một Samurai được hình thành từ thời kỳ Kamakura, do Minamoto no Yoritomo lập ra nhằm mục đích xây dựng nên chính quyền dành riêng cho tầng lớp võ sĩ. Sau đó, Bushido dần được hoàn chỉnh vào thời kỳ Edo, khoảng đầu thế kỷ 17.

Bảy đức tính của một võ sĩ.
Bảy đức tính của một võ sĩ. Ảnh: Japan Avenue

Bên cạnh Võ sĩ đạo, trong cuộc sống của mình, Samurai còn tin theo Phật giáo Thiền Tông. Những người theo Thiền Tông thường tuân thủ một lịch trình thiền định nghiêm ngặt để tìm ra chân lý cùng sự hiểu biết thông qua tĩnh tâm và chế ngự bản thân.

Bảy đức tính của một võ sĩ.
Bảy đức tính của một võ sĩ.
Ảnh: Japan Avenue

Thiền được cho là giúp Samurai tập trung tư tưởng vào một sự việc hoặc một ý niệm nhất định, từ đó giúp họ hành động dứt khoát, mạnh mẽ trong chiến đấu và thư thái, điềm nhiên về mặt nội tâm.

Chế độ ăn đạm bạc

Phật giáo có ảnh hưởng sâu sắc đến phong tục ăn uống ở Nhật Bản thời phong kiến, vì vậy bữa ăn của Samurai ngày xưa rất thanh đạm. Do lệnh hạn chế nuôi gia súc, gia cầm làm thức ăn nên bữa ăn chỉ bao gồm gạo, rau củ, trái cây và các thực phẩm chế biến từ đậu nành.

Gạo là lương thực chính của Samurai và họ thường ăn gạo xát vỏ. Trước khi ra trận, các chiến binh đôi khi được thiết đãi một bữa ăn đặc biệt gồm tảo bẹ, hạt dẻ, bào ngư và uống rượu Sake.

Trang phục và
vũ khí đặc trưng

Đặc điểm nhận dạng của tầng lớp Samurai là họ xuất hiện nổi bật với áo giáp, mũ giáp đặc trưng khi ra trận. Bắt đầu từ thời Heian (794 - 1185), áo giáp khá linh hoạt, sử dụng các dải đồng hoặc sắt mạ da. Áo choàng lụa thường được mặc bên ngoài áo giáp trong thời gian này.

Khi kỹ thuật chế tác và nguồn tài nguyên mới được phát triển trong thời kỳ Kamakura, áo giáp của Samurai ngày càng trở nên phức tạp hơn. O-yoroi sang trọng và được trang bị các vũ khí mạnh sẽ do Samurai cấp cao mặc, trong khi Do-maru nhẹ hơn dành cho các Samurai bộ binh cấp thấp.

O-yoroi (trái) và Do-maru (phải).
O-yoroi (trái) và Do-maru (phải). Ảnh: Wikipedia

Về mũ giáp (Kabuto), chúng được làm từ sắt và thép, có nắp ở hai bên và phía sau để bảo vệ cổ người mặc, thường được điêu khắc, trang trí cầu kỳ. Những Samurai quyền quý còn gắn lên Kabuto biểu tượng gia tộc hoặc các vật trang trí khác như mặt nạ kim loại có tạo hình ma quỷ, hay râu ria làm từ lông bờm ngựa.

O-yoroi (trái) và Do-maru (phải).
O-yoroi (trái) và Do-maru (phải).
Ảnh: Wikipedia

Các Samurai để kiểu tóc Chonmage, cạo đầu phía trước và để búi tóc nhỏ trên đỉnh đầu. Trang phục thường ngày là Kimono, đến khoảng thế kỷ 12 thì thay bằng Hitatare, tới thời Edo chuyển sang mặc Kamishimo.

Chonmage - kiểu tóc của Samurai.
Chonmage - kiểu tóc của Samurai.
Ảnh: Wikipedia

Vũ khí thường thấy là kiếm Katana có chiều dài hơn 60cm và Wakizashi dài từ 30cm đến 60cm. Bên cạnh kiếm hay cung nỏ, họ còn sử dụng thứ vũ khí gọi là Naginata, tức một thanh mác gồm lưỡi dao dài 0,6m - 1,2m gắn trên trục gỗ dài 1,2m - 1,5m.

Chonmage - kiểu tóc của Samurai.
Chonmage - kiểu tóc của Samurai. Ảnh: Wikipedia
Katana gắn liền với hình ảnh của một Samurai.
Katana gắn liền với hình ảnh của một Samurai.
Ảnh: Swords Planet

Hôn sự

Hôn nhân thường được sắp xếp đối với các Samurai có địa vị cao, họ sẽ kết hôn với cô dâu thuộc gia đình Samurai có cùng đẳng cấp hoặc cấp cao hơn mình. Còn với những võ sĩ có địa vị thấp hơn, việc kết hôn với thường dân được chấp thuận. Trong những cuộc hôn nhân này, người phụ nữ sẽ mang của hồi môn đến và món tiền này được sử dụng để xây dựng tổ ấm mới của đôi vợ chồng.

Vào thế kỷ 13, Samurai nắm giữ quyền kiểm soát đối với vợ và gia đình của họ. Đặc biệt các Samurai có thể ly hôn và kết hôn lần thứ hai, thậm chí lần thứ ba cũng là chuyện bình thường.

Seppuku - cái chết danh dự
của một võ sĩ

Tướng quân Akashi Gidayu chuẩn bị Seppuku sau khi thua trong trận chiến bảo vệ chủ nhân vào năm 1582.
Tướng quân Akashi Gidayu chuẩn bị Seppuku sau khi thua trong trận chiến bảo vệ chủ nhân vào năm 1582.
Ảnh: Tokyo Metro Library

Danh dự là thứ quý giá nhất đối với một Samurai, họ sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng cho chủ nhân của mình. Nếu thất bại trong chiến đấu hay vi phạm tinh thần Bushido, họ sẽ tự sát theo nghi thức “Seppuku - 切腹” (còn được gọi là “Harakiri - 腹切り”). Đây là một hình thức để mỗi Samurai khôi phục lại danh dự của bản thân thông qua việc hy sinh tính mạng của mình.

Tướng quân Akashi Gidayu chuẩn bị Seppuku sau khi thua trong trận chiến bảo vệ chủ nhân vào năm 1582.
Tướng quân Akashi Gidayu chuẩn bị Seppuku sau khi thua trong trận chiến bảo vệ chủ nhân vào năm 1582. Ảnh: Tokyo Metro Library

Samurai thực hiện hình phạt Seppuku sẽ được tắm rửa thật sạch sẽ và mặc một chiếc áo dài màu trắng. Dụng cụ thực hiện nghi thức được đặt trên đĩa gồm một thanh kiếm ngắn Wakizashi hoặc một con dao Tanto được bọc giấy. Sau đó, Samurai cầm dao lên và đâm vào bụng mình, đưa lưỡi dao từ trái sang phải, cắt và mở tung bụng ra. Kaishakunin - một Samurai khác đứng sau và chém gần như đứt lìa đầu của người bị phạt sau khi anh ta tự mổ bụng.

Một số Samurai lựa chọn cách chết đau đớn hơn, gọi là “Jumonji-giri - 十文字切り”, hay “cắt hình chữ thập”. Trong cách mổ bụng này, Samurai sẽ tiếp tục cắt vết thứ hai sâu hơn sau vết thứ nhất; vị chiến binh cứ thế chịu đựng việc mất máu rồi lấy đôi bàn tay che khuôn mặt và ra đi từ từ trong yên lặng.

thời đại samurai kết thúc
Ảnh: Ranker

Năm 1868 bắt đầu cuộc Duy tân Minh Trị, báo hiệu cho sự kết thúc của thời đại Samurai. Hệ thống quân chủ lập hiến của Thiên hoàng Minh Trị bao gồm những cải cách dân chủ như giới hạn nhiệm kỳ cho các quan chức nhà nước và bỏ phiếu toàn dân. Với sự ủng hộ của công chúng, quyền lực của các lãnh chúa đã bị hạn chế, và tầng lớp Samurai bị loại bỏ khỏi xã hội Nhật Bản.

Tuy các Samurai không còn tồn tại, nhưng sự tự tôn và kỷ luật của họ đã tìm thấy một “nơi trú ngụ” trong thời hiện đại. Từ các phi công Kamikaze (Thần Phong) lái máy bay cảm tử của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai, đến các võ sĩ và thậm chí cả doanh nhân hiện đại, họ xem Võ sĩ đạo như là kim chỉ nam để sống một cuộc đời đầy danh dự.