Là một quốc gia hiện đại, dẫn đầu về công nghệ nhưng tại đất nước Mặt trời mọc, có những điều mà phần còn lại của thế giới xem là lỗi thời vẫn còn tồn tại.
Bối cảnh thanh toán toàn cầu đang được tái định hình trong vài năm qua. Đặc biệt khi đại dịch COVID-19 bùng phát, quá trình số hóa càng được thúc đẩy nhanh chóng, các phương thức thanh toán mới như ví điện tử trở nên thiết yếu với mọi người và tiền mặt không còn là lựa chọn hàng đầu.
Tuy nhiên, bất chấp “giao dịch không tiền mặt” hay thậm chí là “thanh toán không tiếp xúc” đang ngày càng phát triển ở nhiều quốc gia, tiền mặt vẫn được xem là “vua” ở xứ Phù Tang.
Tại châu Á, trong khi hai “gã hàng xóm” Trung Quốc và Hàn Quốc được vinh danh là những quốc gia dẫn đầu về thanh toán không dùng tiền mặt và sẽ tiếp tục là những nhà lãnh đạo tiên phong cho xu hướng này trong thập kỷ tới, Nhật Bản lại góp mặt trong top 3 nước giao dịch tiền mặt nhiều nhất, cùng với hai quốc gia đang phát triển là Thái Lan và Việt Nam.
Theo báo cáo của FIS*, công ty xử lý thanh toán và ngân hàng của Hoa Kỳ, xét theo giá trị giao dịch trực tiếp của khu vực năm 2022, Nhật Bản có tỷ lệ sử dụng tiền mặt ở mức 51%, chỉ xếp sau Thái Lan (56%) và thậm chí cao hơn cả Việt Nam (47%).
*Báo cáo thường niên của FIS theo dõi xu hướng thanh toán của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến và ở các điểm bán hàng tại 40 quốc gia, nền kinh tế.
Tại xứ sở hoa anh đào, việc sử dụng tiền mặt cực kỳ phổ biến, và khách du lịch cũng thường được nhắc nhở luôn mang theo tiền mặt khi đến Nhật Bản. Sự phát triển có phần chậm chạp của các giao dịch không dùng tiền mặt có phải là do khoa học công nghệ nước này đang có sự trì trệ và lạc hậu so với những quốc gia láng giềng?
Tất nhiên câu trả lời chắc chắn là không. Được mệnh danh là “cường quốc công nghệ”, sự phát triển của khoa học kỹ thuật xứ Phù Tang thậm chí đã lên đến tầm “vũ trụ” thì việc chuyển đổi số hóa trong giao dịch thanh toán không phải là vấn đề.
Thực tế, các lựa chọn thay thế cho tiền mặt không hoàn toàn khan hiếm ở Nhật, tỷ lệ sở hữu thẻ tín dụng bình quân đầu người thậm chí còn ngang bằng với các nền kinh tế tiên tiến khác. Bên cạnh phương thức thanh toán bằng thẻ, các ứng dụng thanh toán điện tử tại Nhật cũng đa dạng không kém, có thể kể đến như PayPay, LinePay, Mercari Pay, Rakuten Pay, dBarai, Apple Pay, Google Pay, Au Pay, QuicPay...
Vậy đâu là lý do thực sự khiến tiền mặt vẫn là lựa chọn số một giữa xã hội Nhật Bản hiện đại?
Cũng như máy bán hàng tự động, các máy rút tiền vô cùng phổ biến ở xứ sở hoa anh đào. Tính đến tháng 9 năm 2022, các ngân hàng địa phương đã lắp đặt hơn 29,6 nghìn máy rút tiền trên khắp Nhật Bản, Ngân hàng Bưu điện Nhật Bản (có trụ sở chính ở Tokyo) ghi nhận 31,8 nghìn máy.
Các máy rút tiền có thể được tìm thấy tại nhiều nơi, từ cửa hàng tiện lợi (combini) đến các bưu điện hay dọc theo ga tàu... Sự phân bố rộng khắp của máy rút tiền giúp người dân dễ dàng tiếp cận với tiền mặt hơn và hoàn toàn có thể rút tiền bất cứ lúc nào.
Mặt khác, các máy rút tiền cũng mang lại nguồn thu lớn (phí giao dịch) cho các ngân hàng, vì vậy việc sử dụng tiền mặt, các loại máy để rút tiền càng được khuyến khích.
Trong tiếng Nhật có một cụm từ là “tansu yokin - タンス預金” (tạm dịch: khoản tiết kiệm trong ngăn kéo), đề cập đến việc giữ một số tiền lớn ở nhà thay vì gửi vào tài khoản ngân hàng, tách biệt với chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Phương pháp cất giữ tiền này mang lại kha khá lợi ích như khoản tiết kiệm có thể tự do sử dụng bất cứ lúc nào hay không bị ảnh hưởng bởi các biến động của kinh tế... Vì vậy, bất chấp việc đa dạng hóa các khoản đầu tư có thể mang lại lợi ích kinh tế, một số người Nhật vẫn lựa chọn “tansu yokin” vì cảm giác an toàn khi cất giữ tiền mặt.
Theo kết quả một cuộc khảo sát do nền tảng trực tuyến chuyên về dữ liệu thị trường và người tiêu dùng Statista thực hiện hồi đầu năm 2021, hơn 90% người Nhật được hỏi cho biết tiền mặt là phương thức thanh toán họ sử dụng nhiều nhất.
Về lý do tại sao người tiêu dùng Nhật ưa thích tiền mặt, Statista cho rằng tính bảo mật và độ tin cậy của nó được đánh giá cao. Hơn 55% số người tham gia khảo sát nói rằng những lo ngại về rò rỉ thông tin cá nhân là nhược điểm lớn của các lựa chọn không dùng tiền mặt. Gần 42% lo lắng về việc thẻ tín dụng và thông tin tài khoản bị đánh cắp, điều này có thể khiến kẻ trộm sử dụng tài khoản của họ để thanh toán những hóa đơn khổng lồ.
Mặt khác, khoảng 38% cảm thấy thanh toán không dùng tiền mặt khiến họ ít nhận thức được số tiền mình đã chi tiêu, làm tăng nguy cơ tiêu xài quá nhiều.
Với vị trí nằm dọc theo Vành đai lửa Thái Bình Dương, khu vực có nhiều động đất và núi lửa phun trào nhất thế giới, mỗi năm Nhật Bản phải đối mặt với vô số thảm họa thiên nhiên.
Mỗi khi thiên tai xảy ra đều có nguy cơ dẫn đến mất điện kéo dài trong nhiều ngày. Và khi không có điện, các thanh toán điện tử lập tức trở nên vô dụng. Người dân đất nước Mặt trời mọc thường được khuyên nên chuẩn bị bộ dụng cụ khẩn cấp với những vật dụng cần thiết như thực phẩm, nước đóng chai, và một thứ không thể bỏ qua: tiền mặt.
Một lý do quan trọng khiến người Nhật không ngại tích trữ tiền mặt bên mình đó là sự yên tâm về mức độ an toàn của quốc gia. Nhật Bản là đất nước có tỷ lệ tội phạm thấp nhất thế giới. Về cơ bản, số lượng vụ móc túi, đột nhập và trộm cắp... ở mức thấp nên mọi người không có cảm giác lo sợ khi đi lại với hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm nghìn yên trong người. Ngay cả khi bạn lỡ đánh mất ví tiền, bạn vẫn có cơ hội được trả lại với vẹn nguyên số tiền bên trong.
Có lẽ an ninh tốt khiến người dân không cảm thấy quá cấp bách phải thực hiện các giao dịch hàng ngày bằng phương thức ngoài tiền mặt.
Dẫu cho tiền mặt có những ưu điểm không thể phủ nhận, nhưng với những lợi ích tiềm năng, các hình thức giao dịch “không tiền mặt” được dự báo sẽ đóng vai trò chủ đạo trong tương lai. Khi phần lớn các quốc gia tiên tiến trên toàn thế giới đều đang dần chuyển đổi, nhất là chứng kiến sự phát triển thần tốc các thanh toán điện tử ở hai nền kinh tế hàng đầu khu vực khác là Hàn Quốc và Trung Quốc, có lẽ Nhật Bản cũng sẽ nhanh chóng đẩy nhanh quá trình hướng đến “xã hội không tiền mặt”.