eMagazine
trống taiko nhịp đập trái tim nhật bản

Bài: SAMThiết kế: TAKOẢnh: PIXTA, taikojapan.com

Những lễ hội độc đáo, nhiều màu sắc được tổ chức xuyên suốt bốn mùa trong năm đã trở thành một trong những nét văn hóa đại diện cho đất nước Mặt trời mọc. Và trong những lễ hội ấy, không thể nào thiếu đi âm thanh rộn ràng, nhiều màu sắc của chiếc trống Taiko.

Có lẽ chúng ta đã không còn xa lạ với “Washitsu – 和室” (phòng kiểu Nhật), “Washoku – 和食” (ẩm thực truyền thống Nhật) hay “Wagashi – 和菓子” (những loại bánh kẹo có nguồn gốc từ Nhật Bản)... Người Nhật thường đặt chữ “ – Hòa” (Wa) trước từ chỉ những thứ thuộc về truyền thống của Nhật Bản, điều làm nên đặc trưng văn hóa tại xứ sở hoa anh đào. Trong đó, khó mà bỏ qua chiếc trống “Wadaiko – 和太鼓”, hay còn được gọi tắt là Taiko, linh hồn của những lễ hội với âm thanh truyền cảm mạnh mẽ, làm rung động trái tim con người suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử.

Lịch sử lâu đời
của Taiko

Trống Nhật Bản Taiko (太鼓) được cho là xuất hiện từ thời kỳ Jomon như một phương tiện để truyền đạt thông tin. Mặc dù có sự khác biệt so với hình dáng hiện tại, chiếc trống được làm bằng đất nung bọc da đã được tìm thấy từ tàn tích và trong những ngôi mộ cổ có niên đại từ thời kỳ này.

Vào thời Trung cổ, do sự phát triển của lễ hội biểu diễn “Dengaku – 田楽”, việc sử dụng trống để đệm nhạc cũng trở nên phổ biến hơn. Trong thời Chiến quốc, những tiếng trống mạnh mẽ, hào hùng còn được sử dụng để chỉ huy và giúp tăng nhuệ khí cho binh lính, dẫn đến sự ra đời của “Jindaiko – 陣太鼓”, tức trống quân đội.

Taiko trong nghệ thuật Nhã nhạc Gagaku
Taiko trong nghệ thuật Nhã nhạc Gagaku

Đến thời kỳ Edo, ngoài việc dùng trống để đệm cho các sự kiện và lễ hội, những người yêu thích Taiko đã tụ tập để cùng biểu diễn, từ đó xuất hiện các cuộc thi về nghệ thuật và kỹ năng đánh trống.

Sau Thế chiến II (1945), nhiều nhóm Taiko nghiệp dư bắt đầu phát triển và lan rộng. Vào năm 1951, Daihachi Oguchi, người sáng lập nhóm Osuwa Daiko, đã sáng tạo nên “Kumi Daiko – 組太鼓", một hình thức biểu diễn độc lập, không còn gắn với lễ hội hay nghi lễ tôn giáo và có sự kết hợp của nhiều loại trống Taiko khác nhau. Sự xuất hiện của các nhóm Taiko chuyên nghiệp đã tiếp tục kế thừa và truyền bá nét văn hóa truyền thống của Nhật Bản ra toàn thế giới.

Giai đoạn từ những năm 1970 đến 1990 ở Nhật Bản được xem như thời kỳ Phục hưng của trống Taiko. Hoạt động của Osuwa Daiko và các nhóm trống khác vào những năm 1960, đặc biệt là buổi biểu diễn Taiko tại Thế vận hội Tokyo năm 1964 đã tạo nên sự bùng nổ yêu thích với trống trong nhiều thập kỷ tiếp theo.

Ngày nay, Taiko xuất hiện khắp nơi như trong lễ hội, các vở kịch Kabuki, kịch Noh và cả những màn trình diễn độc lập Kumi Daiko trên sân khấu.

Phân loại Taiko

Taiko nhìn chung có thể chia làm ba loại chính: Nagado Daiko, Shime Daiko và Okedo Daiko.

Nagado Daiko (長胴太鼓)

Trong ba loại trống kể trên, Nagado Daiko được biết đến rộng rãi nhất khi thường xuyên xuất hiện trong các lễ hội và nghi lễ tại đền chùa. Tên gọi của trống xuất phát từ việc nó có phần thân dài hơn so với đường kính mặt trống. Ngoài ra, Nagado Daiko còn có tên gọi khác là “Miya Daiko – 宮太鼓" vì thường được chơi ở các đền thờ (“Miya – ” nghĩa là đền thờ).

Thân trống được làm bằng gỗ cứng và chắc như gỗ keyaki (một loại cây thuộc họ cây du), hình dạng khá giống một thùng rượu. Khúc gỗ được khoét rỗng, phơi khô từ 3 đến 5 năm, sau đó căng lớp da bò lên trên và cố định bằng đinh tán.

Đặc điểm của Nagado Daiko là âm thanh được cộng hưởng trong phần thân rỗng, vang rất xa. Vào thời Edo, nó được sử dụng như một chiếc trống để thông báo thời gian từ lâu đài hoặc được chơi trong các buổi đấu vật Sumo hay kịch Kabuki.

Trong các loại trống hiện nay, Nagado Daiko được sử dụng khi cần thể hiện sự mạnh mẽ, hào hùng.

Nagado Daiko
Nagado Daiko

Shime Daiko (締め太鼓)

Shime Daiko là một loại trống nhỏ hơn và có âm vực cao hơn so với Nagado Daiko. Điều này một phần là do kích thước của nó, phần là do phương pháp chế tác khác nhau. Hai mặt của trống đều là da bò, được bọc qua một vòng kim loại sau đó xâu lại với nhau bằng dây. Âm thanh của trống cao và nhẹ hơn Nagado Daiko, thường xuất hiện trong Nagauta (loại nhạc truyền thống chơi bằng đàn Shamisen trong kịch Kabuki) hay kịch Noh.

Shime Daiko
Shime Daiko

Okedo Daiko (桶胴太鼓)

Khác với Nagado Daiko, thân trống được làm bằng cách ghép các tấm gỗ dài lại với nhau. Loại gỗ thường được sử dụng là gỗ cây tuyết tùng (sugi).

Nó có thiết kế dây tương tự như Shime Daiko nhưng lớn hơn và khá nhẹ nên thường được đeo lên vai. Điều này cho phép tay trống tự do di chuyển, vừa nhảy múa vừa chơi trống.

Okedo Daiko
Okedo Daiko

Bên cạnh đó còn nhiều loại trống khác, trong đó có những Taiko với đường kính lên tới gần 2m được gọi là “Odaiko – 大太鼓”, không chỉ dùng trong biểu diễn mà còn được đặt tại các đền thờ như một vật trưng bày linh thiêng.

Okedo Daiko
Okedo Daiko
Odaiko
Odaiko
Điệu múa Shishi Odori (điệu múa của loài nai) tại lễ hội Kitakami Michinoku Geino Matsuri, tỉnh Iwate
Điệu múa Shishi Odori (điệu múa của loài nai)
tại lễ hội Kitakami Michinoku Geino Matsuri, tỉnh Iwate

Taiko trong văn hóa
truyền thống của
người Nhật

Trong nhã nhạc Gagaku có hai loại Taiko được sử dụng, một cho dàn nhạc hòa tấu và một cho khiêu vũ. Taiko được đặt trước sân khấu, và cứ mỗi khi kết thúc một phân đoạn của buổi diễn, trống Taiko sẽ được gõ một nhịp. Còn ở loại hình nghệ thuật Kabuki và Kyogen, Taiko được sử dụng để tạo nên các hiệu ứng âm thanh cho vở kịch. Âm thanh tạo ra bởi những chiếc dùi trống thon dài nghe như tiếng hạt mưa rớt trên mái nhà, hay tiếng “ton, ton” nhẹ nhàng của những bông tuyết phát ra từ đầu dùi trống được bọc vải. Thậm chí, nó cũng dùng để diễn tả những âm thanh trừu tượng như âm thanh khi một hồn ma xuất hiện…

Bên cạnh đó, nếu bạn đã biết tới “Matsuri Bayashi – 祭囃子” – loại nhạc đệm được chơi trong các lễ hội Nhật Bản thì cùng với sáo “Shinobue – 篠笛” và nhạc cụ “Sho – ”, Taiko là một phần không thể thiếu để tạo nên âm thanh đặc trưng của lễ hội. Tại đây, những nhạc công khoác lên mình trang phục truyền thống như áo khoác Happi hay Hanten, đánh trống Nagado Daiko hoặc đeo Okedo Daiko đi diễu hành, hòa chung với đó là những điệu múa vui nhộn, đẹp mắt.

Trống Taiko trong điệu múa Bon Odori tại lễ Obon
Trống Taiko trong điệu múa Bon Odori tại lễ Obon

Taiko trong xã hội
hiện đại

Không những hàm chứa ý nghĩa văn hóa, lịch sử độc đáo, Taiko còn mang giá trị tuyệt vời về mặt tinh thần mà người dân Nhật Bản vẫn luôn cố gắng gìn giữ, phát triển cho đến ngày hôm nay. Tính đến năm 2021, có hàng nghìn nhóm Taiko đã được thành lập và số lượng người chơi loại nhạc cụ này cũng lên đến hàng triệu người.

Ngoài các hiệp hội bảo tồn âm nhạc, số lượng các nhóm trống chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư, câu lạc bộ Taiko tại trường học cũng ngày càng tăng dần. Nhiều trường tiểu học, nhà trẻ và trường mẫu giáo cũng đưa trống Taiko vào giảng dạy, không chỉ giúp trẻ tìm hiểu về nhạc cụ mà thông qua đó khám phá lịch sử và nét đẹp truyền thống của Nhật Bản.

Khi nói về lợi ích của việc chơi trống Taiko, có thể kể đến hai điểm quan trọng sau:

Sức mạnh của sự đoàn kết: Phong cách chủ đạo của Taiko là biểu diễn theo nhóm. Bằng cách kết hợp âm thanh và kết nối với đồng đội, trẻ nhỏ có thể học được cách hòa đồng và hợp tác, còn với người lớn, đó chính là tinh thần “teamwork”. Khi cả nhóm cùng tham gia biểu diễn, bản thân thứ âm nhạc họ tạo ra đã vô cùng đặc biệt. Bạn không thể làm điều đó một mình, nhưng lại hoàn toàn có thể với sự hỗ trợ từ bạn bè và đồng đội.

Giảm stress và tăng cường sức khỏe: Đánh trống với tất cả sức mạnh sẽ giúp giải tỏa căng thẳng. Không chỉ là một động tác đánh tay mà Taiko còn là một bài tập toàn thân. Phương pháp đánh trống của Nhật Bản sẽ yêu cầu sự vận động uyển chuyển của toàn bộ cơ thể, do đó hữu ích cho việc rèn luyện cơ thể của trẻ em lẫn người lớn, hỗ trợ ngăn ngừa thoái hóa cột sống và đau mỏi vai gáy.

Nhóm Drum Tao thành lập năm 1993 mang đến làn gió hiện đại khi kết hợp trống và nhảy múa.
Nhóm Drum Tao thành lập năm 1993 mang đến
làn gió hiện đại khi kết hợp trống và nhảy múa.

Hiện nay, ước tính có khoảng 1.000 nhóm Taiko ở Hoa Kỳ và Canada. Sự yêu thích đối với nhạc cụ này đã lan rộng ra cả Châu Âu, Úc và Nam Mỹ. Không phân biệt giới tính, tuổi tác hay quốc tịch, mọi người đều thích sự đơn giản, chân thực từ tiếng trống Taiko. Thậm chí, một số nhóm Taiko bao gồm cả những người khiếm thính. Họ có thể chơi trong một buổi hòa nhạc nhờ cảm nhận được rung động từ những người chơi khác, đó là sức mạnh kỳ diệu của Taiko.

Taiko là nhịp đập trái tim của Nhật Bản, là giai điệu ngân vang trong suốt chiều dài lịch sử xứ Phù Tang. Giờ đây, nó đang dần trở thành một ngôn ngữ âm nhạc phổ quát giúp các dân tộc trên thế giới xích lại gần nhau hơn. Taiko mang theo tiềm năng vô hạn, với thực tế rằng Kumi Daiko là phong cách được sáng tạo và phát triển trong thời gian tương đối ngắn. Truyền thống nhưng mới mẻ, đó chính là những chiếc trống Taiko.