Vào năm 2009, bộ phim tài liệu về thực trạng đánh bắt cá heo và cá voi tại Nhật Bản mang tên “Vùng Vịnh” (The Cove) do cựu phóng viên ảnh của National Geographic – Louie Psihoyos – làm đạo diễn đã làm dấy lên làn sóng phản đối trên toàn thế giới. Bộ phim được quay chủ yếu tại thị trấn Taiji, tỉnh Wakayama, Nhật Bản, nơi có lịch sử săn bắt cá heo và cá voi từ thế kỷ thứ 17.
Mặc dù bộ phim gây được tiếng vang lớn trên thế giới, đem lại cho đoàn làm phim 25 giải thưởng danh giá, trong đó có giải Oscar thứ 82 cho hạnh mục “Phim tài liệu xuất sắc nhất” năm 2010 nhưng lại khiến cho người dân vùng Taiji nói riêng và các vùng biển chuyên săn bắt cá voi nói chung tại Nhật thật sự nổi giận. Họ cho rằng những thước phim này đem đến cái nhìn phiến diện cho thế giới về tập tục săn bắt cá heo, cá voi có từ lâu đời ở Nhật. Thậm chí, những người bảo thủ ở Nhật Bản còn gắn mác bộ phim là “chống Nhật” và tẩy chay dữ dội, yêu cầu các rạp ngừng phát hành bộ phim. Chỉ có một số ít người Nhật ủng hộ bộ phim với lí do: chính người Nhật cũng nên biết sự thật về tập tục này.
Chưa dừng lại ở đó, vào năm 2015, nữ đạo diễn phim tài liệu người Nhật – Koike Yagi – đã cho ra mắt bộ phim “Behind the Cove: the Quiet Japanese speak out” (tạm dịch: “Đằng sau Vùng Vịnh: sự đáp trả của những người Nhật thầm lặng”). Đúng với tên gọi, bộ phim chính là lời đáp trả cho bộ phim Vùng Vịnh năm nào khi mang đến cho các khán giả trên thế giới cái nhìn đa chiều về tập tục săn bắt cá voi đã có từ lâu đời ở Nhật. Theo bộ phim này, đối với người Nhật, cá voi không chỉ là nguồn thực phẩm mà còn là biểu tượng của văn hóa tín ngưỡng ở nhiều địa phương.
Từ thế kỷ thứ 17, người Nhật đã bắt đầu sáng tạo ra kỹ thuật đánh bắt cá voi. Ngoài mục đích chính là dùng thịt cá voi làm thực phẩm, người Nhật thời bấy giờ còn tận dụng những bộ phận khác của cá voi vào sinh hoạt thường ngày, chẳng hạn như dùng mỡ cá voi để làm dầu đốt và xà phòng, hoặc ủ phân từ nội tạng cá,…
Trước chiến tranh thế giới thứ 2, việc săn bắt cá voi ở Nhật là hoạt động tự do. Tuy nhiên thịt cá voi cũng không phải là nguồn cung cấp đạm chính trong các bữa ăn gia đình người Nhật. Thịt cá voi chỉ là thức ăn mang tính lựa chọn, có người ăn và cũng có người không ăn.
Sau thất bại trong chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản chịu tổn thất nặng nề và lâm vào tình trạng thiếu thốn trên mọi phương diện, khắp nơi đói kém. Để cải thiện tình trạng, Đại tướng Hoa Kỳ là ông Douglas MacArthur – người giám sát công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh tại Nhật khi ấy – đã quyết định sử dụng thịt cá voi để bổ sung vào nguồn thực phẩm vốn đang khan hiếm. Douglas MacArthur đã cho sửa các tàu chở dầu thành các tàu chuyên săn bắt cá voi. Từ đó, thịt cá voi đã trở thành nguồn thực phẩm thiết yếu trên toàn nước Nhật. Năm 1954, “Đạo luật ăn trưa” do chính phủ ban hành bắt buộc trong thực đơn bữa trưa của học sinh Nhật Bản phải có thịt cá voi để cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em.
Nhiều năm sau đó, khi kinh tế Nhật dần dần được khôi phục, nguồn thực phẩm cũng trở nên đa dạng hơn với nhiều sự lựa chọn như thịt heo, thịt bò, thịt gà… Đây cũng chính là lúc thế hệ sau của Nhật Bản đã không còn sử dụng cá voi như nguồn thực phẩm chính nữa. Đến năm 1986, Ủy ban Cá voi Quốc tế (IWC) – trong đó có Nhật là thành viên – đã ra lệnh cấm đánh bắt cá voi với mục đích thương mại để bảo tồn số lượng cá voi. Nhật Bản đành ngậm ngùi chấp thuận tuân theo luật. Tuy nhiên một năm sau đó, tức năm 1987, Nhật Bản đã thành lập “Học viện nghiên cứu cá voi” để tiếp tục quay trở lại con đường săn bắt loài cá khổng lồ này thông qua tuyên bố sẽ phục vụ cho mục đích khoa học. Tuy nhiên sau đó người Nhật cũng bị chỉ trích dữ dội từ các tổ chức bảo vệ môi trường và hội bảo vệ động vật khi lợi dụng vỏ bọc “nghiên cứu khoa học” để săn bắt cá voi phục vụ cho mục đích thương mại.
Sau nhiều lần bị tố tụng và chỉ trích từ các nước phương Tây, năm 2019 Nhật Bản chính thức rút khỏi Ủy ban cá Voi quốc tế để tiếp tục săn bắt cá voi trong địa phận lãnh hải và đặc quyền kinh tế riêng của mình.
Cá voi đúng là nguồn thực phẩm quan trọng với người Nhật sau chiến tranh thế giới thứ 2 – giai đoạn mà người Nhật phải kiến thiết lại đất nước từ những đổ vỡ hậu chiến. Nhưng những năm sau này, khi kinh tế Nhật đã phát triển, nguồn thực phẩm dồi dào, lớp trẻ đã có nhiều sự lựa chọn hơn. Đặc biệt kể từ năm 1987, sau lệnh cấm săn bắt cá voi thương mại của Ủy ban Cá voi Quốc tế, thì thịt cá voi đã bị loại khỏi thực đơn của học sinh Nhật Bản. Cộng với việc bị hạn chế săn bắt, thịt cá voi trở nên khan hiếm trên thị trường, trẻ em từ thời này cũng không có khái niệm ăn thịt cá voi nữa.
Theo một cuộc khảo sát năm 2006, có tới hơn 90% người Nhật chia sẻ rằng họ “Rất hiếm khi ăn” và thậm chí là “Chưa từng ăn thịt cá voi”. Trong bối cảnh bị dư luận quốc tế lên án sâu sắc về hành vi săn bắt cá voi, nhiều lớp trẻ người Nhật cũng đã nói không với việc ăn thịt cá voi. Từ đây, ở Nhật đã xảy ra hai luồng ý kiến về việc săn bắt cá voi.
Những người hệ bảo thủ cho rằng cá voi chính là món ăn mang nét văn hóa Nhật Bản bởi vì tổ tiên người Nhật đã có tập tục săn bắt và ăn thịt cá voi từ lâu đời. Đặc biệt là những người tầng lớp trước vốn đã trải qua những năm tháng mà thịt cá voi là thực đơn chính trong các bữa ăn hàng ngày. Họ vẫn muốn giữ lại truyền thống ăn thịt cá voi như là một cách bảo vệ nét văn hóa từ xa xưa của người Nhật. Họ cho rằng việc cấm săn bắt cá voi trong khi vẫn vô tư giết hại những loài vật khác là không mang tính logic.
“Những người nước ngoài lên án mạnh mẽ việc săn bắt cá voi của Nhật Bản là xúc phạm lên các giá trị truyền thống của người Nhật” – một người lớn tuổi tại Nhật cho hay. Trong những thước phim trong “Behind the Cove”, những ngư dân vùng Taiji cho rằng người phương Tây ăn thịt bò, thịt heo thì người Nhật ăn thịt cá voi, vì vậy không có lí do gì người Nhật lại phải hứng chịu sự chỉ trích này. Ngoài ra, không chỉ riêng Nhật Bản, trên thế giới vẫn còn nhiều nước như Na Uy, Iceland, vùng Alaska của Mỹ,… cũng có hoạt động đánh bắt cá voi, cá heo nhưng không chịu nhiều áp lực như Nhật Bản. Đây cũng là lí do khiến người Nhật Bản gọi làn sóng tẩy chay này là sự phân biệt chủng tộc của phương Tây.
Còn đối với các nhà hoạt động vì môi trường và các hội bảo vệ động vật nói chung, hành vi săn bắt và ăn thịt cá voi là tàn ác và gây hại đến môi trường, đem đến nguy cơ tuyệt chủng cho một số loài cá voi thuộc giống loài quý hiếm. Họ yêu cầu Nhật Bản nên bãi bỏ tập tục này để bảo tồn số lượng của loài động vật này.
Có thể nói rằng, văn hóa săn bắt và ăn thịt cá voi đã xuất hiện từ rất lâu đời ở Nhật, và đã có giai đoạn nó trở thành một nền công nghiệp thiết yếu đem đến hàng tỷ đô cho nền kinh tế Nhật Bản. Tuy nhiên, thời gian trôi qua, cuộc sống của con người thay đổi, tư duy và nhận thức của những người trẻ cũng đã khác đi. Đánh bắt phải đi đôi với bảo tồn, đặc biệt là đối với những giống loài quý hiếm như cá voi.
Thịt cá voi có còn là món ăn được ưa chuộng như thời quá khứ không? Câu trả lời cho tương lai của ngành công nghiệp này sẽ vẫn còn là dấu chấm hỏi. Việc có thể duy trì văn hóa hay ngành công nghiệp săn bắt cá voi sẽ còn tùy thuộc vào phản ứng của những thế hệ người Nhật sau này. Mà văn hóa nào cũng có thể thay đổi khi thời cuộc thay đổi.