eMagazine
0%

Ở Nhật Bản, Shokunin tượng trưng cho điều thiêng liêng và cao quý, không chỉ được thể hiện trong các sản phẩm thủ công, thực phẩm mà còn xuyên suốt trong đời sống và công việc của người dân Nhật Bản. Khái niệm này xuất phát từ nền tảng văn hóa mạnh mẽ, trong đó nhấn mạnh việc theo đuổi sự hoàn hảo đến từng chi tiết cũng như sự tập trung và nhiệt tình trong công việc.

Shokunin là gì?

Shokunin - 職人 có thể tạm dịch là nghệ nhân hoặc thợ thủ công. Tuy nhiên trên thực tế, không có một từ nào kể cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh có thể truyền tải toàn bộ ý nghĩa của Shokunin. Shokunin đại diện cho một khái niệm văn hóa và triết học ăn sâu vào xã hội Nhật Bản, phản ánh cam kết của một người đối với công việc của họ, đó là sự tận tâm, thành thạo và không ngừng cải tiến.

Shokunin là những nghệ nhân dành cả cuộc đời cho ngành nghề truyền thống.
Shokunin là những nghệ nhân dành cả cuộc đời cho ngành nghề truyền thống. Ảnh: Fun! Japan

Shokunin không coi công việc của họ chỉ là phương tiện kiếm sống, mà còn là hành trình suốt đời hướng đến sự thành thạo. Sự cống hiến này được thúc đẩy bởi niềm đam mê với lĩnh vực họ đã chọn, cam kết không ngừng nghỉ hướng đến sự xuất sắc, ý thức trách nhiệm bảo tồn và truyền lại kỹ năng của họ cho thế hệ tiếp theo.

Tư duy của một Shokunin

Một trong những khía cạnh cơ bản của một Shokunin là sự theo đuổi không ngừng nghỉ để đạt đến sự thành thạo, được gọi là “Shokunin Katagi” (tinh thần của nghệ nhân). Tinh thần này bắt nguồn từ những nghệ nhân bậc thầy và thợ thủ công thời Heian (794 – 1185), những người có tình yêu và sự cống hiến vô song cho nghề thủ công của họ.

Điều này bao gồm việc đạt được tay nghề cao, bồi dưỡng sự hiểu biết sâu sắc về vật liệu, công cụ và bối cảnh văn hóa xung quanh nghề thủ công của họ. Trong quá trình làm nghề, Shokunin luôn tìm cách tinh chỉnh các kỹ thuật của họ để ngày một hoàn thiện hơn, đồng thời họ coi những thách thức và thất bại là cơ hội để phát triển, hơn là những trở ngại.

Thủ công.
Ảnh: esence

Tư duy của Shokunin cũng nhấn mạnh mối liên hệ chặt chẽ với vật liệu mà họ sử dụng. Cho dù đó là một thợ mộc chọn gỗ hoàn hảo hay một đầu bếp chọn nguyên liệu tươi theo mùa, Shokunin luôn trân trọng và tin rằng chất lượng vốn có của nguyên vật liệu tác động sâu sắc đến sản phẩm cuối cùng.

Những người đó dành cả cuộc đời để làm quen hoàn toàn với các vật liệu tự nhiên mà họ đã chọn. Họ “lắng nghe” các vật liệu để hiểu được tình trạng độc đáo của chúng bởi thiên nhiên là thứ khó có thể kiểm soát được và luôn thay đổi.

Những yếu tố tạo nên một Shokunin

Ngay cả bản thân từ Shokunin đã mang một ý nghĩa bao quát và rộng lớn nên không có một công thức chung để trở thành một Shokunin. Tuy nhiên, tất cả những Shokunin đều sở hữu những phẩm chất mà họ tin rằng điều đó sẽ giúp cho lĩnh vực mà họ theo đuổi thành công hơn.

Chăm chút cho từng tiểu tiết

Những người thợ thủ công luôn nỗ lực để đạt được sự xuất sắc trong từng chi tiết, theo đuổi sự hoàn hảo và không dễ dàng thỏa hiệp. Họ thậm chí không ngừng thách thức giới hạn chuyên môn trong lĩnh vực của mình bằng những tác phẩm có độ khó cao hơn.

Thợ thủ công.
Ảnh: esence

Tận tâm và đam mê công việc

Những người thợ thủ công thường tràn đầy nhiệt huyết và kiên trì với công việc của mình. Họ tập trung vào từng chi tiết và đưa tư duy của mình vào mọi quá trình sản xuất. Tôn chỉ “không lơ là” cũng có thể là tinh thần cốt lõi của họ.

Tư duy học tập và phát triển

Những người thợ thủ công sẵn sàng liên tục học hỏi và phát triển. Họ sẽ không tự mãn vì kỹ năng vượt trội của mình, thay vào đó, họ luôn khám phá và thử nghiệm các công nghệ, cũng như phương pháp mới để nâng cao tay nghề của mình.

Vòng tay hiện đại có họa tiết cây nguyệt quế, lá thông và hoa mẫu đơn.
Vòng tay hiện đại có họa tiết cây nguyệt quế, lá thông và hoa mẫu đơn. Ảnh: Nippon

Giữ vững niềm tin

Những người thợ thủ công luôn giữ vững niềm tin của mình, không bị ảnh hưởng bởi xu hướng thị trường và áp lực bên ngoài, đồng thời làm ra những sản phẩm mà họ cho là mang lại giá trị lâu dài.

Cân bằng truyền thống và đổi mới

Những người thợ thủ công trân trọng và kế thừa nghề thủ công cổ xưa nhưng họ không bảo thủ mà luôn dũng cảm đổi mới, kết hợp giữa nghề thủ công truyền thống với thiết kế hiện đại để thổi sức sống mới vào sản phẩm. Đó cũng là cách thu hút nhiều người trẻ đến với các lĩnh vực truyền thống.

Shokunin hiện diện trong các lĩnh vực

Đồ gốm

Hosai Matsubayashi - thế hệ thứ 16 tại xưởng gốm 400 năm tại vùng trà nổi tiếng Uji. Xưởng của ông làm ra những dụng cụ cho nghi lễ trà đạo cũng như đồ gốm thủ công để sử dụng trong việc thưởng thức trà hàng ngày.

Hosai Matsubayashi.
Hosai Matsubayashi. Ảnh: Hole & Corner

Bất chấp những sản phẩm gốm được sản xuất hàng loạt với giá cả phải chăng đến từ Trung Quốc, Hosai cùng những người thợ trong xưởng của mình vẫn miệt mài mang đến những sản phẩm gốm tôn vinh vẻ đẹp và sự tôn kính dành cho trà đạo.

Hosai Matsubayashi.
Hosai Matsubayashi. Ảnh: Hole & Corner
Những sản phẩm gốm độc đáo từ xưởng của nghệ nhân Hosai.
Những sản phẩm gốm độc đáo từ xưởng của nghệ nhân Hosai. Ảnh: gchicco

Điều khiến những sản phẩm của Hosai trở nên đặc biệt đến từ việc tận dụng những kỹ thuật truyền thống khi sử dụng lò nung thủ công cũ, kết hợp các đặc tính tự nhiên của đất sét với các kỹ thuật nung đặc biệt để điều chỉnh mức độ oxy hóa. Điều này tạo ra hiệu ứng loang lổ đặc trưng có thể nhìn thấy trong nhiều tác phẩm.

Đồ đựng bằng gỗ

Bất chấp sự lên ngôi của đồ nhựa khiến những xô gỗ dùng hàng ngày gần như đã tuyệt chủng, Shuji Nakagawa – Nghệ nhân chế tác gỗ thế hệ thứ ba, vẫn đang tái tạo nghề thủ công truyền thống của mình bằng cách thiết kế và tạo ra những sản phẩm bằng gỗ truyền thống nhưng phục vụ cho thị hiếu hiện đại, bao gồm cả những chiếc ghế đẩu đẽo gọt tinh xảo và bình đựng rượu sâm panh.

Shuji Nakagawa.
Shuji Nakagawa. Ảnh: gp-j

Công việc hàng ngày của Shuji được ông miêu tả là những lần sáng tạo thông qua quá trình lặp lại vô tận các công việc bào và tách những mảnh gỗ, để từ đó những tác phẩm có giá trị cao được ra đời. Hiện nay những đồ vật ông tạo ra được được săn đón trên toàn thế giới.

Sản phẩm gỗ tinh xảo được hoàn thiện dưới bàn tay của nghệ nhân Shuji.
Sản phẩm gỗ tinh xảo được hoàn thiện dưới bàn tay của nghệ nhân Shuji. Ảnh: Hand of design

Sơn mài

Keikou Nishimura là nghệ nhân sơn mài thế hệ thứ ba, chuyên về Uwa-nuri - bước cuối cùng của quá trình sơn mài. Keikou Nishimura là đại diện cho thế hệ Shokunin ứng dụng những kỹ thuật hiện đại vào truyền thống.

Keikou Nishimura sơn mài.
Ảnh: Hole & Corner

Sử dụng các đặc tính tự nhiên của cây urushi được áp dụng cho lõi gỗ mỏng như giấy, ông đã phát minh ra một kỹ thuật mới cho phép đồ sơn mài tự nhiên có hình dạng cong đẹp mắt. Với kỹ thuật mới này, Nishimura tạo ra các tác phẩm điêu khắc nhấn mạnh vẻ đẹp của kỹ thuật tiện gỗ tinh tế của Kyoto, cũng như các đồ dùng sơn mài truyền thống của Nhật Bản để sử dụng trong trà đạo và trong cuộc sống hàng ngày.

Đan tre

Chiemi Ogura có xuất phát điểm khá đặc biệt vì cô không phải “con nhà nòi” trong lĩnh vực thủ công. Sinh ra tại một thị trấn nhỏ ở miền đông Nhật Bản, lòng ngưỡng mộ đối với nghề thủ công tinh xảo đã đưa Chiemi đến Kyoto để theo đuổi sự nghiệp nghệ nhân.

Chiemi Ogura.
Chiemi Ogura. Ảnh: Nippon

Cô tiếp tục kiên trì tự mình học hỏi để nâng cao tay nghề thủ công của mình lên đến trình độ của một Shokunin, thành công trong việc thiết lập phong cách và kỹ thuật của riêng mình. Sử dụng các mẫu dệt truyền thống phức tạp, tác phẩm của Chiemi có vẻ ngoài hiện đại, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng ở mọi lứa tuổi.

Ogura bắt đầu đan giỏ bằng cách chồng các sợi tre lên nhau.
Ogura bắt đầu đan giỏ bằng cách chồng các sợi tre lên nhau. Ảnh: Nippon

Ẩm thực

Từ Shokunin không chỉ gói gọn trong những lĩnh vực thủ công, mà tất cả những ngành nghề mà người thợ đặt cái tâm cũng như kỹ thuật vào đó đều có thể trở thành Shokunin.

Để thành thạo các kỹ năng đòi hỏi cao để trở thành một Sushi Shokunin, giống như bất kỳ nghề truyền thống nào của Nhật Bản, cần có sức mạnh nội tại và sự cống hiến không ngừng nghỉ, Jiro Ono là một đại diện tiêu biểu.

Ông trở thành đầu bếp sushi ở tuổi 26 và mở nhà hàng sushi của mình có tên là Sukiyabashi Jiro tại ga tàu điện ngầm Ginza, Tokyo, Nhật Bản vào năm 1965. Hiện nay dù nhà hàng của ông được công nhận ba sao Michelin nhưng Jiro vẫn miệt mài làm việc tại nhà hàng của mình.

Đầu bếp Jiro Ono.
Đầu bếp Jiro Ono. Ảnh: eOne Films

Gần 6 thập kỷ, Jiro Ono vẫn giữ được đam mê với công việc mỗi ngày của mình “Tiền đối với tôi không phải là mối quan tâm hàng đầu. Tất cả những gì tôi muốn là làm ra những món sushi ngon hơn. Tôi làm đi làm lại một việc nhưng luôn cải thiện từng chút một và khao khát đạt được nhiều thành tựu hơn. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng đạt đến đỉnh cao dù không ai biết đỉnh cao ở đâu. Ngay cả ở độ tuổi của tôi, sau nhiều thập kỷ làm việc, tôi vẫn không nghĩ mình đã đạt được sự hoàn hảo. Nhưng tôi cảm thấy vui sướng cả ngày, tôi thích làm sushi”.

Shokunin và tính bền vững

Tính bền vững vốn có trong tinh thần của Shokunin phản ánh mối liên hệ sâu sắc với thiên nhiên và cam kết bảo tồn các hoạt động truyền thống cho các thế hệ tương lai. Shokunin thường sử dụng các vật liệu tự nhiên và kỹ thuật truyền thống, ưu tiên độ bền và tính thân thiện với môi trường của các sáng tạo của họ. Sự nhấn mạnh vào độ bền và thiết kế vượt thời gian không chỉ giảm thiểu chất thải mà còn phù hợp với các hoạt động tiêu dùng bền vững.

Bản chất trong công việc của Shokunin là sử dụng và hòa hợp với thiên nhiên.
Bản chất trong công việc của Shokunin là sử dụng và hòa hợp với thiên nhiên. Ảnh: esence

Ngoài ra, bản chất của công việc Shokunin thúc đẩy một mô hình bền vững, giảm lượng khí thải carbon liên quan đến sản xuất hàng loạt và vận chuyển đường dài. Bằng cách kết hợp liền mạch truyền thống với tư duy sinh thái, Shokunin góp phần tạo nên di sản văn hóa và môi trường bền vững.

Các bạn có thể đọc thêm về Shokunin trong Chuyên đề Shokunin tháng 09.