Là một trong những nét đặc sắc của văn hóa xứ Phù Tang, võ thuật Nhật Bản với đa dạng loại hình từ truyền thống đến hiện đại, không chỉ là những môn thể thao nâng cao sức khỏe mà còn là phương thức để người Nhật tôi luyện tinh thần, rèn giũa cốt cách.
Nhắc đến các môn võ có xuất xứ từ Nhật Bản, người ta thường nghĩ đến Karate, Judo hay Akido... Tuy nhiên, bên cạnh những cái tên quen thuộc đó, đất nước Mặt trời mọc còn là quê hương của Kendo, một môn võ sử dụng kiếm được hình thành và phát triển từ cuộc sống và nền tảng tinh thần của các chiến binh Samurai.
“剣道 – Kendo” hay còn gọi là Kiếm đạo, là môn võ thuật lâu đời của Nhật Bản được phát triển từ các kỹ thuật kiếm truyền thống và nền tảng tinh thần của các võ sĩ xưa.
Trong tiếng Nhật, “剣 – Ken” có nghĩa là kiếm và “道 – Do” là đạo, vì vậy Kendo có thể hiểu là “đạo dùng kiếm”. Kendo bắt nguồn từ kinh nghiệm của các võ sĩ được huấn luyện để sử dụng “日本刀 – Nihonto” (kiếm Nhật) trong chiến đấu. Qua quá trình huấn luyện, các võ sĩ Samurai có được sự chiêm nghiệm đặc biệt về “các nguyên tắc của thanh kiếm”.
Người ta tin rằng, thông qua việc học Kiếm đạo với quá trình huấn luyện nghiêm ngặt trong việc sử dụng kiếm, một người có thể hiểu được “các nguyên tắc của kiếm”. Tuy nhiên, phần quan trọng là phải thấm nhuần tư tưởng, tinh thần Võ sĩ đạo có liên quan đến những nguyên tắc này.
Đây cũng là lý do ngày nay Kendo không chỉ là một môn thể thao nâng cao sức khỏe mà còn được coi như một phương thức để rèn luyện và phát triển tính cách con người.
Có thể nói, sự xuất hiện của kiếm Nhật Nihonto là khởi nguồn cho sự ra đời của Kiếm đạo Nhật Bản.
Vào giữa thời kỳ Heian (794-1185), những thanh kiếm với đặc trưng như độ cong cùng đường gờ nổi dọc theo chiều dài lưỡi kiếm được sản xuất bởi các thợ rèn Nhật Bản là một vũ khí không thể thiếu của các võ sĩ.
Kiếm trở thành biểu tượng cho tinh thần Võ sĩ đạo và thường được coi là hiện thân của “tâm trí” các chiến binh Samurai. Việc sản xuất kiếm cũng phát triển mạnh mẽ như một nghệ thuật thể hiện sức mạnh và vẻ đẹp.
Từ thời Chiến Quốc (1467–1603) cho đến giai đoạn đầu của thời Edo (1603–1868), các trường dạy kiếm thuật "剣術 - Kenjutsu” lần lượt được thành lập.
Trong khoảng thời gian nước Nhật trải qua giai đoạn thái bình dưới thời Edo, kiếm thuật không còn đặt nặng tính chiến đấu, vũ lực mà dần chuyển trọng tâm sang việc tu dưỡng nhân cách, hình thành tinh thần kỷ luật.
Cùng với đó, các dụng cụ trong tập luyện Kendo cũng có sự thay đổi cho phù hợp với ý nghĩa này. Vào thế kỷ 18, áo giáp bảo vệ trong huấn luyện tương tự như loại được sử dụng trong Kiếm đạo ngày nay đã phát triển.
Song song, một phương pháp huấn luyện kiếm thuật an toàn hơn với việc sử dụng kiếm tre “竹刀 – Shinai” đã bén rễ. Do đó, phong cách thi đấu kiếm thuật mới đã trở nên phổ biến và lan rộng khắp Nhật Bản vào khoảng cuối thời kỳ Edo. Đến đầu thế kỷ 20, loại hình đào tạo kiếm thuật "撃剣 - Gekiken" hoặc "剣術 - Kenjutsu ” được đổi tên thành “剣道 - Kendo” như ngày nay.
Mặc dù được xem là ẩn thân của những giá trị cốt lõi trong tinh thần Võ sĩ đạo, Kiếm đạo từng phải trải qua những giai đoạn khó khăn bởi bối cảnh thời cuộc.
Sau cuộc Duy Tân Minh Trị (1868-1889), cùng với việc tầng lớp võ sĩ Samurai bị xóa bỏ và lệnh cấm đeo kiếm được ban hành, Kendo Nhật Bản đã bị mai một cho đến sau Chiến tranh Seinan năm 1877 (cuộc nổi loạn của các cựu Samurai ở phiên Satsuma chống lại triều đình Thiên hoàng Minh Trị), bộ môn võ thuật này mới có dấu hiệu phục hưng trở lại.
Năm 1912, Dai Nippon Teikoku Kendo Kata được thành lập để thống nhất việc truyền dạy lại kiếm thuật cho các thế hệ tương lai. Tuy nhiên, sau Thế chiến thứ hai, Kiếm đạo lần nữa bị cấm vì được xem là bộ môn thực hành quân sự. Đến năm 1952, Liên đoàn Kiếm đạo Nhật Bản được thành lập và đến năm 1954 chính thức được công nhận.
Ngày nay, Kendo đã trở thành một bộ môn đại diện cho võ đạo hiện đại của Nhật Bản, chứa đựng những lý tưởng cơ bản về sự hoàn thiện bản thân được đặt nền tảng trên tinh thần của Võ sĩ đạo.
Kiếm tre "竹刀 - Shinai" và áo giáp bảo vệ "剣道防具 - Kendo bogu" là những vật dụng cơ bản của bộ môn Kiếm đạo. Kiếm tre với sự mềm dẻo và tính đàn hồi được sử dụng để giảm lực tác động lên đối thủ trong các đòn đánh. Khi đã nhập môn Kiếm đạo, võ sinh cần phải dành sự tôn trọng tuyệt đối cho Shinai, không được quăng quật lung tung hay dựa lên thanh kiếm...
Kích thước của kiếm tre được Liên đoàn Kiếm đạo Quốc tế quy định cho các cuộc thi và có sự khác nhau tùy vào độ tuổi, cân nặng cũng như chiều cao của người luyện kiếm.
Mặc dù Kendo sử dụng kiếm tre để giảm thiểu chấn thương cho người luyện tập nhưng áo giáp bảo vệ vẫn là một vật dụng thiết yếu. Với tổng thể được bọc thép, những chiếc giáp Kendo bogu giúp bảo vệ phần đầu, thân, cánh tay và chân của võ sinh.
Trải qua những tháng năm lịch sử hình thành và phát triển đầy thăng trầm, Kendo giờ đây là một trong những bộ môn thể thao nâng cao thể chất và tinh thần mà mọi lứa tuổi, giới tính đều có thể luyện tập.
Gắn liền với tinh thần Võ sĩ đạo, niềm tự hào văn hóa của người dân xứ sở Phù Tang, Kendo hay Kiếm đạo không chỉ là nền tảng kỹ thuật dùng kiếm mà còn là câu chuyện về rèn luyện tinh thần, tôi rèn nhân cách, hướng đến những giá trị cao đẹp như nhân đức, công bằng chính trực, tư cách cao thượng, trí tuệ minh mẫn, trung tín...
Để có thể chơi tốt Kiếm đạo, võ sinh phải luyện tập thuần thục các đòn cơ bản, quá trình đó giúp nâng cao sự dẻo dai của cơ thể đồng thời rèn luyện sự tập trung, tính độc lập.
Lễ nghi cũng là một phần quan trọng không kém trong Kendo, phản ánh nét đặc trưng trong phép xã giao của người dân xứ Phù Tang. Tôn trọng đối thủ mọi lúc là cách người luyện kiếm nuôi dưỡng thái độ khiêm tốn, trọng thị không chỉ trong Kiếm đạo mà cả bên ngoài cuộc sống.
Không chỉ là “đạo dùng kiếm”, Kendo còn được tin rằng là bộ môn giúp hoàn thiện và phát triển bản thân cả về thể chất, tinh thần lẫn trí tuệ, góp phần hình thành lối sống tích cực có thể áp dụng trong nhiều khía cạnh đời thường.
Chính vì vậy, vượt ra khỏi biên giới quốc gia, Kiếm đạo Nhật Bản đã nhận được sự yêu thích và say mê rộng rãi trên khắp thế giới.