eMagazine
0%

Trên sân khấu kịch Kabuki tại xứ Phù Tang, phụ nữ đã biến mất kể từ thời Mạc phủ Tokugawa và thay thế cho họ là những nam nhân đảm nhận vai nữ. Được gọi là Onnagata, cho đến nay, đây vẫn là hình tượng không thể thiếu trong bộ môn nghệ thuật biểu diễn truyền thống này, đồng thời có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa đại chúng.

Sự ra đời của Onnagata

Onnagata (女形 hay 女方) là thuật ngữ chỉ vai nữ và những diễn viên nam đảm nhiệm vai nữ trong kịch Kabuki. Khái niệm này bắt nguồn từ một sự kiện lịch sử khiến nam giới thống trị loại hình sân khấu cổ điển này của Nhật Bản.

Theo ghi chép của người xưa, nghệ thuật Kabuki được khai sinh bởi Izumo no Okuni, một Miko (vu nữ) của đền Izumo. Vào thời Edo, đoàn kịch Kabuki chỉ gồm nữ giới (gọi là Onna-kabuki), họ cùng nhau dựng và biểu diễn những vở kịch hay, khiến dân chúng lẫn giới quý tộc đều yêu thích cuồng nhiệt.

Izumo no Okuni trong trang phục của Samurai.
Izumo no Okuni trong trang phục của Samurai. Ảnh: Wikipedia
Izumo no Okuni trong trang phục của Samurai.
Izumo no Okuni trong trang phục của Samurai. Ảnh: Wikipedia

Tuy nhiên thế sự đã thay đổi khi vào năm 1629, Mạc phủ Tokugawa ban hành lệnh cấm nữ giới biểu diễn kịch Kabuki. Việc các sân khấu này phổ biến với cả người ở tầng lớp cao lẫn thấp trong xã hội đã trở thành “cái gai" trong mắt Mạc Phủ - vốn chỉ muốn giới quý tộc gắn kết với nhau. Cuối cùng, lấy lý do tình trạng mại dâm phổ biến ở các nữ diễn viên Kabuki, làm suy đồi đạo đức xã hội, phụ nữ đã bị loại bỏ khỏi sân khấu.

Ukon Genzaemon – người được xem là Onnagata đầu tiên.
Ukon Genzaemon – người được xem là Onnagata đầu tiên. Ảnh: alamy

Sau đó, Wakashu-kabuki (Kabuki của các thiếu niên nam), loại hình vốn cũng đang được biểu diễn vào thời điểm đó đã bắt đầu trở nên phổ biến. Tuy nhiên cuối cùng nó cũng bị cấm do vi phạm đạo đức xã hội.

Rốt cuộc, Kabuki trở thành nơi “độc diễn” của các diễn viên nam trưởng thành, được gọi là Yarou-kabuki. Và vì một vở kịch khó lòng thiếu các vai nữ, các đoàn Kabuki đã nghĩ ra ý tưởng cho diễn viên nam hóa trang rồi diễn vai nữ trên sân khấu. Kiểu diễn viên chuyên biệt này chính là Onnagata.

Thời điểm ấy Ukon Genzaemon (sinh khoảng năm 1622 tại vùng Kansai và qua đời vào cuối những năm 1670) là một Onnagata nổi tiếng. Ông được cho là nam diễn viên đầu tiên vào vai Onnagata trên các sân khấu kịch Kabuki.

Ukon Genzaemon – người được xem là Onnagata đầu tiên.
Ukon Genzaemon – người được xem là Onnagata đầu tiên. Ảnh: alamy

Trở thành một Onnagata

Yoshizawa Ayame I (1673 - 1729) - một diễn viên kịch Kabuki lừng danh đã từng chia sẻ về công việc của ông trong cuốn Ayamegusa (Lời của Ayame) rằng: “Một diễn viên là Onnagata lành nghề thì phải sống như một người phụ nữ trong cuộc sống hằng ngày”

Theo ông, để hoàn thiện nghệ thuật Onnagata, nam diễn viên cần phải quan sát, học tập và sống như một phụ nữ, như thế mới có thể diễn ra nét nữ tính trên sân khấu.

Để trở thành một Onnagata không phải điều dễ dàng. Các nam diễn viên cần trải qua nhiều năm đào tạo và rèn luyện, sao cho chuyển động của họ phải duyên dáng khi bước đi trên đôi guốc gỗ geta, phải toát lên được phong thái yểu điệu, dịu dàng và giọng nói phải mang tông cao của nữ giới.

Một diễn viên là Onnagata lành nghề thì phải sống như một người phụ nữ trong cuộc sống hằng ngày.

Các Onnagata không bắt chước điệu bộ của nữ giới trong thực tế mà họ tạo ra hình ảnh người phụ nữ trên sân khấu bằng sức mạnh của nghệ thuật. Điều này đòi hỏi một quá trình luyện tập tâm huyết từ tư thế, cử chỉ đến kiểu trang điểm và cách nhập vai. 

Và vai diễn Onnagata có quy định chung buộc các nam diễn viên phải tuân thủ.

Về tư thế cơ bản, Onnagata cần hạ vai thấp và kéo hai bả vai lại để vai trông hẹp hơn; khi bước đi, hai bàn chân hướng vào trong, cẩn thận giữ cho hai đầu gối sát nhau; chuyển động cổ và tay phải thể hiện nét nữ tính.

Kiểu trang điểm của Onnagata sẽ phụ thuộc vào đặc điểm độ tuổi, nét đặc sắc của mỗi nhân vật. Thường các nam diễn viên sẽ trải qua những bước trang điểm cơ bản như sau: 

Đầu tiên, nam diễn viên bôi bintsuke abura (một loại sáp làm từ thực vật) lên toàn bộ khuôn mặt, đánh viền mắt bằng màu đỏ, sau đó thoa oshiroi – một loại bột màu trắng lên khắp mặt và cổ.

Tiếp đến, họ thoa mizu-beni (bột màu đỏ son trộn với nước) lên vùng da từ lông mày đến má. Họ đánh mắt bằng bút kẻ mắt (mehari) và nhấn vào vùng khóe mắt. Nhân vật trẻ tuổi thường kẻ mắt màu son đỏ còn vai trung niên thì pha trộn thêm chút đen để màu mắt có phần dịu đi, trông già dặn hơn.

Make up onnagata
Ảnh: wearejapan.tumblr.com

Lông mày cũng được vẽ bằng mizubeni mang sắc đen để tạo sự mềm mại và quyến rũ. Về môi thì có một thủ thuật đặc biệt là đường viền của môi được vẽ ở bên trong môi thật để khiến đôi môi diễn viên trông nhỏ hơn. Môi của các vai phản diện được tô bằng màu đen hơn, còn vai bị bệnh hoặc đang hấp hối thường được bôi oshiroi lên để thể hiện sự nhợt nhạt, thiếu sức sống.

Onnagata trang điểm.
Ảnh: gaijinpot

Về trang phục, tùy thuộc vào mỗi dạng vai mà có những tạo hình khác nhau. Nam diễn viên sẽ mặc trang phục của mình bên ngoài quần áo lót như váy lót kedashi và áo lót juban. Trang phục của mỗi nhân vật sẽ có kiểu dáng, màu sắc và thiết kế khác nhau. Sau khi mặc trang phục, Onnagata sẽ thắt Obi - loại đai quấn ở phần thắt lưng cho trang phục Nhật Bản truyền thống. 

Onnagata gắn lọn tóc giả gọi là Hime-jike buông xuống sau tai và đội bộ tóc giả lên. Kiểu tóc và đồ trang trí trên tóc tùy thuộc vào vai diễn, vì vậy những bộ tóc giả Kabuki luôn được làm mới sau mỗi màn trình diễn. Oshiroi được thoa lên tay cuối cùng để tránh làm bẩn trang phục và tóc giả, nam diễn viên lau Oshiroi khỏi lòng bàn tay và móng tay.

Trang phục.
Ảnh: wearejapan.tumblr.com
Ảnh wearejapantumblrcom.
Ảnh: wearejapan.tumblr.com

Cụ thể, cách trang điểm và trang phục của mỗi thể loại nhân vật nữ sẽ có những đặc điểm riêng biệt như sau: 

  • Vai Akahime (Công chúa đỏ) thường mặc Uchikake (loại Kimono trang trọng) màu đỏ, tóc và gương mặt được tô vẽ một cách lộng lẫy, rực rỡ thiên về sắc đỏ. 
  • Kiểu vai Musume (Con gái) có hai tạo hình. Machi-musume (con gái sống ở thành phố) thường mặc bộ Kimono màu sắc rực rỡ và Obi được buộc sao cho những phần dài buông thõng xuống. Mặt khác, Inaka-musume (con gái sống ở quê) có trang phục với màu sắc và hoa văn đơn giản, thường là màu xanh lá cây hoặc xanh nhạt.
  • Vai Nyoboyaku (Người vợ) cũng có hai dạng. Đó là Sewa-nyobo (vợ thường dân) đảm đang, dịu dàng, chu đáo, họ thường mặc bộ Kimono có tông màu nhẹ nhàng, cổ áo đen cùng thắt lưng Obi, gương mặt được trang điểm với phần lông mày bị làm mờ. Dạng vai khác là Kata-hazushi (vợ hoặc cung nữ/người hầu của Samurai) thì thường khoác Uchikake bên ngoài Kimono và Obi, trang phục thường mang sắc đỏ, phần trang điểm thường làm mờ đi lông mày.
Tamasaburo Bando – diễn viên Kabuki của Nhật Bản nổi tiếng với các vai Onnagata.
Tamasaburo Bando – diễn viên Kabuki của Nhật Bản nổi tiếng với các vai Onnagata. Ảnh: Yahoo! JP
  • Vai Keisei là kiểu vai kỹ nữ hạng cao nhất, hội tụ sự xinh đẹp, trí thông minh và được nhiều người theo đuổi. Để đóng vai này, nam diễn viên sẽ đeo một chiếc Obi đặc biệt lớn với những đồ trang trí lộng lẫy gắn trên bộ trang phục rực rỡ, xa hoa; bộ tóc giả được búi cao và trang trí bằng nhiều chiếc lược cùng trâm cài kanzashi. Khi diễn Keisei, nam diễn viên mang geta cao và đi theo kiểu hachimonji (hình chữ Bát - 八).
Phục sức lộng lẫy của một Keisei.
Phục sức lộng lẫy của một Keisei. Ảnh: tjapan.jp
  • Vai Akuba (ác nữ), kiểu nhân vật phản diện này thường được trang điểm làm mờ lông mày, trang phục có họa tiết ca-rô lớn và để kiểu tóc được gọi là uma no shippo (đuôi ngựa), trong đó tóc được búi thấp, lỏng lẻo ở phía sau đầu.
  • Vai Fukeoyama (phụ nữ lớn tuổi) có tạo hình với bộ tóc giả màu trắng và làm mờ lông mày, nhiều diễn viên còn đeo một tấm vải màu tím gọi là boshi trên trán để che đi đường chân tóc. Trang phục của Fukeoyama có màu sắc và hoa văn đơn giản. Nếu là vai mẹ trong một gia đình samurai, thì diễn viên diễn với dáng người thanh lịch, lưng luôn thẳng. Còn nếu nhân vật là mẹ của một thường dân thì sẽ được diễn theo cách khiến lưng còng xuống.
Phục sức lộng lẫy của một Keisei.
Phục sức lộng lẫy của một Keisei. Ảnh: tjapan.jp

Tầm ảnh hưởng của Onnagata

Sân khấu kịch Kabuki vươn đến thời hoàng kim vào thế kỷ 18 và lúc đó Onnagata rất được trọng dụng. Những nam diễn viên diễn vai nữ được mến mộ, chào đón như các “mỹ nhân” nổi danh khắp vùng. Vì vậy có nhiều nam diễn viên đã hóa thành phụ nữ ở đời thực, ngay cả khi không biểu diễn.

Onnagata vẫn tồn tại và phát triển rực rỡ cho đến tận ngày nay. Ngay cả khi nữ giới đã được quay lại sân khấu kể từ thời Minh Trị, họ vẫn phải chịu cảnh “lép vế”, không còn lấy lại hào quang như xưa khi so với Onnagata.

Hiện nay, ảnh hưởng của Onnagata đối với văn hóa Nhật Bản cũng rất mạnh mẽ. Không chỉ xuất hiện trên sân khấu kịch Kabuki mà họ còn là đề tài trong tiểu thuyết, phim ảnh.

Onnagata cũng đóng vai trò quan trọng, tác động đến sự “nữ tính hóa” trong hoạt động nghệ thuật giải trí tại xứ Nhật, đặc biệt với văn hóa Visual-kei. Đây là kiểu văn hóa với phong cách thời trang độc đáo được sinh ra bởi J-Rock qua những nét đặc trưng như tô son môi tối màu, đeo nhiều khuyên tai và ăn vận mang vẻ nữ tính.

Diễn viên Nakamura Jakuemon IV - “Bảo vật quốc gia sống” của Nhật Bản.
Diễn viên Nakamura Jakuemon IV - “Bảo vật quốc gia sống” của Nhật Bản. Ảnh: Wikipedia

Trong xã hội Nhật Bản, Onnagata là một công việc được tôn trọng, họ được xem là những nghệ sĩ thực lực “có tâm và có tầm”, tạo nên nét đặc sắc trong việc phát huy nghệ thuật biểu diễn truyền thống của dân tộc. Có rất nhiều nghệ sĩ Onnagata đã được vinh danh như Nakamura Jakuemon IV (1920-2012), ông từng được Hoàng gia và Chính phủ Nhật chứng nhận là “Bảo vật sống của quốc gia” vào năm 1991.