#Kilalaseries#Naruhodo
Khi người Nhật chọn yên nghỉ
bên dưới những gốc cây
Tại đất nước mặt trời mọc, khi mộ phần còn đắt đỏ hơn giá nhà đất, nhiều người đã chọn gửi gắm thân xác và linh hồn mình về với tự nhiên, bên dưới những gốc cây.
Quá trình đô thị hóa cùng sự gia tăng dân số khiến đất đai dành để chôn cất dần trở thành một điều xa xỉ. Ở các thành phố lớn trên thế giới, tình trạng thiếu nghĩa trang đang diễn ra vô cùng trầm trọng. Các quốc gia đã có những bước chuyển đổi để thích nghi và đối phó với tình hình, như tại Israel, Hiệp hội mai táng của đất nước này hiện đang xây dựng một nghĩa trang 16 tầng ở độ sâu 50m dưới lòng đất nhằm giải quyết sự thiếu hụt trên.
Tuy nhiên, xây dựng thêm không gian chôn cất không phải là cách duy nhất. Tại Nhật Bản, chính quyền đã nghĩ ra một giải pháp khác vừa giúp tiết kiệm không gian, lại hòa hợp với quan niệm của người Nhật về sự sống, đó là mộc thụ táng - hình thức mai táng dưới gốc cây.
Xã hội Nhật Bản tồn tại nhiều tín ngưỡng khác nhau, trong đó phổ biến nhất là Thần đạo (Shinto) và Phật giáo. Tuy nhiên, khi người thân của mình qua đời, đa số người Nhật sẽ chọn tổ chức tang lễ theo nghi thức của đạo Phật. Theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội Người tiêu dùng Nhật Bản (JCA), 90,1% đám tang Nhật Bản được tiến hành theo nghi thức của đạo Phật, 3,4% là đạo Shinto và 2,4% phi tôn giáo.
Đa phần người Nhật sẽ tổ chức
tang lễ theo nghi thức đạo Phật.
Ảnh: Pixta
Mặc dù các nghi thức tang lễ của Phật giáo sẽ khác nhau tùy theo giáo phái và khu vực, nhưng nhìn chung thi thể của người đã khuất sẽ được lau sạch và đặt đầu quay về phía Bắc. Một nhà sư sẽ đọc kinh ở bên cạnh trước khi đưa thi hài vào quan tài (hitsugi).
Lễ viếng (tsuya) sẽ được tổ chức vào ngày trước lễ tang, nơi người thân và bạn bè tụ họp và tưởng niệm, chia sẻ những câu chuyện về người đã khuất. Tang lễ được tổ chức một ngày sau tsuya, và thi thể sẽ được mang đi hỏa táng theo đúng nghi thức. Sau đó các thành viên trong gia đình dùng đôi đũa đặc biệt để gắp các mảnh xương cốt vào một chiếc bình nhỏ gọi là kotsutsubo.
Ở Nhật Bản, tro cốt của hầu hết mọi người đều được chôn bên dưới một bia mộ bằng đá hình chữ nhật, thẳng đứng. Lịch sử của những ngôi mộ này trải dài gần 1.000 năm, và ban đầu được bắt nguồn từ giáo lý Phật giáo. Những ngôi mộ đầu tiên ở Nhật Bản là những gò đất lớn chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu, nhưng vào thời Edo, các ngôi chùa bắt đầu xây dựng nghĩa trang cộng đồng, nhờ đó cả người dân thường cũng có thể xây mộ cho riêng mình.
Năm 1948, ngay sau Thế chiến thứ hai, đạo luật mới ra đời quy định rằng tất cả những người Nhật đã qua đời phải được hỏa táng và tro cốt của họ phải được chôn trong các nghĩa trang đã đăng ký với chính quyền tỉnh. Khi nền kinh tế sau chiến tranh được cải thiện, các ngôi mộ gia đình (ie-haka) dần trở thành chuẩn mực, và những hàng cột đá granit nguyên sơ, được mài nhẵn và sáng bóng dưới ánh nắng mặt trời, đã trở thành một hình ảnh biểu tượng của sự sống và cái chết ở Nhật Bản.
Trong mùa "Obon" vào giữa tháng 8, hàng triệu người lao động ở các thành phố của Nhật Bản sẽ trở về quê hương để viếng mộ gia đình, bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên.
Tuy nhiên, gần đây, dân số Nhật Bản tiếp tục già hóa và xã hội chuyển hướng sang các gia đình hạt nhân với ít con cái hơn, kéo theo việc kế thừa và duy trì nghi lễ thờ cúng tổ tiên trở nên khó khăn, số mộ vô chủ cũng ngày một tăng lên. Bên cạnh đó, xu hướng ngày càng được lan rộng đó là rời xa các lễ tang truyền thống để hướng tới những dịch vụ tang lễ nhỏ hơn, rẻ tiền hơn. Càng ngày, mọi người càng muốn lựa chọn các nghi thức mai táng phản ánh chính suy nghĩ và niềm tin cá nhân của mình.
Theo số liệu của JCA vào năm 2010, chi phí trung bình của một đám tang ở Nhật Bản là 2 triệu yên (khoảng 400 triệu đồng), một con số khá đắt đỏ. An táng tự nhiên, nơi tro cốt của một người được rải trên biển hoặc trên núi, đám tang với các buổi biểu diễn nhạc sống, và đặc biệt là chôn hài cốt ở dưới gốc cây (mộc thụ táng) dần trở thành lựa chọn phổ biến cho gia đình cũng như những người đang lên kế hoạch cho tang lễ của mình sau khi qua đời.
Mộc thụ táng (樹木葬 - Jumokuso) là hình thức chôn cất người đã khuất bằng việc hỏa táng và lấy tro cốt chôn dưới đất, sau đó trồng cây lên để đánh dấu mộ phần. Các gia đình có thể đến viếng thăm người thân và thực hiện các nghi lễ cúng bái tại đó.
Kể từ thập niên 70 của thế kỷ trước, các nhà chức trách Nhật Bản đã lo ngại về việc thiếu không gian chôn cất cho người dân, đặc biệt là ở các khu vực thành thị. Vì thế, người ta đã nghĩ đến Jumokuso; theo cách này, thay vì phải xây dựng thêm nghĩa trang, toàn bộ khu rừng sẽ được trồng để tưởng nhớ những người đã khuất.
Người Nhật có niềm tin rằng thần linh hiện diện trong tự nhiên, thực vật là thực thể sống, nằm trong vòng luân hồi và cần được bảo vệ. Xét về mặt tôn giáo, mộc thụ táng mang ý nghĩa tượng trưng cho việc bảo vệ môi trường của loài người, gắn kết linh hồn giữa con người và thiên nhiên. Với quan điểm đó, các nghĩa trang công cộng và nhiều ngôi chùa đã đưa ra mô hình mộc thụ táng, cung cấp không gian tâm linh dưới mỗi gốc cây riêng lẻ và góp phần tạo nên môi trường xanh cho cuộc sống.
Nghi thức mai táng này cũng hàm chứa một ý nghĩa thiêng liêng về sự sống: một kết thúc lại mở ra sự khởi đầu cho một điều mới. Loài người trở về với đất mẹ sau khi mất sẽ tái sinh làm cây cỏ hoa lá, bảo tồn thiên nhiên tươi đẹp của quê hương cho thế hệ con cháu sau này.
Sakura (hoa anh đào) là loại cây được lựa chọn nhiều nhất, chiếm khoảng 26%. Anh đào vốn được xem là loài hoa linh thiêng, biểu tượng của đất nước Nhật Bản. Theo nhiều người, hình ảnh được yên nghỉ dưới gốc cây anh đào đem lại cảm giác an ủi, gần gũi, xoa dịu tâm hồn và nhắc mọi người nhớ đến người đã mất.
Có rất nhiều khu nghĩa trang Jumokuso đã được hình thành và xây dựng khắp nước Nhật. Theo thống kê, ở thời điểm năm 2016, có khoảng 200 nghĩa trang mộc thụ táng trên toàn quốc. Mô hình này được xây dựng đầu tiên ở Nhật tại chùa Chishoin, thành phố Ichinoseki, tỉnh Iwate và đi vào sử dụng từ tháng 11/1999, thể hiện sự phản đối mạnh mẽ đối với việc phá hoại tự nhiên để quy hoạch nghĩa trang đô thị và mong muốn phục hồi, phát triển rừng núi thiên nhiên tại địa phương.
Nghĩa trang Chishoin không có bất kỳ đồ vật nhân tạo nào - không bia mộ, không bình đựng - và tro cốt của con người sẽ được chôn trực tiếp trong một cái hố đơn giản đào trong lòng đất. Các nhà sư của Chishoin chỉ ra rằng thị trường bia mộ truyền thống dẫn đến các hoạt động khai thác khổng lồ ở những ngọn núi xung quanh Nhật Bản, điều này gây ra thiệt hại lớn về môi trường.
Theo văn phòng hành chính của ngôi chùa, hình thức mộc thụ táng đã tăng trưởng với tốc độ khoảng một trăm mộ mỗi năm, và ngày nay, hơn 2.300 người hiện đang yên nghỉ bên dưới những gốc cây trong khuôn viên rộng lớn của chùa.
Từ mô hình ban đầu, các nghĩa trang mộc thụ táng dần phổ biến khắp nước Nhật, từ nghĩa trang tư nhân ở vùng Kanto thuộc chùa Tenkoku (tỉnh Chiba), chùa Hoshu (tỉnh Yamaguchi)... đến nghĩa trang công lập Memory Green tại thành phố Yokohama.
Dưới tán lá đỏ mùa thu, Kazuo Taniguchi, 76 tuổi và vợ, Etsuko, 75 tuổi, dạo quanh khuôn viên yên tĩnh và rợp cây cối của Shogakuan, một chi nhánh của chùa Tofukuji ở phường Higashiyama, Kyoto. Họ đã đến đây từ tỉnh Shiga lân cận để tham quan "nghĩa địa cây" mộc thụ táng, được gọi là Hoshuen vào cuối tháng 10. “Ở đây thật sáng, thật đẹp”, bà Etsuko nói.
Sau khi quyết định được vị trí ưng ý, cặp vợ chồng đã ký hợp đồng đăng ký một ngôi mộ dành cho hai người. Bà Etsuko chia sẻ với tờ Asahi: “Cảm giác này giống như khi mọi người chọn một căn hộ chung cư sau khi kết hôn. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì nơi tôi đi vào giấc ngủ cuối cùng của đời mình đã được quyết định.”
Chùa Shogakuan, thành lập vào thời Kamakura (1185-1333), đã mở nghĩa trang mộc thụ táng vào tháng 7/2018, sau khi lắng nghe các Phật tử bày tỏ nguyện vọng được an táng bên dưới những gốc cây. Hiện tại, 60 - 70% trong số họ đang sống một mình hoặc không có con cái ở Kyoto.
Nghĩa trang rộng khoảng 30x15m, xung quanh được xây bằng tường đá, phủ đầy rêu xanh. Một ngôi chùa nhỏ nằm ở trung tâm, và các cây phong, cây tuyết tùng được sử dụng thay cho bia mộ. Mỗi mộ như vậy có diện tích 25cm2, là nơi hài cốt của khách hàng được cho vào túi vải và chôn xuống đất.
Mỗi lô dành cho một người có giá 500.000 yên (khoảng 100 triệu đồng), và dành cho hai người là 700.000 yên (khoảng 140 triệu đồng). Phí chôn cất rơi vào khoảng 30.000 yên/người, trong khi phí bảo trì hàng năm là 5.000 yên, thấp hơn nhiều so với mức phí tại các nghĩa địa thông thường. Ngoài ra sẽ có thêm phí nếu muốn khắc bia đá.
Hai đợt mở bán đầu tiên, 120 trong số 146 lô đất có sẵn đã được bán hết. Ngay cả trong đại dịch COVID-19, hoạt động cung cấp dịch vụ này vẫn tốt, với 5-7 đơn đăng ký mỗi tháng.
Như đã đề cập ở trên, chi phí trung bình cho một đám tang theo nghi lễ thông thường là 2 triệu yên (khoảng gần 400 triệu đồng). Tuy nhiên, trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 hoành hành, cùng với đó là những xu hướng mới trong tư tưởng và quan niệm của người Nhật, các nghi lễ mai táng ngày càng đơn giản. Tang lễ dần rẻ hơn, hiệu quả, cá nhân hóa hơn. Tuy nhiên có một thực trạng trớ trêu là nước Nhật đang rơi vào hoàn cảnh hết chỗ chôn cất. Tro cốt sau khi được hỏa táng phải đối mặt với tình trạng đợi đến nhiều ngày mới có thể thực hiện việc mai táng do không còn chỗ chứa.
Người đến viếng mộ tại chùa Shogakuan.
Ảnh: shougakuan-jumokusou.jp
Trước tình trạng đó, mộc thụ táng đáp ứng các tiêu chí: không cần người kế thừa mộ, phù hợp với quan niệm muốn trở về với tự nhiên, không phân biệt tôn giáo, chi phí thấp hơn và bên cạnh đó là bảo vệ môi trường đang ngày càng được nhiều người lưu tâm và chọn lựa. Ngoài ra, mộc thụ táng cũng đảm bảo được việc con cháu thể hiện sự báo hiếu với tổ tiên, khi có một địa điểm cố định để đến thăm viếng và thực hiện các nghi lễ cúng bái.
Tuy nhiên mô hình này vẫn gặp sự phản đối với nhiều cộng đồng giáo dân khi họ cho rằng không có địa điểm thực tế để thực hiện các nghi lễ tâm linh theo truyền thống đối với người đã khuất. Và một số chùa cũng bày tỏ, mộc thụ táng sẽ cắt đứt mối liên kết giữa họ với cộng đồng địa phương khi người dân sẽ hạn chế việc cúng lễ cho linh hồn người thân được siêu thoát hay biếu tặng vào quỹ công đức hằng năm.
Dẫu vậy thì mộc thụ táng đang là hình thức mai táng được ưa chuộng hiện nay. Giờ đây, người Nhật không chỉ quan niệm chôn cất một người dưới mỗi gốc cây mà còn để hai, ba hoặc thậm chí cả dòng họ bao xung quanh cây nhằm thành lập hệ thống mộ chôn cất theo gia đình.
Mộc thụ táng cho thấy sự thay đổi trong xã hội Nhật Bản. Khi quá trình già hóa dân số, đô thị hóa tăng cao cùng sự ảnh hưởng của dịch bệnh thì tư tưởng, văn hóa của con người cũng dần biến đổi, nghi lễ tôn giáo truyền thống dần bị thay thế bởi sự trỗi dậy của các phương thức tâm linh mới. Mộc thụ táng ra đời để thích nghi, phù hợp với thời đại mà không làm mất đi ý nghĩa tưởng niệm đến người đã khuất.