eMagazine
0%
Nhật Bản nổi tiếng với trà đạo nhưng vùng đất này cũng được biết đến là quốc gia đứng thứ ba về lượng tiêu thụ cà phê toàn cầu. Vậy cà phê Nhật với nét văn hóa ẩm thực đặc sắc có điểm gì nổi bật, khác biệt với thế giới?

Cà phê lần đầu xuất hiện
ở Nhật

Vào khoảng thế kỷ 17, tại hòn đảo Dejima ngoài khơi Nagasaki, nơi có nhiều thương nhân cư trú đã xuất hiện một loại thức uống lạ với nguyên liệu chính từ hạt cà phê, đây là loại được thương nhân Hà Lan mang đến đất nước mặt trời mọc. Thời ấy loại đồ uống này chỉ có người phương Tây thưởng thức bởi chúng còn xa lạ với người Nhật, không mấy ai chú ý đến.

Cửa hàng Kahisakan ngày nay.
Cửa hàng Kahisakan ngày nay. Ảnh: kahisakan

Vào thời Minh Trị, quán trà Houkoudou đã bắt đầu bán hạt cà phê. Họ cũng đưa ra nhiều thử nghiệm hương vị của sản phẩm mới này ngay trong cửa hàng, được xem là quán cà phê đầu tiên của Nhật Bản. Tuy nhiên, quán đã không thành công cho đến khi cửa hàng Kahisakan ở Ueno của Tokyo khai trương vào năm 1888. Tiếp đến quán cà phê Kahiichakan mở cửa tại Tokyo vào năm 1888 đã “châm ngòi” cho cuộc cách mạng cà phê tại xứ hoa anh đào.

Khung cảnh bên trong một quán cà phê tại Nhật thời xưa.
Khung cảnh bên trong một quán cà phê tại Nhật thời xưa. Ảnh: Omakase-forest

Sau thời Thế chiến 2, với sự đổ bộ của quân Mỹ trên đất Nhật thì lượng tiêu thụ cà phê tăng lên, thức uống này dần phổ biến trong đời sống người dân. Qua đó những quán cà phê Kissaten được mở ra với mô hình kinh doanh độc lập phát triển, thu hút lượng khách ghé đến đông đúc.

Kissaten - quán cà phê truyền thống kiểu Nhật

Thuật ngữ Kissaten có nghĩa là “quán uống trà”, từ này dùng để chỉ nơi bán trà và cà phê theo kiểu truyền thống.

Kissaten phát triển vào đầu thế kỷ 20, mang không gian hoài niệm về thời đại Showa với thiết bị pha chế cổ điển, nội thất tối màu, kiến trúc quán tối giản khơi gợi sự xưa cũ.

Những quán Kissaten mang đậm không khí hoài cổ.
Những quán Kissaten mang đậm không khí hoài cổ. Ảnh: Omakase-forest

Không giống như các quán cà phê hiện đại, Kissaten đưa đến một bầu không khí yên tĩnh mà khách hàng có thể thư giãn, đọc sách hoặc tận hưởng cuộc trò chuyện nhẹ nhàng.

Kissaten thể hiện sự chú ý đến từng chi tiết trong việc pha chế cà phê và bối cảnh quán cùng dịch vụ hiếu khách đầy tinh tế để mang đến một trải nghiệm văn hóa cà phê chất lượng nhất.

Ấm cúng là điều đầu tiên bạn cảm nhận khi bước chân vào kissaten.
Ấm cúng là điều đầu tiên bạn cảm nhận khi bước chân vào kissaten. Ảnh: Kai-hokkaido

Hiện nay tại Nhật, quán cà phê được chia thành hai loại:
· Kissaten: Nơi vẫn giữ được bầu không khí thời Meiji/Taisho, đèn tông ấm, bật nhạc jazz nhẹ nhàng hoặc nhạc cổ điển.
· Café: Thường sẽ được thiết kế hiện đại với ánh sáng rực rỡ hơn, thực đơn nước uống hay bánh ngọt có thể thay đổi theo mùa.

Cà phê hiện đại: kết hợp truyền thống với đổi mới

Bên cạnh việc giữ gìn và phát triển Kissaten thì tại các khu vực thành thị, đặc biệt ở vùng Tokyo và Kyoto đã xuất hiện các các chuỗi cà phê. Khách hàng bắt đầu tìm kiếm một môi trường hiện đại hơn. Kết quả là, các chuỗi cửa hàng Nhật Bản như Dotour nổi lên vào những năm 1960 và 1970. Về sau xuất hiện những cái tên nổi bật khác như Starbucks hay Tully's Coffee…

Quán cà phê hiện đại mang cảm giác tươi trẻ.
Quán cà phê hiện đại mang cảm giác tươi trẻ. Ảnh: Japanese Coffee Shop

Những quán cà phê mang phong cách hiện đại trẻ trung đã phát triển tạo thành một làn sóng thu hút giới trẻ tìm đến thưởng thức, ngắm cảnh và “check in sống ảo”.

Bên cạnh đó, các phương pháp pha chế cũng được đổi mới, sáng tạo kết hợp với kiểu truyền thống xưa như:

Pour Over - cách pha cà phê sử dụng phương pháp nhỏ giọt thông qua giấy lọc hình phễu và bộ phễu.

Pour Over.
Ảnh: Omakase forest

Syphon - pha cà phê bằng áp suất, dựa trên nguyên lý thẩm thấu ngược.

Japan Siphon Coffee.
Ảnh: CoffeeGeek

Espresso - cách pha cà phê có nguồn gốc từ Ý, sử dụng nước nóng được nén dưới áp lực cao đi qua cà phê rang xay mịn.

Esspreso.
Ảnh: Omakase-forest

Việc pha chế cà phê cũng dần hình thành một loại hình nghệ thuật “latte art”, với việc vẽ hình lên bề mặt cà phê bằng bọt sữa với loại thức uống Cappuccino hay latte.

Ban đầu “latte art” chỉ đơn giản là việc đổ bọt sữa một cách khéo léo lên tách cà phê espresso, tuy nhiên sau này nó đã phát triển dựa trên sự sáng tạo của người pha chế để tạo nên những tác phẩm cà phê tuyệt đẹp.

Trải nghiệm độc đáo từ máy bán hàng tự động đến quán cà phê theo chủ đề

Văn hóa cà phê của Nhật ẩn chứa sự độc đáo, kỳ quặc với những ý tưởng mới lạ. Ví dụ điển hình là khi đến Nhật bạn có thể tìm thấy những máy bán cà phê tự động có mặt ở khắp mọi nơi từ thành phố đến vùng nông thôn. Tại những chiếc máy này, bạn có thể dễ dàng mua cà phê đóng hộp bất cứ khi nào bạn muốn.

Bạn có thể dễ dàng bắt gặp những chiếc máy bán cà phê tự động trên đường phố Nhật Bản.
Bạn có thể dễ dàng bắt gặp những chiếc máy bán cà phê tự động trên đường phố Nhật Bản. Ảnh: Tokyoesque

UCC (Công ty Cà phê Ueshima) đã cách mạng hóa ngành công nghiệp cà phê vào những năm 1960 bằng cách tung ra loại cà phê đóng hộp đầu tiên trên thế giới - UCC Coffee with Milk sản xuất vào tháng 4 năm 1969.

UCC.
Ảnh: UCC

Cà phê pha sẵn của UCC phổ biến khắp nước Nhật và hãng cũng sản xuất những sản phẩm tiện lợi, đa dạng các thể loại với dòng cà phê xay, cà phê hòa tan… đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra còn có nhiều thương hiệu khác “nhảy” vào thị trường đầy hấp dẫn này như: Boss (của Suntory); Georgia (của Coca-Cola); Nescafe (của Nestlé) và Roots (của Japan Tobacco)…

Maid coffee hay cà phê hầu gái là loại hình kinh doanh quen thuộc tại xứ Phù Tang.
Maid coffee hay cà phê hầu gái là loại hình kinh doanh quen thuộc tại xứ Phù Tang. Ảnh: afar

Sự khác biệt, đặc sắc của cà phê Nhật còn thể hiện rõ với các quán cà phê theo chủ đề, độc lạ, đa dạng đủ mọi thể loại như: cà phê động vật với mèo, chó, chim đến cà phê manga, anime hay quán cà phê hầu gái, âm nhạc, phim ảnh...

Những địa điểm này thường kết hợp kinh doanh cà phê với nghệ thuật giải trí nhằm tạo nên những trải nghiệm phong phú mới lạ, thu hút cả người dân địa phương và khách du lịch tìm kiếm thứ gì đó khác thường.

Đặc sản cà phê vùng miền

Mặc dù Nhật Bản chủ yếu nhập khẩu hạt cà phê, tuy nhiên ở nước này vẫn có nhiều vùng trồng cà phê với hương vị riêng của từng địa phương. Cà phê được trồng chủ yếu ở quần đảo Ogasawara và các tỉnh như: Nagasaki, Miyazaki, Kagoshima và Okinawa.

Từ năm 1878, Takeaki Enomoto - người sáng lập Đại học Nông nghiệp Tokyo đã là một trong những người đầu tiên trồng cà phê ở xứ hoa anh đào.

Coffee Nhật.
Ảnh: Omakase-forest

Cà phê của Nhật thường kết hợp với đặc sản riêng của mỗi vùng miền. Như ở Kyoto, bạn có thể tìm thấy những thức uống cà phê pha matcha (bột trà xanh của vùng), hay ở Hokkaido, nơi nổi tiếng với các sản phẩm từ sữa thường cung cấp những thức uống cà phê béo ngậy pha với sữa thơm ngon.

Nghi thức trong quán
cà phê

Người Nhật thường tránh uống cà phê khi vẫn còn thức ăn trong miệng vì điều này bị coi là bất lịch sự. Ngoài ra, sau khi khuấy đồ uống, bạn hãy nhớ đặt thìa nhẹ nhàng lên đĩa lót thay vì để nguyên trong cốc.

Người Nhật tôn trọng không gian riêng của mỗi người, vì thế các quán cà phê Nhật Bản được thiết kế để mọi người có thể trò chuyện thân mật và thư giãn. Thế nên địa điểm này thường tránh các cuộc trò chuyện ồn ào và tôn trọng không gian riêng tư, vì vậy nếu bạn cần sử dụng điện thoại để nghe hay gọi cho ai đó thì tốt nhất là hãy bước ra ngoài, đến khu vực phù hợp để liên lạc.

Uống cafe.
Ảnh: myjapaneseworld

Lúc gọi thức uống trong quán thì bạn hãy chuẩn bị thanh toán tại quầy và tiền mặt luôn được ưu tiên sử dụng, đặc biệt tại những quán nhỏ do gia đình quản lý.

Những quy định, nghi thức này được xem là làm tăng thêm sự thú vị và tính chân thực của khách hàng khi trải nghiệm văn hóa cà phê tại Nhật.

Xu hướng cà phê mùa hè

Trong vài năm gần đây, xứ Phù Tang đã chứng kiến ​​sự gia tăng đột biến xu hướng sử dụng đồ uống mùa hè trong ngành cà phê. 

Những thức uống giải khát có ga hay mang hương vị trái cây kết hợp với cà phê rất được ưa chuộng. 

Trước đây vào khoảng năm 2015, người Nhật thích dùng loại nước Espresso Tonic, thức uống biến tấu từ Espresso thuần túy khi kết hợp hương vị từ cà phê với nước tonic, mang lại cảm giác sảng khoái khi uống.

Espresso Tonic giải nhiệt ngày hè.
Espresso Tonic giải nhiệt ngày hè. Ảnh: Tokyo Weekender

Hiện nay Espresso Tonic vẫn được sử dụng nhưng đã được đổi mới khi nhiều quán cà phê đã thay thế nước tonic bằng nước có ga mang nhiều hương vị khác nhau như vị trái cây, mật ong hay gừng.

Ngoài ra, loại thức uống như espresso cola, kết hợp cola thủ công với espresso để tạo ra vị mới lạ cũng đang “rất hot” trong mùa hạ xứ Nhật.

Thương hiệu Starbucks cũng luôn ra mắt những thức uống mùa hè phiên bản giới hạn phục vụ thực khách trẻ. Như Coffee Aid sảng khoái rất được các bạn trẻ ưa dùng tại các quán cà phê Starbucks Reserve. Coffee Aid là loại cà phê trong suốt độc đáo được pha chế theo phương pháp đặc biệt, trông giống như nước trái cây tươi mát nhưng lại có hương vị đậm đà của cà phê.

Kết luận

Văn hóa cà phê ở Nhật mang những nét đặc sắc riêng biệt và phong phú, pha trộn giữa truyền thống cổ điển với hiện đại và không ngừng thay đổi sáng tạo. Từ Kissaten thanh bình đến các quán cà phê theo chủ đề kỳ quặc cùng những hương vị mới lạ, cà phê ở Nhật đã mang đến những trải nghiệm khác biệt, rất ấn tượng.