eMagazine
0%

Không chỉ có linh hồn của những người đã khuất, trong thế giới truyền thuyết dân gian huyền huyễn của xứ Phù Tang còn có sự xuất hiện của Ikiryo - một “con ma sống” đáng sợ.

Ikiryo là gì? Ikiryo là gì?

“生霊 – Sinh Linh – Ikiryo” hay còn được phát âm là shoryo, seirei hoặc ikisudama, là thuật ngữ chỉ một dạng linh hồn của người sống tách ra khỏi thân xác bản thể khi người đó đang cận kề cái chết hoặc có những cảm xúc mãnh liệt, đặc biệt là thù hận. Linh hồn này sau đó sẽ theo ám và gieo rắc tai ương đến “con mồi” mà nó nhắm đến rồi quay lại với bản thể.

Trái ngược với Ikiryo là Shiryo (死霊 – Tử Linh) hay linh hồn của người chết. Ngoài ra còn có một thuật ngữ liên quan là Onryo (怨霊 – Oán Linh), chỉ những người mang oán niệm trước khi chết và trở thành linh hồn báo thù.

Khác với Shiryo, Ikiryo là linh hồn của người sống thoát khỏi cơ thể.
Khác với Shiryo, Ikiryo là linh hồn của người sống thoát khỏi cơ thể. Ảnh: matthewmeyer.net

Hình dạng của Ikiryo Hình dạng của Ikiryo

Linh hồn này thường xuất hiện với vẻ ngoài giống bản thể, như một dạng song trùng, hoặc nó cũng có thể mang hình dạng ma quái trong suốt tựa màn sương. Một số Ikiryo còn có ngoại hình kì dị hơn: một cái đầu bay lơ lửng (nukekubi) hay dạng ngọn lửa linh hồn như hitodama hoặc hidama.

Nukekubi xuất hiện dưới dạng một cái đầu bay lơ lửng.
Nukekubi xuất hiện dưới dạng một cái đầu bay lơ lửng. Ảnh: Wikipedia

Nguồn gốc của Ikiryo Nguồn gốc của Ikiryo

Từ xa xưa, trong thời Heian (794-1185), người dân lưu truyền câu chuyện về Ikiryo sinh ra khi con người đang cận kề cái chết hoặc sở hữu một ham muốn, lòng hận thù mãnh liệt. Khi linh hồn rời khỏi cơ thể, con người rơi vào trạng thái xuất thần, mất đi nhận thức, không nhận biết những gì xảy ra xung quanh.

Trong khi Ikiryo sinh ra từ lòng căm thù hoặc mong muốn sát hại ai đó là loại phổ biến nhất, thì cũng có một số câu chuyện về Ikiryo hình thành từ tình yêu cháy bỏng. Nếu tình yêu của một người đủ mạnh, linh hồn của người đó (thường là một phụ nữ) có thể rời khỏi cơ thể, ngay cả khi cô ta không biết, và đến bên người yêu của mình.

Điều như vậy đã xảy ra với một chàng trai trẻ đến từ Kyoto vào những năm 1700. Một cô gái cùng khu phố đem lòng yêu anh ta, và tình yêu này mãnh liệt đến mức linh hồn của cô ám lấy anh, luôn thì thầm bên tai anh những lời tỏ tình, khiến chàng trai liệt giường vì bệnh.

Ikiryo từ cuốn sách Gazu Hyakki Yagyo năm 1776 của Sekien Toriyama.
Ikiryo từ cuốn sách Gazu Hyakki Yagyo năm 1776 của Sekien Toriyama. Ảnh: Wikipedia

Vào thời Edo (1603-1868), người ta tin rằng Ikiryo là một căn bệnh, được gọi với cái tên là “rikonbyo” hay “bệnh xuất hồn”, hoặc “kage no yamai - bệnh cái bóng”. Theo đó linh hồn có thể rời khỏi cơ thể vào ban đêm, mang theo ý thức của một người và làm nên những chuyện điên rồ. Sau đó khi tỉnh dậy, kẻ đó không có ký ức gì về những điều mà bản thân đã làm hay trải qua. 

Rikonbyo
Ảnh: tyz-yokai.blog.jp

Rikonbyo được cho là sẽ di truyền cho đời sau, như một căn bệnh lây truyền trong gia tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tadano Makuzu từng ghi lại trường hợp này trong tác phẩm “Oshu Banashi” (Truyện Vùng Viễn Bắc), kể về sự diệt vong của nhà Yuji Kita khi ba thế hệ đều bị mắc căn bệnh kage no yamai.

Ngoài ra, trong vài trường hợp hiếm hoi, một cá nhân có thể sở hữu năng lực tự tạo ra Ikiryo và điều khiển theo ý muốn, khả năng này gọi là “tobi-damashi”.

Ikiryo còn được cho là hình thành thông qua các vết thương nghiêm trọng hay từ một người đương lúc hấp hối, sắp qua đời. Hiện tượng này phổ biến vào thời Thế chiến hai.

Theo dân gian, những người lính khi ra chiến trận bị thương nặng và sắp ra đi sẽ “xuất hồn”, linh hồn họ rời khỏi cơ thể, đến gặp gỡ gia đình, bạn bè, người thân để nói lời vĩnh biệt ngay trước hoặc sau khi họ qua đời.

Ikiryo của những người lính cũng được nhìn thấy khi họ đến thăm những ngôi đền gần đó và cầu nguyện vài ngày sau khi qua đời.

Sức mạnh đáng sợ của những linh hồn sống Sức mạnh đáng sợ của những linh hồn sống

Ikiryo sở hữu sức mạnh dựa trên cường độ cảm xúc và lý do hình thành nên nó. Những linh hồn sinh ra từ hận thù được cho là đáng sợ nhất với khả năng hủy diệt tàn bạo. 

Chúng có thể di chuyển, phá vỡ các đồ vật, gây ra những tổn hại về vật chất, thể xác con người. Nó còn nguyền rủa, lây lan bệnh tật, thậm chí chiếm hữu cơ thể người khác, khiến họ mất trí rồi hành động sai trái. Những người bị Ikiryo ám sẽ mất đi ý thức, bị điều khiển và khi tỉnh dậy thì không nhớ gì về những điều mình đã làm.

Ikiryo sinh ra từ tình cảm đơn phương sẽ đi theo “ám” người nó đem lòng tương tư. Nó thường thì thầm vào tai nói lời đường mật, vuốt ve thân thể người thương.

Rokujo (Rena Tanaka thủ vai) trong phim “Genji Monogatari Sennen no Nazo” (2011).
Rokujo (Rena Tanaka thủ vai) trong phim “Genji Monogatari Sennen no Nazo” (2011).

Những câu chuyển về Ikiryo được lưu truyền trong dân gian Những câu chuyển về Ikiryo được lưu truyền trong dân gian

Từ xa xưa người dân xứ Phù Tang dã truyền tai nhau những câu chuyện kinh dị về Ikiryo và chúng đã được nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Kunio Yanagita (1875-1962) sưu tầm, tổng hợp lại. 

Theo ông miêu tả, ở vùng Nishitsugaru, tỉnh Aomori, linh hồn của những người sắp chết được gọi là “amabito”. Linh hồn sẽ rời khỏi cơ thể con người và lượn lờ xung quanh, đôi khi tạo ra những âm thanh giống như tiếng cửa trượt mở.

Còn vùng Senboku ở Akita thì gọi là “tobi-damashi”. Thuật ngữ này diễn tả một số người nhất định có thể đi khắp thế giới dưới dạng Ikiryo của họ. Ngoài ra những người này còn có khả năng kiểm soát Ikiryo và biết trước về cái chết của chính mình.

Cũng ở Akita, nhưng vùng  Kazuno thì lại gọi Ikiryo là “omokage”. Linh hồn xuất ra cơ thể người sống và có ngoại hình giống hệt như chủ thể, có đôi chân di chuyển trên mặt đất và tạo ra những tiếng động chói tai khiến ai nghe thấy cũng hoảng sợ, ớn lạnh.

Trong “Tono Monogatari Shui”, Kunio Yanagita mô tả Ikiryo ở vùng Tono, tỉnh Iwate là “suy nghĩ của người chết hoặc người sống kết hợp lại thành hình dạng biết đi và xuất hiện trước mắt con người như một ảo ảnh, nó được gọi là omaku”.

Ở vùng Kashima, Ishikawa trên Bán đảo Noto, người dân truyền tai nhau câu chuyện về “shininbo”, được cho là sẽ xuất hiện trong khoảng hai hay ba ngày trước khi ai đó chết. Shininbo thường được nhìn thấy ở danna-dera (ngôi chùa của gia đình), ngôi chùa này được cho là nơi an nghỉ cuối cùng của linh hồn.

Ikiryo trong văn học cổ điển Ikiryo trong văn học cổ điển

“Genji Monogatari” (khoảng năm 1000-1010) kể lại một sự việc nổi tiếng về “ikisudama” (cách đọc cổ xưa nhất của thuật ngữ Ikiryo). Ikisudama của Rokujo - tình nhân của Hoàng tử Genji đã hành hạ người vợ đang mang thai của Genji là Aoi no Ue, khiến nàng rơi vào nguy kịch khi sinh con.

Linh hồn của Phu nhân Rokujo, người tình bị Genji bỏ rơi, tấn công Phu nhân Aoi - người vợ đầu tiên của Hoàng tử. Tranh từ bộ truyện tranh “Genji monogatari: Asaki yumemishi” của họa sĩ Yamato Waki.
Linh hồn của Phu nhân Rokujo, người tình bị Genji bỏ rơi, tấn công Phu nhân Aoi - người vợ đầu tiên của Hoàng tử. Tranh từ bộ truyện tranh “Genji monogatari: Asaki yumemishi” của họa sĩ Yamato Waki. Ảnh: metmuseum.org

Chuyện về Rokujo cũng được khắc họa trong “Aoi no Ue”, vở kịch Noh có cùng cốt truyện. Sau khi chết, Phu nhân Rokujo trở thành một onryo (oán linh) và tiếp tục hành hạ những người vợ sau này của Genji, gồm Murasaki và Onna-sannomiya.

Trong “Konjaku Monogatarishu” - tuyển tập hơn một nghìn câu chuyện được viết cuối thời Heian cũng có câu chuyện về Ikiryo. Trong truyện, một thường dân nọ đã gặp một phụ nữ quý tộc từ Omi và được nhờ dẫn đến nhà của viên quan thuộc Bộ Dân sự ở kinh đô.

Người này không biết rằng đó thực chất chỉ là Ikiryo của người phụ nữ đến gặp người chồng đã bỏ rơi mình. Khi đến nhà của viên quan, người phụ nữ biến mất dù cho cánh cổng vẫn đóng kín. Những tiếng than khóc vang lên bên trong ngôi nhà.

Sáng hôm sau, người dẫn đường biết được chủ nhà đã phàn nàn rằng Ikiryo của người vợ cũ đã xuất hiện và khiến ông lâm bệnh, không lâu sau đó ông ta qua đời.

Người dẫn đường bèn tìm đến nhà của người phụ nữ ở tỉnh Omi. Tại đây, người phụ nữ nói chuyện với anh qua tấm rèm, cảm ơn người đàn ông và tặng anh ta vải lụa làm quà.

Tạm kết Tạm kết

Ngày nay ở xứ Phù Tang, vẫn còn nhiều người tin rằng Ikiryo là có thật. Việc nhìn thấy Ikiryo của những người sắp chết đã được ghi nhận trên khắp Nhật Bản, chủ yếu là linh hồn của người thân ruột thịt. Ikiryo là truyền thuyết dân gian hay có thực ở đời thường? Nó vẫn ẩn chứa nhiều bí ẩn, như một hiện tượng tâm linh mà khoa học hiện đại khó lý giải nổi.