Vào đầu năm 1977, một loạt các vụ đầu độc ngẫu nhiên bằng chai Coca diễn ra ngay giữa trung tâm Tokyo và Osaka, trở thành nỗi kinh hoàng với người dân Nhật Bản. Sau 44 năm, danh tính thủ phạm của vụ án vẫn còn là dấu chấm hỏi.
Bài viết: Rin Thiết kế: Tuan Utan
Vào đầu năm 1977, một loạt các vụ đầu độc ngẫu nhiên bằng chai Coca diễn ra ngay giữa trung tâm Tokyo và Osaka, trở thành nỗi kinh hoàng với người dân Nhật Bản. Sau 44 năm, danh tính thủ phạm của vụ án vẫn còn là dấu chấm hỏi.
Vào khoảng 23h30 ngày 03/01/1977, nhóm 6 nhân viên vừa kết thúc một ngày làm việc tại nhà hàng buffet Shinkansen và đi bộ đến ga Shinagawa cách đó 5 phút để trở về ký túc xá. Khi đi tiếp khoảng 200 mét về phía Nam, băng qua đại lộ Daiichi Keihin, một cô gái trong nhóm đã vô tình nhìn thấy đồng 10 yên bên dưới bốt điện thoại công cộng phía trước Trung tâm trượt băng Shinagawa Sports Land (hiện nay là Khách sạn Shinagawa Prince) ở quận Minato.
Cô gái nhanh chóng đến nhặt đồng xu, và khi đẩy cánh cửa gấp của bốt điện thoại, cô còn tìm thấy thêm một chai Coca 190ml. Nghĩ rằng do ai đó vô tình để quên, cô đã nhặt lên và đưa nó cho người nhỏ tuổi nhất trong nhóm là Akira Higaki. Được biết, Akira 16 tuổi và đang là học sinh năm nhất trường Cao trung Rakuto ở Kyoto vào thời điểm đó. Nhờ có cha đang làm nhân viên tại công ty Đường sắt Quốc gia Nhật Bản (hiện nay là Japan Rail), từ ngày 30/12/1976, cậu đã xin được công việc phục vụ bán thời gian tại nhà ăn của công ty.
Sau khi nhóm bạn trở về ký túc xá vào lúc 0h15 và tắm rửa xong, một số người đã tập trung ở tầng 2 để uống bia. Sau đó, Akira đã đi sang nhà ăn nơi cậu cất chai Cola, mở nắp ra và uống. Thế nhưng, cậu bất ngờ nhổ hết ra và đi súc miệng ngay sau đó vì “Coca-Cola này bị hỏng rồi”. 5 phút sau, Akira ngã quỵ xuống, tay nắm chặt, người nằm sấp và bất tỉnh nhân sự.
Nhóm bạn lập tức gọi xe cấp cứu và đưa Akira đến Bệnh viện Đa khoa Shinagawa gần đó để làm sạch dạ dày, nhưng vào lúc 7h30 sáng cùng ngày, cậu đã không thể qua khỏi. Theo kết quả khám nghiệm tử thi, toàn bộ cơ thể nạn nhân chuyển sang màu hồng và xuất hiện các triệu chứng do nhiễm độc. Chai Coca-Cola mà Akira uống dở đã được gửi đến Phòng thí nghiệm của Sở Cảnh sát Tokyo. Kết quả, chất độc natri xyanua được phát hiện.
Vào khoảng 8h15 cùng ngày 04/01, trên vỉa hè đại lộ Daiichi Keihin, cách bốt điện thoại của vụ án đầu tiên khoảng 600 mét về phía Bắc, một nhân viên văn phòng đã phát hiện người đàn ông trung niên mặc trang phục công nhân trong trạng thái bất tỉnh và nhanh chóng gọi 110 để đưa người này đến bệnh viện, nhưng cũng không thể qua khỏi.
Khi cảnh sát Tokyo tiếp nhận vụ việc, ban đầu, họ chưa thể xác định được danh tính của nạn nhân vì không có giấy tờ tùy thân trên người. Đồ đạc của người này chỉ còn lại 25 yên tiền mặt và chiếc túi đeo vai đựng khăn tắm, đồ uống. Sau đó, họ đã tiến hành khám nghiệm tử thi và phát hiện có chất độc natri xyanua bên trong cơ thể.
Cảnh sát tiếp tục điều tra lại hiện trường vụ án và phát hiện có dấu vết của Coca-Cola được nhổ ra quanh khu vực nạn nhân tử vong. Cách đó 100 mét, họ cũng tìm thấy chai Coca dưới một cột điện. Vết nước ngọt vương vãi trong một bốt điện thoại nằm cách hiện trường 10 mét. Giữa cột điện và bốt điện thoại, cảnh sát còn phát hiện 2 nắp chai Coca bị đánh rơi. Sở Cảnh sát Tokyo đã lập tức huy động lực lượng từ các đồn lân cận để tiếp tục điều tra vì họ tin rằng vẫn còn đâu đó những chai Coca tẩm độc. được đặt rải rác xung quanh.
Qua dấu vân tay, danh tính của nạn nhân được xác định là Hiroshi Sugawara, 46 tuổi, đến từ thành phố Shimonoseki. Khi chiến tranh nổ ra, gia đình Sugawara đã sơ tán đến quận Asa, tỉnh Yamaguchi. Sau khi học xong trung học, ông đã phụ giúp công việc trồng rừng của cha mình, nhưng cha ông khá khắc nghiệt nên mối quan hệ giữa họ không mấy hòa thuận. Năm 30 tuổi, Sugawara ly hôn và từng bị bắt hai lần vì tội trộm cắp nhưng không nhận án tù. Ông rời khỏi quê hương sau đó và bị bắt vì tội lừa đảo ở Okayama nhưng đã trốn chạy. Gần 13 năm mất tích, vào ngày 04/01/1977, gia đình nhận được hung tin ông đã qua đời.
Khoảng 12h50 chiều cùng ngày 04/01, cảnh sát quận Shinagawa đã phát hiện ra chai Coca trong tình trạng nguyên vẹn được đặt trên một bốt điện thoại màu đỏ trước cửa hàng Nagatani Shoten, Kitashinagawa, cách địa điểm gây án đầu tiên 600 mét. Sau khi tiến hành xét nghiệm, kết quả, nó cũng đã bị nhiễm độc natri xyanua. May mắn rằng trước đó, hai bà cháu sống tại tiệm Nagatani Shoten đã nhìn thấy chai nước ngọt nhiễm độc nhưng chưa uống. Khi được bà nhờ một số việc vặt, người cháu đã đi ra trước cửa tiệm và phát hiện ra chai Coca. Vì đúng lúc đang khát, cậu đã định với tay lấy chai nước để lúc trở về nhà sẽ uống, nhưng nhìn thấy màu nước hơi nhạt hơn bình thường. Trong lúc vội vã, cậu rời đi mà chưa hề đụng vào chai Coca. 10 phút sau, người cháu quay lại và biết được tin tức chai nước bị đầu độc từ viên cảnh sát.
Qua kết quả phân tích tại phòng thí nghiệm của Sở Cảnh sát Tokyo, chất độc natri xyanua được ghi rõ trong “Luật kiểm soát các chất độc và có hại”. Giống với kali xyanua, liều lượng gây chết người của nó là 0,15 đến 0,2 gram với độc tính rất cao, gây tử vong nhanh. Đây là hóa chất không thể thiếu trong quá trình luyện kim, mạ vàng, bạc, kẽm và có rất nhiều xưởng mạ kim loại từ hiện trường gây án (xung quanh ga Shinagawa) đến Kawasaki và Yokohama.
Theo phân tích từ phía cảnh sát, cả 3 địa điểm gây án đều nằm trong bán kính 300 mét từ ga Shinagawa. Khách sạn Shinagawa Prince (đối diện với địa điểm gây án đầu tiên) và khách sạn Pacific (đối diện với địa điểm thứ hai) đều nằm dọc theo con đường Daiichi Keihin, phía sau là một khu dân cư cao cấp. Địa điểm gây án thứ ba nằm gần bờ biển – nơi có khu dân cư đông đúc. Qua lời khai của người dân địa phương, chai Coca đầu tiên có thể được đặt từ 7h30 đến 8h30 ngày 03/01, chai thứ hai được đặt vào sáng sớm và chai thứ ba được đặt trước giờ trưa ngày 04/01 trên một bốt điện thoại màu đỏ.
Về liều lượng natri xyanua trong 3 chai Coca, phần lớn nước trong chai đầu tiên đã được nạn nhân uống nên dựa vào phần còn sót lại, cảnh sát cho rằng có khoảng 0,15 gram chất độc. Chai Coca thứ hai chứa khoảng 1,4 gram, tức là gấp khoảng 10 lần liều lượng tối thiểu gây chết người. Lượng chất độc ở chai thứ ba may mắn được cảnh sát phát hiện chứa 9 gram chất độc, gấp gần 60 lần liều lượng gây tử vong.
Manh mối vụ án quá ít ỏi. Cảnh sát đã dựa vào số hiệu trên nắp chai để tìm hiểu thời gian và địa điểm sản xuất những chai Coca này. Tổng cộng, lực lượng điều tra thu giữ được 3 chai Coca nhiễm độc và 4 nắp chai, tất cả đều có ký hiệu chữ T nên chúng được sản xuất tại nhà máy Tama của công ty Coca-Cola ở Higashikurume, Tokyo. Nắp chai đầu tiên có số hiệu 709, tức nó được sản xuất vào tháng 10 năm 1976, một năm trước khi vụ án xảy ra. Hai nắp chai ở địa điểm thứ hai có số hiệu 706, được sản xuất vào cuối tháng 9/1976, và tại địa điểm thứ ba là 702, rơi vào cuối tháng 8/1976. Sau khi sản xuất, sản phẩm sẽ được xuất kho muộn nhất là trong vòng hai tuần, còn các nơi bán lẻ sẽ được công ty Coca hướng dẫn bán hết trong vòng hai tháng. Các manh mối này cuối cùng không thể giúp cơ quan điều tra tìm được hung thủ và vụ án đi vào bế tắc.
Một bài báo suy luận về thủ phạm của các vụ đầu độc Coca-Cola liên hoàn trên tờ báo Asahi đã đưa ra 2 lập luận: thứ nhất, tên tội phạm có thể căm thù xã hội do bị người khác coi thường nên đã lên kế hoạch đầu độc ngẫu nhiên, hắn chọn thời điểm ngày Tết để ra tay nhằm tạo dấu ấn cá nhân mạnh mẽ; thứ hai, tên tội phạm vô tình lấy được chất độc natri xyanua nên muốn thử độc tính và lấy người khác để làm thí nghiệm. Natri xyanua có rất nhiều công dụng như mạ, in, gia công quang học, làm nguội và tẩy rỉ sét kim loại, rửa bóng pachinko, sản xuất thuốc trừ sâu, sơn... nên những ai làm việc trong các nhà máy đó đều có thể từng sử dụng qua chất độc này.
Một tháng sau các vụ án liên hoàn ở Tokyo, tại thành phố Fujiidera, tỉnh Osaka, nó lại tiếp diễn. Khoảng 6h20 ngày 13/02/1977, nam tài xế 39 tuổi của một công ty vận chuyển bánh kẹo đang trên đường đi làm về. Vì muốn mua thuốc lá, anh đã ghé vào một máy bán hàng tự động gần cửa hàng rượu kế công ty. Anh vô tình phát hiện một chai Coca-Cola còn nguyên được đặt trên đó và một chai khác trên bốt điện thoại công cộng cách 2 mét. Sau cùng, người tài xế đã rời đi và đem theo chai nước anh nhìn thấy đầu tiên. Khi mang chai Coca này đến một điểm phân phối của công ty, người đồng nghiệp đã khuyên anh không nên uống nhưng anh vẫn quả quyết: “Tôi uống một ngụm chắc không sao đâu”. Sau khi uống xong, đi được một đoạn thì người này cảm thấy buồn nôn. Anh đến ghế văn phòng để nằm nghỉ và nói rằng: “Tôi thấy tay bị tê và người hơi ớn lạnh”. Đồng nghiệp đã gọi ngay xe cấp cứu và đưa anh đến bệnh viện vào khoảng 7h30 sáng. Sau khi được cấp cứu, người tài xế đã hồi phục lại ý thức.
Sau đó, anh đã thông báo ngay với hai người đồng nghiệp về chai Coca-Cola còn lại được phát hiện ở bốt điện thoại gần công ty. Họ nhanh chóng đến đó và tìm thấy chai nước vẫn còn nguyên vẹn. Cả hai chai Coca-Cola được đưa đến kiểm tra tại đồn cảnh sát Hanikino nhưng không phát hiện chất độc. Theo cảnh sát điều tra, chúng được đặt vào lúc 6h sáng, 20 phút trước khi người tài xế tìm thấy.
Khi điều trị tại bệnh viện, người tài xế được bác sĩ chẩn đoán là suy giảm chức năng gan và được truyền dịch 3 lần, không có bất kỳ dấu hiệu nào của việc nhiễm độc xyanua. Vì vậy, thực chất người này không phải là nạn nhân của vụ đầu độc mà có lẽ đây chỉ là một trò chơi khăm.
Người tài xế xuất viện vào ngày 16/01, tức 3 ngày sau khi vụ việc xảy ra. Vào trưa ngày 17/01, cảnh sát đến nhà của anh để điều tra lại vụ án nhưng mãi không thấy ai mở cửa. Khi họ xông vào nhà thì phát hiện người này đã tự sát bằng khí gas với đầu được trùm kín bằng túi ni lông. Tuy xe cấp cứu lập tức được điều đến nhưng đáng tiếc là người này đã tử vong. Trước đó, anh đã nói với vợ rằng mình cảm thấy xấu hổ vì dù đã biết về các vụ án tại Tokyo và được đồng nghiệp ngăn cản, cũng từng khuyên răn con mình không uống Coca-Cola mới vài ngày trước, thế mà anh lại tự mình uống. Đây được xem là nguyên nhân dẫn đến việc anh tự sát.
Sau một loạt các vụ án đau lòng, Coca-Cola dạng chai đã giảm nhanh số lượng tiêu thụ và thay vào đó, mẫu lon nhôm có dung tích 250ml hoặc 350ml được thay thế vì nắp lon khó trở lại tình trạng ban đầu sau khi mở. Ngoài ra, lời kêu gọi tránh nhặt đồ ăn ở ngoài đường cũng được tuyên truyền rộng rãi tại Nhật Bản. Vụ án giết người ngẫu nhiên bằng Coca-Cola có độc diễn ra vào năm 1977 nhưng mãi vẫn không tìm ra hung thủ. Sau 15 năm, tức ngày 04/01/1992, vụ án khép lại đầy bí ẩn bởi hết hiệu lực truy tố.