Một người phụ nữ ngoại quốc trẻ tuổi biến mất giữa Roppongi – khu phố đêm phồn hoa, náo nhiệt. Hành trình gia đình nạn nhân đến Nhật Bản, tìm kiếm dấu vết cô con gái giữa biển người xứ lạ, với sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm từ cơ quan cảnh sát sở tại. Để rồi từ vụ án này, những bí mật kinh hoàng về tên “ác thú mặt người” Joji Obara dần được phơi bày ra ánh sáng.
Lucie Jane Blackman sinh ngày 01/09/1978 tại thị trấn Sevenoaks, Kent, nước Anh, là con cả trong gia đình có ba người con. Xinh đẹp, thông minh và hài hước, Lucie làm công việc tiếp viên hàng không tại hãng British Airways cho đến khi cô và người bạn thân Louise Phillips quyết định cùng nhau chuyển đến Nhật Bản. Cả hai đều xin được thị thực du lịch 90 ngày.
Họ đến Nhật vào ngày 04/05/2000. Dù các điều khoản của thị thực quy định cấm làm việc, Lucie đã đã bắt đầu công việc tiếp viên tại Casablanca, một câu lạc bộ nằm ở quận Roppongi sôi động của Tokyo để chi trả các khoản nợ – theo lời cô bạn Louise kể lại. Nhiệm vụ của tiếp viên ở đây là uống rượu và trò chuyện cùng các khách hàng nam. Với dáng người cao ráo, mái tóc vàng đặc trưng của phụ nữ phương Tây, Lucie trở nên rất thu hút trong mắt các vị khách Nhật.
Nơi làm việc mới của Lucie yêu cầu nữ tiếp viên phải thực hiện vài “dohan” với khách hàng mỗi tháng. “Dohan – 同伴” là hình thức hẹn hò trả phí, trong đó khách hàng của club trả tiền để được gặp gỡ các nữ tiếp viên bên ngoài câu lạc bộ, thường là để cùng đi ăn hay làm những hoạt động tương tự (tuy nhiên hình thức này cũng có thể dẫn đến mại dâm hoặc một số hệ lụy nghiêm trọng khác).
Lucie đã lên kế hoạch cho một dohan vào ngày 01/07/2000. Trong buổi hẹn hò, cô đã gọi nhiều cuộc điện thoại, chủ yếu là cho Louise. Qua điện thoại, Lucie mô tả cuộc gặp của mình là "rất tốt đẹp" và người khách đã tặng cô một chiếc điện thoại di động cùng một chai sâm panh Dom Pérignon. Cô cũng nói với bạn mình rằng bản thân sẽ quay lại sau nửa giờ nữa.
Cuộc gọi cuối cùng của Lucie là cho bạn trai Scott Fraser, hải quân người Mỹ trên tàu USS Kitty Hawk, một hàng không mẫu hạm đóng tại thành phố cảng Yokosuka. Cô cũng để lại một tin nhắn hẹn gặp anh vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, đây cũng là lần cuối cùng mọi người còn liên lạc được với cô gái trẻ.
Không thấy bạn mình quay trở lại, Louise biết rằng có điều gì đó không ổn. Ngày hôm sau, cô nhận được cuộc gọi từ một gã đàn ông tự xưng là Akira Takagi, thông báo rằng Lucie đã gia nhập một giáo phái và đang trải qua khóa huấn luyện. “Dù sao thì cô ấy cũng đang ở trong ký túc xá của chúng tôi. Cô ấy đang học tập và rèn luyện một lối sống mới. Có rất nhiều điều để học trong tuần này. Đừng quấy rầy Lucie,” gã đàn ông tiếp tục.
Louise nhanh chóng thông báo sự việc với gia đình Lucie và họ lập tức bay đến Tokyo để tìm cô. Tuy nhiên, phía cảnh sát Nhật Bản lại tỏ ra thờ ơ, thiếu hợp tác trước lời trình báo mất tích, đặc biệt là khi biết về công việc của Lucie. Lấy lý do những phụ nữ như vậy thường chạy trốn đến Bali hoặc Thái Lan với bạn trai, họ từ chối tiến hành một cuộc điều tra thích hợp.
Không từ bỏ, cha của Lucie đã bắt đầu một chiến dịch tìm kiếm công khai. Họ tìm đến sự giúp đỡ của Ngoại trưởng Anh Robin Cook, người tình cờ có mặt ở Tokyo vào thời điểm đó. Báo chí Nhật và Anh cũng bắt đầu đưa tin rầm rộ sau khi vào ngày 13/07, Thủ tướng Anh Tony Blair đề cập đến vụ mất tích với Thủ tướng Junichiro Koizumi trong chuyến thăm Nhật Bản dự Hội nghị Thượng đỉnh G8.
Gia đình Lucie sau đó đã thành lập văn phòng ở Tokyo với một đường dây nóng được quản lý bởi những người Anh đang sống ở Nhật. Một doanh nhân giấu tên cũng tài trợ khoản tiền thưởng lên đến 100.000 bảng Anh cho người có thể cung cấp thông tin hữu ích.
Tất cả những điều này đã gây áp lực lên cảnh sát Nhật Bản, khiến họ phải tiến hành một cuộc điều tra. Đến tháng 9 cùng năm, đã có hơn 150 cảnh sát Nhật được huy động.
Tuy nhiên, tội phạm bạo lực tương đối hiếm ở Nhật, lực lượng cảnh sát lại không được trang bị đầy đủ để xử lý các tội phạm nghiêm trọng. Ngay cả việc truy vết số điện thoại của kẻ gọi điện bí ẩn cũng mất đến hàng tháng trời. Manh mối ít ỏi về người đàn ông từng đi cùng Lucie là gã ăn mặc lịch sự, nói tiếng Anh tốt và đã chở cô đến bờ biển.
Những tin tức trên đã khiến một số phụ nữ nhớ về một người đàn ông – Yoji, hay Kuji, tên họ đặt cho hắn ta rất đa dạng – kẻ này đã đưa họ đến một căn hộ bên bờ biển, sau đó sử dụng chloroform hoặc ma túy để gây mê, khiến họ mất đi ý thức. Hầu hết các nạn nhân rời khỏi nơi đó trong trạng thái uể oải vào sáng hôm sau, biết rằng mình chắc chắn đã bị cưỡng hiếp nhưng không muốn hoặc không thể trình báo cảnh sát.
Sau khi Lucie mất tích, họ mới báo cáo vụ việc với cơ quan chức năng, và mặc dù cảnh sát đã chậm chạp trong việc thu thập các câu chuyện này, cuối cùng, ba tháng sau, nghi phạm đã bị bắt giữ.
Obara tên khai sinh là Kim Sung Jong, sinh vào ngày 10/08/1952, có cha mẹ là người Hàn Quốc sống ở Osaka. Cha hắn từ một người thu gom phế liệu đã vươn lên thành chủ sở hữu của nhiều bất động sản và tiệm pachinko. Vì vậy từ nhỏ, Kim Sung Jong đã có thể theo học tại các trường tư tốt nhất ở Tokyo và còn có gia sư riêng để kèm cặp cho kỳ thi vào trường dự bị Đại học Keio.
Năm Kim Sung Jong 17 tuổi, người cha qua đời để lại cho hắn khối tài sản ở Osaka và Tokyo. Sau đó, hắn đã hoàn thành chương trình học tại Đại học Keio danh tiếng, lấy được bằng về chính trị và luật. Những khoản đầu tư bất động sản đã giúp nâng giá trị tài sản của Kim Sung Jong lên gần 40 triệu đô la Mỹ. Sau khi nhập quốc tịch Nhật Bản, Kim đổi tên thành Joji Obara.
Tuy nhiên, bong bóng kinh tế vỡ vào những năm 90 đã ảnh hưởng nặng nề đến cả Obara và công ty. Đầu cơ bất động sản đã khiến hắn phải trả giá đắt khi toàn bộ tài sản bỗng chốc bốc hơi. Bị các chủ nợ truy đuổi, Obara bắt đầu sử dụng công việc kinh doanh thất bại của mình làm bình phong để rửa tiền cho tổ chức Yakuza khét tiếng Sumiyoshi-kai.
Obara thông thạo tiếng Anh, thích những chiếc xe ngoại hào nhoáng – Ferrari, Maserati, Rolls Royce – và người ta nói rằng hắn bị ám ảnh bởi phụ nữ da trắng tóc vàng. Tờ Shukan Post trong một loạt bài về Obara xuất bản vào mùa thu năm 2000 đề cập rằng hắn thậm chí đã phẫu thuật thẩm mỹ mắt để khiến chúng trông “Tây” hơn, dùng hormone tăng trưởng và mang giày độn để kéo dài chiều cao một mét bảy của mình.
Để thực hiện tội ác, Obara dùng chloroform và ma túy để gây mê nạn nhân, sau đó bắt cóc và hãm hiếp họ. Mặc dù ám ảnh với phụ nữ da trắng, nhưng nạn nhân của hắn cũng có cả người Nhật.
Vào thời điểm khi Obara bị bắt, hơn 400 đoạn băng gã thực hiện hành vi đồi bại với các nạn nhân đã được thu hồi. Những cuốn băng ghi lại cảnh Obara đeo chiếc mặt nạ “Zorro”, kéo những người phụ nữ đã bất tỉnh lên giường, trói họ lại và tấn công họ trong 12 giờ hoặc hơn. Tuy nhiên, cảnh sát không tìm thấy đoạn phim nào về Lucie.
Cuộc điều tra cũng phát hiện những ghi chép trong đó Obara gọi tội ác tấn công tình dục của mình là “trò chơi chinh phục” và mô tả phụ nữ như thứ “để thỏa mãn nhu cầu”.
Trong nhiều tuần thẩm vấn, Obara không thừa nhận bất cứ điều gì, khẳng định mọi cáo buộc chống lại mình là vô căn cứ, ngoại trừ một vụ hành hung. Nhưng những người hàng xóm của Obara ở Zushi, tỉnh Kanagawa – nơi hắn sở hữu một căn hộ cao cấp – nói với cảnh sát rằng đã nhìn thấy gã đàn ông cố gắng thay khóa cửa của căn hộ trống liền kề vào một đêm trong khoảng thời gian Lucie mất tích. Họ phát hiện hắn với hai tay bê bết bê tông, trở về từ bãi biển gần đó với một cái xẻng.
Đầu tháng đó, người ta cũng phát hiện Obara đã trả hàng triệu yên tiền mặt để mua một chiếc thuyền máy mà thậm chí không hề kiểm tra trước, làm dấy lên những đồn đoán về việc liệu hắn đã sử dụng nó cho những mục đích xấu xa nào.
Đến tháng 02/2001, cảnh sát cáo buộc Obara với nhiều vụ hãm hiếp phụ nữ nước ngoài – trong số đó có người Canada, người Anh, người Úc, và cả tội sát hại một phụ nữ Úc tên là Carita Ridgway. Theo cảnh sát, Obara đã đưa Carita về nhà, chuốc thuốc mê cô rồi thực hiện hành vi đồi bại.
Khi không thể đánh thức người phụ nữ, hắn đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất và nói rằng cô bị ngộ độc do ăn hàu. Carita qua đời vài ngày sau đó, nguyên nhân cái chết được kết luận là viêm gan E do ngộ độc thực phẩm, nhưng kiểm tra kỹ hơn gan của cô cho thấy sự hiện diện của chloroform. Điều này đã cũng được xác nhận qua nhật ký của Obara, hắn viết: “Carita Ridgway, quá nhiều chloroform.”
Vào ngày 09/02/2001, cảnh sát phát hiện thi thể của Lucie Blackman bị chôn trong một hang động bên bờ biển Aburatsubo, bán đảo Miura, tỉnh Kanagawa, cách Tokyo khoảng 30 dặm về phía nam và cách căn hộ của Joji Obara chưa đầy một dặm. Không thể xác định nguyên nhân tử vong do tình trạng phân hủy nặng. Và điều khiến người ta ớn lạnh là thi thể nạn nhân đã bị phân thành tám mảnh, đầu bị cạo trọc và đổ bê tông.
Ngay cả trước khi thi thể của cô gái xấu số được tìm thấy, Obara đã bị buộc tội đánh thuốc mê, cưỡng hiếp và sát hại cả Lucie Blackman lẫn Carita Ridgway, hãm hiếp 8 phụ nữ khác (những người này đã khai báo về vụ tấn công tình dục của bản thân hoặc có thể xác định được danh tính từ các băng ghi hình).
Cha của Lucie, Tim Blackman, đã nhận khoản tiền “mimaikin – 見舞金” (một cử chỉ chia buồn cho sự mất mát dưới hình thức tặng tiền) 450.000 bảng Anh từ một người bạn của Obara. Ông đã sử dụng một phần số tiền để thiết lập quỹ tín thác nhằm thúc đẩy sự an toàn cá nhân dưới tên của Lucie và một phần để lo cho tương lai của gia đình mình. Hành động này tuy nhiên cũng nhận về nhiều chỉ trích, đặc biệt là từ người vợ cũ – mẹ của Lucie.
Theo luật pháp Nhật Bản, tiền bồi thường của những người đã thú tội cho người thân của nạn nhân có thể được thẩm phán xem xét khi tuyên án. Việc nhận số tiền này có thể được xem là “chấp nhận lời xin lỗi” và ở một mức độ nào đó là sự tha thứ, để giảm bớt yếu tố trừng phạt trong việc tuyên án.
Tuy nhiên, nó không áp dụng trong trường hợp này vì phía Obara hoàn toàn không nhận tội. Trong bức thư gửi đến cảnh sát, ông Tim Blackman cũng viết: "Tôi không tha thứ cho bị cáo dưới bất kỳ hình thức nào. Tiền phúng điếu từ bạn của hắn ta được chấp nhận như cách chúng tôi đã nhận lời chia buồn từ khắp nơi trên thế giới."
Quyết định tha bổng cho Obara trong vụ Lucie Blackman nhận nhiều chỉ trích. Công tố viên đã kháng cáo với phán quyết liên quan đến Lucie dựa trên bằng chứng pháp y được bổ sung. Vào ngày 16/12/2008, phiên tòa phúc thẩm tuyên bố Obara phạm tội bắt cóc, phân xác và phi tang thi thể của Lucie, nhưng không bao gồm sát hại. Luật sư bào chữa của Obara đã nộp đơn kháng cáo và bị Tòa án Tối cao Nhật Bản bác bỏ vào tháng 12/2010, bản án chung thân được giữ nguyên.
Vụ mất tích của Lucie Blackman đã thúc đẩy Richard Lloyd Parry – một nhà báo người Anh theo sát vụ án – tự tiến hành một cuộc điều tra và viết nên tác phẩm “People Who Eat Darkness”. Sau khi trao đổi với gia đình và một số bạn bè của Lucie, ông bắt đầu khám phá những góc tối của thủ đô Nhật Bản.
Richard đã đến quận Roppongi, nơi nổi tiếng với nhiều quán bar thường tuyển dụng những phụ nữ trẻ có hoàn cảnh bấp bênh, phần nhiều là người nhập cư bất hợp pháp và cố gắng tìm hiểu hoạt động của ngành công nghiệp tình dục Nhật Bản cùng những hạn chế của tư pháp hình sự… Tác phẩm của ông đã tiết lộ bộ mặt đen tối của Nhật Bản cũng như của một số nhân vật chính, thậm chí là cả các đảng dân sự ở nước này.
Và cuối tháng 7/2023, một bộ phim tài liệu mang tên “Missing: The Lucie Blackman Case” dựa trên vụ án cũng sẽ được lên sóng Netflix.