eMagazine

Bí ẩn Aokigahara, “khu rừng tự sát” nổi tiếng của Nhật BảnBí ẩn Aokigahara, “khu rừng tự sát” nổi tiếng của Nhật Bản
Bí ẩn Aokigahara, “khu rừng tự sát” nổi tiếng của Nhật BảnBí ẩn Aokigahara, “khu rừng tự sát” nổi tiếng của Nhật Bản

Liệu bạn đã từng nghe đến “Khu rừng tự sát” ở Nhật Bản có tên gọi là Aokigahara chưa? Trong bài viết này, hãy cùng Kilala tìm hiểu về lý do vì sao khu rừng này lại có một cái tên mang màu sắc u ám và chết chóc như vậy nhé.

Bài: Phương Anh
Ảnh: Zekkei Japan, Tocana, Japan Travel, pixta

“Khu rừng tự sát”
nằm ở đâu?

“Khu rừng tự sát” có tên gọi chính thức là “Aokigahara – 青木ヶ原” nằm ở phía Tây Bắc của dãy núi Phú Sĩ thuộc địa phận tỉnh Yamanashi, có diện tích khoảng 3.500ha. Nơi đây còn được gọi là “Jukai – 樹海”, có nghĩa là “biển cây”, vì hình ảnh những tán cây chuyển động trong khu rừng rậm rạp này gợi nên liên tưởng về biển cả. Tuy vậy, trong khoảng vài chục năm trở lại đây, người ta lại thường nhắc đến khu rừng với cái tên khá rùng rợn là “Khu rừng tự sát” (Jisatsu no Mori – 自殺の森).

“Khu rừng tự sát”nằm ở đâu?

Tại Aokigahara, trước kia, mỗi năm người ta ghi nhận khoảng 100 vụ tự sát thành công, biến đâythành nơi có số lượng người tự tử nhiều thứ hai thế giới chỉ sau Cầu Cổng Vàng (Golden GateBridge) tại San Francisco, Mỹ.

Cảnh tượng ghê rợn bên trong khu rừng bị nguyền rủa

Cây cối trong rừng qua nhiều năm sinh trưởng và phát triển trở nên rậm rạp, tựa như một tấm chăn dày bao phủ lên mọi vật, tạo nên một bầu không khí u ám và ngột ngạt. Ngay cả âm thanh của gió và các loài vật sinh sống ở đây cũng bị tấm chăn này hấp thụ một cách kỳ lạ, như thể bước vào một căn phòng cách âm hoàn toàn với thế giới xung quanh. Một sự tĩnh lặng hơi nhuốm màu chết chóc. Khu rừng mang một vẻ đẹp đầy ám ảnh và ma mị, như chính những bí ẩn mà nó đang ôm lấy.

Cảnh tượng ghê rợn bên trong khu rừng bị nguyền rủa

Mặt đất bên dưới gồ ghề những hang hốc, rễ cây phủ đầy rêu mọc trên lớp nham thạch khô từ vụ phun trào núi lửa trước kia bện vào nhau, xoắn xuýt như muốn giữ lấy cổ chân của những ai đặt chân tới đây. Theo một số nhà tâm linh Nhật Bản, khu rừng đã đắm mình trong thứ năng lượng xấu được tích tụ qua nhiều thế kỷ. Hơn nữa, cây cối tại đây lại tạo cảm giác như đang mang trong mình một sự sống thần bí. Sinh trưởng trên vùng đất vô cùng màu mỡ, bộ rễ của chúng phát triển đủ mọi hình dạng, có trường hợp trông như những chiếc xúc tu, đôi khi tưởng như chúng có thể di chuyển vậy. Đất ở đây có hàm lượng quặng sắt cao, có thể gây nhiễu tín hiệu GPS, điện thoại di động, và ngay cả la bàn cũng bị ảnh hưởng.

Cảnh tượng ghê rợn bên trong khu rừng bị nguyền rủa

Bên trong rừng rải rác hài cốt, dây thừng cùng đồ dùng của những người xấu số để lại. Hình thức tự tử phổ biến nhất tại đây là treo cổ, vì vậy cảnh vật lại càng mang màu sắc ám ảnh và tang thương. Có những lời đồn đoán rằng, khi những người bảo vệ rừng tìm thấy một xác chết, họ sẽ đưa nó đến một căn phòng đặc biệt. Tại đây, thi thể sẽ được đặt trên một chiếc giường. Tuy nhiên, điều thú vị là người bảo vệ sẽ phải ngủ trong cùng một phòng với thi thể. Điều này thoạt nghe có vẻ rất quái lạ, nhưng người ta nói, nếu cái xác bị bỏ lại một mình trong phòng, linh hồn của nó sẽ di chuyển cả đêm trong ký túc xá, la hét và loạn trí. Những người bảo vệ sẽ chơi trò oẳn tù tì để quyết định xem ai sẽ là người xui xẻo ngủ qua đêm cùng với thi thể. Điều này chứng tỏ họ tin tưởng và sợ linh hồn đã chết đến thế nào – thà ngủ gần thi thể còn hơn là mạo hiểm làm phiền chúng. Tuy vậy, những điều này chỉ được truyền tai nên tính xác thực của chúng vẫn còn là dấu chấm hỏi.

Tại sao những người xấu số lại chọn Aokigahara làm nơi yên nghỉ cuối cùng?

Nhiều người đã bỏ công tìm đến Aokigahara để từ bỏ cuộc sống của mình, và dưới đây là một số lý do có thể đã dẫn đến quyết định của họ.

1. Ảnh hưởng bởi yếu tố tâm linh

Thần đạo (Shinto) là tôn giáo bản địa của Nhật Bản. Người Nhật luôn mang tấm lòng tôn kính sâu sắc đối với thiên nhiên, nơi sinh sống của các vị thần. Ngoài ra, những ngọn núi cao theo truyền thống được cho là cánh cổng đến thiên đường, và với việc Phú Sĩ là ngọn núi được tôn thờ sâu sắc, nhiều người Nhật đã xem khu rừng này – nơi kề cận với ngọn núi thiêng – làm “nơi hoàn hảo để chết”.

2. Bị dẫn dụ bởi các vong hồn (Yurei)

Trong quan niệm phổ biến của Nhật Bản, nếu một người chết trong cảm giác hận thù, tức giận, buồn bã hoặc mong muốn trả thù, linh hồn của họ không thể rời khỏi thế giới này và tiếp tục đi lang thang. Những linh hồn này được gọi là “Yurei” (Oán linh – 幽霊). Người ta cũng truyền tai nhau về một phong tục đáng sợ gọi là “Ubasute”. “Ubasute – 姥捨て” hay “Oyasute – 親捨て” là một tập tục cổ xưa trong xã hội Nhật. Vào thời nạn đói hoành hành, người dân phải tìm đủ mọi cách để duy trì cuộc sống. Lúc đó, họ đã quyết định thực hiện một cuộc chọn lọc được gọi là Ubasute, nôm na là “cõng người già lên núi và bỏ mặc cho đến chết” nhằm giảm bớt miệng ăn. Linh hồn của những người già bị ruồng bỏ bởi con cháu không thể siêu thoát, dẫn đến kết cục là họ biến thành Yurei và lang thang trong rừng. Theo lời đồn, các vong hồn của người chết trong khu rừng này đã gây ra ảo giác, dẫn dụ những ai vào rừng trở nên lạc lối, không tìm được đường về. Họ trở nên hoang mang, tiêu cực, và quyết định kết liễu cuộc đời mình.

Tại sao những người xấu số lại chọn Aokigahara làm nơi yên nghỉ cuối cùng?

3. Ảnh hưởng của “Seppuku” đến “văn hóa tự tử”

“Seppuku – 切腹” hay “Harakiri – 腹切り” là một nghi thức tự sát thời xưa bằng cách tự rạch bụng của Samurai Nhật. Theo nghi thức này, một Samurai sẽ tự mổ bụng tuẫn tiết khi bị thất trận hoặc khi chủ chết để tránh bị rơi vào tay quân thù và bị làm nhục, hoặc như một hình thức tử hình đối với các Samurai đã phạm tội nghiêm trọng. Nghi thức ghê rợn này còn mang ý nghĩa sửa chữa cho hành vi sai trái hoặc chuyện đáng hổ thẹn đã gây ra. Mặc dù thời đại của Samurai đã kết thúc từ lâu, văn hóa Seppuku vẫn còn ghi dấu trong đời sống của Nhật Bản hiện đại, và nhiều người vẫn có tư tưởng ngộ nhận rằng tự sát giúp bảo vệ danh dự và lòng tự tôn của bản thân. Điển hình là tỷ lệ tự tử leo thang trong cuộc khủng hoảng kinh tế Nhật Bản vào những năm 1990, và nhiều trường hợp tự tử ngày nay có thể là phản ứng của chính họ trước sự hổ thẹn về thất nghiệp hay không muốn trở thành gánh nặng tài chính cho gia đình.

4. “Được” cổ súy bởi các tác phẩm văn học

Vào năm 1960, nhà văn Seicho Matsumoto đã ra mắt cuốn tiểu thuyết có tên “Nami no Tou” (波の塔 – Tháp sóng), trong đó một cặp đôi yêu nhau đã kết liễu đời mình trong khu rừng này. Cuốn sách đã tạo ra một làn sóng tự tử tại rừng Aokigahara. Nhiều người đã lặn lội từ xa đến đây để chấm dứt cuộc đời. Khu rừng cũng được mô tả trong một cuốn sách khác của tác giả Wataru Tsurumi có tựa đề là “Kanzen Jisatsu Manyuaru” (完全自殺マニュアル – Cẩm nang hoàn chỉnh về tự tử), cung cấp cho người đọc tất cả các phương pháp khác nhau để tự sát. Wataru Tsurumi đã mô tả Aokigahara là nơi hoàn hảo để chết. Trong cuốn sách, tác giả giải thích cách lái xe đến khu rừng, cũng như tự tử ở khu vực nào sẽ không bị tìm thấy. Cuốn sách từng trở thành sách bán chạy nhất ở Nhật Bản và được tìm thấy bên cạnh nhiều thi thể trong khu rừng.

Nỗ lực của chính quyền để ngăn chặn các vụ tự tử

Vào đầu những năm 2000, sau nhiều năm bị xã hội kỳ thị và ngó lơ thì cuối cùng, Nhật Bản đã nhận ra vấn đề tỷ lệ tự tử gia tăng và bắt đầu thực hiện một số biện pháp phòng ngừa, trợ giúp cho những người có nguy cơ tự tử. Aokigahara cũng làm điều tương tự. Mặc dù số vụ tự tử tại Aokigahara được cho là đã giảm kể từ năm 2012 nhưng chính phủ Nhật Bản đã quyết định ngừng công khai những số liệu thống kê này với hy vọng công chúng ngừng chú ý đến “khu rừng tự sát”.

Nỗ lực của chính quyền để ngăn chặn các vụ tự tử

Ngoài ra, camera giám sát cũng được lắp đặt rải rác để ghi lại hình ảnh những du khách đi vào, nhân viên giám sát và bảo vệ cũng thường xuyên kiểm tra các hành vi đáng ngờ, đảm bảo những người đến đây có thể quay trở về. Nhân viên quét dọn cũng thường xuyên kiểm tra các khu vực ngoài lối đi và men theo những con đường mòn với hy vọng tìm thấy những “nạn nhân tiềm năng” trước khi quá muộn. Những thông điệp động viên, các số điện thoại đường dây nóng hỗ trợ được dán ở khắp mọi nơi. Trang web chính thức của tỉnh Yamanashi cũng liệt kê chi tiết về các biện pháp ngăn chặn tự tử mà họ đã và đang thực hiện, cũng như đăng tải đường dẫn tới các tài liệu giải thích cặn kẽ một số chính sách và hoạt động của họ.

Mang sự sống về với “khu rừng tự sát”

Liệu có ai muốn đến tham quan một khu rừng đã nhuộm màu lịch sử bi thảm như vậy? Mặc dù không có lối vào cụ thể, bạn vẫn có thể dễ dàng ghé thăm Aokigahara. Có những đường mòn đi bộ dài, thậm chí cả các chuyến tham quan có hướng dẫn viên, vì vậy bạn chắc chắn có thể đến và ngắm cảnh. Thực tế, đã có một số tour du lịch và các khóa học đi bộ đường dài ở đây. Bên cạnh đó, nhờ nằm ở vị trí đắc địa dưới chân núi Phú Sĩ và gần các các điểm tham quan tự nhiên khác, Aokigahara có tiềm năng trở thành một địa điểm tham quan tuyệt đẹp. Nơi đây là một địa điểm nhuốm màu huyền bí, ôm trong mình một lịch sử vĩ đại và sự tôn kính tâm linh sâu sắc, Aokigahara không nên gắn với cái mác “khu rừng tự sát”. Nhiều người đã nỗ lực để tái lập “thương hiệu” Aokigahara, quảng bá vẻ đẹp tự nhiên của khu rừng đến mọi người thay vì cứ mãi tập trung vào quá khứ u tối của nó.

Mang sự sống về với “khu rừng tự sát”

Nếu có dịp ghé thăm khu rừng thần bí này, bạn hãy nhớ đảm bảo tuân theo hướng dẫn từ những người hướng dẫn chuyên nghiệp nhé.