eMagazine
0%

Khi màn đêm buông xuống, một bộ xương trắng khổng lồ mang theo oán niệm sẽ xuất hiện, lang thang trên đường và phát ra âm thanh lạch cạch, lạch cạch. Đôi tay xương xẩu của nó vươn dài và tóm lấy nạn nhân rồi đoạt mạng họ chỉ trong chớp mắt.

“Bộ xương ma” khổng lồ  “Bộ xương ma” khổng lồ.

Gashadokuro (がしゃどくろ hoặc がしゃ髑髏) hay còn gọi là Odokuro, nghĩa đen là "bộ xương lạch cạch", được biết đến là một sinh vật trong truyền thuyết dân gian Nhật Bản sinh ra từ sự đói khát và uất hận. Chúng tồn tại để báo thù, thỏa mãn cơn khát của mình bằng máu người.

Gashadokuro có vẻ ngoài đáng sợ khiến ai trông thấy cũng khiếp đảm. Nó là bộ xương người trắng toát, cao trên 10m với phần hộp sọ có hoặc không có nhãn cầu trong hốc mắt. Khi Gashadokuro có mắt thì mỗi mắt sẽ hướng về một hướng khác nhau, lồi ra và liên tục đảo quanh, mang màu đỏ như máu hoặc màu vàng, xanh lục. Dân gian cho rằng đôi khi toàn bộ khung xương của Gashadokuro sẽ bốc cháy khi nó tức giận và nó còn sở hữu chiếc lưỡi dài để hút máu người.

Bộ xương Gashadokuro có kích thước khổng lồ.
Bộ xương Gashadokuro có kích thước khổng lồ. Ảnh: medium.com, pen-online.com

Vào khoảng 2 giờ sáng, khi trời tối đen như mực, Gashadokuro sẽ đi lang thang, thường là ở các vùng nông thôn hoang vắng hay nơi chiến trường, nghĩa trang. Bất cứ ai gặp phải nó đều nhận lấy kết cục đau thương.

Nó thường di chuyển nhẹ nhàng đến mức người bình thường khó lòng phát hiện ra, và một khi đã nghe thấy âm thanh lách cách do răng của Gashadokuro va vào nhau thì bộ xương ma đã ở sát bên “con mồi”, đồng nghĩa mọi chuyện đã quá muộn.

Gashadokuro thường tấn công bằng cách bò lên từ phía sau rồi dùng đôi tay xương xẩu tóm lấy con mồi và cắn đứt đầu, hút máu chảy ra từ động mạch chính trên cổ của người đó. Nạn nhân sẽ bị hút cạn máu, bị ăn thịt và trải qua cái chết đầy đau đớn trong nỗi kinh hoàng tột độ.

tranh-yokai.
Ảnh: Japan Box

Gashadokuro được cho là sở hữu sức mạnh tàng hình và không thể phá hủy, chỉ có một cách xua đuổi nó là dùng lá bùa trong Thần đạo. Gashadokuro sẽ săn mồi, ám ảnh loài người cho đến khi giải phóng được cơn giận dữ ẩn chứa trong chính nó. Khi đó lớp xương trắng của nó vỡ vụn ra và Gashadokuro sẽ biến mất. 

Nguồn gốc của sinh vật đáng sợ Nguồn gốc của sinh vật đáng sợ.

Theo truyền thuyết, Gashadokuro được hình thành từ xương của những người lính tử trận không được chôn cất tử tế hoặc từ những người chết trong nạn đói. 

Những người qua đời vì đói khát thường phải chịu đựng sự thống khổ kéo dài rồi ra đi mà không được chôn cất tử tế. Họ thường chết hoặc bị chôn tập thể và linh hồn khó siêu thoát. Hài cốt của họ sau đó tập hợp lại, tạo thành sinh vật mang hình dáng bộ xương người, chất chứa bao oán hận cùng cơn đói cồn cào chỉ có thể được thỏa mãn bằng máu thịt của người sống.

Yêu quái.
Ảnh: darkandcuriousthings.com

Khi xưa, nước Nhật đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, nạn đói hoành hành khiến nhân dân rơi vào cảnh lầm than và nhiều người phải bỏ mạng, trở thành những “con ma đói”. Xác người chết đói nằm la liệt khắp nơi tạo nên cảnh tượng tang thương rùng rợn. Từ đây mà những câu chuyện về Gashadokuro dần hình thành và được thêu dệt thành truyền thuyết kinh dị.

Yêu quái.
Ảnh: darkandcuriousthings.com

Câu chuyện nổi tiếng về Gashadokuro Câu chuyện nổi tiếng về Gashadokuro.

Có rất nhiều truyền thuyết kể về bộ xương ma gieo rắc tai ương đến cuộc sống loài người nhưng phổ biến nhất vẫn là chuyện về người con gái của thủ lĩnh Taira no Masakado. Đây là một trong những câu chuyện đầu tiên được biết đến về Gashadokuro, với bối cảnh diễn ra vào thế kỷ thứ 10.

Chuyện kể rằng Taira no Masakado - một samurai nổi tiếng đến từ vùng Kanto, vào năm 939 đã khơi mào cuộc chiến Tengyo no Ran (天慶の乱 - Chiến tranh trong thời đại Tengyo) khi tấn công vào tiền đồn của chính quyền trung ương ở tỉnh Hitachi, rồi chiếm lấy Shimotsuke, Kozuke và tự xưng là Shinno (Tân hoàng).

Bức tượng Gashadokuro bằng đồng trên đường Mizuki Shigeru ở thành phố Sakaiminato, tỉnh Tottori.
Bức tượng Gashadokuro bằng đồng trên đường Mizuki Shigeru ở thành phố Sakaiminato, tỉnh Tottori. Ảnh: livedoor
Bức tượng Gashadokuro bằng đồng trên đường Mizuki Shigeru ở thành phố Sakaiminato, tỉnh Tottori.
Bức tượng Gashadokuro bằng đồng trên đường Mizuki Shigeru ở thành phố Sakaiminato, tỉnh Tottori. Ảnh: livedoor

Chính quyền ở Kyoto lúc bấy giờ rất lo sợ các cuộc tấn công của Masakado và treo thưởng cho những ai có thể trừ khử được ông. Năm 940, Taira no Sadamori – anh họ của Masakado và Fujiwara no Hidesato đã đánh bại rồi mang thủ cấp của ông về Kyoto để nhận thưởng. Khi biết tin cha mình bị sát hại, con gái của Masakado là Takiyasha Hime đã đứng lên báo thù cho cha.

Takiyasha Hime vốn là một nữ phù thủy nổi tiếng và quyền năng, nàng đã dùng sức mạnh của bản thân tập hợp hài cốt của những người lính bỏ mạng trong trận chiến cùng với Masakado, tạo thành một bộ xương ma khổng lồ và tiến về Kyoto để trả thù. Trong hành trình truy đuổi kẻ thù, đi đến đâu Gashadokuro tàn phá đến đó, nó chỉ dừng lại khi đầu của Masakado tự tìm đường đến làng chài Shibasaki (Tokyo ngày nay) và được người dân chôn cất. Ngôi mộ của Taira no Masakado vẫn còn tồn tại cho đến nay, gần với Cung điện Hoàng gia Tokyo.

Câu chuyện này đã được minh họa trong tác phẩm Ukiyo-e Soma no furu-dairi (còn được gọi là Phù thủy Takiyasha và Bóng ma bộ xương) của họa sĩ Utagawa Kuniyoshi (1798 – 1861).

Bức tranh Soma no furu-dairi.
Bức tranh Soma no furu-dairi. Ảnh: Yabai

Tuy nhiên cũng có một cuộc tranh luận cho rằng bức tranh này không thực sự liên quan đến Gashadokuro và ở phiên bản gốc của câu chuyện, Takiyasha Hime đã triệu hồi nhiều bộ xương có kích thước bình thường. Tuy nhiên họa sĩ Utagawa Kuniyoshi đã biến đổi câu chuyện và cho “nhiều bộ xương” hóa thành một bộ xương khổng lồ, khiến nó tình cờ trông giống như một Gashadokuro.

Tranh minh họa Gashadokuro của Mizuki Shigeru – tác giả Gegege no Kitaro.
Tranh minh họa Gashadokuro của Mizuki Shigeru – tác giả Gegege no Kitaro. Ảnh: darkandcuriousthings.com

Ở thời hiện đại, câu chuyện về Gashadokuro chủ yếu đều dựa trên bức tranh của Utagawa Kuniyoshi. Và vào nửa sau thế kỷ 20, người dân cũng lan truyền một truyền thuyết đô thị về những người trẻ gặp phải Gashadokuro.

Một chàng trai tên Yuki cùng hai người bạn khác đã đi đường tắt để đến nhà ga, đoạn đường phải băng qua một cánh rừng và khu vực này bị cấm vì trước đó là chiến trường bị ma ám. Tuy nhiên vì muốn đến ga nhanh cho kịp chuyến tàu nên Yuki cùng bạn bè vẫn quyết dấn bước vào trong rừng.

Tại đây họ nghe thấy âm thanh quái lạ phát ra mỗi lúc một to hơn theo từng bước chân. Sau đó, cả ba trông thấy một bộ xương trắng khổng lồ bốc mùi hôi thối đang đuổi theo sau. Họ sợ hãi bỏ chạy nhưng đã bị Gashadokuro tóm gọn và hành hạ trong một đêm ác mộng.

Gashadokuro trong văn hóa đại chúng Gashadokuro trong văn hóa đại chúng.

Giống như những sinh vật truyền thuyết khác, Gashadokuro cũng có những ảnh hưởng lên đời sống văn hóa, nghệ thuật của người dân xứ Phù Tang. 

Các hình minh họa và mô tả về Gashadokuro xuất hiện trong bách khoa toàn thư về Yokai, thường bắt nguồn từ các bài viết trong thời Minh Trị của Saito Ryokuu. Vào giữa thế kỷ 20, Gashadokuro được mô tả lần đầu trên báo in. Nó được giới thiệu trong bài viết của Saito Morihiro đăng trên tạp chí Bessatsu Shoujyo Friend với tựa đề Đặc điểm về Yokai Nhật Bản bên cạnh bạn, xuất bản vào năm 1966. Đến năm 1972, Gashadokuro được đưa vào Bách khoa toàn thư Nihon Yokai của Sato Arifumi.

Gashadokuro trong tác phẩm Pom Poko.
Gashadokuro trong tác phẩm Pom Poko. Ảnh: Studio Ghibli

Gashadokuro trong văn hóa đại chúng được miêu tả là kiểu sinh vật thần thoại độc ác, thường được tham khảo để xây dựng một số nhân vật phản diện trong anime, manga hoặc trò chơi điện tử. Nó xuất hiện trong bộ phim hoạt hình Pom Poko (1994) của Studio Ghibli và cả manga One Piece (1997).

Trong Inu x Boku SS (2009), nhân vật Roromiya Karuta có thể tự biến thành dạng yêu quái với bộ xương lớn được bao quanh bởi hào quang màu tím. Hay trong manga Nurarihyon no Mago, Gashadokuro được mô tả với nhãn cầu lớn và luôn cúi đầu xuống.

Bộ xương khổng lồ trong Nurarihyon no Mago.
Bộ xương khổng lồ trong Nurarihyon no Mago. Ảnh: anisearch.com

Ngoài ra Gashadokuro còn “góp mặt” trong các trò chơi điện tử như Muramasa: The Demon Blade, AdventureQuest Worlds với phiên bản Gashadokuro riêng được đặt tên là O-Dokuro.