Người Nhật gọi chung các loại bánh mì là “pan” (パン), bắt nguồn từ chữ “pão”, nghĩa là “bánh mì” trong tiếng Bồ Đào Nha. Có nguồn gốc từ phương Tây nhưng bánh mì Nhật lại mang hương vị riêng biệt, khó lẫn lộn với bất kỳ nơi nào khác. Chính vì vậy, khi nhắc đến từ “pan”, người ta nhớ ngay đến những loại bánh mì độc đáo từ xứ Phù Tang.
Vào năm 1543, khi những nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha vượt biển đến Nhật trên những con tàu, họ đã đem theo một món ăn mới lạ của phương Tây: bánh mì.
Tuy nhiên không lâu sau, vào năm 1639, Mạc phủ Tokugawa ban hành chính sách bế quan tỏa cảng (Sakoku), đóng cửa biên giới quốc gia khiến bánh mì theo đó cũng bị “xóa sổ”.
Mãi đến khi Chiến tranh Nha phiến giữa Anh và Trung Quốc nổ ra vào năm 1840, bánh mì mới có sự trở lại ở Nhật. Dù không tham chiến nhưng sau khi người Anh đánh bại hoàn toàn nhà Thanh, chính quyền Nhật Bản lo sợ quân đội Anh sẽ tấn công đất nước. Và để chuẩn bị cho cuộc chiến, quân đội Nhật chuyển sang ăn bánh mì thay cơm, vì bánh mì vừa dễ bảo quản mà lại không tạo ra khói như khi nấu cơm.
Đến thời kỳ Minh Trị (1868-1912), văn hóa phương Tây phát triển cực thịnh nên bánh mì cũng trở nên phổ biến hơn với quần chúng. Tại những nơi có đông người nước ngoài định cư như Kobe hay Yokohama, nhiều tiệm bánh mì xuất hiện và luôn tấp nập khách hàng. Ngoài ra trong giai đoạn này bắt đầu có những sáng tạo riêng đậm chất Nhật với sự ra đời của anpan (bánh mì nhân đậu đỏ).
Đến thời hậu chiến, từ sau năm 1945, Nhật Bản trải qua tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Để hỗ trợ Nhật Bản, Hoa Kỳ đã cung cấp khẩu phần lương thực bao gồm lúa mì và sữa bột. Với những nguyên liệu này, bánh mì dần trở thành thực phẩm chính trong chế độ ăn uống của người Nhật.
Khi việc tiêu thụ tăng lên và bánh mì trở nên quen thuộc trong đời sống, đó là lúc văn hóa bánh mì Nhật được hình thành với những bản sắc riêng biệt. Những chiếc bánh thơm phức, ngọt lành ra đời với muôn hình muôn vẻ và mang hương vị đặc biệt không thể nhầm lẫn.
Pan giờ đây là món ăn không thể thiếu trong trường học ở Nhật. Bữa trưa ở trường thường có các loại bánh như shokupan (bánh mì sữa), koppepan, hay agepan (bánh mì cuộn chiên giòn).
Theo báo cáo năm 2011 của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, chi tiêu trung bình của hộ gia đình dành cho bánh mì còn nhiều hơn cả gạo. Vào năm 2017 đã có 1.254.062 tấn bánh mì được sản xuất ở Nhật.
Trong năm 2023, thành phố Kobe đứng đầu Nhật Bản về mức tiêu thụ bánh mì của các hộ gia đình có hai người trở lên. Kobe cũng là nơi được mệnh danh là "thành phố bánh mì" của xứ Phù Tang.
Và ở thời đại ngày nay, với xu hướng đơn giản hóa, tiết kiệm thời gian lẫn chi phí thì bánh mì là loại thực phẩm thiết yếu mà mọi người lựa chọn.
Bánh mì Nhật điển hình thường mềm mịn, hoặc kết hợp giữa Đông và Tây với cấu trúc vỏ bánh làm theo công thức của châu Âu nhưng lớp nhân lại mang phong cách Nhật Bản. Những năm gần đây, các món bánh có vỏ giòn tan cũng rất được ưa chuộng.
Dưới đây là những loại bánh mà người Nhật hay thưởng thức.
Vào năm 1875, một cựu Samurai có tên Kimura Yasubei đã tạo ra chiếc bánh anpan đầu tiên. Anpan là một sự sáng tạo mới mẻ của người Nhật vì trước đó văn hoá thêm nhân ngọt vào bánh mì gần như chưa từng được biết đến ở Âu Mỹ.
Anpan có lớp vỏ như bánh manju, bên trong là đậu đỏ được nấu chín rồi nghiền nhuyễn. Ngày nay có rất nhiều loại nhân khác như đậu trắng, mè hoặc hạt dẻ. Loại bánh này rất quen thuộc, luôn xuất hiện ở mọi tiệm bánh mì tại Nhật.
Nhân vật người hùng tuổi thơ trong bộ manga Anpanman của Yanase Takashi chính là lấy cảm hứng từ loại bánh mì quốc dân này.
Shokupan còn có tên gọi khác là bánh mì sữa Hokkaido. Bánh có hình dạng vuông vức, kết cấu mềm mại, thơm lừng mùi bơ sữa hơn so với các loại bánh mì trắng khác.
Ở Nhật, shokupan là loại bánh mì được tiêu thụ nhiều nhất và món này cũng rất nổi tiếng tại nước ngoài.
Mặc dù gọi là Melonpan nhưng bánh không có vị hay nhân dưa lưới, mà cái tên này bắt nguồn từ vẻ ngoài của bánh.
Melonpan có lớp vỏ giòn rụm, hình dáng trông giống như một quả dưa lưới. Bánh có kết cấu bên trong mềm mại, bên ngoài giòn tan, thơm vị bơ cùng lớp bột bánh quy phủ bên ngoài vô cùng hấp dẫn.
Cà ri có nguồn gốc từ Ấn Độ nhưng nói đến bánh mì cà ri thì chỉ có ở Nhật. Đây là một trong những loại bánh mì mặn phổ biến nhất xứ Phù Tang, ra đời từ năm 1877. Loại bánh này có dạng tròn, được nhồi nhân cà ri gà, bò hoặc cừu rồi chiên lên đến khi vàng giòn.
Karepan (hay curry-pan) được yêu thích ở mọi lứa tuổi, cả người lớn lẫn trẻ em đều say mê hương vị này, đặc biệt là vào những ngày trời se lạnh.
Loại bánh mì kem này được một phụ nữ tên là Souma Kokkou tạo ra vào khoảng năm 1904, lấy cảm hứng từ bánh su kem.
Cream pan thường được dùng trong bữa sáng. Bánh có lớp kem mềm mịn ngọt ngào bên trong nên rất được hội người hảo ngọt ưa thích.
Ngoài ra còn có nhiều loại bánh được ra đời theo xu hướng thời đại để phục vụ thực khách. Như bánh sandwich trái cây (fruit sando) với kem tươi cùng các loại quả được cắt lát kẹp trong bánh mì.
Hay jam-pan (bánh mì nhân mứt) có từ năm 1900; hoặc yakisoba-pan, một loại bánh độc lạ với phần mì xào yakisoba được nhồi trong bánh mì hotdog.
Koppepan thơm mềm cũng xuất phát từ bánh mì hotdog, hay bánh mì cổ điển baguette được biến tấu với những phiên bản rất Nhật là matcha baguette, có lớp vỏ kết hợp đậu nành đen và bột trà xanh...
Từ thập niên 2020, ở Nhật đã bắt đầu xu hướng du nhập các loại bánh mì Ý. Điển hình là bánh mì ngọt maritozzo lên ngôi vào năm 2021. Đây là một loại bánh brioche mềm mại với nhân kem tươi kết hợp với mứt trái cây hay đậu đỏ ngọt dịu.
Theo báo cáo năm 2011 của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, chi tiêu trung bình của hộ gia đình dành cho bánh mì còn nhiều hơn cả gạo. Vào năm 2017 đã có 1.254.062 tấn bánh mì được sản xuất ở Nhật.
Trong năm 2023, thành phố Kobe đứng đầu Nhật Bản về mức tiêu thụ bánh mì của các hộ gia đình có hai người trở lên. Kobe cũng là nơi được mệnh danh là "thành phố bánh mì" của xứ Phù Tang.
Và ở thời đại ngày nay, với xu hướng đơn giản hóa, tiết kiệm thời gian lẫn chi phí thì bánh mì là loại thực phẩm thiết yếu mà mọi người lựa chọn.
Văn hóa bánh mì Nhật Bản đang dần chinh phục thị trường quốc tế, đặc biệt là tại các nước châu Á lân cận. Ngày nay, Nhật Bản trở thành điểm đến lý tưởng cho những đầu bếp muốn học hỏi kỹ thuật làm bánh hiện đại, thay vì phải đến châu Âu xa xôi.
Những chiếc bánh mì Nhật Bản cũng đang dần chinh phục người Việt, mang theo một làn gió mới cho thị trường bánh mì Việt Nam. Với sự xuất hiện của các tiệm bánh Nhật ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, những chiếc “pan” mềm mại, sáng tạo như anpan, melonpan hay shokupan đang ngày càng chiếm được cảm tình của thực khách.
Sự tương đồng về ẩm thực khu vực là một yếu tố quan trọng làm nên sức hút của bánh mì Nhật. Trong khi bánh mì kiểu Tây khó cạnh tranh ở các thị trường coi trọng cơm hoặc mì, kinh nghiệm hơn 150 năm làm bánh của Nhật Bản đã giúp tạo ra những chiếc bánh có kết cấu và hương vị phù hợp với khẩu vị châu Á.