eMagazine
0%

Cách bờ biển tỉnh Niigata khoảng 30km, trên Biển Nhật Bản, có một vùng đất được mệnh danh là “Hòn đảo của Vàng và Bạc”. Được bao bọc bởi biển xanh rộng lớn cùng những cánh rừng bạt ngàn, Sado – tên của hòn đảo – ngày nay là một điểm đến đầy quyến rũ khi không chỉ sở hữu thiên nhiên tươi đẹp, nơi đây còn ôm trong mình đoạn lịch sử vô cùng đặc biệt, góp phần hình thành nên nền văn hóa đảo đầy màu sắc.

Những bằng chứng khảo cổ cho thấy con người đã có mặt trên đảo Sado từ 10.000 năm trước. Trong huyền thoại lập quốc của Nhật Bản, Kojiki (Cổ Sự Ký – cuốn sách lịch sử lâu đời nhất của nước Nhật) ghi chép rằng Sado là hòn đảo thứ bảy của đất nước mặt trời mọc, còn trong Nihonshoki (Nhật Bản Thư Kỷ), đây là hòn đảo thứ năm được ra đời, cùng với hòn đảo sinh đôi của nó là Oki.

Kanzo (hoa hiên) nở rộ vào khoảng cuối tháng 5 đến đầu tháng 6, phủ sắc vàng rực rỡ lên đảo Sado
Kanzo (hoa hiên) nở rộ vào khoảng cuối tháng 5 đến đầu tháng 6, phủ sắc vàng rực rỡ lên đảo Sado. Ảnh: sadotravel.wordpress

Hòn đảo lưu đày

Trong thời kỳ Nara (khoảng thế kỷ 8), Sado từng là một tỉnh độc lập và được chính quyền sử dụng làm "onru no shima - 遠流の島", hòn đảo lưu đày những người bất đồng về quan điểm chính trị với triều đình. Trong suốt thời Kamakura (1185-1333) và Muromachi (1336-1573), các bậc trí thức tinh hoa và quý tộc bị đày tới đây đã giới thiệu những nét văn hóa, nghệ thuật chốn kinh kỳ đến người dân trên đảo.

Thiên hoàng Juntoku, năm 1221

Hoàng đế Juntoku lên ngôi với tư cách là Thiên hoàng thứ 84 theo danh sách kế thừa truyền thống. Tuy nhiên, trong thời gian trị vì, ông không tích cực tham gia vào chính trị mà thay vào đó cống hiến hết mình cho những nghiên cứu về lịch sử triều đại và thơ tanka.

Thiên hoàng tham gia vào mưu đồ do cha mình – Thượng hoàng Gotoba lên kế hoạch nhằm lật đổ Mạc phủ Kamakura và bắt đầu Trận chiến Jokyu. Bại trận, ông và gia đình bị buộc phải lưu vong đến Sado vào năm 1221 và vĩnh viễn không được phép quay trở lại Kyoto. Sau 22 năm sống trên đảo, ngài qua đời ở tuổi 46.

Ngày nay, nhiều di tích lịch sử như Dinh thự Kuroki - nơi ở của Thiên hoàng và Lăng Mano - nơi ông được chôn cất, vẫn còn tồn tại ở Sado.

Du khách có thể ghé thăm Dinh thự Kuroki nơi Thiên hoàng Juntoku từng sống. Tòa nhà được xây từ gỗ đẽo thô, nằm giữa khuôn viên xanh mát được che phủ bởi nhiều cây thông
Du khách có thể ghé thăm Dinh thự Kuroki nơi Thiên hoàng Juntoku từng sống. Tòa nhà được xây từ gỗ đẽo thô, nằm giữa khuôn viên xanh mát được che phủ bởi nhiều cây thông. Ảnh: visitsado.com
Du khách có thể ghé thăm Dinh thự Kuroki nơi Thiên hoàng Juntoku từng sống. Tòa nhà được xây từ gỗ đẽo thô, nằm giữa khuôn viên xanh mát được che phủ bởi nhiều cây thông
Du khách có thể ghé thăm Dinh thự Kuroki nơi Thiên hoàng Juntoku từng sống. Tòa nhà được xây từ gỗ đẽo thô, nằm giữa khuôn viên xanh mát được che phủ bởi nhiều cây thông. Ảnh: visitsado.com

Đại sư Nichiren, năm 1271

Đại sư Nichiren là người sáng lập tông phái Nichiren của Phật giáo Nhật Bản. Sau một loạt các trận động đất, nạn đói và dịch bệnh, ông đã viết và gửi cuốn sách Rissho Ankokuron (Lập Chính An Quốc Luận) cho Tokiyori Hojo, người đứng đầu Mạc phủ Kamakura. Trong cuốn sách, Nichiren giải thích lý do hàng loạt thảm họa xảy ra là do Mạc phủ và người dân tin vào dị giáo, đồng thời nhấn mạnh rằng nhiều thảm họa có thể xảy ra thêm nữa trừ khi mọi người tin vào Hokekyo (Kinh Pháp Hoa).

Bị buộc tội đổ lỗi cho Mạc phủ và các tông phái Phật giáo khác, ông bị đày đến Sado vào năm 1271. Tại đây, nhà sư buộc phải sống tại Sanmaido thuộc khu vực Tsukahara, trong một tòa nhà nhỏ xiêu vẹo giữa khuôn viên nghĩa địa trong vòng sáu tháng trước khi chuyển đến Ichinosawa. Nichiren được ân xá sau ba năm ở Sado và trở về Kamakura.

Chùa Konponji (trái) và Chùa Myoshoji (phải) là hai địa điểm linh thiêng đối với tông phái Nichiren, nơi Đại sư Nichiren từng sống và viết nên những tác phẩm quan trọng.
Chùa Konponji (trái) và Chùa Myoshoji (phải) là hai địa điểm linh thiêng đối với tông phái Nichiren, nơi Đại sư Nichiren từng sống và viết nên những tác phẩm quan trọng. Ảnh: visitsado.com, enjoyniigata.com
Chùa Konponji và Chùa Myoshoji là hai địa điểm linh thiêng đối với tông phái Nichiren, nơi Đại sư Nichiren từng sống và viết nên những tác phẩm quan trọng.
Chùa Konponji và Chùa Myoshoji là hai địa điểm linh thiêng đối với tông phái Nichiren, nơi Đại sư Nichiren từng sống và viết nên những tác phẩm quan trọng. Ảnh: visitsado.com, enjoyniigata.com

Zeami Motokiyo, năm 1434

Chùa Shoboji là một trong số những nơi Zeami từng sống khi ở đảo Sado. Ngày nay, những vở kịch Noh được biểu diễn tại chùa để tưởng nhớ diễn viên kịch tài ba.
Chùa Shoboji là một trong số những nơi Zeami từng sống khi ở đảo Sado. Ngày nay, những vở kịch Noh được biểu diễn tại chùa để tưởng nhớ diễn viên kịch tài ba. Ảnh: visitsado.com
Chùa Shoboji là một trong số những nơi Zeami từng sống khi ở đảo Sado. Ngày nay, những vở kịch Noh được biểu diễn tại chùa để tưởng nhớ diễn viên kịch tài ba.
Chùa Shoboji là một trong số những nơi Zeami từng sống khi ở đảo Sado. Ngày nay, những vở kịch Noh được biểu diễn tại chùa để tưởng nhớ diễn viên kịch tài ba. Ảnh: visitsado.com

Zeami Motokiyo là một diễn viên, nhà viết kịch Noh nổi tiếng, ông đã hoàn thành nghiên cứu về kịch Noh Nhật Bản dưới sự bảo trợ của Yoshimitsu Ashikaga, Tướng quân thứ ba của Mạc phủ Muromachi. Nhưng sau đó, ông đã hứng chịu cơn thịnh nộ của Tướng quân thứ sáu Yoshimasa Ashikaga và bị đày đến Sado vào năm 1434.

Tại đây, Zeami buộc phải sống tại một số ngôi chùa trên đảo. Như có thể xác nhận qua “Kintosho” (tạm dịch: Những tác phẩm viết về hòn đảo vàng) mà Zeami viết khi ở đây, ông đã sống lưu vong trên đảo cho đến năm 1436. Người ta biết rất ít về quãng đời còn lại của Zeami, nhưng có ghi chép cho rằng ông đã sống ở chỗ của em gái sau khi Tướng quân bị ám sát trong Trận chiến Kakitsu và bản thân được ân xá.

Mỏ vàng lớn nhất
thời Edo

Bên cạnh việc là chốn lưu đày những nhân vật quan trọng, Sado còn có một giai đoạn lịch sử vô cùng thịnh vượng, gắn liền với thứ kim loại quý: vàng.

Năm 1601, mỏ vàng được phát hiện trên đảo Sado và Tướng quân Tokugawa Ieyasu đã tiến hành khai thác, kiểm soát trực tiếp mỏ vàng này. Nó trở thành nguồn hỗ trợ tài chính đặc biệt quan trọng cho Mạc phủ Tokugawa - đến nay là chính quyền lâu dài và ổn định nhất trong lịch sử Nhật Bản với 260 năm trị vì.

Hình ảnh từ “Sado no kuni kanahori no maki” cho thấy quá trình đúc vàng tại mỏ vàng đảo Sado. Tài liệu có từ nửa đầu thế kỷ 19.
Hình ảnh từ “Sado no kuni kanahori no maki” cho thấy quá trình đúc vàng tại mỏ vàng đảo Sado. Tài liệu có từ nửa đầu thế kỷ 19. Ảnh: Bảo tàng dân gian Aikawa
Đồng vàng koban thời Edo
Đồng vàng koban thời Edo. Ảnh: Japan Forward

Tiến sĩ Miles Oglethorpe, Chủ tịch Ủy ban Quốc tế về Bảo tồn Di sản Công nghiệp (TICCIH) đã đến Đảo Sado trong giai đoạn các mỏ vàng ở đây chuẩn bị đề cử Di sản UNESCO. Ông cho biết một trong những sản phẩm đặc biệt nhất của đảo trong thời Edo là “koban”, đồng tiền vàng hình bầu dục được giao dịch đầu tiên ở Nhật Bản và sau đó là trên toàn thế giới.

Đồng vàng koban thời Edo
Đồng vàng koban thời Edo. Ảnh: Japan Forward

Bấy giờ, chất lượng vàng của các mỏ ở Sado được ca ngợi vì độ tinh khiết, chứa tỷ lệ rất thấp các kim loại khác như đồng, làm tăng trọng lượng carat và do đó làm tăng giá trị của vàng.

Oglethorpe nói thêm: “Vào đầu thế kỷ 17, Nhật Bản chiếm tới 1/5 nguồn cung vàng của thế giới, hơn một nửa trong số đó được cho là có nguồn gốc từ Sado. Một cái nhìn sơ lược về ngành địa chất của Nhật Bản cho thấy Nhật có rất nhiều mỏ vàng, nhưng không có mỏ nào mang lại sản lượng lớn như vậy.”

Tổng cộng có 55 mỏ trên Đảo Sado khai thác, sản xuất vàng, bạc và các kim loại khác, trong đó ba mỏ chính bao gồm: Mỏ vàng Nishimikawa, Mỏ bạc Tsuruko, Mỏ vàng và bạc Aikawa. Chúng được gọi chung là "Mỏ vàng Sado" (Sado Kinzan) hoặc “Mỏ vàng và bạc Sado” (Sado Kinginzan). Trong suốt 400 năm kể từ thời Edo, nơi đây đã sản xuất 78 tấn vàng và 2.330 tấn bạc.

Mỏ vàng đảo Sado hoạt động mà không cần sử dụng máy móc; khai thác vàng được thực hiện hoàn toàn bằng tay cho đến giữa thế kỷ 19.
Mỏ vàng đảo Sado hoạt động mà không cần sử dụng máy móc; khai thác vàng được thực hiện hoàn toàn bằng tay cho đến giữa thế kỷ 19. Ảnh: city.sado.niigata.jp

Vàng từ Sado đã hỗ trợ cho nền văn hóa và nghệ thuật quyến rũ của thời Edo (1603-1868). Ngày nay, chúng ta có thể lần theo dấu vết của thời kỳ này khi tìm đến đền Toshogu ở Nikko - nơi được trang trí lộng lẫy bằng vàng, hay Lâu đài Nijo-jo ở Kyoto cũng là một công trình văn hóa giá trị khác.

Một sự trùng hợp kỳ lạ là khi thời đại Edo sắp kết thúc thì tình hình tài chính của mỏ vàng cũng dần sa sút. Khi thời đại Minh Trị mở ra và Nhật Bản bắt đầu gia nhập hàng ngũ các cường quốc của thế giới, đảo Sado bị bỏ lại phía sau cùng với những mỏ vàng của mình.

Ngày nay, du khách có thể tìm về thời hoàng kim của Sado tại khu vực quận Aikawa, nơi từng sở hữu mỏ vàng và bạc lớn nhất thời Edo. Nơi đây từng chỉ có khoảng chục ngôi nhà nằm dọc theo bờ biển trước khi mỏ vàng được phát hiện, nhưng rồi dân số gia tăng nhanh chóng, có thời điểm lên tới 50.000 người vào những năm 1610, 1620.

Thị trấn Kyomachi của Aikawa là nơi thương nhân tứ xứ đổ về trong thời kỳ thịnh vượng của mỏ vàng, đến nay vẫn còn lưu lại vẻ đẹp của một thời xưa cũ.
Thị trấn Kyomachi của Aikawa là nơi thương nhân tứ xứ đổ về trong thời kỳ thịnh vượng của mỏ vàng, đến nay vẫn còn lưu lại vẻ đẹp của một thời xưa cũ. Ảnh: visitsado.com
Thị trấn Kyomachi của Aikawa là nơi thương nhân tứ xứ đổ về trong thời kỳ thịnh vượng của mỏ vàng, đến nay vẫn còn lưu lại vẻ đẹp của một thời xưa cũ.
Thị trấn Kyomachi của Aikawa là nơi thương nhân tứ xứ đổ về trong thời kỳ thịnh vượng của mỏ vàng, đến nay vẫn còn lưu lại vẻ đẹp của một thời xưa cũ. Ảnh: visitsado.com

Ngày nay, mỏ vàng được mở cửa cho khách tham quan với một bảo tàng trưng bày và giới thiệu về hoạt động của Sado Kinzan khi xưa. Tuy nhiên, điểm thu hút nhất phải kể đến hai cung đường đi bộ qua các hầm mỏ khai thác.

Lộ trình đầu tiên – Sodayu Mine Course – đi qua một số đường hầm từ thời Edo đã được khôi phục, với các mô hình kích thước thật của công nhân mỏ được bố trí để tái hiện hoạt động khai thác. Ở đây còn có các biển báo song ngữ cung cấp thêm thông tin chi tiết về điều kiện làm việc nặng nhọc cũng như các công cụ và kỹ thuật khai thác vàng thời bấy giờ.

Đường hầm Sodayu – một hầm mỏ được khai thác vào đầu thời kỳ Edo.
Đường hầm Sodayu – một hầm mỏ được khai thác vào đầu thời kỳ Edo. Ảnh: city.sado.niigata.jp, visitsado.com
Đường hầm Sodayu – một hầm mỏ được khai thác vào đầu thời kỳ Edo.
Đường hầm Sodayu – một hầm mỏ được khai thác vào đầu thời kỳ Edo. Ảnh: city.sado.niigata.jp, visitsado.com

Lộ trình thứ hai – Island Mirrorge Course – tập trung vào mỏ Doyu, dẫn qua các hầm mỏ mới được khai thác từ thời Minh Trị cho đến khi ngừng hẳn hoạt động vào năm 1989. Khu vực này trưng bày các công cụ, máy móc và kỹ thuật khai thác của thời hiện đại.

Gần đó là di tích mỏ lộ thiên Doyu-no-warito, một địa điểm mang tính biểu tượng của Đảo Sado. Ban đầu nơi đây chỉ có một đỉnh núi duy nhất, nhưng việc khai thác quặng của Mỏ vàng và bạc Aikawa đã làm biến đổi cảnh quan, khiến ngọn núi bị chia cắt (wari – 割り) thành hình chữ V. Vết nứt ở giữa có chiều rộng khoảng 30m và chiều sâu 74m.

Vết nứt xuất hiện do hoạt động khai thác quặng dưới lòng đất.
Vết nứt xuất hiện do hoạt động khai thác quặng dưới lòng đất.
Phần phía dưới của Doyu-no-warito. Hang động này được tạo ra vào nửa sau thế kỷ 19, khi mìn được đưa vào sử dụng.
Phần phía dưới của Doyu-no-warito. Hang động này được tạo ra vào nửa sau thế kỷ 19, khi mìn được đưa vào sử dụng. Ảnh: city.sado.niigata.jp

Ngoài ra còn một địa điểm thú vị thường được nhắc đến như phiên bản đời thực của lâu đài trong bộ phim “Laputa: Castle in the Sky”, đó là nhà máy Kitazawa Fuyu Senkouba. Nhà máy này được xây dựng vào năm 1938, sử dụng phương pháp tuyển nổi (flotation method) để lọc quặng và có công suất xử lý hơn 50.000 tấn mỗi tháng - cao nhất phương Đông vào thời điểm đó.

Khung cảnh của những dây leo xanh mướt bao phủ một cấu trúc bê tông đổ nát khổng lồ gợi nhớ đến thế giới trong Laputa
Khung cảnh của những dây leo xanh mướt bao phủ một cấu trúc bê tông đổ nát khổng lồ gợi nhớ đến thế giới trong Laputa. Ảnh: zekkeijapan.com, japantimes.com
Khung cảnh của những dây leo xanh mướt bao phủ một cấu trúc bê tông đổ nát khổng lồ gợi nhớ đến thế giới trong Laputa
Khung cảnh của những dây leo xanh mướt bao phủ một cấu trúc bê tông đổ nát khổng lồ gợi nhớ đến thế giới trong Laputa. Ảnh: zekkeijapan.com, japantimes.com

Trung tâm của ngành
công nghiệp đóng tàu

Khi đến với Sado, du khách không nên bỏ qua một địa điểm mang đầy nét hoài cổ. Nép mình trong một thung lũng hẹp ở mũi Tây Nam của hòn đảo, làng Shukunegi ở quận Ogi được biết đến như trung tâm của ngành công nghiệp đóng tàu khi xưa.

Vào thời Edo, những con tàu gỗ lớn xuất phát từ Kyoto hoặc Osaka, băng qua Biển Nhật Bản để vận chuyển và buôn bán hàng hóa qua nhiều bến cảng. “Kitamaebune - 北前船” chính là tên gọi chung của chúng.

Tàu Kitamaebune, chụp khoảng trước năm 1926 bởi Iida Yonezo
Tàu Kitamaebune, chụp khoảng trước năm 1926 bởi Iida Yonezo. Ảnh: Wikipedia
Tàu Kitamaebune, chụp khoảng trước năm 1926 bởi Iida Yonezo
Tàu Kitamaebune, chụp khoảng trước năm 1926 bởi Iida Yonezo. Ảnh: Wikipedia

Có hai tuyến đường giao thương được quản lý bởi Mạc phủ. Tuyến đường đi về phía Tây xuất phát từ Sakata, tỉnh Yamagata đến Osaka, qua Biển nội địa Seto giữa Honshu và Shikoku, sau đó đi về phía Đông đến Edo. Tuyến đường đi về phía Đông xuất phát từ Sakata qua eo biển giữa Honshu và Hokkaido, sau đó đi về phía Nam đến Edo.

Khi toàn bộ đảo Sado - nơi khai thác, sản xuất vàng và bạc, trở thành một “tenryou - 天領” (vùng đất nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của Mạc phủ), cảng Ogi được thêm vào danh sách bến cảng trên tuyến đường đi về phía Tây vào năm 1672.

Làng Shukunegi nằm sát bên làng Ogi, nơi có bến cảng, theo đó đã trở thành địa điểm tập trung của nhiều thợ đóng tàu lành nghề, tiếng tăm về kỹ thuật của họ thậm chí còn vượt ra ngoài phạm vi hòn đảo. Toàn bộ ngôi làng trở thành cơ sở đóng tàu và phát triển thịnh vượng nhờ đội ngũ thợ mộc, thợ rèn cùng thủy thủ. Người ta còn đồn rằng một phần ba của cải tại Sado lúc bấy giờ tập trung ở Shukunegi. Sự thịnh vượng này kéo dài khoảng 100 năm, từ năm 1750 đến năm 1850.

Ngày nay, những dãy nhà được dựng lên bởi kỹ thuật lành nghề của các thợ đóng tàu ở Shukunegi đã được chỉ định là Khu vực bảo tồn quan trọng cấp quốc gia dành cho các tòa nhà và kiến trúc truyền thống. Những con đường hẹp tựa mê cung chằng chịt kết nối ngôi làng, và hiện tại vẫn còn hơn 100 căn nhà gỗ kiểu cũ được bảo tồn qua năm tháng.

Làng Shukunegi yên bình.
Làng Shukunegi yên bình. Ảnh: sado.tsuyaku-guide.com

Bức tường bên ngoài những ngôi nhà này được làm bằng gỗ có thớ dọc gọi là “tsutsumi-ita” (ván bọc) để bảo vệ chúng khỏi những cơn gió mạnh từ Biển Nhật Bản. Trái ngược với vẻ đơn giản bên ngoài, bên trong căn nhà được thiết kế cầu kỳ với nhiều lớp sơn mài.

Làng Shukunegi yên bình.
Làng Shukunegi yên bình. Ảnh: sado.tsuyaku-guide.com

Ba trong số những ngôi nhà được xây dựng từ đầu đến giữa thế kỷ 19 có mở cửa cho công chúng tham quan (cần trả phí), giới thiệu đến du khách lịch sử của ngôi làng nhỏ, nơi tất cả cư dân đều tham gia vào các công việc liên quan đến đóng tàu và vận chuyển.

Ngôi nhà hình tam giác “Sankakuya”, một trong số những địa điểm mở cửa cho khách tham quan.
Ngôi nhà hình tam giác “Sankakuya”, một trong số những địa điểm mở cửa cho khách tham quan. Ảnh: Tour Guide Japan, shukunegi.com
Ngôi nhà hình tam giác “Sankakuya”, một trong số những địa điểm mở cửa cho khách tham quan.
Ngôi nhà hình tam giác “Sankakuya”, một trong số những địa điểm mở cửa cho khách tham quan. Ảnh: Tour Guide Japan, shukunegi.com
Đừng quên ghé đến Sado Island’s Ogi Folk Museum - bảo tàng trưng bày 30.000 hiện vật về Shukunegi để tìm hiểu về lịch sử của ngôi làng.
Đừng quên ghé đến Sado Island’s Ogi Folk Museum - bảo tàng trưng bày 30.000 hiện vật về Shukunegi để tìm hiểu về lịch sử của ngôi làng. Ảnh: japantravel.com

Vùng đất của
giao thoa
văn hóa
và bản sắc độc đáo

Nền văn hóa trên đảo Sado là kết quả của sự pha trộn nhiều nguồn gốc khác nhau, xuất phát từ lịch sử đặc biệt của nó. Phần lớn hòn đảo chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa vùng Hokuriku và miền Tây Nhật Bản, với việc các quý tộc, trí thức lưu vong trong thời Kamakura và Muromachi mang đến đây những loại hình văn hóa cung đình như thơ ca, nhạc cụ. Nó tiếp tục được truyền bá trực tiếp tới đảo thông qua những chuyến tàu buôn Kitamaebune cập cảng Sado suốt từ thời Edo cho đến đầu thời Minh Trị.

Điệu múa Sado Okesa truyền thống trên đảo có nguồn gốc từ Kyushu, do những thủy thủ cập cảng Ogi mang tới. Giai điệu u sầu và chuyển động tao nhã, tinh tế của Okesa khiến nó trở thành một điệu nhảy dân gian tiêu biểu của Nhật Bản.
Điệu múa Sado Okesa truyền thống trên đảo có nguồn gốc từ Kyushu, do những thủy thủ cập cảng Ogi mang tới. Giai điệu u sầu và chuyển động tao nhã, tinh tế của Okesa khiến nó trở thành một điệu nhảy dân gian tiêu biểu của Nhật Bản. Ảnh: nichimin.or.jp
Điệu múa Sado Okesa truyền thống trên đảo có nguồn gốc từ Kyushu, do những thủy thủ cập cảng Ogi mang tới. Giai điệu u sầu và chuyển động tao nhã, tinh tế của Okesa khiến nó trở thành một điệu nhảy dân gian tiêu biểu của Nhật Bản.
Điệu múa Sado Okesa truyền thống trên đảo có nguồn gốc từ Kyushu, do những thủy thủ cập cảng Ogi mang tới. Giai điệu u sầu và chuyển động tao nhã, tinh tế của Okesa khiến nó trở thành một điệu nhảy dân gian tiêu biểu của Nhật Bản. Ảnh: nichimin.or.jp

Nhóm ảnh hưởng thứ hai là giới quan chức triều đình, họ đến Sado khi việc khai thác vàng đang ở đỉnh cao và mang theo những đặc trưng của văn hóa Samurai, với kịch Noh là một ví dụ tiêu biểu.

Thời kỳ các mỏ vàng phát triển thịnh vượng cũng thu hút rất nhiều thương nhân, thợ thủ công và thợ đóng tàu chọn Sado làm nơi dừng chân. Nhóm này, mặt khác, lại mang đến một nền văn hóa của thường dân và thị dân, bao gồm nhiều ca khúc, điệu nhảy dân gian cùng nghi lễ. Ngày nay, dấu vết của tất cả các khía cạnh văn hóa này vẫn còn lưu lại rõ nét, chờ được du khách khám phá.

Sân khấu kịch Noh

Nhắc tới Sado là nhắc tới kịch Noh. Loại hình nghệ thuật biểu diễn dành cho quý tộc khi đến Sado đã có sự phát triển độc đáo, trở thành vở kịch dành riêng cho các lễ hội đền thờ. Thiếu khán giả thuộc giới thượng lưu, chính quyền Sado cho phép tầng lớp nông dân được đến xem các buổi biểu diễn Noh miễn phí. Chính vì thế, nghệ thuật này trở nên cực kỳ phổ biến trong nhân dân, đến mức được gọi với tên “Noh của quần chúng”. Hầu hết các sân khấu Noh ở Sado đều được đặt trong đền chùa và khán giả ngồi ngoài trời để theo dõi.

Đền Kusakari và sân khấu kịch Noh được xây dựng trước thời Minh Trị.
Đền Kusakari và sân khấu kịch Noh được xây dựng trước thời Minh Trị. Ảnh: edge-of-niigata.com
Đền Kusakari và sân khấu kịch Noh được xây dựng trước thời Minh Trị.
Đền Kusakari và sân khấu kịch Noh được xây dựng trước thời Minh Trị. Ảnh: edge-of-niigata.com

Những buổi biểu diễn Noh ban đêm luôn được trình diễn bên ánh lửa đầy lãng mạn, bao quanh là thiên nhiên với tiếng dế, tiếng côn trùng kêu, tiếng gió xào xạc và ánh trăng tỏ trên đầu. Mang theo bento và đồ uống để thưởng thức khi xem kịch được cho phép trong nhiều buổi biểu diễn ngày nay. Khán giả cũng có thể tự do vỗ tay trong vở kịch - một điều vốn không được phép ở các vùng khác của Nhật Bản.

Hiện nay, trong số khoảng 100 sân khấu Noh còn lại của Nhật Bản, có đến 32 sân khấu là ở Sado.

Điệu múa Onidaiko

Onidaiko (hoặc Ondeko - điệu múa mặt nạ thần) là một loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống hiếm hoi chỉ xuất hiện trên đảo Sado. Hơn 120 ngôi làng ở đây sở hữu nhóm Onidaiko của riêng họ và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Khi thực hiện Onidaiko, người biểu diễn đeo mặt nạ Oni và nhảy múa điên cuồng theo nhịp trống khuấy động; đây được xem như một nghi lễ của Thần đạo nhằm xua đuổi tà ma và cầu nguyện cho một vụ mùa bội thu.

Điệu múa Sado Okesa truyền thống trên đảo có nguồn gốc từ Kyushu, do những thủy thủ cập cảng Ogi mang tới. Giai điệu u sầu và chuyển động tao nhã, tinh tế của Okesa khiến nó trở thành một điệu nhảy dân gian tiêu biểu của Nhật Bản.
Mặt nạ Oni được chạm khắc thủ công trên gỗ cây hông, còn bộ lông thường được làm từ lông ngựa hoặc rơm rạ. Khi di chuyển, Oni liên tục lắc đầu nhanh và mạnh, tạo ra sự kịch tính cho điệu nhảy. Ảnh: visitsado.com

Từ tiếng Nhật "Oni - 鬼" thường được dịch là “quỷ”, gắn với ấn tượng về một thực thể xấu xa. Tuy nhiên, điều đó không giống với ý niệm về Oni của người dân đảo Sado. Tại đây, Oni được coi là những vị thần thân thiện, xua đuổi tà ác bằng cách nhảy múa và đánh trống taiko, vì thế “Onidaiko” có thể được hiểu là điệu múa với trống của các vị thần đeo mặt nạ.

Điệu múa Sado Okesa truyền thống trên đảo có nguồn gốc từ Kyushu, do những thủy thủ cập cảng Ogi mang tới. Giai điệu u sầu và chuyển động tao nhã, tinh tế của Okesa khiến nó trở thành một điệu nhảy dân gian tiêu biểu của Nhật Bản.
Mặt nạ Oni được chạm khắc thủ công trên gỗ cây hông, còn bộ lông thường được làm từ lông ngựa hoặc rơm rạ. Khi di chuyển, Oni liên tục lắc đầu nhanh và mạnh, tạo ra sự kịch tính cho điệu nhảy. Ảnh: visitsado.com

Cho đến tận ngày nay, nghệ thuật và các bài hát dân gian vẫn tồn tại, đóng một vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của cư dân đảo. Không chỉ có Noh hay Onidaiko, lý do Sado được mệnh danh là “một Nhật Bản thu nhỏ” nằm ở chỗ bạn có thể tìm thấy vô vàn nét văn hóa từ các vùng miền tại đây. Người dân trên đảo tiếp nhận rồi thêm vào các đặc trưng thú vị của quê hương mình để tạo cho chúng một bản sắc riêng biệt.

Tạm kết

Cùng với thiên nhiên tươi đẹp, bên núi bên biển, những cung đường tuyệt vời để trekking hay đạp xe, sự giàu có về văn hóa và lịch sử khiến du lịch đảo Sado thực sự có chiều sâu. Du khách đến đây có thể được thỏa mãn mọi nhu cầu về một chuyến đi trọn vẹn, dù là nghỉ dưỡng hay để tìm hiểu, trải nghiệm.

Du khách có thể trải nghiệm đi thuyền Taraibune. Loại thuyền này vốn được cư dân đảo sử dụng để đánh bắt bào ngư và các loài nhuyễn thể khác, chủ yếu được điều khiển bởi phụ nữ.
Du khách có thể trải nghiệm đi thuyền Taraibune. Loại thuyền này vốn được cư dân đảo sử dụng để đánh bắt bào ngư và các loài nhuyễn thể khác, chủ yếu được điều khiển bởi phụ nữ. Ảnh: ana.cooljapan.com

Tìm kiếm sự cân bằng hoàn hảo giữa bảo tồn văn hóa, tự nhiên với nhu cầu kinh doanh là một cuộc chiến khó khăn. Tuy nhiên, Sado dường như vẫn đang đi đúng hướng với thành quả là sự hài hòa tuyệt vời giữa truyền thống lâu đời và ngành du lịch đang phát triển, khiến nơi đây không ngừng thu hút những vị khách mới đến thăm và rồi tiếp tục quay trở lại.

Bản đồ đảo Sado
Bản đồ đảo Sado
Biểu tượng đảo Sado
Biểu tượng đảo Sado
Cách di chuyển ở đảo Sado
Cách di chuyển ở đảo Sado