Kewpie với hành trình 100 năm trở thành biểu tượng xốt mayonnaise của Nhật Bản
Cuộc đời Sakai Izumi: Nguyên mẫu của nhân vật Akagi Haruko trong Slam Dunk
Den Fujita – Người khiến McDonald's trở thành “gã khổng lồ” thức ăn nhanh tại Nhậ
Doctor Yellow: Đoàn tàu "gìn giữ sức khỏe" cho mạng lưới shinkansen của Nhật Bản
Yoshida-ryo: ký túc xá lâu đời nhất Nhật Bản với khung cảnh tựa như phim kinh dị
Muối – loại gia vị cơ bản nhất trong ẩm thực, thật khó để tưởng tượng một cuộc sống mà không có nó. Tại xứ Phù Tang, muối bắt đầu xuất hiện thường xuyên trong chế độ ăn uống của con người vào khoảng thời Jomon (14.000 TCN – 400 TCN) cho đến thời Yayoi (300 TCN – 250 SCN). Khi loài người chuyển từ săn bắt, hái lượm sang trồng trọt, chế độ ăn cũng thay đổi từ thịt động vật (có sẵn hàm lượng muối nhỏ) sang tiêu thụ nhiều ngũ cốc hơn, làm phát sinh nhu cầu bổ sung muối.
Không có mỏ muối hay hồ muối làm tài nguyên, Nhật Bản chỉ có thể sản xuất muối từ nước biển. Việc vận chuyển muối từ các cánh đồng ven biển vào đất liền làm phát sinh những tuyến đường được gọi là "Shio no Michi” (塩の道), hay chính là “con đường muối”.
Trong khi những đường mòn vận chuyển muối từng tồn tại trên khắp nước Nhật, có một con đường được công nhận là quan trọng nhất về mặt lịch sử và được bảo tồn tốt nhất hiện nay, đó là Chikuni Kaido (千国街道), hay thường gọi đơn giản là Shio no Michi.
Được chính thức hóa vào thế kỷ 16, Chikuni Kaido là tuyến đường vận chuyển các nhu yếu phẩm bao gồm muối và cá tươi từ vùng biển vào đất liền; thuốc lá, cây gai dầu, đậu nành và giấy washi theo chiều ngược lại. Tuyến đường này dài hơn 120km, nối giữa hai tỉnh Echigo và Shinshu, hay ngày nay là tỉnh Niigata và Nagano. Từ thành phố ven biển Itoigawa của Niigata, Chikuni Kaido đi qua Omachi và Azumino ở tỉnh Nagano để đến thành phố Matsumoto.
Nguồn gốc của con đường muối này có thể bắt đầu từ thời Chiến Quốc, khoảng thế kỷ 15 đến thế kỷ 16. Bấy giờ, Takeda Shingen - vị lãnh chúa quyền lực cai trị khu vực Matsumoto, đã phải đối mặt với tình trạng thiếu muối trên lãnh địa khi nguồn cung từ bờ biển Thái Bình Dương bị kẻ thù ở phía nam cắt đứt.
Bất ngờ thay, đối thủ không đội trời chung của ông là lãnh chúa Uesugi Kenshin đã đề nghị cung cấp muối cho Shingen từ lãnh địa dọc theo Biển Nhật Bản của mình. Kenshin tuyên bố rằng các trận chiến nên được tiến hành bằng vũ khí, không phải bằng cách tước đi những nhu yếu phẩm, chẳng hạn như muối, từ tay người dân thường.
Hành động chính trực này đã dẫn đến sự ra đời của thành ngữ “敵に塩を送る - Teki ni shio wo okuru”, nghĩa là “gửi muối cho kẻ thù”, một ẩn dụ cho việc không lợi dụng điểm yếu của đối thủ. Từ thời điểm đó, muối thường xuyên được vận chuyển từ thành phố ven biển Itoigawa đến Matsumoto, dọc theo con đường Shio no Michi.
Khác với năm tuyến đường Gokaido do Mạc phủ Tokugawa quản lý vào thời Edo (1603-1868), con đường muối không có đám rước lộng lẫy của các lãnh chúa, cũng không có các nhà trọ xa hoa. Khiêm tốn là vậy nhưng Chikuni Kaido lại đóng vai trò là con đường huyết mạch cho các tỉnh miền núi không giáp biển.
"Bokka - 歩荷" là từ chỉ những người làm công việc vận chuyển hàng hóa trên các tuyến đường bộ. Họ chất những kiện hàng nặng từ 45kg đến 60kg lên một khung gỗ, đeo lên vai rồi băng qua những con đường mòn hiểm trở trên núi.
Các Bokka thường đi theo nhóm 10 người trở lên, đôi khi cũng có những con vật thồ như bò hoặc ngựa theo cùng. Ngựa thích hợp cho những đoạn đường bằng phẳng, trong khi bò đã chứng minh giá trị của chúng bằng khả năng di chuyển chính xác, chắc chắn trên những con đường gồ ghề.
Hành trình dọc theo Chikuni Kaido thường kéo dài sáu ngày. Tuy nhiên với những hàng hóa cần vận chuyển nhanh như cá tươi hay cá ướp muối, một Bokka có thể khởi hành từ Itoigawa vào lúc 4:00 chiều và chạy xuyên màn đêm. Trên đường đi, họ sẽ chuyển giao hàng cho Bokka kế tiếp theo kiểu tiếp sức. Cho dù khoảng cách rất xa, hàng hóa có thể đến được Matsumoto ngay trong sáng hôm sau.
Tuyến đường quanh co qua dãy núi Alps dốc đứng của Nhật Bản đầy rẫy hiểm nguy, trong đó mùa đông là khắc nghiệt nhất khi con đường bị vùi trong lớp tuyết dày đến 5 mét, khiến bò và ngựa không thể đi qua. Trong những tháng mùa đông này, tất cả hàng hóa đều phải được vận chuyển trên lưng Bokka, họ vượt qua những dòng suối đóng băng, leo lên những con dốc đứng bằng giày đi tuyết.
Không ít người và vật đã không may bỏ mạng trên hành trình khó khăn, vì kiệt sức hoặc vì tai nạn. Hàng ngàn bức tượng Bồ tát Jizo và bia đá có niên đại vài thế kỷ được đặt dọc theo các con đường mòn; nhiều trong số đó là để tưởng nhớ những người đàn ông, phụ nữ và động vật đã không thể sống sót qua cuộc hành trình.
Những đền thờ Thần đạo và tượng các vị thần bảo vệ cũng được đặt dọc theo tuyến đường. Trong đó, tại những đoạn nguy hiểm nhất, người ta có thể bắt gặp bức tượng Bato Kannon – vị Bồ tát đầu ngựa bảo hộ cho những con ngựa thồ.
Vào đầu thời kỳ Minh Trị, khoảng cuối thế kỷ 19, sự phát triển của đường sắt và quốc lộ khiến con đường muối Chikuni Kaido sôi động một thời nhanh chóng trôi vào quên lãng. Trong gần 100 năm sau đó, tuyến đường dần bị phá hủy bởi thời gian, phủ đầy cỏ dại và ngổn ngang cây đổ.
Cho đến năm 1976, khi một nhà nghiên cứu giới thiệu tuyến đường này trong một cuốn sách được xuất bản thì sự quan tâm dành cho Chikuni Kaido đã trở lại, mang đến động lực cho những nỗ lực phục hồi. Các văn bản lịch sử, những bức tượng, đền thờ, chùa chiền và nhiều tàn tích khác có mặt ở khắp mọi nơi đã đánh dấu con đường và giúp định hướng cho quá trình phục hồi.
Ngày nay, du khách đã có thể khám phá toàn bộ con đường muối Chikuni Kaido - có đoạn được trải nhựa, đoạn thì là đường mòn yên tĩnh, chạy dọc hoặc song song với tuyến đường ban đầu.
Con đường muối xuyên qua nhiều cảnh quan đa dạng, có thể được chia thành ba phần chính, mỗi phần có đặc trưng và sức hấp dẫn riêng: Khu vực miền núi (Itoigawa và Otari), Khu vực Satoyama (Hakuba, Omachi và Ikeda) và Khu vực đô thị (Azumino và Matsumoto).
Những ngôi làng và đền thờ cổ kính trên đường đi mang đến cái nhìn thoáng qua về lịch sử nông thôn và vẻ đẹp thiên nhiên xứ Phù Tang, hoàn hảo cho những người đi bộ đường dài tìm kiếm trải nghiệm về một “Nhật Bản đích thực”, “chưa được khám phá”. Hiện nay, cũng có một số công ty khai thác dịch vụ đi bộ đường dài có hướng dẫn viên trên tuyến Chikuni Kaido này.
Thời điểm đẹp nhất để tham quan con đường muối là vào mùa xuân (tháng 4 đến tháng 6) và mùa thu (tháng 9 đến tháng 11). Lưu ý rằng phần cuối phía nam của tuyến đường (từ Omachi đến Matsumoto) có thể đi bộ vào hầu hết thời điểm trong năm, còn phần cuối phía bắc, cụ thể là từ Itoigawa đến Hakuba sẽ có tuyết rơi dày và không thể đi qua vào mùa đông. Điểm cao nhất của tuyến đường (Đèo Oami) thường phủ đầy tuyết từ đầu tháng 12 đến cuối tháng 5.