eMagazine

#Kilalaseries#Nihontabi

Bài viết: RINThiết kế: NKX

Là thành phố nhỏ nằm ở cực Nam của tỉnh Hyogo, Ako là điểm đến thú vị dành cho những ai muốn tìm kiếm những nơi xa xôi ít người biết đến để “trốn thế giới”. Dù có lẽ không quá nổi tiếng với du khách nước ngoài nhưng Ako chính là nơi dành cho những trái tim yêu văn hóa và lịch sử Nhật Bản, bởi đây là nơi bắt đầu của giai thoại kinh điển về sự trả thù của 47 Ronin, từng được Nhật Bản và Hoa Kỳ dựng thành phim. Hơn nữa, Ako còn mang du khách ngược dòng thời gian tìm về kiến trúc truyền thống và phương pháp sản xuất muối từ xa xưa.

Theo chân 47 lãng nhân về thăm Ako

Cuộc tổng tấn công của các Ronin vào dinh thự của kẻ thù.
Cuộc tổng tấn công của các Ronin vào dinh thự của kẻ thù. Ảnh: City of Ako

Là một sự kiện lịch sử có thật xảy ra từ năm 1701 đến năm 1703 trong thời Genroku, “Sự trả thù của 47 Ronin” hay còn được biết đến với tên gọi “Biến cố ở Ako” (赤穂事件) được xem là một trong những huyền thoại nổi tiếng nhất về Samurai, thể hiện tinh thần Võ sĩ đạo và biểu trưng cho lòng trung thành tuyệt đối hướng đến chủ nhân.

Cuộc tổng tấn công của các Ronin vào dinh thự của kẻ thù.
Cuộc tổng tấn công của các Ronin vào dinh thự của kẻ thù. Ảnh: City of Ako

Câu chuyện kể về một nhóm Samurai vô chủ (Ronin – 浪人– Lãng nhân) gồm 47 người đã kiên trì lên kế hoạch, chờ đợi thời cơ trong nhiều năm để trả thù cho chủ tướng của mình – lãnh chúa Asano Naganori của vùng Ako, người đã bị buộc phải thực hiện nghi thức mổ bụng Seppuku.

Thời điểm năm 1701, lãnh chúa Asano Naganori của vùng Ako và lãnh chúa Kamei Sama cai quản vùng Tsumano được Tướng quân Tokugawa Tsunayoshi chọn để tiếp đãi một số sứ giả của Thiên hoàng tại lâu đài Edo. Một Samurai có tên là Kira Yoshinaga đã được cử đến để dạy các nghi thức cung đình cho họ.

Tuy nhiên, vì không hối lộ cho thầy nên Asano thường xuyên bị nhục mạ, bị gọi là “kẻ quê mùa". Trong một lần không thể kiềm chế, Asano đã dùng dao găm tấn công Kira, dẫn đến sự việc đáng tiếc là ông phải mổ bụng để chuộc tội.

Tranh vẽ 47 Ronin tại ga Banshu Ako.
Tranh vẽ 47 Ronin tại ga Banshu Ako. Ảnh: PIXTA

Không cam lòng trước cái chết của chủ nhân, 47 thuộc hạ đã đồng lòng cùng nhau báo thù dưới sự chỉ huy của Oishi Kuranosuke Yoshio, người từng là cố vấn chính của lãnh chúa Asano. Vào đêm ngày 14/12/1703, sau khi đột nhập dinh thự và thành công chém đầu Kira, 47 lãng nhân đã mang thủ cấp của hắn đến trước ngôi mộ lãnh chúa Asano tại chùa Sengakuji ở Edo.

Tranh vẽ 47 Ronin tại ga Banshu Ako.
Tranh vẽ 47 Ronin tại ga Banshu Ako. Ảnh: PIXTA

Dù nhận được sự ngưỡng mộ từ người dân, các Ronin vẫn bị kết án tử hình theo luật. Tuy nhiên, Tướng quân đã cho phép họ thực hiện nghi thức Seppuku để được ra đi trong danh dự. Câu chuyện báo thù lẫm liệt của họ vẫn được lưu truyền đến tận ngày nay, và cứ đến ngày 14/12 hàng năm, ngôi chùa Sengakuji nơi họ an nghỉ lại tổ chức lễ tưởng nhớ 47 vị võ sĩ.

Tại quê hương mình – vùng đất Ako của tỉnh Hyogo, huyền thoại về lòng trung thành của họ vẫn luôn được nhớ đến: từ lâu đài Ako – nơi 47 lãng nhân và lãnh chúa Asano từng trải qua những tháng ngày thâm tình, đền Oishi nơi thờ tự các vị dũng sĩ, đến Bảo tàng lịch sử thành phố Ako – nơi câu chuyện của họ được lưu giữ để truyền cho hậu thế.

Lâu đài Ako

Một góc của lâu đài Ako.
Một góc của lâu đài Ako. Ảnh: PIXTA

Để bắt đầu hành trình khám phá cuộc sống của 47 Ronin, điểm dừng chân đầu tiên là lâu đài Ako (赤穂城), một trong những nơi có sợi dây liên kết với các nhân vật lịch sử này. Tọa lạc ở trung tâm thành phố, lâu đài Ako được xây dựng vào giữa thế kỷ 17 dưới lệnh của Asano Naganao – ông nội của lãnh chúa Asano Naganori và mất đến 13 năm để hoàn thành. Đây cũng là nơi ở của lãnh chúa Asano và các thuộc hạ của ông.

Một góc của lâu đài Ako.
Một góc của lâu đài Ako. Ảnh: PIXTA

Mặc dù ở thế kỷ 17, Nhật Bản bước vào thời kỳ hòa bình chưa từng có dưới sự cai trị nghiêm ngặt của Mạc phủ Tokugawa, nhưng lâu đài Ako vẫn được thiết kế với mục đích phòng thủ bởi hai chiến lược gia quân sự tài ba.

Hệ thống các con đường bên trong lâu đài không được bố trí theo đường thẳng, chúng men theo các bức tường được xây theo kiểu zigzag. Các lớp tường thành được xây đồng tâm, với những cánh cổng quay mặt ra nhiều hướng khác nhau. Cách xây dựng này nhằm khiến quân địch khó lòng tiếp cận, giúp đội quân bảo vệ lâu đài có thêm thời gian tấn công kẻ thù bằng súng, cung tên thông qua các lỗ châu mai trên tường thành.

Bản đồ lâu đài Ako.
Bản đồ lâu đài Ako. Ảnh: japan-experience.com
Cung điện Honmaru của lâu đài Ako.
Cung điện Honmaru của lâu đài Ako. Ảnh: PIXTA

Hơn nữa, bản thân lâu đài cũng nằm ở vị trí “vàng” để phòng vệ khi phía Đông là sông Chikusagawa, và giáp với biển Seto ở phía Nam. Tuy nhiên, vào thập niên 70 của thế kỷ 19, cùng với lệnh cấm sử dụng kiếm được ban hành, thời đại của Samurai khép lại thì lâu đài Ako cũng bị tàn phá. Tàn tích của lâu đài được bảo tồn và trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1971. Nhiều nơi bên trong lâu đài cũng đã được thiết kế để trở thành công viên công cộng với nhiều khu vườn đẹp mắt.

Cung điện Honmaru của lâu đài Ako.
Cung điện Honmaru của lâu đài Ako. Ảnh: PIXTA

Đền Oishi

Điểm đến tiếp theo chính là đền Oishi (大石神社), được xây dựng trên chính khu đất của lâu đài Ako. Trên đường dẫn đến ngôi đền là những bức tượng đá tạc các vị anh hùng được đặt ngay ngắn hai bên lối đi. Họ được khắc họa trong bộ trang phục vào đêm trả thù định mệnh, mang đến không khí trang nghiêm và đầy hào hùng.

Tượng 47 Ronin tại đền Oishi.
Tượng 47 Ronin tại đền Oishi. Ảnh: PIXTA

Nhiều người đến đây không chỉ để bày tỏ sự kính trọng trước lòng trung thành của các Ronin, họ còn đến với niềm hy vọng được ban cho lòng quyết tâm để thực hiện những mục tiêu của mình. Các em học sinh thì thường viết điều ước vượt qua kỳ thi suôn sẻ lên các tấm thẻ gỗ Ema của ngôi đền. Ngoài ra, bên trong đền thờ còn có một thư viện nhỏ trưng bày nhiều tài liệu và hình minh họa về câu chuyện của 47 Ronin.

Đền Oishi.
Đền Oishi. Ảnh: PIXTA
Thẻ gỗ Ema tại đền Oishi.
Thẻ gỗ Ema tại đền Oishi. Ảnh: PIXTA

Bảo tàng lịch sử thành phố Ako

Nằm ở phía Đông Bắc của di tích lâu đài Ako, Bảo tàng lịch sử thành phố Ako được xây dựng vào năm 1989 với mục tiêu đóng góp vào sự phát triển về giáo dục và văn hóa của khu vực thông qua việc sưu tầm, lưu trữ, nghiên cứu và triển lãm các tài liệu lịch sử. Với tông màu trắng, các tòa nhà thuộc bảo tàng được thiết kế theo phong cách của những cửa hàng Nhật Bản thời xưa.

Bảo tàng lịch sử thành phố Ako
Bảo tàng lịch sử thành phố Ako Ảnh: PIXTA
Bên trong Bảo tàng lịch sử thành phố Ako.
Bên trong Bảo tàng lịch sử thành phố Ako. Ảnh: jr-odekake.net

Bảo tàng còn được đặt biệt danh là “Ngôi nhà của muối và các chiến binh” bởi nơi đây giúp truyền tải các kiến thức thú vị về 47 lãng nhân và muối – hai nét đặc trưng nổi bật nhất của thành phố Ako.

Bên trong Bảo tàng lịch sử thành phố Ako.
Bên trong Bảo tàng lịch sử thành phố Ako. Ảnh: jr-odekake.net

Các triển lãm của bảo tàng được tổ chức xoay quanh bốn chủ đề chính. Tại tầng 1 là lịch sử nghề sản xuất muối. Còn ở tầng hai và tầng ba trưng bày các mô hình, bản vẽ cũ và di tích khai quật mô tả lâu đài Ako cùng thị trấn quanh lâu đài; 47 Ronin từ góc nhìn về sự trung thành và văn hóa; cùng hệ thống cấp thoát nước xưa của thành phố. Trong đó, muối của vùng Ako và các dụng cụ sản xuất đã được Chính phủ Nhật chỉ định là tài sản văn hóa dân gian quan trọng.

Thong dong ngắm phố cổ Sakoshi

Phố cổ Sakoshi ở thành phố Ako.
Phố cổ Sakoshi ở thành phố Ako. Ảnh: PIXTA

Sau chuyến hành trình khám phá lịch sử của những vị anh hùng, khu phố cổ Sakoshi ở gần ga Banshu Ako sẽ mang du khách trở về những ngày xưa cũ của nước Nhật.

Phố cổ Sakoshi ở thành phố Ako.
Phố cổ Sakoshi ở thành phố Ako. Ảnh: PIXTA

Tại khu Machinami (街並み) của Sakoshi, hầu hết các ngôi nhà cổ đều được xây dựng từ thế kỷ 19. Bên cạnh nhiều ngôi nhà là mái ấm của cư dân, thì có một số đã trở thành quán cà phê, cửa hàng và bảo tàng cho phép bạn ghé thăm.

Thậm chí, ngay cả trụ sở của Cục phòng cháy chữa cháy cũng được đặt tại một trong số các ngôi nhà cổ này. Hay Sakoshi Machinamikan, nơi từng là một ngân hàng nhưng hiện nay đã trở thành trung tâm cung cấp thông tin du lịch và thư viện, cũng sẽ giúp bạn hiểu thêm về lịch sử của thị trấn.

Nằm cạnh bên Michinamikan là xưởng rượu Okuto được thành lập từ năm 1601 và vẫn duy trì sản xuất ra những mẻ rượu ngon đến tận ngày nay. Phía sau dãy nhà của xưởng có một cửa hàng nhỏ, nơi du khách có thể mua trực tiếp rượu của Okuto.

Xưởng rượu Okuto.
Xưởng rượu Okuto. Ảnh: sakagura-press.com

Muối, đặc sản của vùng Ako

Shio Ramen, đặc sản của thành phố Ako.
Shio Ramen, đặc sản của thành phố Ako. Ảnh: setouchifinder.com

Từ thời xưa, muối đã giữ một vai trò quan trọng trong nền văn hóa Nhật Bản bởi được cho là mang sức mạnh thanh tẩy. Điển hình như trước khi trận đấu Sumo bắt đầu, các võ sĩ sẽ rải muối vào vòng đấu vật nhằm làm phân tán năng lượng xấu. Muối cũng là một trong những lễ vật phổ biến dâng lên các vị thần trong Thần đạo ở những ngôi nhà Nhật có bàn thờ.

Shio Ramen, đặc sản của thành phố Ako.
Shio Ramen, đặc sản của thành phố Ako. Ảnh: setouchifinder.com

Với địa hình không sở hữu hồ muối hay mỏ muối lớn, người Nhật sản xuất muối dựa vào nước biển. Và Ako được thiên nhiên ban tặng cho số giờ nắng kéo dài đã trở thành vùng có lịch sử sản xuất muối lâu đời.

Vào thế kỷ 17, các trang trại muối quy mô lớn được quản lý bởi gia tộc Asano. Hiện nay, muối của vùng Ako vẫn chiếm 20% tổng sản lượng toàn nước Nhật. Do vậy, Shio Ramen, loại mì với nước dùng mặn từ muối rất phổ biến ở Ako. Nếu so với nước dùng từ Miso hay hầm từ xương, Shio Ramen có hương vị tinh tế hơn.

Trải nghiệm làm muối tại Shio no Kuni.
Trải nghiệm làm muối tại Shio no Kuni. Ảnh: ako-mag.jp

Nằm trong công viên ven biển Ako rộng lớn, bảo tàng ngoài trời Shio no Kuni (Vương quốc Muối) là địa điểm lý tưởng để tìm hiểu về phương pháp sản xuất muối truyền thống của địa phương. Ngay lối vào của Bảo tàng Khoa học biển nằm cạnh Shio no Kuni, bạn có thể đăng ký tham gia trải nghiệm tự tay làm muối và mang thành phẩm về nhà.

Trải nghiệm làm muối tại Shio no Kuni.
Trải nghiệm làm muối tại Shio no Kuni. Ảnh: ako-mag.jp

Tại đây, một chuyên gia sẽ giải thích tường tận quy trình sản xuất muối từ nước biển. Bởi vì nồng độ muối trong nước biển chỉ khoảng 3%, do vậy, khi đun 1 lít nước biển chỉ có thể thu được 30 gram muối. Do đó, ban đầu, cần có ánh nắng mặt trời để làm bay hơi nước biển và thu được nước mặn cô đặc rồi dùng nó để làm ra muối.

Mỗi người tham gia trải nghiệm sẽ được trao cho một bếp ga và chiếc nồi nhỏ đựng nước muối cô đặc. Ở bước đầu tiên, bạn sẽ sử dụng một chiếc môi gỗ để khuấy nước trong nồi. Quá trình này vô cùng quan trọng bởi khi nước bay hơi càng nhanh thì các hạt muối tạo thành sẽ càng nhỏ. Tiếp đó, dùng cả hai chiếc môi để khuấy đồng thời cho đến khi nhìn thấy những cục muối kết tinh trên nồi. Sau cùng, dùng thìa nghiền nhỏ chúng đến khi thu được những hạt muối mịn.

Chuyên gia hướng dẫn cách làm muối cho du khách.
Chuyên gia hướng dẫn cách làm muối cho du khách. Ảnh: voyapon.com

Cách di chuyển đến Ako

cach-di-chuyen-den-ako

Để đến thành phố Ako, cách di chuyển đơn giản nhất là đi tàu Shinkansen Tokaido Sanyo từ ga Himeji đến ga Banshu Ako theo tuyến chính Sanyo trong vòng 30 phút.