Từ Satoyama là sự kết hợp giữa “sato - 里” (làng quê) và “yama - 山” (núi). Nghĩa là, khi nhắc đến Satoyama, người Nhật nghĩ ngay đến một cảnh quan đồng quê, người dân sống giữa thiên nhiên - tựa như những ngôi làng thung lũng tại vùng Tây Bắc của Việt Nam. Còn trong tiếng Anh, thuật ngữ Satoyama được dịch đơn giản là nông thôn.
Satoyama có mức độ đa dạng sinh học cao và là ví dụ hàng đầu về du lịch sinh thái ở Nhật Bản. Một trong những nỗ lực hỗ trợ và bảo tồn khái niệm Satoyama là "Sáng kiến Satoyama - Satoyama Initiative". Dự án này được thành lập thông qua UNESCO vào năm 2009 để công nhận và quảng bá các điểm đến thể hiện tinh thần Satoyama, không chỉ ở Nhật Bản mà trên toàn cầu.
Theo Jrpass, những ngôi làng sống kiểu Satoyama sử dụng các kỹ thuật truyền thống để canh tác và sinh sống. Song song với đó, người dân áp dụng những phương thức hiện đại để bảo vệ môi trường và duy trì lối sống bền vững.
Tại các vùng Satoyama, con người sống dựa vào thiên nhiên và hòa hợp với những tiết khí của đất trời. Người Nhật tạo mọi điều kiện cho động thực vật được sinh sôi, nảy nở tại các cánh đồng, ruộng lúa.
Mùa xuân đến, nước tràn vào những ruộng lúa. Khi đó, những loài cá, đàn chim tụ tập lại đây và xem nơi này là một chỗ trú ẩn an toàn. Đom đóm – loài vật tạo nên các cảnh lãng mạn trong anime – cũng được sinh ra tại ruộng lúa nước.
Đom đóm rất mẫn cảm với sự ô nhiễm môi trường nên chúng còn được coi là “tiêu chuẩn sống” để đánh giá mức độ sạch. Satoyama chính là mô hình cảnh quan thích hợp và thuận lợi nhất cho hệ sinh thái nước Nhật.
Rừng bao bọc xung quanh khu dân cư là nơi lấy củi để làm nhiên liệu, là nơi trữ nước từ những cơn mưa để rồi cung cấp cho cánh đồng. Người dân thường dùng cây sồi để trồng shiitake, một loại nấm có giá trị cao trên thị trường. Các khu rừng cũng là một hệ sinh thái tuyệt vời với các loại ve, bọ, vô số côn trùng. Trong khi đó, những đồng cỏ là thức ăn cho gia súc.
Con người điều chuyển nhịp sống của mình theo bốn mùa. Đất trời luân chuyển, người cũng sống theo tự nhiên. Mùa xuân – hè, nông dân cấy lúa, gieo trồng, mùa thu thu hoạch. Đông sang, khi ta thấy những giàn hồng khô treo trong gió, lúc nghỉ ngơi đã đến. Khi tuyết trắng phủ đầy sân, những người dân nghỉ ngơi và cùng chờ đợi mùa xuân đến.
Những dân cư nơi đây có trọn niềm tin với thế giới tự nhiên - vốn là ngôi nhà của tất cả các vị thần. Do đó, con người phải có nhiệm vụ bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ nơi ở của các vị thần tôn kính.
Hằng năm, mọi người tổ chức lễ tế với thần linh nhằm bày tỏ lòng kính trọng với thiên nhiên. Điều này thể hiện lối sống Satoyama trọng những giá trị tinh thần và các phong tục xưa cũ.
Vào 19-20/4, tại Gifu diễn ra lễ hội Furukawa (hay còn gọi lễ hội mùa xuân) gồm hai phần Okoshi Daiko và Yatai. Okoshi Daiko là một trận đấu nảy lửa, kéo dài đến nửa đêm của các chàng trai. Hàng trăm người sẽ cố gắng gắn Tsuke daiko (trống con) của mình lên vị trí của trống cái quyền lực Okoshi daiko.
Với Yatai, mọi người chứng kiến khung cảnh rước kiệu đặc sắc. Trên chín chiếc kiệu, trẻ em sẽ trình diễn kabuki với các trích đoạn của “Benkei và Ushiwakamaru” – vở kịch được dựa trên các truyện cổ tích xưa.
Nếu muốn khám phá Satoyama, bạn có thể ghé thăm khu vực phía bắc của tỉnh Gifu và rìa phía nam của tỉnh Toyama. Ở đó, giữa trùng điệp núi non, những ngôi làng hiện ra với một lối sống thân thiện với thiên nhiên.
Một trong những nơi nổi tiếng nhất là làng Shirakawago và Gokayama - cả hai đều là Di sản Thế giới của UNESCO. Những ngôi làng cổ sở hữu kiến trúc gasshozukuri truyền thống, được bảo tồn vô cùng tốt với đất nông nghiệp và rừng xung quanh.
Kiến trúc theo đuổi tôn chỉ là phục vụ cuộc sống hòa hợp thiên nhiên. Mái nhà được làm có độ dốc cao là để tuyết có thể dễ dàng rơi xuống, phần mái cũng được thiết kế quay theo hướng dễ đón ánh sáng để tuyết có thể tan một cách nhanh chóng. Ngoài ra, căn phòng trên gác đón trọn gió và nắng nên thích hợp cho tằm sinh trưởng, phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Khi xưa, người dân còn chế tạo thuốc súng sử dụng chất thải từ con tằm.
Chúng tựa như những ngôi làng trong bộ phim nào đó của Studio Ghibli với vẻ bình yên và ít khói bụi thành phố. Người dân thường xuyên cải tạo các trang trại cũ và những ngôi nhà dân gian truyền thống, được gọi là “Kominka - 古民家”.
Du khách cũng có thể xem các điệu múa và lắng nghe âm nhạc dân gian, đồng thời mua sắm các sản phẩm thủ công truyền thống.
Làng Harie ở quận Takashima, tỉnh Shiga, còn được biết đến với tên gọi khác là “Ngôi làng của những con suối” bởi nước suối ở khu vực này bắt nguồn từ lòng đất và đã tồn tại hơn 200 năm. Nước sinh hoạt ở đây được lấy từ suối địa phương, tạo thành những con kênh xuyên làng.
Ở đây có hồ Biwa - nơi trữ nước ngọt lớn nhất Nhật Bản. Các loài chim, cá nước ngọt chọn nơi đây là nơi di trú - tạo nên cuộc sống hài hòa giữa người dân và thiên nhiên.
Cư dân ở đây làm sạch sông bốn lần một năm và có hệ thống tách bạch nước thải cùng nước tự nhiên. Ngôi làng có hệ thống kabata để quản lý nước suối dùng cho rửa rau củ và tận dụng cá chép để lọc nước.
Khi ghé thăm Harie, khách du lịch được dẫn đi khắp làng và giới thiệu về cách lọc nước. Ngoài ra, họ có thể thăm nhà riêng của người dân, tận hưởng không khí làng quê trong lành và bình dị, nếm thử rượu sake địa phương. Doanh thu từ các tour tham quan này được tái sử dụng vào cải thiện và bảo tồn môi trường địa phương.
Nằm ở phía đông nam Fukushima, công viên Hanamiyama thuộc kiểu địa hình “Satoyama” – đồi rừng hòa hợp với môi trường sống của con người.
Bắt nguồn từ đất nông nghiệp, gia tộc võ sĩ nhu đạo Abe Ichiro đã phát triển ngọn đồi thành nơi trồng đầy sakura. Người dân sinh sống tại đấy cũng hợp sức trồng thêm các loại hoa khác, tạo nên một địa đàng đầy hoa thơm khoe sắc.
Ngoài sakura, công viên nổi tiếng với nhiều loại hoa anh đào khác như anh đào nhiều cánh - yaenozakura, hoa đào hồng thắm – hanamomo. Ngoài ra, còn có hoa liên kiều (forsythia), hoa mộc lan tím (magnoliaceae), hoa lạp mai vàng (Japanese allspice - roubai).
Khoảng thời gian từ cuối tháng 3 đến tháng 4, trăm hoa nơi đây thi nhau khoe sắc rực rỡ, tạo nên một cảnh quan vô cùng hút mắt.
Khi đến đây, mọi người sẽ đi bộ dọc các cung đường, thư thả ngắm nhìn các loài hoa đang bung tỏa dưới ánh nắng.
Bên cạnh những kiểu du lịch tham quan danh lam thắng cảnh, du lịch nghỉ dưỡng, Nhật Bản nở rộ lối du lịch “trải nghiệm Satoyama” mang tinh thần gần gũi, hướng đến việc sống cùng thiên nhiên và còn tự trồng trọt.
Fujino là thị trấn thuộc tỉnh Kanagawa. Tại đây, bạn được làm đồ dùng từ tre, tự tay làm mì udon hay nhuộm vải chàm.
Nằm ở vùng núi phía bắc của Kyoto, Fukuchiyama và Ayabe là một thế giới khác xa với những khu đô thị chật chội của trung tâm Kyoto.
Ayabe là làng nhỏ nhất của Kyoto với khoảng 31.000 người sinh sống, độ tuổi trung bình là 92. Bạn sẽ ghé thăm những người già và học họ cách làm bánh mochi hay senbei. Sau đó, bạn tham quan những cảnh quan mộc mạc xung quanh với rừng cây và con suối nhỏ bên cạnh ngôi nhà lá lợp đúng kiểu truyền thống.
Trọn vẹn cho trải nghiệm Satoyama, du khách đi theo con đường hành hương Saigoku Kannon hay ghé thăm cây hạt dẻ ngựa 2000 năm tuổi.
Ngày nay, lối sống Satoyama được cổ vũ và ngày càng gây ảnh hưởng trong đời sống. Như khi nói đến ẩm thực đậm chất Satoyama, người Nhật đang nhắc đến những bữa ăn nêu cao tinh thần tự nhiên, gìn giữ hương vị nguyên bản của nguyên liệu. Còn trải nghiệm Satoyama là những chuyến đi thăm thú thiên nhiên, trải nghiệm cuộc sống nông thôn.
Cùng với xu hướng bảo vệ môi trường, xu hướng “bỏ phố về quê”, Satoyama là một làn sóng ngầm trong dân cư Nhật khi thế giới đang thiếu hụt thực phẩm, năng lượng và các giá trị bền vững, truyền thống đang lên ngôi.