eMagazine
0%

Không chỉ là chứng nhân cho những giai đoạn đầy biến động trong lịch sử, lâu đài xứ Phù Tang còn là những công trình kiến trúc mang đầy vẻ uy nghi và tráng lệ. Sự hòa hợp phi thường giữa tính thẩm mỹ với chức năng quân sự đã biến chúng trở thành niềm tự hào của người Nhật với thế giới.

Lâu đài Nhật Bản từ biểu tượng quân sự đến di sản văn hóa

Lâu đài Nhật Bản (城 - shiro) là những pháo đài được xây dựng chủ yếu bằng gỗ và đá để bảo vệ các địa điểm quan trọng, có ý nghĩa về mặt chiến lược như cảng, bến sông hoặc ngã tư.

Một số lượng lớn lâu đài xứ Phù Tang được xây dựng trong thời kỳ Chiến Quốc (1467 - 1568) để làm công sự hoặc nơi ở cho lãnh chúa. Ban đầu, chúng thường được đặt trên đồi dốc hoặc những địa điểm dễ phòng thủ khác để phục vụ cho cuộc chiến. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo quân sự lỗi lạc Oda Nobunaga (1534 - 1582) đã mang đến sự thay đổi về bản chất của lâu đài Nhật Bản.

Từ năm 1576 - 1579, Nobunaga đã xây dựng một tòa lâu đài trên núi Azuchi, bên bờ hồ Biwa ở tỉnh Omi, nay là tỉnh Shiga. Tòa thành có tên Azuchi này được đặt tại vị trí đủ gần để có thể trông chừng và canh gác các lối vào Kyoto, nhưng cũng phải nằm ngoài Kyoto để tránh các trận hỏa hoạn và xung đột đôi khi tàn phá thủ đô nước Nhật lúc bấy giờ.

Vị trí của lâu đài cũng có lợi thế chiến lược trong việc quản lý các tuyến đường liên lạc và vận chuyển giữa những kẻ thù lớn nhất của Nobunaga – gia tộc Uesugi ở phía Bắc, Takeda ở phía Đông và Mori ở phía Tây.

Thành Azuchi và vùng phụ cận trong quá khứ
Thành Azuchi và vùng phụ cận trong quá khứ. Ảnh: Wikipedia

Tuy nhiên, lý do nó được xem như một công trình mang tính cách mạng là vì khác với những lâu đài và pháo đài trước đó, Azuchi không phải một công trình quân sự lạnh lẽo, tối tăm. Nobunaga đã lên kế hoạch xây dựng một dinh thự để phô trương quyền lực và đe dọa kẻ thù không chỉ bằng khả năng phòng thủ, mà còn bằng sự xa hoa, hưng thịnh của tòa lâu đài cùng thị trấn bao quanh.

Tòa tháp chính (Tenshu) của Azuchi là một tòa nhà bảy tầng lộng lẫy với sáu tầng trên mặt đất và một tầng hầm, được xây dựng để trở thành biểu tượng của lâu đài thay vì trung tâm phòng thủ. Và đây cũng chính là sự khởi đầu của Tenshu trong các lâu đài Nhật Bản sau này.

Tòa tháp bao gồm các sảnh tiếp khách, phòng riêng, văn phòng và kho bạc, được trang trí lộng lẫy với vàng và sơn mài như thể một cung điện hoàng gia. Những bức tường đá và hào rộng lớn, kết hợp với vô số tháp và cổng vững chắc để tăng cường khả năng phòng thủ, đã mở ra một kỷ nguyên mới nơi lâu đài chính là biểu tượng cho sức mạnh.

Năm 1582, bị thuộc hạ phản bội, Nobunaga buộc phải tự sát tại chùa Honnoji ở Kyoto, còn Lâu đài Azuchi cũng bị hỏa hoạn thiêu rụi. Sự kiện này diễn ra chỉ ba năm sau khi lâu đài được hoàn thành, dù vậy Azuchi vẫn trở thành hình mẫu để các lãnh chúa khác xây dựng thành trì của riêng mình. Từ đây, tòa tháp chính tráng lệ đã trở thành nét đặc trưng của các lâu đài trên khắp Nhật Bản.

Tàn tích của lâu đài Azuchi ngày nay
Tàn tích của lâu đài Azuchi ngày nay. Ảnh: Zooming Japan

Cơn sốt xây dựng lâu đài kéo dài khoảng bốn thập kỷ, đến cuối thế kỷ XVI. Một số lâu đài nổi tiếng nhất đã được xây dựng trong thời gian này như Lâu đài Himeji, Lâu đài Hikone, Lâu đài Inuyama và Lâu đài Matsumoto – bốn Bảo vật quốc gia của Nhật Bản. Kỷ nguyên lâu đài kết thúc với sự thống nhất của nước Nhật dưới thời Toyotomi Hideyoshi (1537 - 1598), chấm dứt giai đoạn chiến tranh loạn lạc và mở ra triều đại bình yên dưới thời Mạc phủ Edo.

Lúc này, chính phủ cấm các lãnh chúa sở hữu lâu đài ngoài nơi ở của họ, vì vậy nhiều tòa thành đã bị phá bỏ. Số còn lại dần bị hủy hoại do hỏa hoạn, động đất và các thảm họa tự nhiên khác. Dù có tráng lệ đến đâu, những công trình làm bằng gỗ và đất rất dễ bị cháy; ngay cả Lâu đài Edo - nơi ở của Tướng quân cũng bị thiêu rụi trong trận hỏa hoạn lớn Meireki năm 1657 và chưa bao giờ được xây dựng lại.

Sau cuộc Minh Trị Duy Tân lật đổ chế độ Mạc phủ, chính quyền đã ban hành Sắc lệnh Bãi bỏ lâu đài (廃城令- Haijorei) vào năm 1873, phá hủy nhiều lâu đài trong khu vực do những người bảo vệ chế độ Mạc phủ kiểm soát, bao gồm cả các thành trì như Lâu đài Aizuwakamatsu ở tỉnh Fukushima. Các cuộc không kích trên toàn quốc vào giai đoạn cuối của Thế chiến thứ hai cũng gây thiệt hại, đốt cháy Lâu đài Nagoya, Lâu đài Okama và một số nơi khác.

Di sản Thế giới - Lâu đài Himeji từng được sử dụng làm cơ sở quân sự trong chiến tranh, nhưng tòa tháp chính của nó vẫn tồn tại một cách kỳ diệu qua khói lửa bom đạn, dù cho một phần lâu đài đã bị phá hủy. Đây là một trong số vỏn vẹn 12 lâu đài còn giữ được tháp Tenshu qua những biến cố trải dài nhiều thế kỷ.

Sơ đồ mô tả quần thể phức tạp của Lâu đài Himeji trong quá khứ
Sơ đồ mô tả quần thể phức tạp của Lâu đài Himeji trong quá khứ. Ảnh: Wikipedia

Hầu hết các lâu đài du khách có thể ghé thăm ngày nay là những công trình được xây dựng lại. Đối với những lâu đài còn tồn tại đến cuối thế kỷ 19, có rất nhiều bức ảnh được sử dụng để tái tạo một cách trung thực thiết kế ban đầu. Còn với di tích bị phá hủy đã quá lâu, một số được xây dựng lại trên cơ sở các ghi chép được lưu trữ, hoặc xây mới hoàn toàn tại vị trí cũ.

Vào năm 2006, Hiệp hội Lâu đài Nhật Bản đã công bố danh sách 100 lâu đài đẹp nhất Nhật Bản. Những cái tên được lựa chọn chủ yếu dựa trên tầm quan trọng của chúng đối với văn hóa, lịch sử của quốc gia, như một cách để tôn vinh và khuyến khích du khách ghé thăm.

12 lâu đài với kiến trúc nguyên bản được bảo tồn

Lâu đài Bitchu Matsuyama

Lâu đài Bitchu Matsuyama

Lâu đài Hikone

Lâu đài Hikone

Lâu đài Himeji

Lâu đài Himeji

Lâu đài Hirosaki

Lâu đài Hirosaki

Lâu đài Inuyama

Lâu đài Inuyama

Lâu đài Kochi

Lâu đài Kochi

Lâu đài Marugame

Lâu đài Marugame

Lâu đài Maruoka

Lâu đài Maruoka

Lâu đài Matsue

Lâu đài Matsue

Lâu đài Matsumoto

Lâu đài Matsumoto

Lâu đài Matsuyama (Iyo)

Lâu đài Matsuyama (Iyo)

Lâu đài Uwajima

Lâu đài Uwajima

Kiến trúc cơ bản của lâu đài

Các lâu đài của Nhật Bản được xây dựng trong nhiều môi trường khác nhau, từ đó chia ra một số phong cách. Chẳng hạn lâu đài trên núi là phổ biến nhất và là hình thức cung cấp khả năng phòng thủ tự nhiên tốt nhất. Tuy nhiên, lâu đài được xây dựng trên vùng đồng bằng hoặc đồi thấp cũng không phải là hiếm. Một số lâu đài rất biệt lập, thậm chí còn được xây dựng trên các đảo tự nhiên hoặc đảo nhân tạo giữa hồ, biển, hoặc dọc theo bờ.

Dù mỗi loại sẽ có cách bố trí khác nhau nhưng một lâu đài điển hình sẽ bao gồm nhiều vòng phòng thủ (gọi là “maru”). Trong đó, khu phức hợp chính ở trung tâm là “Honmaru” (本丸), được bao quanh bởi khu phức hợp thứ hai và thứ ba, tức “Ninomaru” (二の丸) và “Sannomaru” (三の丸).

Tháp chính của lâu đài nằm ở Honmaru, trong khi nơi ở của lãnh chúa được bố trí ở Honmaru hoặc Ninomaru. Ngoài ra các khu vực này còn có nhà kho và khu sinh hoạt của quân đồn trú.

Sơ đồ Lâu đài Utsunomiya ở tỉnh Tochigi vào thời Edo
Sơ đồ Lâu đài Utsunomiya ở tỉnh Tochigi vào thời Edo. Ảnh: Wikipedia

Tháp lâu đài - Tenshu

Tòa tháp chính của lâu đài (pháo đài), tức Tenshukaku (天守閣) hoặc Tenshu (天守), nằm ở vòng phòng thủ trong cùng - Honmaru, do đó được bảo vệ tốt nhất. Hầu hết các tháp đều có từ 2 đến 5 tầng, một số trường hợp đặc biệt như Lâu đài Azuchi có tới 7 tầng.

Số tầng và cách bố trí tòa nhà khi nhìn từ bên ngoài hiếm khi tương ứng với cách bố trí bên trong; ví dụ, nơi trông có vẻ là tầng thứ ba từ bên ngoài thực tế có thể là tầng thứ 4. Điều này khiến cho kẻ thù bối rối khi xác định tầng nào hoặc cửa sổ nào để tấn công.

Ngoài ra, Tenshu thường có kiến trúc gây ấn tượng mạnh mẽ, bởi không những ám chỉ sức mạnh quân sự của lãnh chúa mà nó còn hàm ý về sự giàu có, thịnh vượng của người đứng đầu lâu đài.

Trong trường hợp lâu đài bị quân địch tấn công, tòa tháp này đóng vai trò là pháo đài ẩn náu cuối cùng và là nơi để bắt đầu các cuộc phản công giành lại quyền kiểm soát. Còn nếu lâu đài sụp đổ, nơi đây trở thành địa điểm diễn ra nghi lễ mổ bụng tự sát (seppuku) của lãnh chúa, gia đình và những người hầu cận.

Tenshukaku của Lâu đài Hikone vẫn còn tồn tại đến ngày nay, nơi đây cũng là một trong số năm tòa thành được chỉ định là Bảo vật quốc gia
Tenshukaku của Lâu đài Hikone vẫn còn tồn tại đến ngày nay, nơi đây cũng là một trong số năm tòa thành được chỉ định là Bảo vật quốc gia. Ảnh: Wikimedia

Cổng, tường và hào

Các vòng tường và hào đóng vai trò là tuyến phòng thủ chính của lâu đài. Cách bố trí cổng cũng là một chiến thuật phòng thủ quan trọng. Các cánh cổng thường được đặt ở những góc hẹp, tạo ra hiệu ứng “thắt cổ chai” với kẻ thù, hoặc được đặt vuông góc với nhau trong một khoảng sân hình vuông để tránh quân địch có thể tiến thẳng vào bên trong. Lối đi thường dẫn đến những ngõ cụt hoặc được bố trí phức tạp sao cho kẻ xâm nhập khó lòng biết trước chúng sẽ dẫn đến đâu.

Tựu trung, những biện pháp này khiến cho việc xâm nhập và tiến thẳng đến tháp Tenshu là không thể. Quân xâm lược hoặc bất kỳ ai khác vào lâu đài sẽ buộc phải đi vòng quanh để tiến vào trung tâm, tận dụng thời gian này, quân đội sẽ chuẩn bị cho trận chiến và trút những mũi tên từ trên cao xuống kẻ địch.

Cổng tường và hào
Ảnh: shirobito.jp

Tháp canh - Yagura

Còn được gọi là tháp pháo, Yagura (櫓) là những tháp canh và phòng chứa đồ dọc theo các bức tường của lâu đài, thường được đặt ở các góc. Mỗi lâu đài thường có nhiều tháp canh, chúng có kích thước nhỏ hơn nhiều so với tháp chính và thường có hai tầng.

Yagura tại lâu đài Funai
Yagura tại lâu đài Funai. Ảnh: Wikipedia

Cung điện – Goten

Cung điện Goten (御殿) là nơi ở của lãnh chúa. Hầu hết cung điện của các lâu đài đã bị phá hủy theo thời gian, một ví dụ hiếm hoi còn sót lại là Cung điện Ninomaru của Lâu đài Nijo. Trong số ít lâu đài mà cung điện được xây dựng lại có Lâu đài Kumamoto, Lâu đài Hikone và Lâu đài Nagoya.

Các phong cách lâu đài chính ở Nhật Bản

Yamajiro

Trước thế kỷ 14, tại Nhật Bản mới chỉ có những lâu đài tạm thời, là các công sự bằng gỗ có hào bao quanh với mục đích phòng thủ trước giặc ngoại xâm. Lâu đài Kinojo có niên đại từ thế kỷ thứ 7 tại tỉnh Okayama là đại diện cho loại công trình này.

Lâu đài Kinojo ở Okayama
Lâu đài Kinojo ở Okayama. Ảnh: Zooming Japan

Đến thời kỳ Chiến Quốc (1467–1568), cả nước Nhật chìm trong loạn lạc, chiến tranh nổ ra khắp mọi nơi. Giữa bối cảnh đó, các lãnh chúa vốn thường xây dựng dinh thự của mình trên địa hình bằng phẳng - như ở dưới chân núi, đã bắt đầu dựng pháo đài tạm thời trên núi cao. Họ luân phiên sống giữa vùng đất thấp vào thời bình và dời lên núi khi có chiến tranh.

Những lâu đài trên địa hình đồi núi dốc như vậy được gọi là "Yamajiro" (山城 – Sơn Thành) hay "lâu đài trên núi”. Đây cũng là loại lâu đài phổ biến nhất từng được xây dựng ở Nhật Bản. Người ta tin rằng có khoảng 30.000 đến 40.000 Yamajiro đã được xây dựng trong thời Chiến Quốc.

Lâu đài Kinojo ở Okayama
Lâu đài Kinojo ở Okayama. Ảnh: Zooming Japan

Địa thế cao của Yamajiro mang lại tầm nhìn bao quát, giúp dễ dàng phát hiện những cuộc tấn công của kẻ thù, đồng thời cũng khiến quân địch khó lòng leo lên sườn núi, tạo ra lợi thế trong trận chiến.

Khi những cuộc xung đột ngày càng lan rộng, các lãnh chúa đã gia tăng quy mô của Yamajiro bằng cách xây dựng nhiều công sự trên các đỉnh của rặng núi và kết nối chúng lại với nhau. Trong nhiều trường hợp, pháo đài được xây dựng ở lưng chừng núi rồi sau đó nối với đỉnh núi. Khi đó, chúng không còn là thành trì tạm thời nữa mà toàn bộ ngọn núi đã trở thành một pháo đài vững chắc.

Tiêu biểu cho phong cách Yamajiro có Lâu đài Iwamura (tỉnh Gifu), lâu đài Takatori (tỉnh Nara) và lâu đài Bitchu Matsuyama (tỉnh Okayama) – được mệnh danh là “Tam đại Yamajiro” của Nhật Bản.

Bitchu Matsuyama, được xây dựng vào năm 1240 ở độ cao 430m, là tòa lâu đài cao nhất trong số 12 lâu đài có tòa tháp chính vẫn còn trụ vững theo thời gian
Bitchu Matsuyama, được xây dựng vào năm 1240 ở độ cao 430m, là tòa lâu đài cao nhất trong số 12 lâu đài có tòa tháp chính vẫn còn trụ vững theo thời gian. Ảnh: japan.travel
Tàn tích của Lâu đài Iwamura (tỉnh Gifu) ở độ cao 721 mét so với mực nước biển, được xây dựng vào năm 1185 và bị phá hủy vào năm 1871
Tàn tích của Lâu đài Iwamura (tỉnh Gifu) ở độ cao 721 mét so với mực nước biển, được xây dựng vào năm 1185 và bị phá hủy vào năm 1871. Ảnh: Trip Advisor

Hirajiro

Đồi núi chiếm phần lớn lãnh thổ Nhật Bản khiến nhiều lâu đài của nước này được xây dựng theo phong cách Yamajiro. Tuy nhiên, vẫn có những khu vực xung quanh không có núi non, và lâu đài được xây dựng trên địa hình bằng phẳng như vậy được gọi là Hirajiro (平城 – Bình Thành) hay “lâu đài vùng đồng bằng”. Trên vùng đất bằng, sông, đầm lầy và ao hồ được tận dụng để xây dựng hào, khiến kẻ thù khó tấn công hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng Yamajiro là loại lâu đài chính được xây dựng trong thời Chiến Quốc còn Hirajiro bắt đầu phổ biến trong thời kỳ đầu hiện đại. Tuy nhiên, thực tế là nhiều Hirajiro đã được xây dựng vào thời Chiến Quốc trên những vùng đất ngập nước.

Nếu Yamajiro sở hữu ưu điểm về mặt phòng thủ thì địa hình bằng phẳng của Hirajiro lại thích hợp hơn cho việc vận chuyển quân nhu, lương thực, đồng thời dễ dàng hành quân với số lượng lớn. Do đó, nhiều lãnh chúa đã sử dụng kết hợp cả hai hình thức này.

Lâu đài Yamagata (tỉnh Yamagata) là đại diện của một Hirajiro, được xây dựng bởi lãnh chúa Mogami Yoshiaki vào năm 1357
Lâu đài Yamagata (tỉnh Yamagata) là đại diện của một Hirajiro, được xây dựng bởi lãnh chúa Mogami Yoshiaki vào năm 1357. Ảnh: Tripadvisor
Lâu đài Matsumoto ở Nagano - một trong ba lâu đài đẹp nhất Nhật Bản, được xây dựng vào năm 1594. Tenshu của lâu đài là tòa tháp cổ nhất còn tồn tại cho đến ngày nay
Lâu đài Matsumoto ở Nagano - một trong ba lâu đài đẹp nhất Nhật Bản, được xây dựng vào năm 1594. Tenshu của lâu đài là tòa tháp cổ nhất còn tồn tại cho đến ngày nay. Ảnh: welcome-matsumoto.com

Hirayamajiro

Những lâu đài kết hợp giữa vùng đất bằng phẳng và núi non được gọi là Hirayamajiro (平山城 – Bình Sơn Thành). Kiểu lâu đài này bắt đầu xuất hiện vào cuối thời Chiến Quốc, và mặc dù nằm ở những khu vực có địa hình bằng phẳng nhưng chúng được xây dựng trên những ngọn đồi hoặc núi nhỏ.

Lâu đài Marugame (tỉnh Kagawa) trên ngọn đồi Kameyama cao 66 mét ở khu vực trung tâm phía bắc của Đồng bằng Marugame là một ví dụ. Thậm chí cho đến ngày nay, nó vẫn cao hơn trung tâm thành phố Marugame.

Nhiều lâu đài bao gồm Osaka, Himeji, Sendai và Kumamoto cũng được xếp vào loại Hirayamajiro.

Lâu đài Marugame được xây dựng cách đây hơn 400 năm, nằm trong số 12 lâu đài với tòa tháp chính được xây dựng vào thời phong kiến
Lâu đài Marugame được xây dựng cách đây hơn 400 năm, nằm trong số 12 lâu đài với tòa tháp chính được xây dựng vào thời phong kiến. Ảnh: my-kagawa.jp
Lâu đài Himeji (Lâu đài Hạc trắng) tọa lạc tại thành phố Himeji, tỉnh Hyogo được xây dựng vào năm 1601. Đây là một trong Tam đại Quốc bảo thành của Nhật Bản, đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới
Lâu đài Himeji (Lâu đài Hạc trắng) tọa lạc tại thành phố Himeji, tỉnh Hyogo được xây dựng vào năm 1601. Đây là một trong Tam đại Quốc bảo thành của Nhật Bản, đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Ảnh: Dreamstime

Mizujiro

Các lâu đài gần nước còn được gọi là Mizujiro (水城 – Thủy Thành), hay “lâu đài nước”. Trong đó, các yếu tố nước như biển, hồ hoặc sông được tận dụng làm hào hoặc để vận chuyển. Một số “lâu đài nước” nổi tiếng là Lâu đài Takamatsu ở tỉnh Kagawa, Lâu đài Imabari ở tỉnh Ehime và Lâu đài Nakatsu ở tỉnh Oita.

Lâu đài Imabari được xây dựng vào năm 1602 bởi Todo Takatora – người xây thành vĩ đại nhất Nhật Bản, tọa lạc tại trung tâm thành phố Imabari và quay mặt ra Biển nội địa Seto
Lâu đài Imabari được xây dựng vào năm 1602 bởi Todo Takatora – người xây thành vĩ đại nhất Nhật Bản, tọa lạc tại trung tâm thành phố Imabari và quay mặt ra Biển nội địa Seto. Ảnh: fickr

Shijo và Jinshiro

Ngoài 4 kiểu lâu đài chính được phân loại dựa trên địa hình, hai loại tiếp theo - Shijo và Jinshiro - được phân loại theo ý nghĩa chiến lược của công trình.

Shijo (支城) là các lâu đài nhánh bao quanh một “lâu đài chính” – nơi đặt căn cứ của lãnh chúa. Khái niệm về Shijo rất rộng nên nó bao gồm cả pháo đài và các công trình kiến ​​trúc tương tự khác. Vì một lâu đài chính duy nhất không đủ để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ, nhiều Shijo được xây dựng trên một khu vực rộng lớn, tạo thành mạng lưới phòng thủ.

Còn Jinshiro (陣城) là những đồn lũy kiên cố được xây dựng tạm thời để bao quanh lâu đài của kẻ thù, và Toyotomi Hideyoshi là người thường xuyên sử dụng chúng trong trận chiến.