eMagazine
0%

Ngày nay, thời trang đường phố đang làm mưa làm gió trên toàn thế giới và Urahara của xứ Nhật thực sự khiến các tín đồ thích diện mê mệt.

Nếu quan tâm đến thời trang, chắn chắn bạn không xa lạ gì với “Streetwear” - thuật ngữ chỉ thời trang đường phố phổ biến toàn cầu. Phong cách này phát triển vào thập niên 90 từ sự kết hợp của văn hóa lướt ván ở California, thời trang hip hop New York với các đặc trưng của trang phục thể thao, punk, trượt ván, thời trang đường phố của Nhật Bản... Và Urahara được biết đến như cái nôi của Streetwear xứ Phù Tang.

Urahara “cái nôi” của thời trang đường phố Nhất Bản.

Nguồn gốc của Urahara

Urahara hay Ura-Harajuku (裏原宿) có nghĩa là “Harajuku ẩn dật”, đề cập đến một khu vực tập trung nhiều cửa hàng quần áo ở quận Shibuya của Tokyo, trải dài từ Jingumae cho đến Sendagaya, gần khu Harajuku.

Bản đồ khu vực Ura-Harajuku.
Bản đồ khu vực Ura-Harajuku. Ảnh: cometojapankuru.blogspot.com

Trong quá khứ, trước khi mạng xã hội ra đời và bùng nổ với những “clip viral” về thời trang đường phố thì ở Nhật đã xuất hiện nhiều cửa hàng quần áo vintage hoặc chịu ảnh hưởng của văn hóa đường phố phương Tây, thu hút những bạn trẻ thế hệ 8X tìm đến. Vào thập niên 90 đầy hoài niệm, sự xuất hiện của những cửa hàng này đã kéo theo làn sóng sáng tạo, cách tân của giới trẻ muốn thể hiện bản thân thông qua thứ họ khoác lên người.

Mọi chuyện bắt đầu khi Hiroshi Fujiwara viết chuyên mục hàng tháng có tên “Last Orgy” vào năm 1987. Chuyên mục này cung cấp cho độc giả xứ hoa anh đào tất cả những thông tin mới nhất về nhạc hip hop và punk, về DJ, nhiếp ảnh gia, giày dép và nghệ thuật mang ảnh hưởng của nước Mỹ.

Hiroshi Fujiwara và chuyên mục Last Orgy.
Hiroshi Fujiwara và chuyên mục Last Orgy. Ảnh: optionstheedge.com, collater.al

Tomoaki hay Nigo, nhà sáng lập thương hiệu BAPE, là một fan cuồng nhiệt của Hiroshi Fujiwara. Anh đã làm trợ lý cho Hiroshi và theo đuổi phong cách thời trang đường phố mà Hiroshi lan tỏa lúc bấy giờ.

Sau đó vào năm 1993, Nigo cùng với Jun Takahashi mở cửa hàng NOWHERE. Nơi này chứa đầy những chiếc áo phông in hình độc lạ lấy cảm hứng từ punk, hip hop mà các bạn trẻ cực ưa chuộng. Cũng từ đây mà nhiều hãng thời trang đã “mọc lên” như Undercover, BAPE, NEIGHBORHOOD hay WTAPS..., tất cả đều lấy cảm hứng từ con phố Urahara huyền thoại để tạo ra những phong cách “cực chất” khiến giới trẻ phát cuồng.

Cửa hàng NOWHERE của Nigo và Jun Takahashi.
Cửa hàng NOWHERE của Nigo và Jun Takahashi. Ảnh: deadstock.ca

Quá trình phát triển

Làn sóng Urahara bắt đầu khi Nigo và Jun Takahashi cho ra đời cửa hàng bán lẻ NOWHERE vào năm 1993. NOWHERE được chia thành hai bộ phận, một bên bán thương hiệu Undercover của Takahashi và nửa còn lại bán áo sơ mi họa tiết A Bathing Ape (BAPE) của Nigo. Một thương hiệu mang tính biểu tượng khác xuất hiện ngay sau đó là NEIGHBORHOOD của Shinsuke Takizawa, người đã truyền niềm đam mê xe máy và heavy metal Mỹ vào thương hiệu của mình.

Shinsuke Takizawa, người sáng lập thương hiệu NEIGHBORHOOD.
Shinsuke Takizawa, người sáng lập thương hiệu NEIGHBORHOOD. Ảnh: blog.thehipstore.co.uk

Jun Takahashi - người sáng lập Undercover có niềm đam mê với nhạc punk-rock, anh hợp tác với bố già thời trang đường phố Nhật Bản, DJ và thành viên của International Stüssy Tribe là Hiroshi Fujiwara để tạo ra Anarchy Forever Forever Anarchy (AFFA) vào năm 1994. Thương hiệu này dựa trên niềm đam mê cá nhân của Takahashi đối với nhạc punk qua những mẫu thiết kế thường gồm các hình ảnh đồ họa kết hợp với chữ, in lụa trên nền vải lấy cảm hứng từ trang phục quân đội.

Thương hiệu Undercover của Takahashi ra mắt tại Tuần lễ thời trang Paris năm 2002, sau đó anh hợp tác với những tên tuổi trong giới thời trang phương Tây. Một trong những lần bắt tay đáng chú ý nhất là NikeLab x Undercover Gyakusou, bộ sưu tập giày chạy bộ này đã trở thành một trong những dòng sản phẩm hợp tác lâu dài nhất của Nike với những thiết kế của Takahashi.

Còn Nigo thì phát triển thương hiệu A Bathing Ape (BAPE), với tên ban đầu của thương hiệu là “A Bathing Ape in Lukewarm Water” (Chú khỉ tắm trong nước ấm). Người Nhật vốn có thói quen ngâm bồn trong nước nóng có nhiệt độ khoảng trên 40 độ C. Việc tắm trong nước ấm là cách ám chỉ gần như mỉa mai về một thế hệ thanh niên giàu có và lười biếng, tựa như những chú khỉ nằm dài hưởng thụ trong bồn tắm cho đến khi nước đã nguội. Và đây cũng là đối tượng khách hàng chính của thương hiệu.

BAPE có logo là hình vẽ chú khỉ đột theo phong cách chịu ảnh hưởng từ đồ thể thao kiểu Mỹ. Ngay từ khi ra mắt, họ nhanh chóng dẫn đầu cùng các thương hiệu thời trang đường phố đình đám khác. Không chỉ được các tín đồ ở Nhật yêu thích mà BAPE còn chinh phục các ngôi sao thế giới như Lil Wayne, Pharrell Williams, Kanye West, Pharrell, Travis Scott...

Logo chú khỉ đột đặc trưng của BAPE.
Logo chú khỉ đột đặc trưng của BAPE. Ảnh: trendhunter.com

Hiện tại, không chỉ là thương hiệu thời trang, BAPE còn phát triển ở mảng âm nhạc, thực phẩm, truyền thông với những cửa hàng cafe, hãng thu âm, kênh truyền hình riêng.

Thông qua mạng lưới quốc tế của Fujiwara International Stüssy Tribe và sự kết nối giữa Nigo với James Lavelle – thành viên của nhóm nhạc UNKLE và chủ hãng thu âm Mo'Wax, BAPE và phong cách Urahara nhanh chóng được khẳng định như một làn sóng sáng tạo mới trong văn hóa thời trang của Nhật Bản.

“Chất riêng” của Urahara

Phong cách nào cũng có nét đặc sắc riêng. Và đối với Urahara, đó là sự đơn giản, thoải mái, thể hiện tính tự do hoang dại của người trẻ, nhưng đồng thời cũng độc đáo, khác lạ với những chi tiết thiết kế riêng để thể hiện cá tính của người mặc. 

Đặc trưng của Urahara là sự đơn giản, tự do, thể hiện cá tính người mặc.
Đặc trưng của Urahara là sự đơn giản, tự do, thể hiện cá tính người mặc. Ảnh: businessandarts.net

Urahara lấy cảm hứng từ sự năng động, tự do, nổi loạn của phong cách nghệ thuật Âu Mỹ nhưng ẩn chứa nét đặc sắc riêng của đất nước mặt trời mọc. Ban đầu, Urahara phổ biến với nhiều cửa hàng lớn nhỏ, mỗi cửa hàng đều có phong cách riêng lấy cảm hứng từ phương Tây và phát triển dựa trên văn hóa truyền thống quê nhà. 

Các cửa hàng Urahara đã tạo ra một trào lưu mới, trở thành không gian sáng tạo độc đáo mà người trẻ có thể tự tin thể hiện cái tôi thông qua trang phục. Việc tạo ra không gian này hoàn toàn nhờ vào nỗ lực tập thể với những người tiên phong là Hiroshi Fujiwara, Nigo và Jun Takashi, cùng cộng đồng sáng tạo trẻ gắn kết đã theo dõi, ngưỡng mộ họ. 

Thời trang Urahara chủ yếu dành cho nam giới, đặc biệt là những người theo đuổi văn hóa underground. Phong cách này nổi tiếng với những chiếc áo phông có in hình nhân vật và logo, kết hợp với áo hoodie, áo khoác nylon, đồ denim dày... với xu hướng sáng tạo chịu ảnh hưởng lớn bởi văn hóa reggae, hip hop và phong cách thể thao trượt ván.

Đồ Urahara đơn giản, không có các thiết kế cầu kỳ nhưng khá đắt, có thể lên tới vài triệu đồng một chiếc áo. Đặc biệt là những chiếc áo phông in logo thương hiệu của các hãng nổi tiếng được bán với giá “chát” nhưng rất chạy.

Trong giai đoạn hoàng kim của Urahara từ năm 1997-2006, có rất nhiều người xếp hàng dài tại các cửa hàng chỉ để mua được những chiếc áo của BAPE hay Undercover. Đặc biệt vào năm 2001, BAPE trở nên đắt khách nhờ nam ngôi sao Takuya Kimura của nhóm nhạc thần tượng Nhật Bản SMAP. Anh đã mặc một chiếc áo khoác da màu nâu nhạt của hãng này khi xuất hiện trong bộ phim truyền hình Hero. Lúc bấy giờ, người người phát cuồng và các chàng trai trẻ đua nhau săn lùng đồ của BAPE.

Chiếc áo khoác da màu nâu nhạt đến từ BAPE được Takuya Kimura diện trong bộ phim Hero (2001).
Chiếc áo khoác da màu nâu nhạt đến từ BAPE được Takuya Kimura diện trong bộ phim Hero (2001). Ảnh: 7shopsg.shop

Những thương hiệu
thời trang Urahara nổi
tiếng ở Nhật Bản

Những thương hiệu thời trang Urahara nổi tiếng ở Nhật Bản.

BAPE

BAPE.

A Bathing Ape (BAPE) do Nigo sáng lập năm 1993. Ban đầu hãng này bán một số áo sơ mi và áo len có in hình chú khỉ ngụy trang lấy cảm hứng từ bộ phim Planet of the Apes (1968). Từ khởi đầu khiêm tốn ở Ura-Harajuku, thương hiệu này đã dần phát triển với 19 cửa hàng trên khắp Nhật Bản và cũng xây dựng hệ thống cửa hàng tại các khu vực châu Á và Bắc Mỹ. 

Với việc mở rộng ra toàn cầu, BAPE đã hợp tác với nhiều biểu tượng nổi tiếng như Marvel Comics, Spongebob Squarepants và Hello Kitty. Nhiều nhà thiết kế và nghệ sĩ nổi tiếng, chẳng hạn như Kanye West, Pharrell và Travis Scott, cũng đã hợp tác với thương hiệu này để sản xuất loạt quần áo giới hạn dành cho người hâm mộ. 

NEIGHBORHOOD

Đây là một trong những thương hiệu nguyên bản và tiên phong của làng thời trang đường phố Nhật Bản. NEIGHBORHOOD thành lập năm 1994 bởi Shinsuke Takizawa với những mẫu thiết kế mạnh mẽ, cá tính lấy cảm hứng từ thời trang Mỹ. NEIGHBORHOOD tập trung vào văn hóa nhóm mô tô và cưỡi ngựa kết hợp với phong cách quân đội, Americana bản địa và quần áo bảo hộ lao động công nghiệp.

NEIGHBORHOOD.

WTAPS

WTAPS.

WTAPS là một thương hiệu thời trang được thành lập vào năm 1996, do Tetsu Nishiyama điều hành. Các sản phẩm của thương hiệu này là sự kết hợp giữa tinh hoa thời trang đường phố Nhật và trang phục quân đội mang đến sự mạnh mẽ nhưng vẫn tiện dụng.

Đồ của WTAPS tạo ấn tượng với những đường may, chi tiết vật liệu đẹp có tính bền cao, mang đến cảm giác thoải mái, dễ chịu cho người mặc.

Undercover

Undercover do Jun Takahashi tạo nên từ năm 1990 và thực sự gây tiếng vang từ năm 1993. Thương hiệu này có slogan nổi tiếng  là “We make noise, not clothes” (Chúng tôi tạo sự ồn ào, chứ không phải quần áo), thể hiện phong cách nổi loạn và tiến bộ, luôn vượt qua ranh giới của thiết kế thông qua sự tương phản với các phong cách đã có từ trước. 

Undercover.

Undercover lấy bản chất của nhóm văn hóa punk-rock và thay đổi quan niệm chung của mọi người về vẻ ngoài của nó.

MMJ

MMJ.

MMJ hay còn được gọi là mastermind JAPAN được thành lập vào năm 1997 bởi nhà thiết kế thời trang Masaaki Honma. 

Thương hiệu này tạo ấn tượng với các thiết kế chủ yếu là màu đen và chỉ in logo hình đầu lâu, mẫu mã đơn giản nhưng tạo nên sức hút riêng, lấy cảm hứng từ văn hóa punk và goth.

White Mountaineering

White Mountaineering là một thương hiệu thời trang được thành lập vào năm 2006 bởi nhà thiết kế Yosuke Aizawa. Hãng này được biết đến với những mẫu quần áo kết hợp giữa phong cách thời trang đường phố với công nghệ. Đồ của White Mountaineering là sự pha trộn giữa các yếu tố nghệ thuật, công nghệ và tính ứng dụng cao.

White Mountaineering.

Những thiết kế thường mang tính chất mạo hiểm, đậm chất thể thao với chất liệu tốt, đề cao tính bền cùng tính ứng dụng, với việc ứng dụng công nghệ nhuộm tự nhiên hay kết hợp các đặc điểm chống thời tiết.