eMagazine
0%

Vào những năm cuối của thời Edo (1603-1867), xứ Phù Tang chìm trong những cuộc chiến tranh quyền đoạt vị, các vụ ám sát diễn ra tràn lan. Trong thời kỳ hỗn loạn đó xuất hiện bốn sát thủ khét tiếng với biệt danh “Tứ đại Hitokiri thời Mạc Mạt”.

Hitokiri (人斬り) bao gồm chữ “人 – NHÂN” và chữ “斬 – TRẢM”, hiểu theo nghĩa đen là sát nhân, kẻ chém người. Đây là danh xưng dành cho 4 sát thủ lừng danh vào thời Mạc Mạt (1853 - 1867), giai đoạn cuối cùng của thời kỳ Edo.

“Tứ đại Hitokiri thời Mạc Mạt” (tiếng Nhật: 幕末の四大人斬り – Bakumatsu no Yondai Hitokiri) bao gồm: Tanaka Shinbei, Kawakami Gensai, Okada Izo và Nakamura Hanjiro.

Trung thành tuyệt đối với Thiên hoàng, họ mang trong mình sứ mệnh lật đổ Mạc Phủ thông qua công lý là lưỡi kiếm, thực hiện lý tưởng Sonno-joi (Tôn kính Thiên hoàng, trục xuất bọn man di). Bấy giờ, họ đã thực hiện những vụ ám sát chấn động, lấy đi tính mạng nhiều nhân vật quan trọng.

Sonno-joi hay Tôn hoàng nhương di là phong trào chính trị chống lại Mạc phủ và sự xâm nhập của Tây phương vào những năm 1850 - 1860.
Sonno-joi hay Tôn hoàng nhương di là phong trào chính trị chống lại Mạc phủ và sự xâm nhập của Tây phương vào những năm 1850 - 1860. Ảnh: Wikipedia

Tanaka Shinbei
(1832 - 1863)

Mùa đông năm 1832, Tanaka Shinbei (田中 新兵衛) ra đời tại vùng quê Satsuma, là con trai của một người lái đò. Bất chấp xuất thân thấp hèn, dựa vào tài năng võ thuật và kiếm thuật, ông đã trở thành một Samurai hoạt động dưới trướng Takechi Hanpeita - thủ lĩnh tổ chức cần vương Tosa Kinno-to.

Theo lệnh của Takechi, Tanaka Shinbei thường thực thi các nhiệm vụ "Trời phạt" (天誅 - Tenchu), ám sát những kẻ thân Mạc Phủ và thành phần ủng hộ phe cánh nước ngoài. 

Tanaka Shinbei được miêu tả là một kiếm sĩ lão luyện và trung thành tuyệt đối. Ông lấy mạng đối phương với những cú vung kiếm nhanh, dứt khoát và mang thủ cấp của nạn nhân treo lên để thị uy sức mạnh. 

Ảnh: mag.japaaan.com
Ảnh: mag.japaaan.com

Ông cũng được biết đến là sát thủ có nhiều nạn nhân nhất trong Tứ đại Hitokiri, những người ông sát hại nhiều vô kể. Trong đó có các chính trị gia như Shimada Sakon, Ukyo Omokuni và Honma Seiichiro. 

Bia tưởng niệm được dựng tại địa điểm Honma Seiichiro bị ám sát ở Shijo Kawaramachi.
Bia tưởng niệm được dựng tại địa điểm Honma Seiichiro bị ám sát ở Shijo Kawaramachi. Ảnh: Wikipedia

Vào ngày 5 tháng 7 năm 1863, Anegakoji Kintomo – một quý tộc triều đình đã bị một số người tấn công và sát hại tại Sarugatsuji, bên ngoài Cổng Sakuhei-mon ở Kyoto. Tại hiện trường, người ta tìm thấy một thanh kiếm được cho là của Tanaka Shinbei vì vậy ông đã bị quan chức Mạc phủ truy nã rồi bắt giữ để tra hỏi về vụ án.

Shinbei đã không khai một lời nào mà rút thanh kiếm ngắn ra và thực hiện nghi thức seppuku, kết thúc cuộc đời ở tuổi 31.

Kawakami Gensai
(1834 - 1872)

Kawakami Gensai (河上 彦斎) được xem là người truyền cảm hứng để họa sĩ Watsuki Nobuhiro xây dựng nên nhân vật kiếm khách Himura Kenshin trong tác phẩm manga “Rurouni Kenshin”.

Năm 1834, ở Kumamoto, tỉnh Higo (nay là tỉnh Kumamoto), người con trai thứ hai của nhà Komori ra đời. Đó là Komori Genjiro, người sau này được thiên hạ biết đến với cái tên Kawakami Gensai - một Hitokiri lừng danh.

Lúc 16 tuổi, Kawakami Gensai được giao nhiệm vụ tại thị trấn dưới chân thành Kumamoto với công việc quét dọn. Tại đây ông đã trau dồi kiến thức văn chương, võ thuật rồi dần trở thành một chiến binh văn võ song toàn.

Gensai tiếp cận với khái niệm “kinno” (勤王, cần vương) khi gặp gỡ hai vị tiền bối Todoroki Buhei và Miyabe Teizo, về sau ông cũng gia nhập tổ chức Sonno-joi.

Vị Samurai từng có giai đoạn sống yên bình khi lập gia đình với Misawa Teiko vào năm 1861 và tham gia lực lượng an ninh tại Kyoto. Một năm sau đó, ông làm vệ sĩ riêng cho Sanjo Sanetomi và tham gia vào những cuộc chiến khốc liệt giữa tình hình chính trị rối ren. Năm 1864, Gensai mất đi người thầy đáng kính Miyabe Teizo, cũng từ đây mà ông trở thành một đại sát thủ.

Kawakami Gensai.
Kawakami Gensai. Ảnh: Wikipedia

Gensai là chuyên gia rút kiếm từ tư thế thấp bằng một tay và giỏi chiêu thức Gyakukesagiri (chém từ sườn đối phương đến vai, theo đường chéo). Mặt khác, ông là người lịch sự, dịu dàng và có nước da trắng trẻo, vóc người nhỏ nhắn như một phụ nữ. Đây là lý do Gensai trở thành nguyên mẫu cho nhân vật Himura Kenshin.

Nhân vật lãng khách Kenshin được xây dựng dựa trên Kawakami Gensai.
Nhân vật lãng khách Kenshin được xây dựng dựa trên Kawakami Gensai. Ảnh: Shueisha

Gensai được cho là chỉ lấy mạng một người duy nhất nhưng lại là nhân vật cực kỳ có ảnh hưởng, đó là Sakuma Shozan. Vụ ám sát xảy ra vào ngày 12 tháng 8 năm 1864, ngay giữa thanh thiên bạch nhật tại quận Sanjo-Kiyamachi của Kyoto, được tiến hành cùng với ba sát thủ khác.

Ngay sau vụ việc, tại chùa Tenryu-ji, Kawakami Gensai đã nói với những người đồng phạm của mình, "Đây là lần đầu tiên tôi thực sự cảm thấy mình đã giết ai đó; tóc trên đầu tôi dựng đứng vì ông ấy là người đàn ông vĩ đại nhất mọi thời đại."

Sau vụ ám sát, Gensai đã “rửa tay gác kiếm” và đầu quân cho Takasugi Shinsaku, tham gia cuộc chiến chống lại đợt thảo phạt Choshu của Mạc phủ. Tuy nhiên sau đó ông lại đầu hàng quân binh Kumamoto và bị bắt giam, mãi đến năm 1868, khi Minh Trị Duy tân thành công mới được thả ra.

Về sau vì liên quan đến việc chứa chấp một số cựu binh phản loạn mà ông phải sống trong cảnh ngục tù và cuối cùng bị xử trảm vào ngày 13 tháng 1 năm 1872.

Sakuma Shozan (1811 – 1864) là một trong những người ủng hộ sớm nhất việc cải cách nước Nhật và nổi tiếng với khẩu hiệu “Đạo đức phương Đông, kỹ thuật phương Tây”.
Sakuma Shozan (1811 – 1864) là một trong những người ủng hộ sớm nhất việc cải cách nước Nhật và nổi tiếng với khẩu hiệu “Đạo đức phương Đông, kỹ thuật phương Tây”. Ảnh: Wikipedia
Bức tranh “Genji Yume Monogatari” (1878) của Shinsai Toshimitsu, mô tả cảnh Kawakami Gensai và đồng đội ám sát Sakuma Shozan.
Bức tranh “Genji Yume Monogatari” (1878) của Shinsai Toshimitsu, mô tả cảnh Kawakami Gensai và đồng đội ám sát Sakuma Shozan. Ảnh: Wikipedia

Okada Izo
(1838 - 1865)

Những nhân vật như Udo Jin-e trong “Rurouni Kenshin”, Okada Nizou trong “Gintama” hay Capricorn Izo trong “Saint Seiya” đều được cho là dựa trên nguyên mẫu Okada Izo - một trong “Tứ đại Hitokiri”.

Okada Izo (岡田 以蔵) sinh vào ngày 14 tháng 2 năm 1838 tại làng Iwamura, Kami, tỉnh Tosa (nay là tỉnh Kochi), trong một gia đình Samurai.

Ngay từ khi còn nhỏ, Izo đã chăm chỉ tập luyện kiếm thuật và sau đó trở thành học trò của Takechi Hanpeita thuộc phái Nakanishi-ha Itto-ryu. Ban đầu tại quê nhà, Okada làm việc cho gia tộc Tosa nhưng từ năm 1860, ông trở thành một sát thủ theo lệnh của Takechi.

Cũng giống như Tanaka Shinbei,  Izo thực hiện những vụ ám sát dưới danh nghĩa “Trời phạt" (天誅 - Tenchu), khởi đầu với vụ ám sát Inoue Saichiro – một Samurai của miền Tosa. Ông trở thành một sát thủ mà bất kỳ ai nghe đến tên cũng đều kính sợ và được gọi bằng biệt danh “Hitokiri Izo”.

Hitokiri
Ảnh: mag.japaaan.com

Về sau, chán nản với thời cuộc, Izo rời khỏi lãnh địa và trốn đến Edo, không còn tham gia vào các vụ ám sát nữa. Nhưng rồi số phận khiến ông lại vướng vào vụ ám sát Yoshida Toyo, nhiếp chính của Tosa vào năm 1865. Sau khi Izo bị bắt giữ, đồng đội từng hoạt động với ông lo sợ rằng Izo sẽ để lộ thông tin nên đã lên kế hoạch đầu độc ông để bịt đầu mối, tuy nhiên Takechi đã phản đối kế hoạch này.

Vậy nhưng cuối cùng, Izo cũng không thoát khỏi số mệnh nghiệt ngã. Sau khi phải chịu đựng sự tra tấn dã man, ông đã nhận tội và bị chặt đầu thị chúng vào ngày 11 tháng 5 năm 1865, kết thúc cuộc đời ở tuổi 27.

Nakamura Hanjiro
(1838 - 1877)

Nakamura Hanjiro (中村 半次郎), hay còn có tên gọi khác là Kirino Toshiaki (桐野 利秋), được biết đến là cánh tay phải của Takamori Saigo - người được tôn vinh là võ sĩ Samurai chân chính cuối cùng.

Hanjiro học kiếm thuật từ thuở thiếu thời, kiếm phái ông theo học là Ko-jigen-ryu, một nhánh của trường phái truyền thống Jigen-ryu. Có một giai thoại nổi tiếng rằng Hanjiro có thể vung được ba nhát kiếm chỉ trong khoảng thời gian một giọt nước mưa rơi từ mái nhà.

Vào những năm tuổi 20, Hanjiro làm việc ở Kyoto và tham gia vào Chiến tranh Boshin với tư cách là chỉ huy cấp cao của lực lượng Satsuma. Ông là sĩ quan cấp cao của Quân đội Hoàng gia mới và sau đó trở thành một vị tướng lữ đoàn trong những năm đầu của Quân đội Đế quốc Nhật Bản.

Hanjiro Nakamura, người bên phải là Sato, con gái của một người bán thuốc lá ở Osaka.
Hanjiro Nakamura, người bên phải là Sato, con gái của một người bán thuốc lá ở Osaka. Ảnh: Wikipedia

Nakamura được gọi là Hitokiri từ sau vụ ám sát Akamatsu Kozaburo. Người ta kể lại rằng Hanjiro đã từng tuyên bố: “Một khi đã quyết định chém, đừng tra kiếm vào vỏ cho đến khi thực hiện điều đó”. Và ông đã nhanh như cắt rút kiếm chém đứt lìa thân thể của Akamatsu, nạn nhân không kịp phản ứng gì dù trên tay đang cầm một khẩu súng. 

So với Tanaka Shinbei hay Okada Izo của Tứ đại Hitokiri thì Hanjiro không tham gia vào nhiều vụ ám sát, số nạn nhân chết dưới lưỡi kiếm của ông không nhiều, nhưng một khi ra tay hành động sẽ đều khiến đối thủ kinh hãi.

Ông nổi danh với kiếm thuật tốc độ cao, là sát thủ có mùi hương vì Hanjiro luôn mang theo chai nước hoa Pháp Eau de Cologne yêu thích. Chuyện kể rằng ngay cả lực lượng cảnh sát Shinsengumi của Mạc Phủ cũng không dám đối đầu Nakamura Hanjiro.

Là một Samurai phụng sự cho chính phủ Minh Trị, tuy nhiên khi Takamori Saigo vì bất đồng quan điểm với triều đình mà rời đi, ông cũng đi theo chủ nhân.  Hanjiro đã từ bỏ tất cả để sát cánh và chiến đấu cùng người thầy Saigo cho đến tận giây phút cuối cùng trong trận Shiroyama - trận chiến cuối cùng của cuộc nổi loạn Satsuma.

Hanjiro đã ngã xuống cùng với đồng đội, những người cùng chung lý tưởng vào ngày 24 tháng 9 năm 1877, sau khi bị bắn vào đầu.

Bức tranh mô tả cuộc đụng độ giữa quân triều đình và quân đội của Takamori Saigo. Tên của Kirino Toshiaki (tên khác của Hanjiro) được viết ở phía bên phải trung tâm.
Bức tranh mô tả cuộc đụng độ giữa quân triều đình và quân đội của Takamori Saigo. Tên của Kirino Toshiaki (tên khác của Hanjiro) được viết ở phía bên phải trung tâm. Ảnh: Wikipedia