eMagazine

Vượt qua một bộ truyện tranh giải trí đơn thuần, “Captain Tsubasa” đã khơi nguồn ước mơ bóng đá cho bao thế hệ trẻ em trên khắp nước Nhật và trở thành niềm cảm hứng cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của nền bóng đá xứ sở hoa anh đào.

FIFA World Cup 2022 trên đất Qatar đã khép lại gần 3 tháng nhưng những dư âm về giải đấu vẫn còn được nhắc đến hôm nay và có lẽ là rất lâu sau nữa. Một giải đấu với vòng đấu bảng được Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) ca ngợi là “hay nhất trong lịch sử” với hàng loạt những cú “twist” bất ngờ từ các đội bóng được xem là “chiếu dưới”, trong đó phải kể đến “cơn địa chấn” mà đội tuyển Nhật Bản đã tạo nên trước người Đức và người Tây Ban Nha để hiên ngang tiến vào vòng 1/8 với tư cách đứng đầu bảng “tử thần”, góp phần tiễn nhà vô địch 2014 về nước.

Sau thành tích ấn tượng tại giải đấu ở Qatar, đội tuyển Nhật Bản đã vươn lên vị trí 20 trên bảng xếp hạng FIFA và là đội bóng Châu Á duy nhất ghi tên mình vào top 20.

Tuy nhiên, trước khi trở thành cường quốc bóng đá số 1 Châu Á, rất nhiều năm trước đây, bóng đá Nhật Bản từng tự ví mình là “chiếc giày nhỏ”. Mặt khác, tại xứ Phù Tang, bóng đá cũng không phải là môn thể thao nhận được sự yêu thích đông đảo so với bóng chày hay đấu vật Sumo.

Các cầu thủ Nhật Bản ăn mừng trong trận thắng đội tuyển Đức tại vòng bảng World Cup 2022.
Các cầu thủ Nhật Bản ăn mừng trong trận thắng đội tuyển Đức tại vòng bảng World Cup 2022. Ảnh: dw.com

Nền bóng đá Nhật Bản và tình yêu của người dân nước này đối với môn thể thao vua chỉ thực sự thay đổi kể từ khi bộ truyện tranh “Captain Tsubasa” ra đời.

Bộ truyện tranh bắt đầu từ một kỳ World Cup

Captain Tsubasa – bộ truyện tranh về bóng đá phát hành năm 1981.
“Captain Tsubasa” – bộ truyện tranh về bóng đá phát hành năm 1981. Ảnh: captaintsubasa.es

“Captain Tsubasa” còn được biết đến với cái tên Việt hóa “Tsubasa – Giấc mơ sân cỏ”, là manga đề tài bóng đá do Takahashi Yoichi sáng tác, được phát hành lần đầu năm 1981.

Nhân vật chính của bộ truyện là cậu nhóc Oozora Tsubasa 11 tuổi, một thần đồng bóng đá của Nhật Bản với giấc mơ “khoác áo Đội tuyển Quốc gia Nhật Bản và giành chức vô địch World Cup”. Sau khi ra mắt, “Captain Tsubasa” đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt, tạo nên cơn sốt chưa từng có. Năm 1982, nhờ vào việc đăng tải “Captain Tsubasa”, tạp chí manga Weekly Shonen Jump đã đạt số lượng phát hành lên đến 2,55 triệu bản, vượt qua các tờ báo khổng lồ của Mỹ ngày nay.

Được xem là tượng đài bất diệt trong giới manga, anime về bóng đá là vậy nhưng có một sự thật thú vị, môn thể thao vua không phải lựa chọn sáng tác đầu tiên của tác giả Takahashi.

Giống như bao đứa trẻ tại đất nước Mặt trời mọc, Takahashi Yoichi lớn lên với tình yêu dành cho bóng chày. Yêu thích vẽ, nuôi mộng trở thành họa sĩ truyện tranh, Takahashi từng chắc mẩm rằng bản thân sẽ cho “ra lò” một bộ truyện về bóng chày - môn thể thao quốc dân của Nhật Bản lúc bấy giờ.

Và rồi World Cup 1978 diễn ra ở Argentina đã thay đổi tất cả. Đó là kỳ World Cup đầu tiên được phát sóng trực tiếp qua tivi tại Nhật Bản. Vào thời điểm đó, bóng đá vẫn chưa thịnh hành ở quốc gia Đông Á này, thậm chí rất ít người Nhật biết rằng nó là môn thể thao toàn cầu và cụm từ “World Cup” cũng còn xa lạ với nhiều người.

Những hình ảnh sống động về World Cup 1978, đặc biệt là màn trình diễn của Mario Kempes – “vũ công Tango” với mái tóc sư tử đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng chàng thiếu niên Takahashi tuổi 18 và khiến anh hạ quyết tâm phải sáng tác bằng được một bộ truyện tranh về bóng đá.

Mario Kempes dẫn dắt đội tuyển Argentina đến chức vô địch World Cup 1978.
Mario Kempes dẫn dắt đội tuyển Argentina đến chức vô địch World Cup 1978. Ảnh: dailymail.co.uk

Khơi gợi tình yêu bóng đá ở một quốc gia bóng chày

Phải mất tới 3 năm Takahashi mới thuyết phục được một nhà xuất bản phát hành “Captain Tsubasa” nhưng tất cả sự chờ đợi đó đều được đền đáp xứng đáng khi manga nhanh chóng trở thành hiện tượng xuất bản tại đất nước Mặt trời mọc. Cùng với bộ truyện, thập niên 80 và 90 chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của bóng đá Nhật Bản.

Trước “Captain Tsubasa” đã có một số bộ truyện tranh về bóng đá như “The Red-Blooded Eleven” - viết bởi Ikki Kajiwara, minh họa bởi Mitsuyoshi Sonoda và “Downtown Samurai” của Shinji Mizushima, chúng được ra đời trong giai đoạn ngắn ngủi nước Nhật dành sự quan tâm cho môn thể thao này sau tấm huy chương đồng của đội tuyển bóng đá nam tại Thế vận hội mùa hè 1968. Tuy nhiên phải đến khi “Captain Tsubasa” ra mắt mới thực sự tạo nên cơn sốt về bóng đá tại đất nước Mặt trời mọc.

Bộ truyện tạo nên cơn sốt bóng đá tại Nhật Bản thập niên 80, 90.
Bộ truyện tạo nên cơn sốt bóng đá tại Nhật Bản thập niên 80, 90. Ảnh: captaintsubasa.fandom.com

Bộ truyện không chỉ tiếp thêm sức mạnh cho các siêu sao bóng đá đương đại mà còn chắp cánh ước mơ cho biết bao trẻ em trên toàn nước Nhật, các kỹ năng thượng thừa trong Tsubasa như “cú sút đôi”, “cú sút dao cạo” được nhiều đứa trẻ học theo.

Tuyệt kỹ cú sút đôi trong Tsubasa.
Tuyệt kỹ “cú sút đôi” trong Tsubasa. Ảnh: duniagames.co.id

Hidetoshi Nakata, một trong những cầu thủ đóng vai trò chủ chốt trong hành trình đội tuyển Nhật Bản giành quyền tham dự World Cup lần đầu tiên năm 1998 thừa nhận rằng, Tsubasa là một trong những lí do khiến anh chọn chơi bóng khi còn là một cậu bé.

“Khi tôi mới bắt đầu chơi bóng đá, bóng chày là môn thể thao phổ biến hơn, nhưng có một bộ truyện tranh về bóng đá thực sự nổi tiếng vào thời điểm đó. Tôi đã đọc nó và có cảm hứng chơi bóng” - Nakata chia sẻ trong chương trình “Talk Asia” trên CNN.

Tất cả người dân xứ Phù Tang mải mê dõi theo từng bước đi trên hành trình chinh phục giấc mơ cúp vàng của Tsubasa từ lúc cậu còn thi đấu bóng đá cấp trường học đến khi cùng đội U16 và U20 quốc gia vô địch thế giới, rồi chuyển đến Châu Âu khoác áo Barca và lập hat-trick trong trận El Clasico với Real Madrid.

Tsubasa cùng đồng đội chiến thắng U16 Đức trong trận chung kết U16 thế giới
Tsubasa cùng đồng đội chiến thắng U16 Đức trong trận chung kết U16 thế giới. Ảnh: california18.com
Oozora Tsubasa trong màu áo CLB Barcelona.
Oozora Tsubasa trong màu áo CLB Barcelona. Ảnh: pttcomic.com

Từ chức vô địch thế giới của U16 Nhật Bản trong bộ truyện, Tsubasa đã đưa giấc mơ bóng đá của người Nhật vươn cao, vươn xa hơn nữa. Không còn là một nhân vật truyện tranh, Tsubasa trở thành cầu thủ bóng đá nổi tiếng nhất xứ Nhật, thậm chí vượt qua những tượng đài của bóng đá nước này như Hidetoshi Nakata hay Kazuyoshi Miura. Bởi có thể ngoại trừ người hâm mộ Samurai Blue, không nhiều người trên thế giới biết đến tên tuổi các danh thủ xứ Phù Tang nhưng chỉ cần nhắc đến cái tên Tsubasa, ắt hẳn bất kỳ tín đồ túc cầu giáo nào cũng có ấn tượng.

Nguồn cảm hứng không biên giới

“Captain Tsubasa” từ lâu đã được xem là nguồn cảm hứng bất tận về bóng đá với sức ảnh hưởng vượt xa khỏi biên giới Nhật Bản và phủ sóng trên toàn thế giới. Có không ít những cầu thủ nổi tiếng trên thế giới từng tiết lộ rằng, bộ manga của Takahashi là một phần động lực thúc đẩy họ theo đuổi sự nghiệp quần đùi áo số.

Phóng viên thể thao Luca Caioli - tác giả cuốn tiểu sử về Fernado Torres cho biết, tiền đạo một thời của Tây Ban Nha say mê bộ phim hoạt hình Tsubasa khi còn là một cậu nhóc. Nhiều năm sau, khi ở bên kia sườn dốc sự nghiệp, Torres rời châu Âu đến đất nước Mặt trời mọc thi đấu trong màu áo CLB Sagan Tosu – quyết định này được cho là bởi tình yêu ngày bé mà chàng cầu thủ dành cho Tsubasa.

“Cậu bé vàng” của bóng đá Pháp Kylian Mbappe được biết đến là “fan cứng” của Tsubasa. Vào năm 2018, trong một lần dính chấn thương vai, ngôi sao PSG đã dí dỏm tự ví mình với Tsubasa với hành động ghép ảnh bản thân băng bó vai với hình ảnh tương tự của nhân vật truyện tranh nổi tiếng rồi đăng lên Instagram. Chân sút sinh năm 1998 cũng có cơ hội gặp gỡ tác giả Takahashi Yoichi trong chuyến thăm Nhật Bản hồi 2019 và được ông tặng một bức chân dung phỏng theo bộ truyện tranh.

Hình ảnh tự ví mình như Tsubasa được Mbappe đăng tải trên mạng xã hội năm 2018.
Hình ảnh tự ví mình như Tsubasa được Mbappe đăng tải trên mạng xã hội năm 2018. Ảnh: Instagram@ k.mbappe
Mbappe và cha đẻ của bộ truyện tranh “Captain Tsubasa”.
Mbappe và cha đẻ của bộ truyện tranh “Captain Tsubasa”. Ảnh: blow-ent.com

Có lẽ khi bắt tay vào sáng tác “Captain Tsubasa”, Takahashi chỉ mong muốn lan tỏa môn thể thao vua đến người dân đất nước mình mà không thể ngờ rằng bộ truyện còn có thể làm được nhiều hơn thế: trở thành nguồn cảm hứng bất tận về bóng đá trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, “Captain Tsubasa” là một trong những manga xuất hiện rất sớm vào những năm 1990 và nhanh chóng trở thành tác phẩm gối đầu giường của thế hệ 8x, 9x đời đầu.

“Captain Tsubasa” được phát hành tại Việt Nam với tên gọi “Tsubasa – Giấc mơ sân cỏ”.
“Captain Tsubasa” được phát hành tại Việt Nam với tên gọi “Tsubasa – Giấc mơ sân cỏ”. Ảnh: xn--schvit-pta0532d.vn
Cầu thủ người Tây Ban Nha Fernando Torres là một fan của Tsubasa.
Cầu thủ người Tây Ban Nha Fernando Torres là một fan của Tsubasa. Ảnh: arsenalsway.blogspot.com

Alejandro Garnacho – tài năng trẻ được kỳ vọng của bóng đá Argentina và Manchester United thậm chí còn xăm hình các nhân vật trong “Captain Tsubasa” lên cơ thể như một tuyên ngôn về sự say mê dành cho bộ truyện.

Alejandro Garnacho và hình xăm nhân vật trong “Captain Tsubasa” trên bắp chân.
Alejandro Garnacho và hình xăm nhân vật trong “Captain Tsubasa” trên bắp chân. Ảnh: m.news.nate.com
Tác giả Takahashi trong chuyến thăm Camp Nou – sân nhà của CLB Barcelona.
Tác giả Takahashi trong chuyến thăm Camp Nou – sân nhà của CLB Barcelona. Ảnh: fcbarcelona.com
Messi, Neymar, Mbappe và các cầu thủ PSG giao lưu cùng tác giả Takahashi trong chuyến du đấu mùa hè 2022 tại Nhật Bản.
Messi, Neymar, Mbappe và các cầu thủ PSG giao lưu cùng tác giả Takahashi trong chuyến du đấu mùa hè 2022 tại Nhật Bản. Ảnh: thenationalnews.com

Sự trỗi dậy của bóng đá Nhật Bản

“Bao giờ thì Nhật Bản sẽ góp mặt tại World Cup?”, đó là câu hỏi được bình luận viên đặt ra ngay từ chương đầu của bộ truyện và cậu bé Tsubasa đã nói: “Một ngày nào đó, mình nhất định sẽ biến giấc mơ ấy thành hiện thực”.

Thời điểm “Captain Tsubasa” ra đời là năm 1981 và quả thực 17 năm sau, giấc mơ World Cup đã trở thành sự thật với người Nhật khi họ có lần đầu tiên tham dự ngày hội bóng đá lớn hành tinh vào năm 1998. Thành tích đó càng trở nên kỳ diệu hơn khi chỉ trước đó đúng 6 năm, quốc gia này mới có giải vô địch quốc gia chuyên nghiệp.

Đội tuyển Nhật Bản có lần đầu tiên dự World Cup vào năm 1998.
Đội tuyển Nhật Bản có lần đầu tiên dự World Cup vào năm 1998. Ảnh: aljazeera.com

Tính từ giải đấu năm 1998, Nhật Bản đã có 7 lần liên tiếp tham dự vòng chung kết World Cup, trong đó thành tích tốt nhất là góp mặt ở vòng 16 đội. Mặc dù chưa thể tiến xa hơn ở đấu trường thế giới, nhưng ở châu Á, Nhật Bản chắc chắn là “ông kẹ” của bóng đá khu vực khi có đến 4 lần vô địch AFC Asian Cup, thành tích nổi bật nhất trong các đội tham gia.

J.League, giải đấu bóng đá chuyên nghiệp cấp câu lạc bộ ở Nhật Bản cũng được xem là điểm đến mơ ước của các cầu thủ Đông Nam Á, thậm chí các cầu thủ bóng đá nổi tiếng một thời của châu Âu như Andres Iniesta - cựu tiền vệ tài hoa của đội tuyển Tây Ban Nha và CLB Barcelona cũng đến xứ Phù Tang chơi bóng.

Không chỉ thu hút những ngôi sao bóng đá đến nước mình, Nhật Bản cũng “xuất khẩu” cầu thủ ra thế giới. Tương tự Tsubasa, nhiều thế hệ cầu thủ Nhật Bản tài năng đã và đang chơi bóng tại trời Âu như thủ quân đội tuyển Nhật - Maya Yoshida (Southampton, 2012-2020), Takumi Minamino (Liverpool, 2020-2022, AS Monaco 2022-nay)...

Takumi Minamino – tiền đạo số 1 Nhật Bản hiện đang thi đấu tại châu Âu trong màu áo AS Monaco.
Takumi Minamino – tiền đạo số 1 Nhật Bản hiện đang thi đấu tại châu Âu trong màu áo AS Monaco. Ảnh: asmonaco.com
Tiền vệ Andres Iniesta và tác giả Takahashi.
Tiền vệ Andres Iniesta và tác giả Takahashi. Ảnh: OhmyGoal
Băng rôn khổng lồ hình Tsubasa trên khán đài cổ động viên Nhật Bản trong trận đấu với Bỉ tại vòng 16 đội World Cup 2018.
Băng rôn khổng lồ hình Tsubasa trên khán đài cổ động viên Nhật Bản trong trận đấu với Bỉ tại vòng 16 đội World Cup 2018. Ảnh: nieuwsnl.news

Mặc dù để đạt được thành công như hiện tại, bóng đá Nhật Bản đã phải trải qua nhiều cải tổ nhưng không thể phủ nhận sự thúc đẩy về mặt tinh thần mà bộ truyện tranh của Takahashi đã làm được.

Biết bao thế hệ người Nhật đã lớn lên với giấc mơ bóng đá được hun đúc từ những trang truyện Tsubasa. Bóng đá từ môn thể thao bị ngó lơ trở thành môn thể thao được yêu thích hàng đầu đất nước Mặt trời mọc chỉ sau bóng chày. Người Nhật từ chỗ không hiểu gì về bóng đá, xa lạ với World Cup trở thành những người hâm mộ cuồng nhiệt của môn thể thao vua với những màn cổ vũ tại các kỳ World Cup gây nức lòng giới mộ điệu. Trên khắp đất nước Nhật Bản, giờ đây những học viện bóng đá mọc lên dày đặc, liên tục trình làng những ngôi sao bóng đá vươn tầm thế giới.