Dựa trên văn hóa và tư duy của người Nhật, triết lý Monozukuri là một trong những chìa khóa thành công của các doanh nghiệp xứ Phù Tang, đưa sản xuất và hàng hóa Nhật Bản vươn đến đỉnh cao thế giới.
“Made in Japan” từ lâu đã trở thành thương hiệu, một bảo chứng cho chất lượng sản phẩm. Và khi nhắc đến hàng hóa có xuất xứ từ Nhật Bản, có lẽ hầu hết mọi người đều đặt lòng tin tuyệt đối.
Để tạo dựng nên những giá trị lâu bền trong sản xuất công nghiệp, người Nhật đã không ngừng nỗ lực lao động, sáng tạo dựa trên những nguyên tắc riêng biệt. Bên cạnh những khái niệm như kaizen (cải tiến liên tục) hay TQM (Total Quality Management – quản lý chất lượng toàn diện) đã được thế giới biết đến rộng rãi, người Nhật còn có một triết lý khác có thể xem như là “kim chỉ nam” của các doanh nghiệp, nâng tầm sản xuất xứ Phù Tang: Monozukuri.
Trong tiếng Nhật, “monozukuri – ものずくり” là một từ ghép, trong đó “mono” là đồ vật, sản phẩm còn “zukuri” (cách đọc biến âm của tsukuri) nghĩa là chế tạo, sản xuất. Tuy nhiên, hiểu rộng ra, Monozukuri là hoạt động tạo ra sản phẩm dựa trên văn hóa và tư duy của người Nhật.
Quy trình đó bao gồm tiêu chuẩn chất lượng cao; tinh thần sản xuất với niềm tự hào, sự cống hiến, không ngừng đổi mới hướng tới sự hoàn hảo làm hài lòng khách hàng với thái độ chân thành. Nhiều người Nhật tin rằng, Monozukuri đã đưa đất nước đạt đến vị trí thống lĩnh thị trường thế giới.
Ngoài Monozukuri, trong tiếng Nhật còn có hai từ khác để chỉ hoạt động chế tạo và sản xuất, là “seizou - 製造” và “seisan - 生産”, được viết dưới dạng Hán tự và sử dụng cho tất cất cả các loại hình sản xuất hiện đại. Trong khi đó, Monozukuri được sử dụng để mô tả cụ thể các quy trình sản xuất theo phong cách Nhật Bản. Về mặt chữ viết, Monozukuri thường được viết hoàn toàn bằng Hiragana, là một “yamato kotoba” - từ tiếng Nhật bản địa.
Có những ý kiến cho rằng, khó có thể dịch chính xác ý nghĩa của Monozukuri sang các ngôn ngữ khác vì nó bao hàm ý nghĩa văn hóa, và có lẽ chỉ người Nhật mới có thể hiểu được đầy đủ sắc thái của nó.
Được coi là một khái niệm quan trọng của đất nước Mặt trời mọc đã tồn tại từ lâu, nhưng Monozukuri chỉ bắt đầu được sử dụng phổ biến sau khi chính phủ Nhật Bản thành lập “Monozukuri kondankai” (Hội đồng tư vấn Monozukuri) vào năm 1998 và ban hành luật nhằm thúc đẩy các ngành sản xuất.
Sau khi bong bóng tài chính kết thúc vào những năm thập niên 90, nền kinh tế Nhật Bản trải qua thời kỳ suy thoái trầm trọng. Chính vì vậy, Monozukuri kondankai được thành lập nhằm đảo ngược xu hướng phi công nghiệp hóa, tái khẳng định sức mạnh của nước Nhật với tư cách là một cường quốc trong lĩnh vực sản xuất.
Người ta thường so sánh Monozukuri với một từ trong tiếng Anh “crasftsmanship” (mô tả sự khéo léo, thạo nghề). Tuy nhiên, với “crasftsmanship”, trọng tâm là con người và kỹ năng còn Monozukuri nhấn mạnh vào “mono” – sản phẩm được tạo ra và “zukuri” – quá trình tạo ra sản phẩm. Ở Monozukuri, yếu tố con người – chủ thể thực hiện đã được ẩn đi. Điều này phản ánh tinh thần trách nhiệm của người Nhật trong quá trình tạo ra mọi thứ.
Giáo sư Takahiro Fujimoto của Trung tâm Nghiên cứu Quản lý Sản xuất tại Đại học Tokyo – nhà lý luận về Monozukuri nổi tiếng nhất Nhật Bản gọi Monozukuri là “nghệ thuật, khoa học, kỹ năng”. Theo đó, Monozukuri không phải là sự lặp lại vô tâm mà đòi hỏi óc sáng tạo, cần phải thông qua thực hành lâu dài, từng bước cải tiến để vươn đến những giá trị bền vững.
Triết lý Monozukuri không chỉ được thể hiện trong hoạt động sản xuất mà còn trong các khía cạnh kinh doanh khác của một doanh nghiệp như lập kế hoạch, nghiên cứu và phát triển... Thực hành triết lý Monozukuri không giới hạn ở bất kỳ ai, bất kỳ vị trí nào, mà mọi nhân viên – từ cấp thấp nhất đến cấp quản lý cao nhất đều có vai trò của riêng mình để hướng tới kết quả tốt nhất, kiến tạo những giá trị cho công ty.
Từ khi được chính phủ Nhật Bản chính thức đề cập vào năm 1998 cho đến nay, Monozukuri đã được các doanh nghiệp xứ Phù Tang đặc biệt đề cao, thậm chí trở thành “kim chỉ nam” trong xuyên suốt quá trình hoạt động của nhiều tập đoàn lớn, tiêu biểu nhất là Toyota.
Nhắc đến Toyota, hẳn nhiều người sẽ nghĩ đến triết lý sản xuất “Just in time” hay phương pháp quản lý “Kanban” – những chiến lược đã làm nên thành công cho tập đoàn. Bên cạnh đó, Monozukuri cũng là một “bí kíp” được gã khổng lồ ngành ô tô xứ Phù Tang áp dụng vào vận hành doanh nghiệp.
Vào tháng 2 năm 2011, cựu chủ tịch Fujio Cho (hiện là chủ tịch danh dự) cho biết sứ mệnh của Toyota là "bảo tồn Monozukuri của Nhật Bản". Những triết lý vang danh toàn cầu của Toyota như “genba, genbutsu” (hiện trường, hiện vật); jidoka (tự động hóa với tư duy con người) hay kaizen thực chất đều có nguồn gốc từ bên trong Monozukuri.
Theo truyền thống Monozukuri của đất nước Mặt trời mọc, người thợ thủ công vô cùng cẩn thận để không lãng phí tài nguyên. Người ta nói rằng, khi đã đầu tư vật chất và nỗ lực, kết quả thu được phải mang lại lợi ích, đồng thời đảm bảo sự cân bằng giữa sản xuất – tài nguyên – xã hội. Chính vì vậy, có thể nói Monozukuri của người Nhật đi đầu về sản xuất bền vững.
Trên trang web chính thức của hãng, Toyota cho biết “Toyota luôn tìm cách đóng góp cho xã hội thông qua triết lý Monozukuri – một cách tiếp cận toàn diện đối với sản xuất. Khi áp dụng Monozukuri vào sản xuất ô tô, Toyota đã theo đuổi phương pháp bền vững để làm cho ô tô của mình ngày càng an toàn hơn, thân thiện với môi trường, đáng tin cậy và thoải mái".
Monozukuri cũng thể hiện sự tôn trọng sâu sắc đối với cá nhân thực hiện công việc vì với triết lý này, sự lặp lại thiếu suy nghĩ không được chấp nhận. Khi vận hành sản xuất theo Monozukuri, người lao động “dốc hết tâm trí vào công việc” và được trao quyền cũng như được đào tạo đầy đủ để đối phó với các tình huống khác nhau, tạo ra cảm giác sở hữu cao hơn.
Tại Toyota, điều quan trọng nhất đối với người lao động là không để họ mất đi quyền tự hào về tay nghề, đồng thời phải đạt được sự hài lòng đối với những gì mình đã làm ra. Ở đây, người ta nói rằng “monozukuri wa hitozukuri – ものずくりは人ずくり”, nghĩa là “tạo ra sản phẩm là tạo ra con người” hay “phát triển con người và sau đó xây dựng sản phẩm” vì tất cả mọi người đều thấm nhuần niềm tự hào và đam mê với công việc của mình.
Các sáng kiến tinh gọn (Lean) của Toyota sẽ không thể vận hành nếu không có sự tham gia đầy đủ của nhân viên. Với tôn chỉ đó, Toyota đã tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp, thúc đẩy sáng tạo và nỗ lực. Cam kết phát triển con người của tập đoàn rất rõ ràng và được thực hiện một cách nghiêm túc.
Sự tin tưởng, trao quyền, kỹ năng tạo ra sản phẩm chất lượng, việc làm trọn đời và văn hóa ham học hỏi là tất cả các nguyên tắc mà Toyota tôn trọng nhân viên của mình. Đó cũng là một phần văn hóa và hệ thống quản lý của Toyota, hướng đến chuẩn hóa năng lực nhân viên, tối ưu quy trình và không ngừng cải tiến.
Ngoài Toyota, còn có những Nissan, Yamaha, Matsushita (Panasonic)... là các doanh nghiệp đã ứng dụng triết lý Monozukuri và gặt hái được những thành công nhất định.
Tại Việt Nam, Monozukuri chưa phải một khái niệm quá quen thuộc. Tuy nhiên, nhờ sự “đổ bộ” của các doanh nghiệp Nhật Bản vào thị trường Việt Nam, cùng với sự tăng cường hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia, các triết lý trong kinh doanh của người Nhật ngày càng được người Việt Nam quan tâm tìm hiểu và học hỏi. Ngược lại, những tập đoàn lớn của Nhật Bản khi tiến vào thị trường Việt Nam cũng không ngừng nỗ lực để lan tỏa văn hóa, triết lý của mình đến người tiêu dùng Việt Nam.
Từ năm 2005, Toyota đã thực hiện chương trình “Monozukuri”, hỗ trợ đào tạo hàng nghìn học viên đến từ nhiều trường đại học, doanh nghiệp, góp phần nâng cao và phát triển nguồn nhân lực, cải tiến quy trình sản xuất cho các doanh nghiệp nước ta. Tính đến năm 2019, đã có 160 khóa đào tạo được tổ chức thành công với 1.658 học viên, thu về những đánh giá tích cực về hiệu quả của chương trình.