Đôi khi, khởi điểm cho sự thành công của một đế chế lại là ý tưởng, lòng tin và cả sự lạc quan. Đó chính là câu chuyện về Rakuten – Trang thương mại điện tử lớn nhất Nhật Bản và nổi tiếng trên toàn cầu.
Năm 2022 đánh dấu kỷ niệm 25 năm thành lập của tập đoàn Rakuten. Bắt đầu bằng tham vọng của những người trẻ: “mang đến cơ hội cho các nhà bán lẻ nhỏ” trong thời đại mà thương mại điện tử chỉ là một khái niệm mơ hồ, Rakuten ngày nay đã trở nên lớn mạnh và được ưa chuộng hàng đầu tại Nhật.
Bằng cấp của một trường kinh doanh nổi tiếng, công việc 9:5 (công việc hành chính, vào làm lúc 9h00 và ra về lúc 17h00) là niềm mơ ước của mọi bậc cha mẹ đối với con cái. Và không thể phủ nhận thực tế rằng, đa phần mọi người cũng muốn một cuộc sống ổn định như vậy.
Nhưng không phải là tất cả, vẫn có những người mang cá tính riêng biệt, muốn tạo ra bản sắc riêng của mình và không muốn làm việc cho “giấc mơ của người khác”. Hiroshi Mikitani chính là một trong số đó.
Hiroshi Mikitani sinh ngày 11/03/1965, tại Kobe, Nhật Bản. Cha của ông là một nhà kinh tế học, học giả Fulbright đầu tiên của Nhật Bản tại Hoa Kỳ, thậm chí còn từng nắm giữ chức vụ Giáo sư tại Đại học Yale danh tiếng. Mẹ ông làm việc cho một công ty thương mại.
Ông có hai anh chị em, một người là Giáo sư Sinh học tại Đại học Tokyo và người kia là bác sĩ. Ông nội của Hiroshi cũng là một doanh nhân, đồng sáng lập công ty Minolta vào năm 1928.
Ngay khi vừa tốt nghiệp đại học Hitotsubashi, Hiroshi đã được Ngân hàng Công nghiệp Nhật Bản tuyển dụng. Năm 1993, ông chuyển đến Mỹ, tạm nghỉ công việc nhân viên ngân hàng trong hai năm để học lên Thạc sĩ tại Đại học Harvard. Song song với việc học, ông bắt đầu kinh doanh dịch vụ tư vấn.
Đến năm 1995, thành phố Kobe, quê hương của Hiroshi, đã hứng chịu mất mát to lớn do trận Đại động đất Hanshin-Awaji (Động đất Kobe). Vụ việc đau lòng khiến ông quyết định quay về quê hương để góp sức phục hồi nền kinh tế Nhật Bản.
Sau khi trở lại Nhật Bản, Hiroshi Mikitani không muốn tiếp tục cuộc sống nhân viên văn phòng bình thường. Thay vào đó, ông bắt đầu xem xét các mô hình kinh doanh khác nhau để bắt đầu khởi nghiệp.
Vào thời điểm đó, internet đã xuất hiện và tạo ra một cuộc cách mạng cho các ngành công nghiệp. Đồng thời, nó cũng mang đến sự khởi đầu cho các doanh nghiệp thương mại điện tử, điển hình là Amazon (1994).
Dù mạo hiểm nhưng Hiroshi đã nhen nhóm ý định lập trang web thương mại điện tử của riêng mình. Vì vậy, ông đã thành lập một công ty tên là MDM, Inc. với ba người đồng sáng lập khác vào ngày 07/02/1997 và sau đó ra mắt trang mua sắm trực tuyến Rakuten. Tất cả bốn thành viên sáng lập đã đầu tư tổng cộng 250.000 đô la Mỹ từ tiền của họ.
Trong tiếng Nhật, “Rakuten - 楽天” có nghĩa là “sự lạc quan”. Có lẽ đây là một cái tên phù hợp nhất với công ty vào thời điểm ấy, khi việc mua sắm trên mạng là một điều gì đó còn rất mơ hồ với mọi người và để ý tưởng trở thành hiện thực, tầm nhìn là chưa đủ mà còn cần sự lạc quan, dũng khí cùng sự tự tin.
Đồng thời, Rakuten cũng tự đặt cho mình mục tiêu trở thành công ty cung cấp dịch vụ internet số 1 trên thế giới.
Dù ý tưởng táo bạo và khó hiểu, nhưng Hiroshi vẫn tin chắc rằng trong tương lai, việc mua sắm trực tuyến sẽ trở thành một hoạt động quen thuộc và cần thiết trong cuộc sống con người.
Tháng 05/1997, Rakuten Ichiba – “trung tâm mua sắm” trên internet, được giới thiệu và đi vào hoạt động. Vào thời điểm thành lập vẫn rất ít người mua sắm trên mạng, họ thường quen với việc mua hàng trực tiếp hơn.
Ban đầu, đội quyết định thành lập trên quy mô nhỏ với kế hoạch kinh doanh đơn giản, đó là tạo cơ hội cho những người bán lẻ thiết lập cửa hàng trực tuyến thông qua Rakuten. Tập trung vào sự đa dạng và mang đến cho khách hàng trải nghiệm mua sắm độc đáo, Rakuten đã giúp nhiều chủ cửa hàng nhỏ tiếp cận khách hàng mới và với sự phát triển của doanh nghiệp, họ sẽ thu một khoản phí nhỏ hàng tháng. Nền tảng này cũng giúp nông dân bán hàng hóa của họ dễ dàng hơn.
Năm 1999, công ty được đổi tên thành Rakuten Inc. Chỉ trong ba năm kể từ khi thành lập, Rakuten đã niêm yết trên JASDAQ (là một trong những thị trường chứng khoán Nhật Bản thuộc Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo - TSE) vào năm 2000. Trang web trở nên phổ biến nhanh chóng và đã phát triển lên đến 2.300 cửa hàng, đạt 95 triệu lượt truy cập mỗi tháng.
Năm 2004, Rakuten bắt đầu lấn sân sang mảng dịch vụ tài chính, đồng thời bước vào đấu trường thể thao chuyên nghiệp với sự thành lập của đội bóng chày Tohoku Rakuten Golden Eagles. Năm 2005, họ ra mắt thẻ tín dụng Rakuten card bằng cách mua lại công ty tín dụng tiêu dùng Kokunai Shinpan.
Lý do chính khiến Mikitani quay lại Nhật Bản là để giúp đỡ nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của đất nước này, nên vào tháng 12/2005, Rakuten đã thành lập Viện Công nghệ Rakuten ở Tokyo, một viện R&D tập trung vào các công nghệ internet tiên tiến. Công ty nhanh chóng trở thành gã khổng lồ công nghệ lớn nhất, điều hành ngân hàng internet lớn nhất và công ty tín dụng lớn thứ ba Nhật Bản.
Năm 2006, Rakuten và All Nippon Airways Co., Ltd. (ANA) thành lập Rakuten ANA Travel Online Co., Ltd. Đồng thời, họ giới thiệu "Chương trình Quản lý Tăng trưởng" nhằm quản lý lợi nhuận và tiềm năng tăng trưởng của từng đơn vị kinh doanh, tổ chức lại cơ cấu quản lý thành 38 đơn vị kinh doanh.
Năm 2008, công ty bắt đầu mở rộng ra bên ngoài Nhật Bản. Đến năm 2012, Rakuten đã thành lập các dịch vụ trực tuyến tại Áo, Canada, Tây Ban Nha, Đài Loan, Thái Lan, Pháp, Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc...
Vào tháng 3/2015, công ty bắt đầu kinh doanh Bitcoin và thực hiện một số thương vụ mua lại, thu thêm lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài bao gồm Buy.com, PriceMinister, dịch vụ sách điện tử Kobo, Ebates và cả ứng dụng nhắn tin Viber. Đến năm 2017, Rakuten có hơn 14.000 nhân viên, hơn 42.000 cửa hàng trên các trang thương mại điện tử của mình và doanh thu gần 6 tỷ đô la Mỹ, với hơn 100 triệu thành viên tại Nhật Bản.
Năm 2021, ngay cả giữa đại dịch COVID-19, các dịch vụ của Rakuten Group vẫn tiếp tục phát triển.
Tháng 05/2021, trung tâm tiêm chủng hàng loạt COVID-19 tại Sân vận động Noevir, Kobe được thành lập bằng cách ứng dụng “Mô hình Kobe”, một sáng kiến dựa trên dữ liệu và IoT. Trung tâm tiêm chủng này đánh dấu mô hình tiêm chủng đại trà đầu tiên của Nhật Bản được hỗ trợ bởi ngành công nghiệp, học viện và chính phủ.
Cụ thể, Mô hình Kobe của Rakuten đưa ra nhằm giảm thiểu nhân lực cần thiết cho việc tiêm chủng, đồng thời đảm bảo các mũi tiêm được tiến hành nhanh chóng và an toàn. Nó được tối ưu hóa để rút ngắn tiếp nhận đến khi tiêm chủng xuống còn khoảng bốn phút, sử dụng vách ngăn để chia nhỏ các phòng tiêm chủng và tăng sức chứa. Mô hình này cũng sử dụng hệ thống khám trước trực tuyến, qua đó các bác sĩ có thể thực hiện khám từ xa giúp họ không cần phải trực tiếp đến từng trung tâm tiêm chủng.
Mặc dù thường được gọi là “Amazon.com của Nhật Bản”, nhưng Hiroshi nói rằng sự so sánh đó không hoàn toàn chính xác. Trọng tâm của Amazon (AMZN) luôn là sản phẩm và khách hàng, bằng cách cải thiện khả năng phân phối và lựa chọn. Đối với Rakuten, nó thiên về trải nghiệm mua sắm.
Công ty hoạt động trên nguyên tắc “Omotenashi – Sự hiếu khách”, khái niệm của Nhật Bản về việc cung cấp dịch vụ từ trái tim, vượt trên cả mong đợi của khách hàng. Lòng hiếu khách luôn là một phần di sản của Nhật Bản và Hiroshi đã xây dựng công ty để phản ánh điều đó.
Hiroshi nói: “Ở Nhật Bản, nếu bạn đến một quán cà phê, một cửa hàng tạp hóa hoặc bất kỳ cơ sở kinh doanh nào ở địa phương, bạn sẽ thấy chất lượng dịch vụ cá nhân ở mức rất cao. Và internet cũng nên hoạt động như vậy”.
Ông cũng cho biết, Rakuten cố gắng tạo ra trải nghiệm mua sắm cá nhân cho người dùng bằng cách cho phép mỗi người bán trên Rakuten tùy chỉnh bố cục, hình ảnh và khuyến mãi độc đáo trên trang của họ. Các nhà cung cấp có thể chỉnh sửa và cập nhật trang liên tục, cũng như trao đổi trực tiếp với khách hàng. Mikitani nói: “Chúng tôi muốn làm cho khách hàng cảm thấy như đang giao tiếp với một con người, một cửa hàng thật sự. Đây được xem là yếu tố tạo nên sự thành công của Rakuten”.