eMagazine
0%

Khi được hỏi về người truyền cảm hứng cho việc làm phim của mình, “phù thuỷ nỗi buồn" Makoto Shinkai đã đáp ngay: đó là Shunji Iwai. Sở hữu một lượng sản phẩm phim điện ảnh vừa đủ trong 30 năm sự nghiệp, Shunji Iwai chứng tỏ được sự linh hoạt, thông minh và kỳ quái trong từng đứa con tinh thần của mình. Ông là người hiếm hoi có thể làm tốt ở mọi thể loại - từ biên kịch, đạo diễn điện ảnh, anime, phim tài liệu, người viết tiểu thuyết và graphic novel, cho đến cả nhạc sĩ. Những sản phẩm của ông tuy mang cốt truyện giản đơn nhưng chinh phục khán giả nhờ lối kể chuyện cuốn hút, khung hình giàu chất thơ và âm nhạc da diết.

Chân dung đạo diễn Shunji Iwai.
Chân dung đạo diễn Shunji Iwai. Ảnh: madamefigaro.jp

Từ đạo diễn MV đến nhà làm phim. Từ đạo diễn MV đến nhà làm phim.

Shunji Iwai (岩井 俊二, Iwai Shunji) sinh ngày 24 tháng 1 năm 1963 tại thành phố Sendai, tỉnh Miyagi, Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp Đại học Quốc gia Yokohama năm 1978, Iwai bắt đầu làm việc trong mảng video âm nhạc và phim truyền hình. Nổi bật trong số ấy là phim truyền hình Fireworks (1993) - tiền thân cho anime Fireworks: Should We See It From The Side or the Bottom sau này.

Câu chuyện về cô bé Nazuna có bố mẹ ly dị, bị ép phải chuyển trường nên chọn bỏ trốn với một bạn nam trong nhóm để xem pháo hoa đã chinh phục cảm xúc nhiều khán giả bằng lối kể chuyện theo kiểu vòng lặp thời gian. Shunji Iwai đã có cho mình giải thưởng Đạo diễn trẻ Xuất sắc của Hiệp hội Đạo diễn Nhật Bản cùng năm, và đó là bàn đạp để ông “chào sân” điện ảnh bằng bộ phim Love Letter (1995).

Một cảnh trong Love Letter (1995) – tác phẩm điện ảnh đầu tay của Shunji Iwai.
Một cảnh trong Love Letter (1995) – tác phẩm điện ảnh đầu tay của Shunji Iwai. Ảnh: thenaturalaristocrat.com

Phải mất đến 15 năm kể từ khi còn là cậu sinh viên nuôi dưỡng đam mê làm phim, Shunji Iwai mới thực sự có được tiếng vang trong nghề. Nhưng đó là sự đợi chờ xứng đáng. Kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực âm nhạc và truyền hình đã giúp vị đạo diễn người Nhật đem lại chất riêng trong các phim sau này.

Đó là những bộ phim có lối quay độc đáo - kết hợp từ kiểu quay MV, footage với những phân cảnh nhảy múa mê hoặc. Chúng đều giàu chất nhạc, từ nhạc trong phim đến phần danh đề cuối phim; đó là sự lồng ghép khéo léo của nhạc cổ điển, pop, alt-pop, từ những soundtrack nổi tiếng đến những ca khúc do ông và ekip sản xuất tự sáng tác. Đồng thời, nhiều phim có sự góp mặt của những biểu tượng pop trong làng âm nhạc Nhật Bản như Chara (Picnic, Swallowtail Butterfly), Miho Nakayama (Love Letter), Cocco (A Bride For Rip Van Winkle). Những nhân vật họ thủ vai được Shunji Iwai viết riêng chỉ để cho họ đóng vậy.

Nếu nghe kỹ phần danh đề của The Case of Hana & Alice, bạn sẽ nhận ra đây là phần nhạc hay xuất hiện ở các story trên Instagram và Facebook! Bài hát này cũng do Shunji Iwai sáng tác nhé!

Chân dung và đối thoại giữa những người phụ nữ. Chân dung và đối thoại giữa những người phụ nữ.

Love Letter (1995) mở đầu bằng trường đoạn nhân vật Hiroko Watanabe (Miho Nakayama) chạy mải miết trên tuyết trắng, nhân dịp 2 năm tưởng nhớ vị hôn phu Itsuki Fujii qua đời. Day dứt và đau buồn khôn nguôi về mối tình dang dở, cô quyết định viết thư cho người thương của mình, dựa trên địa chỉ của cuốn kỷ yếu cấp hai từ anh.

Nhưng điều cô không ngờ đến là những lá thư ấy đều được hồi âm - từ một người phụ nữ cũng tên Itsuki Fujii, với gương mặt giống hệt Hiroko. Dù khoảnh khắc chạm mặt nhau ngoài đời giữa họ rất ngắn ngủi, nhưng sợi dây cảm xúc gắn kết qua từng dòng thư lại rất bền chặt. Họ bầu bạn qua nhiều câu chuyện không đầu đuôi, nhưng đằng sau mỗi lá thư ấy là những nỗi đau, niềm nhớ từ quá khứ về một người con trai mà chỉ có họ mới cảm nhận được.

Bộ phim đầu tay của Shunji Iwai mang cốt truyện giản đơn - về một người con trai yêu người con gái chỉ vì cô có ngoại hình giống với mối tình đầu của anh. Và ông để cho hai cô gái - Hiroko Watanabe và Itsuki Fuiji kể lên câu chuyện một cách gián tiếp qua những bức thư, ký ức thời học trò, cách họ tương tác với những người xung quanh.

love letter shunji iwai.

Miho Nakayama thủ cả hai vai nữ chính, khiến khán giả cảm thấy khó phân biệt khi nào là Itsuki, khi nào là Hiroko. Lối kể chuyện phi tuyến tính đan xen giữa quá khứ và thực tại không vì thế khiến khán giả cảm thấy khó hiểu, mà lại lôi cuốn trước hành trình cảm xúc của hai nhân vật. Sự nhẹ nhàng, tinh tế là thứ mà Love Letter giữ chân người xem, tạo cảm giác bồi hồi, ray rứt về một nỗi tiếc nuối không thể bù đắp được, nhưng cũng mang cái kết gợi mở và tích cực về một sự mở lòng mới mẻ hơn.

love letter shunji iwai.

Love Letter là tuyên ngôn mở đầu về lối kể chuyện phi tuyến tính kỳ lạ, nhẹ nhàng, sâu lắng về tình yêu của vị đạo diễn. Điều này được tái khẳng định lần lượt qua April Story (1998) - bộ phim xoay quanh nhân vật Uzuki Nireno, một cô gái nhút nhát từ vùng quê phía Bắc Hokkaido, rời gia đình lên Tokyo học đại học và vô tình gặp lại chàng trai cô “say nắng". Cú máy dài (long take) khiến phim có tiết tấu chậm nhưng không nhàm chán và khiến người xem có cảm giác như đang trong cuộc khám phá vùng Tokyo.

Miho Nakayama vào vai hai người phụ nữ với ngoại hình giống hệt nhau, tình cờ kết nối với nhau qua những bức thư.
Miho Nakayama vào vai hai người phụ nữ với ngoại hình giống hệt nhau, tình cờ kết nối với nhau qua những bức thư. Ảnh: cinemadailyus.com

Nổi bật trong hầu hết những bộ phim của Shunji Iwai là những nhân vật nữ làm chủ khung hình và câu chuyện. Họ đều là những nhân vật có chiều sâu, có ngoại hình nổi bật và cá tính khác biệt. Họ mạnh mẽ nhưng không “gồng", chậm rãi chủ động tìm kiếm hạnh phúc của mình.

Bên cạnh những cô gái trong câu chuyện tình yêu mang chất da diết theo một cách riêng, Shunji Iwai còn có những bộ phim mang tính chất thời sự phức tạp. Ở đó, những nhân vật nữ chính thách thức các chuẩn mực mà xã hội Nhật Bản và gia đình truyền thống áp đặt lên họ. Những nhân vật nữ cùng nương tựa và hỗ trợ cho nhau. Từ những con người cô đơn, với sự trợ giúp của những con người khác cũng trải qua tình cảnh tương tự - những kẻ bị lề hoá khác - họ tìm kiếm thứ hạnh phúc ngắn ngủi, hay cuối cùng là sự tự do.

Miho Nakayama vào vai hai người phụ nữ với ngoại hình giống hệt nhau, tình cờ kết nối với nhau qua những bức thư.
Miho Nakayama vào vai hai người phụ nữ với ngoại hình giống
hệt nhau, tình cờ kết nối với nhau qua những bức thư.
Ảnh: cinemadailyus.com

Đó là những câu chuyện mang tính thời sự trong Picnic (1996), Swallowtail Butterfly (1996)A Bride For Rip Van Winkle (2016). Swallowtail Butterfly kể về một xã hội phản địa đàng mang tên Yentown - nơi những người nhập cư hợp pháp và bất hợp pháp từ phương Tây lẫn phương Đông cùng tồn tại. Tuy là một câu chuyện giả tưởng, nhưng bộ phim đặt ra vấn đề nhức nhối của xã hội Nhật Bản - vấn nạn phân biệt chủng tộc và văn hoá bài ngoại.

Hai nhân vật trung tâm của câu chuyện là cô gái điếm Glico (Chara) và cô gái 16 tuổi Ageha. Glico che chở cho Ageha để cô bé không đi vào con đường của mình, cho đến khi cô tình cờ trở thành một ca sĩ nổi tiếng. Con bướm phượng - như tựa đề phim, là hình xăm trên ngực của Glico, như một cách cô đảm bảo rằng nếu chết đi, mình vẫn còn có dấu ấn để người khác nhận ra. Và Ageha, khi này phải tự tìm kiếm đường đi, đã quyết định xăm hình con bướm phượng đó, nhưng là vì cô nhìn thấy hình ảnh của sự tự do trong ký ức tuổi thơ.

Phân cảnh Glico (Chara) hát bài My Way trong A Swallowtail Butterfly. Shunji Iwai cũng là người biến tên tuổi của nhiều ca sĩ vụt sáng, sau khi họ trình diễn những ca khúc trong phim của ông. Ngoài Chara ra, thì Salyu - người đóng vai ca sĩ Lily Chou-chou trong phim All About Lily Chou-chou cũng trở nên nổi tiếng sau phim, và đó cũng là mốc son duy nhất trong sự nghiệp của cô.
Phân cảnh Glico (Chara) hát bài My Way trong A Swallowtail Butterfly. Shunji Iwai cũng là người biến tên tuổi của nhiều ca sĩ vụt sáng, sau khi họ trình diễn những ca khúc trong phim của ông. Ngoài Chara ra, thì Salyu - người đóng vai ca sĩ Lily Chou-chou trong phim All About Lily Chou-chou cũng trở nên nổi tiếng sau phim, và đó cũng là mốc son duy nhất trong sự nghiệp của cô.
Một cảnh hạnh phúc ngắn ngủi trong A Bride for Rip Van Winkle.
Một cảnh hạnh phúc ngắn ngủi trong A Bride for Rip Van Winkle. Ảnh: IMDb

Hay trong A Bride For Rip Van Winkle, Nanami là một giáo viên làm bán thời gian, bố mẹ ly hôn, tính cách nhút nhát và khép kín đến nỗi khi làm đám cưới, cô phải tìm kiếm những người đóng giả làm họ hàng của mình. Khi mẹ chồng phát hiện cô nói dối, cô bị đuổi về nhà mẹ đẻ. Ly hôn, bị đuổi việc, sống một thân một mình giữa thành phố đắt đỏ, Nanami cuối cùng được Amuro - người cung cấp dịch vụ đóng giả người thân giao công việc chăm lo cho một biệt thự bỏ hoang. Người trả tiền cho cô là Mashiro - một ngôi sao phim người lớn mắc bệnh ung thư bị gia đình từ mặt, và họ có những cuộc trò chuyện đứt quãng nhưng nhiều suy ngẫm về hạnh phúc, nỗi sợ chết trong cô đơn, và việc mang niềm vui đến cho người khác.

Một cảnh hạnh phúc ngắn ngủi trong A Bride for Rip Van Winkle.
Một cảnh hạnh phúc ngắn ngủi trong A Bride for Rip Van
Winkle. Ảnh: IMDb

Hay trong bộ phim Last Letter (2018) do diễn viên Châu Tấn đóng vai chính, nhân vật người chị quá cố Viên Chi Nam qua đời do tự tử. Sau khi cô qua đời, mẹ cô đã không ngừng oán trách và miệt thị con gái vì cái chết của cô là “thiếu đạo đức”. Nhưng cái chết của người chị cũng là sợi dây móc nối cảm xúc cho Viên Chi Hoa với mối tình đầu của mình - nhà văn Doãn Xuyên.

Trong bài phỏng vấn với Subway Cinema về việc xây dựng bộ phim xoay quanh những người phụ nữ cứng rắn, Shunji Iwai trả lời rằng: “Phụ nữ vốn dĩ luôn cứng cỏi, và tôi cảm nhận họ mạnh mẽ hơn tôi rất nhiều. Ở Nhật Bản, quan niệm truyền thống yêu cầu người phụ nữ rời khỏi mái ấm gia đình và đến ngôi làng mới một mình, kết hôn chung sống với một gia đình mới khác và sinh con ở đó. Do vậy, tôi nghĩ rằng người phụ nữ Nhật Bản đã luôn vào tình thế để trở nên cứng cỏi.”

Phim tài liệu

Góc nhìn đa chiều về thời kỳ thanh xuân Góc nhìn đa chiều về thời kỳ thanh xuân

Bên cạnh những câu chuyện phức tạp về hành trình cảm xúc của những người phụ nữ, Shunji Iwai còn có những bộ phim về tuổi học trò với lăng kính phức tạp. Đó là All About Lily Chou-chou, Hana and AliceThe Case of Hana and Alice (nối tiếp sau Hana and Alice). Cả ba phim đều đánh dấu một sự táo bạo về tư duy làm phim của ông, cho thấy nỗ lực không ngừng thử sức vào mọi lĩnh vực.

Phim tài liệu
Hana and Alice. Ảnh: tiff-jp.net

Đặc biệt, All About Lily Chou-chou được giới phê bình quốc tế nhìn nhận nghiêm túc và đánh giá rất cao với câu chuyện mang màu sắc u ám về sự mất kết nối ở những cô cậu học trò. Bộ phim mang motif độc đáo khi sử dụng nhiều cảnh nhắn tin giữa nhân vật philia và Blue Cat để nói về văn hoá mạng thời bấy giờ, cũng như nỗi cô đơn của người trẻ. Một năm trước khi phim được công chiếu, vào năm 2002, Shunji Iwai đã lập một diễn đàn trên Internet xoay quanh một nghệ sĩ giả tưởng mang tên Lily Chou-Chou. Sau đó ông lấy ý tưởng từ những tin nhắn ẩn danh để xây dựng cốt truyện về những đứa trẻ tuổi teen rắc rối tìm kiếm sự bình yên trên Internet. Đến nay trang web vẫn còn hoạt động với đường link www.lilychouchou.jp.

Câu chuyện về tuổi trẻ lạc lối và đẫm máu của những đứa trẻ vị thành niên cho thấy đỉnh cao trong sự nghiệp làm phim của ông. 20 năm sau, câu chuyện này vẫn mang hơi thở của thời đại. Bản thân những thanh thiếu niên hư cấu đã trưởng thành ở một Nhật Bản sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1991, sự kiện báo hiệu sự khởi đầu của “thập kỷ mất mát”, nơi những người trẻ chật vật tìm kiếm chỗ đứng trong một xã hội đóng băng tuyển dụng. Một thế hệ ít được kỳ vọng hơn, không biết mình là ai, không có người thấu hiểu, hệ luỵ là tỷ lệ bắt nạt và tội phạm trẻ vị thành niên tăng vọt. Những vụ án của thời bấy giờ thách thức sự an nguy của xứ Phù Tang - từ cuộc tấn công bằng khí Sarin ngay tàu điện ngầm đến vụ sát hại trẻ em ở Kobe.

Dù những đề tài này không được đề cập trực tiếp trong All About Lily Chou-chou, nhưng câu chuyện của ông đã truyền tải rõ thông điệp này: sự tức giận và tuyệt vọng của những đứa trẻ được thể hiện qua hành động bắt nạt thô bạo, cưỡng hiếp tập thể, bạo lực và tự tử, tương ứng với tỷ lệ tự tử cao ở lứa thanh thiếu niên cuối những năm 1990.

All About Lily Chou-chou là bộ phim có lối quay lạ lẫm. Nhiều cảnh được quay như dạng raw footage.
All About Lily Chou-chou là bộ phim có lối quay lạ lẫm. Nhiều cảnh được quay như dạng raw footage.
Ảnh: Twitter

Trả lời cho lý do làm All About Lily Chou-chou, Shunji Iwai trả lời: “Tôi cũng thích những kiểu người khác lạ, thích những kẻ điên. Tôi không quan tâm đến hình mẫu con trai bình thường, giống như kiểu người tốt bụng làm những điều tốt đẹp. Điều đó thật sự nhàm chán đối với tôi. Tôi thích những người đang thiếu một cái gì đó. Trẻ em là một trong những loại người đó.”

Phim tài liệu
Nữ diễn viên Yu Aoi với vai diễn đầu tay trong All About Lily Chou-chou.

Trong khi đó, Hana and Alice vừa mang màu sắc nhẹ nhàng, đáng yêu và lại rất tinh nghịch giữa hai cô gái cùng thích một chàng trai. Anime The Case of Hana and Alice cũng thể hiện được điều này, nhưng mang thêm ý nghĩa khác. Đó là khi lần đầu vị đạo diễn thử sức với hoạt hình. Tác phẩm được những người có tiếng trong lĩnh vực anime đánh giá cao, trong đó gồm Isao Takahata và Makoto Shinkai. Câu chuyện tuổi học trò cho thấy cách ông thách thức quan điểm tình cảm ở nữ sinh tuổi mới lớn, cũng như việc ông dành tình yêu, chăm chút cho dự án như thế nào. Chúng được lấy ý tưởng từ đoạn quảng cáo cùng tên ông làm nhiều năm trước, và Shunji Iwai đã mất hơn 15 năm để biến mong muốn đó thành hiện thực.

Phim nhật
Ảnh: Filmed in Ether

All About Lily Chou-chouHana and Alice là cách ông thể hiện góc nhìn đa chiều về tuổi mới lớn. Trong bài phỏng vấn cho Benshi, Shunji Iwai trả lời rằng: “Tôi luôn cố gắng thể hiện hai khía cạnh của tuổi mới lớn, một mặt đen tối và một mặt vui vẻ hơn. Bộ phim All About Lily Chou-chou mà tôi làm cách đây mười lăm năm nói về tuổi mới lớn và thể hiện một mặt khá đen tối. Cuối cùng thì hai nhân vật HanaAlice cũng gánh chung một gánh nặng, nhưng họ giải quyết nó theo cách hài hước và vui nhộn hơn so với trong phim kia. Tôi đã sử dụng cùng một nữ diễn viên, Yu Aoi, trong cả hai phim. Nhưng trong phần đầu, cô đóng vai một nhân vật cuối cùng tự kết liễu đời mình, trong khi trong phiên bản "sống" của HanaAlice, cô ấy đóng vai một nhân vật vui vẻ và tích cực hơn nhiều, điều này mang đến cái nhìn tích cực, lạc quan hơn về xã hội.”

the murder case of hana and alice

Với Shunji Iwai, nghệ thuật không chỉ dừng lại ở những cuốn phim, mà chúng được tiếp nối qua những quyển tiểu thuyết, diễn đàn blog, truyện tranh và graphic novel. Đó là cách ông nỗ lực khám phá những khả năng mới của bản thân. “Nếu chỉ tập trung vào phim ảnh thôi, tôi gần như cảm thấy mình giống một đứa trẻ đang làm báo cáo nộp cho trường vậy. Vì lẽ đó, tôi cố gắng làm những việc khác nhau không theo một khuôn mẫu cố định nào.”