eMagazine
0%

Từ một quốc gia với khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp để trồng nho, người nông dân xứ Phù Tang đã biến nơi đây thành thiên đường của vô vàn những giống nho cao cấp. Sự hoàn hảo trong hương vị, màu sắc cho đến kích thước chuẩn mực của từng quả nho khiến thức quà thiên nhiên này trở thành mặt hàng xuất khẩu mang lại lợi nhuận “khủng”.

Người Nhật vốn nổi tiếng với thế giới về sự tỉ mỉ và tiêu chuẩn khắt khe trong nông nghiệp, đặc biệt là khi nói đến các loại trái cây cao cấp. Việc một chùm nho có giá đến 1.000 USD nhưng vẫn được săn đón là minh chứng rõ ràng cho sự khác biệt của trái cây Nhật so với thị trường.

Mùa nho Nhật Bản thường rơi vào khoảng tháng 8 đến tháng 11, nên nếu có dịp đến Nhật vào mùa thu này, đây sẽ là thời điểm hoàn hảo để thưởng thức chúng!

Vào mùa thu hoạch, một số trang trại ở Nhật sẽ cung cấp dịch vụ tham quan và hái nho.
Vào mùa thu hoạch, một số trang trại ở Nhật sẽ cung cấp dịch vụ tham quan và hái nho.
Ảnh: aichi-now.jp

Lịch sử của nho ở Nhật Bản

Nho là loài cây gắn bó lâu dài với nền văn minh của loài người. Hóa thạch nho lâu đời nhất có niên đại khoảng 60 triệu năm, và các bằng chứng khảo cổ học cho thấy việc trồng nho được bắt đầu vào khoảng năm 6.500 trước Công nguyên ở vùng Georgia ngày nay.

Trong các nền văn minh như Ai Cập cổ đại, Lưỡng Hà, Hy Lạp và La Mã, nho chiếm một vị trí đặc biệt. Nó được sử dụng trong sản xuất rượu vang và đóng một vai trò quan trọng trong các nghi lễ tôn giáo, các cuộc tụ họp cộng đồng.

Với sự mở rộng của Đế chế La Mã, nghề trồng nho đã lan rộng khắp châu Âu. Và vào thời Trung cổ, các tu viện trở thành những trung tâm sản xuất rượu vang.

Trồng nho, sản xuất và buôn bán rượu vang ở Ai Cập cổ đại, khoảng năm 1.500 trước Công nguyên.
Trồng nho, sản xuất và buôn bán rượu vang ở Ai Cập cổ đại, khoảng năm 1.500 trước Công nguyên.
Ảnh: Wikipedia

Còn tại Nhật Bản, có nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc của nho nhưng nhìn chung thì chúng được du nhập khá muộn. Những ghi chép đầu tiên về loại quả này xuất hiện trong “Shoku Nihongi” (Tục Nhật Bản Kỷ, 797), cho biết cây nho được đem đến từ nhà Đường vào năm 752, trong thời Nara (710-794). Tuy nhiên, vào thời điểm đó, kỹ thuật trồng trọt chưa hình thành nên nho vẫn chưa được phổ biến rộng rãi.

Phải đến thời Edo (1603-1868), nho mới chính thức được canh tác như một loại cây ăn quả ở Nhật, khởi đầu với giống nho Koshu ở tỉnh Kai (nay là tỉnh Yamanashi). Trong một giả thuyết phổ biến, nho Koshu được lãnh chúa Takeda Nobuyoshi mang về từ Trung Á khoảng cuối thời Heian (794-1185) đến đầu thời Kamakura (1185-1333), sau đó thích nghi với khí hậu của vùng Koshu và trở thành loài đặc hữu.

Đến giữa thời Edo, kỹ thuật trồng nho Koshu đã được hình thành, canh tác nho phát triển chủ yếu trên địa bàn tỉnh Kai. Nho khô Koshu cũng được sản xuất và trở thành một đặc sản của vùng.

Tranh vẽ cảnh thu hoạch nho ở tỉnh Kai của Hiroshige III, năm 1878.
Tranh vẽ cảnh thu hoạch nho ở tỉnh Kai của Hiroshige III, năm 1878.

Vào thời Meiji (1868-1912), nghề trồng nho của Nhật Bản có bước ngoặt lớn. Sự cởi mở và tiếp thu văn hóa, văn minh phương Tây của chính quyền Minh Trị đã dẫn đến việc du nhập các giống nho cùng kỹ thuật trồng nho, trong đó có giống Muscat và Delaware.

Từ thời Taisho (1912-1926) đến đầu thời Showa (1926-1989), nghề trồng nho phát triển không ngừng. Canh tác nho trở nên phổ biến ở tỉnh Yamanashi, ngoài ra còn phát triển ở các tỉnh Nagano, Okayama và Osaka.

Trong thời kỳ này, với việc nhân giống có chọn lọc, các giống độc đáo của Nhật Bản như Kyoho (1937) và Pione (1957) đã ra đời. Đặc biệt, Kyoho - giống nho cỡ lớn được tạo ra bằng cách lai giống Ishihara Wase với các giống châu Âu, đã trở nên nổi tiếng nhờ vị ngọt và độ mọng nước, tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành trồng nho ở Nhật Bản.

Một trang trại trồng nho ở Kofu, tỉnh Yamanashi.
Một trang trại trồng nho ở Kofu, tỉnh Yamanashi. Ảnh: japan-food.jetro.go.jp

Sau Thế chiến thứ hai, ngành nho Nhật Bản nhanh chóng phục hồi và mở rộng. Trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế, mức tiêu thụ trái cây tăng cao cùng với thu nhập của người dân và nhu cầu về nho cũng tăng lên đáng kể.

Vào những năm 70, kỹ thuật trồng nho trong nhà kính trở nên phổ biến tại Nhật. Đồng thời, quá trình cải tiến giống cũng được tiến hành, các giống mới lần lượt được phát triển để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, chẳng hạn như giống không hạt và có màu sắc đẹp. Đơn cử như Shine Muscat (2006) đã trở nên nổi tiếng nhờ vị ngọt và dễ ăn, mang lại sức sống mới cho nghề trồng nho Nhật Bản.

Kỹ thuật bọc chùm nho để ngăn ngừa sâu bệnh và tránh tiếp xúc với thuốc trừ sâu, đồng thời cũng được cho là có hiệu quả trong việc duy trì màu xanh.
Kỹ thuật bọc chùm nho để ngăn ngừa sâu bệnh và tránh tiếp xúc với thuốc trừ sâu, đồng thời cũng được cho là có hiệu quả trong việc duy trì màu xanh. Ảnh: japan-food.jetro.go.jp

Vùng trồng và những giống nho nổi tiếng

Hiện nay, ngành nho Nhật Bản đang bước vào thời kỳ chín muồi. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản công bố vào ngày 14/02/2024, tổng sản lượng nho trên toàn quốc năm 2023 là 167.000 tấn. Ba tỉnh có sản lượng cao nhất lần lượt là Yamanashi, Nagano và Okayama, chiếm tỷ lệ khoảng 50%.

Vào mùa thu hoạch, một số trang trại ở Nhật sẽ cung cấp dịch vụ tham quan và hái nho.

Về chủng loại, tại Nhật Bản có hơn 60 giống nho được trồng. Kyoho, Delaware, Pione và Shine Muscat là những giống cho năng suất cao và được trồng phổ biến nhất. Người Nhật thích ăn nho tươi, khoảng 90% sản lượng nho tiêu thụ được dùng cho mục đích này.

Vào mùa thu hoạch, một số trang trại ở Nhật sẽ cung cấp dịch vụ tham quan và hái nho.
Nho tươi được cắt và ăn cùng nhiều loại đồ ngọt khác nhau.
Nho tươi được cắt và ăn cùng nhiều loại đồ ngọt khác nhau. Ảnh: dtimes.jp

Kyoho

Nho Kyoho (巨峰), có nghĩa là "núi lớn", được tạo ra vào năm 1945 bằng cách lai giữa giống Ishihara Wase và giống Centennial. Kyoho nổi tiếng với vị ngọt, ít chua, là loại nho phổ biến nhất mà bạn sẽ tìm thấy khi đến Nhật Bản. Những quả nho có màu hồng tím đậm quyến rũ, to tròn, căng mọng, nặng từ 10 đến 15 gam.

  • Hạt: Không
  • Vỏ: Ăn được
  • Mùa thu hoạch: Cuối tháng 8 – đầu tháng 9
  • Vùng sản xuất chính: Nagano, Yamanashi, Fukuoka
Nho kyoho

Delaware

Giống nho này được phát hiện ở Hoa Kỳ vào năm 1850 và được đưa từ Pháp sang Nhật Bản vào năm 1872. Quả rất nhỏ, chỉ nặng 1,7 gam, có vị ngọt đậm và độ chua nhẹ tạo cảm giác thanh mát. Vỏ quả có màu đỏ tím nổi bật.

Nho Delaware
  • Hạt: Ít hoặc không có
  • Vỏ: Không ăn được
  • Mùa thu hoạch: Giữa đến cuối tháng 8
  • Vùng sản xuất chính: Yamagata, Yamanashi
Nho Delaware

Pione

Loại nho này được tạo ra ở tỉnh Shizuoka bằng cách lai Kyoho và giống Canonhole Muscat, được đặt tên là Pione vào năm 1957. Quả rất to, nặng từ 15-20 gam, rất ngọt do có hàm lượng đường cao. Hương vị của Pione được đánh giá là tinh tế, rất ít chua và không có vị chát.

  • Hạt: Không
  • Vỏ: Không ăn được
  • Mùa thu hoạch: Cuối tháng 8
  • Vùng sản xuất chính: Okayama, Yamanashi, Nagano
Nho Pione

Shine Muscat

Giống nho này được lai tạo bởi Viện Khoa học Cây ăn quả Quốc gia Nhật Bản vào năm 1988, từ giống Akitsu-21 và giống Hakunan. Shine Muscat có quả màu vàng – xanh lục, kích thước tương đương nho Kyoho, thịt quả giòn, ngọt đậm và ít chua.

Nho Shine Muscat
  • Hạt: Ít hoặc không có
  • Vỏ: Không ăn được
  • Mùa thu hoạch: Đầu đến giữa tháng 9
  • Vùng sản xuất chính: Nagano, Yamagata, Yamanashi, Okayama
Nho Shine Muscat

Muscat of Alexandria

Giống này được cho là có nguồn gốc từ Bắc Phi và được trồng ở các quốc gia dọc theo bờ biển Địa Trung Hải từ thời cổ đại, khiến nó có biệt danh là "Nữ hoàng nho". Được du nhập vào Nhật Bản khoảng đầu thời Minh Trị, nhưng vì không phù hợp với khí hậu nên một số được trồng trong nhà kính từ khoảng đầu thời Showa. Muscat of Alexandria hiện nay chủ yếu được trồng trong nhà kính ở Okayama như một loại trái cây cao cấp. Đặc trưng của giống này là quả màu xanh, rất ngọt, ít chua và thịt giòn.

  • Hạt: Không
  • Vỏ: Không ăn được
  • Mùa thu hoạch: Giữa tháng 9
  • Vùng sản xuất chính: Okayama, Kagawa
Nho Muscat of Alexandria

Ruby Roman

Nho Ruby Roman là một trong những loại trái cây đắt nhất thế giới, được trồng độc quyền trong nhà kính tại tỉnh Ishikawa. Đặc điểm nổi bật nhất của giống này là kích thước siêu lớn, gấp bốn lần một quả nho bình thường và vỏ có màu đỏ sẫm đẹp mắt. Mỗi quả nho Ruby Roman phải có đường kính ít nhất 30mm, nặng ít nhất 20g và có hàm lượng đường trên 18%. Chúng có hương vị ngọt ngào xen lẫn chút vị chua, cực kỳ mọng nước.

Các chùm nho có giá từ 90 đến 450 USD tùy loại. Đặc biệt loại “premium”, trong đó mỗi quả có trọng lượng ít nhất 30g, có giá lên đến 1.000 USD mỗi chùm. Trong phiên đấu giá năm 2020, một chùm nho Ruby Roman nặng 900g đã được bán với giá 10.000 USD.

Nho Ruby Roman
  • Hạt: Có hoặc không
  • Vỏ: Không ăn được
  • Mùa thu hoạch: Giữa tháng 8 đến tháng 9
  • Vùng sản xuất chính: Ishikawa (độc quyền)
Nho Ruby Roman

Vì sao nho Nhật Bản có giá trị cao?

Rất có thể bạn đã từng thấy hoặc nghe nói về những loại trái cây đắt tiền ở Nhật Bản, có giá lên đến hàng trăm hay thậm chí hàng ngàn đô la. Trên thực tế, những loại trái cây cao cấp này không phải là món để tráng miệng hằng ngày, mà được sử dụng phổ biến để biếu tặng, tương tự như rượu vang hay thịt bò cao cấp.

Từ xa xưa, trái cây đã được gọi là “mizugashi'' (水菓子) trong ẩm thực kaiseki và được coi như một loại bánh kẹo (kashi - 菓子). Những loại trái cây mọng nước như đào, lê, nho và hồng được đánh giá là đồ ngọt vì hương thơm độc đáo của chúng. Ngoài ra, người Nhật cũng có văn hóa tặng trái cây cao cấp làm quà giữa năm, quà cuối năm từ đầu thời Edo.

Đến trước thời kỳ tăng trưởng kinh tế cao, trái cây vẫn là một mặt hàng xa xỉ và chỉ được thưởng thức trong những dịp đặc biệt. Chỉ đến gần đây, khi thói quen ăn uống ngày càng chịu ảnh hưởng từ phương Tây, chúng mới xuất hiện nhiều hơn trên bàn ăn gia đình.

Tuy nhiên, theo số liệu tiêu thụ trái cây bình quân đầu người của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản (ước tính năm 2011), lượng trái cây tiêu thụ của Nhật Bản là 50,9kg, so với 149,0kg ở Ý và 116,1kg ở Pháp, thấp hơn 50% so với các nước châu Âu.

"Rau được tiêu thụ hằng ngày và là nhu cầu thiết yếu, trong khi trái cây thì không. Vì vậy, nếu họ (người Nhật) định mua thứ gì đó không thiết yếu, họ thà chi nhiều tiền hơn cho một món hoàn hảo", Amanda Tan, đồng sáng lập Zairyo Singapore, một cửa hàng tạp hóa trực tuyến và là nhà nhập khẩu nông sản Nhật Bản, chia sẻ với tạp chí “The Peak”.

Nho được đặt trong hộp quà tặng như những viên đá quý.
Nho được đặt trong hộp quà tặng như những viên đá quý. Ảnh: yamanashi-market.jp

Mặt khác, Nhật Bản là một đất nước dài và hẹp, gần 80% diện tích đất nước là đồi núi. Đặc biệt, khoảng 85% nông dân sở hữu chỉ từ 2,0ha đất nông nghiệp trở xuống để trồng cây ăn quả. Hầu hết nông dân trồng trái cây đều là hộ kinh doanh nhỏ, và để tăng hiệu quả kinh tế, họ sẽ tập trung thời gian, công sức để trồng những giống đẹp, ngon, có giá trị cao thay vì nhắm đến sản lượng.

Đối với nho, khí hậu mưa nhiều và đất đai màu mỡ của Nhật Bản từ lâu đã được coi là không thích hợp để canh tác loại cây trồng này. Nhìn chung, lượng mưa hằng năm thích hợp cho nghề trồng nho là 500-900mm, nhưng ở Nhật Bản, lượng mưa có thể vượt quá 1.000mm/năm. Mưa đặc biệt lớn từ mùa xuân đến mùa thu - mùa trồng nho. Lượng mưa lớn làm tăng độ ẩm trong vườn, gia tăng nguy cơ mắc bệnh nấm, thối rữa.

Chính trong điều kiện bất lợi, những người nông dân Nhật Bản đã phát triển nhiều kỹ thuật trồng trọt khác nhau, từ thường xuyên cắt tỉa, che chắn, kiểm soát các chỉ số môi trường như ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm... cho đến liên tục cải tạo, lai tạo giống mới.

Sự tỉ mỉ và đầu tư về mặt công sức chắc chắn là không thể thiếu. Chẳng hạn với Shine Muscat, mỗi chùm có thể cho đến 100 quả, nhưng để đảm bảo kích thước và hương vị tối ưu, từng chùm sẽ được cắt tỉa chỉ còn khoảng 30 quả.

Mỗi chùm cũng được bọc trong túi giấy để bảo vệ khỏi côn trùng. Khi đến thời điểm thu hoạch, từng chùm nho được lựa chọn cẩn thận theo tiêu chuẩn về màu sắc, kích thước, trọng lượng và độ ngọt. Sự chú ý đến từng chi tiết nhỏ là điều tạo nên chất lượng thượng hạng của nho.

Quy trình trồng Shine Muscat tại trang trại Homeien, tỉnh Aichi. (1) Cắt tỉa vào mùa đông, (2) phủ đất bằng rơm rạ, (3) loại bỏ các nụ sớm, (4) tỉa bớt hoa, (5) tỉa thưa quả và (6) bọc chùm quả vào mùa hè.
Quy trình trồng Shine Muscat tại trang trại Homeien, tỉnh Aichi. (1) Cắt tỉa vào mùa đông, (2) phủ đất bằng rơm rạ, (3) loại bỏ các nụ sớm, (4) tỉa bớt hoa, (5) tỉa thưa quả và (6) bọc chùm quả vào mùa hè. Ảnh: maff.go.jp

Chất lượng nho Nhật Bản được đánh giá cao ở nước ngoài và khối lượng xuất khẩu đã tăng gần gấp ba trong 4 năm kể từ 2014, đạt 1.492 tấn vào năm 2018. Phần lớn thị trường xuất khẩu là các nước châu Á như Hồng Kông, Đài Loan và Singapore. Ở những vùng này có phong tục tặng trái cây làm quà và các loại nho như Pione, Shine Muscat rất phổ biến.

Nho Ruby Roman khi thu hoạch được kiểm tra kích thước từng quả.
Nho Ruby Roman khi thu hoạch được kiểm tra kích thước từng quả. Ảnh: reportergourmet.com

Nho nói riêng và các loại trái cây cao cấp nói chung là minh chứng cho thấy sự thành công của chiến lược tập trung vào chất thay vì lượng của nông nghiệp Nhật Bản.