Nổi danh với những tác phẩm mang họa tiết chấm bi, nữ họa sĩ người Nhật Yayoi Kusama là một trong những tên tuổi lớn của làng hội họa xứ anh đào. Là mảng màu độc nhất trong thế giới nghệ thuật, được mệnh là người họa sĩ “điên”, hơn 40 năm tự nguyện sống trong bệnh viện tâm thần..., cuộc đời và sự nghiệp của Kusama trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo và người mộ điệu trên khắp thế giới.
Hoạt động tích cực trong nhiều lĩnh vực từ điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, hội họa, thời trang, văn chương..., các triển lãm cá nhân của Yayoi Kusama luôn thu hút hàng triệu người từ khắp các châu lục đến chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn. Tác phẩm của Kusama đưa người xem bước vào thế giới nghệ thuật kỳ ảo vô tận, được tạo nên từ chính những ảo giác xuất hiện trong tâm trí bà. Mang trong mình những bất ổn tâm lý, Kusama được ví như họa sĩ “điên”, người vẽ nên những giấc mộng không tưởng trong nghệ thuật.
Bốn năm trước, bộ phim tài liệu dài 76 phút với tựa đề “Kusama: Infinity” được hãng Magnolia Pictures của Mỹ phát hành. Bộ phim về cuộc đời và con đường hoạt động nghệ thuật của “nữ hoàng chấm bi” lập tức gây tiếng vang lớn và được chọn tham gia tranh giải ở Liên hoan phim Sundance 2018 và Liên hoan phim châu Á San Diego.
Người xem xúc động khi lắng nghe tâm sự của bà ngay ở phần trailer: “Tôi biến năng lượng cuộc sống thành các chấm bi trong vũ trụ. Tôi chuyển hóa những bi kịch của cuộc đời thành nghệ thuật. Các tác phẩm của tôi được tạo ra để thay đổi tâm trí người xem. Tôi hy vọng nó sẽ khiến thế giới trở nên bình yên hơn”.
Đúng như Kusama tỏ bày, nghệ thuật của nữ họa sĩ đến từ những bi kịch mà bà đã phải gánh chịu từ khi còn rất nhỏ. Yayoi Kusama sinh ngày 22/03/1929 tại Matsumoto, tỉnh Nagano trong một gia đình buôn bán sở hữu một vườn ươm và nông trại hạt giống. Tuổi thơ của bà là ký ức về những lần bị mẹ bạo hành thể xác, cấm đoán vẽ vời, và một người cha không chung thủy với nhiều tình nhân bên ngoài.
Khi lên mười, những ảo giác sống động bắt đầu xuất hiện trong tâm trí Kusama: những bông hoa từ khăn trải bàn bao trùm lấy bà, đuổi theo bà lên cầu thang, rồi đột ngột, chúng bùng nổ thành những tia sáng chói lóa trên bầu trời. Đây cũng là thời điểm bà vẽ nên tác phẩm chấm bi đầu tiên, khắc họa một phụ nữ Nhật Bản trong trang phục kimono, người được cho là mẹ của bà, bị che phủ và làm mờ đi bởi các chấm tròn.
Những chấm bi định hình phong cách nghệ thuật của Kusama được cho là xuất phát từ những viên đá màu trắng mịn dưới lòng sông cạnh nhà, thứ khiến bà bị hút vào. Những năm tiểu học, bà cũng bắt đầu vẽ tranh về bí ngô, và hình ảnh của quả bí về sau sẽ trở thành một biểu tượng quan trọng khi nhắc đến cái tên Yayoi Kusama.
Tuy nhiên, cô gái nhỏ lúc ấy phải hoàn thành các bức vẽ của mình nhanh nhất có thể, vì người mẹ sẽ xuất hiện và giành lấy tấm vải vẽ khỏi tay cô bất cứ lúc nào, rồi phá hủy chúng trong nỗ lực nhằm ngăn cản con mình vẽ tranh. Bà cho rằng Kusama nên học các phép xã giao để có được một cuộc hôn nhân sắp đặt tốt đẹp trong tương lai, thay vì bỏ thời gian vẽ vời vô ích.
Không chỉ những đòn roi từ mẹ, việc cha có rất nhiều người tình bên ngoài cũng khiến Kusama chịu thêm thương tổn về tinh thần. Người mẹ thường cử con gái theo dõi cha mình và các cuộc tình của ông. Chính điều đó đã gieo rắc vào tâm hồn thơ dại niềm hoài nghi về sự phản bội trong tình yêu lẫn nỗi ghê tởm tình dục, chúng rồi đây sẽ tồn tại vĩnh viễn trong suốt cuộc đời của Kusama. “Tôi không thích tình dục. Nỗi ám ảnh và sợ hãi về tình dục vẫn luôn đeo bám tôi”, bà từng chia sẻ.
Còn về bối cảnh xã hội, tuổi thơ của bà gắn với những trận chiến ác liệt của Thế chiến 2. Tuổi thanh xuân chìm trong bóng tối, với tiếng cảnh báo không kích bất chợt vang lên và những chiếc B-29 của quân đội Mỹ bay trên đầu. Năm 13 tuổi, Kusama được gửi đến làm việc cho một nhà máy quân sự với công việc là may và chế tạo dù cho quân đội Đế quốc Nhật. Đi làm vào ban ngày, bà dành buổi tối để miệt mài vẽ những bông hoa với cấu trúc phức tạp. Chính thời thơ ấu đầy những biến cố như thế đã khiến Kusama rất coi trọng tự do cá nhân trong sáng tạo.
Vào năm 1948, khi 19 tuổi, Kusama theo học “Nihonga” (phong cách vẽ tranh Nhật Bản) tại Trường nghệ thuật và thủ công thành phố Kyoto. Tuy nhiên, bà dần mất đi niềm yêu thích với nó và bắt đầu dành đam mê cho phong cách avant-garde đầy nổi loạn và liều lĩnh của phương Tây.
Vào năm 1950, nữ họa sĩ vẽ các hình thái tự nhiên siêu thực trên nhiều chất liệu như màu nước, sơn dầu và chủ yếu là giấy. Bà bắt đầu vẽ các chấm bi lên nhiều bề mặt từ tường, sàn nhà, vải và sau đó là các đồ gia dụng. Những mảng chấm bi rộng lớn, hay Kusama gọi chúng là “Infinity Nets - Lưới vô cực”, được vẽ nên từ chính những ảo giác thường xuyên xuất hiện.
Loạt tác phẩm chấm bi vẽ trên kích thước lớn đầu tiên của bà là “Infinity Nets” với các bức vẽ dài hơn 9m trên vải canvas, được bao phủ hoàn toàn trong chuỗi lưới và chấm bi, tạo ảo giác cho người xem. Những ảo giác cũng giúp bà hoàn thành tác phẩm “Flower” vào năm 1954.
Về sau, trong cuốn tiểu thuyết “MANHATTAN SUICIDE ADDICT” xuất bản vào năm 2005 của mình, bà viết: “Các chấm bi mang hình dáng của mặt trời - biểu tượng cho nguồn năng lượng của toàn thế giới và cuộc sống con người; nó đồng thời mang hình dáng của mặt trăng - hiền hòa về bản chất. Tròn, mềm, đa sắc, vô tri và không thể xác định. Những chấm bi bắt đầu chuyển động... Chấm bi là một phương tiện để đi đến vô hạn”.
Trong giai đoạn từ 1950 đến 1956, Kusama đã tổ chức một số triển lãm cá nhân tại quê nhà Matsumoto và Tokyo. Để chuẩn bị cho buổi triển lãm đầu tiên, bà đã vẽ tới 70 bức tranh màu nước mỗi ngày.
Cuộc đời của Kusama những năm 20 rẽ sang một hướng mới khi bà lần đầu được ngắm nhìn các tác phẩm của nữ họa sĩ người Mỹ Georgia O'Keeffe, người được mệnh danh là “Mẹ của chủ nghĩa hiện đại Hoa Kỳ”. Kusama tìm cách liên lạc với thần tượng và rồi O'Keeffe đã trở thành người hướng dẫn cho bà.
Theo chỉ dẫn của O'Keeffe, vào năm 1958, khi 27 tuổi, Kusama khăn gói sang New York với vài trăm đô la giấu trong chiếc túi được may bên trong lớp váy, cùng với đó là 60 bộ kimono lụa và vài bức tranh. Xã hội Nhật Bản lúc bấy giờ “quá nhỏ, quá phong kiến và quá khinh thường phụ nữ” nên bà đã quyết định đến Mỹ để theo đuổi đam mê nghệ thuật.
Cuộc sống nơi xứ người với nữ họa sĩ trẻ không hề dễ dàng. Theo lời kể của Kusama, bà thậm chí nhặt cả đầu cá từ rác của những người đánh cá để mang về nấu súp. Và sau 18 tháng đặt chân đến xứ cờ hoa, bà đã có buổi triển lãm đầu tiên tại Brata Gallery, bắt đầu được giới mộ điệu chú ý đến.
Kể từ năm 1963, Kusama sáng tạo nên những căn phòng gương vô cực (Infinity Mirror Room) với gương được lắp đặt quanh phòng và các quả bóng màu neon treo ở nhiều độ cao khác nhau. Bà không ngừng phát triển căn phòng, nhưng lại không có được thu nhập từ chúng. Thời gian đó, bà cũng thường xuyên phải nhập viện vì làm việc quá sức. Chìm vào nỗi thất vọng cùng cực, Kusama đã cố gắng tự sát bằng cách nhảy từ cửa sổ studio của mình. May mắn thay, O'Keeffe đã giúp bà vượt qua khó khăn tài chính khi thuyết phục người quen mua lại một số tác phẩm của Kusama.
Từ 1967 - 1969, trong trang phục kimono truyền thống, Kusama thực hiện một loạt các triển lãm ngoài trời kỳ quái tại Mỹ khi vẽ chấm tròn lên những người mẫu khỏa thân. Thậm chí, bà còn viết một lá thư gửi đến cựu Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon nói rằng nếu ông đình chiến tại Việt Nam, bà sẵn lòng qua đêm với ông.
Các cuộc biểu tình nghệ thuật, triển lãm, thời trang liên quan đến khỏa thân của Kusama nổi tiếng khắp nước Mỹ, nhưng tại quê hương Nhật Bản, chúng khiến người dân kinh hoàng, biến bà trở thành nỗi xấu hổ, tủi nhục của gia đình mình. Một lần nữa cảm giác cô độc giữa cuộc đời khiến bà có ý định tự tử.
Tai tiếng của Kusama kéo dài từ những năm 60 sang đến những năm 70. Vào năm 1972, bà trải qua cú sang chấn lớn khi chứng kiến người tình – nhà thơ Joseph Cornell qua đời. Bà gặp ông tại New York khi đã bước qua tuổi 30, còn Cornell hơn bà 26 tuổi. Cả hai gọi điện cho nhau hằng ngày, vẽ cùng nhau, thậm chí mỗi ngày ông còn gửi cho bà cả tá bài thơ. Đây là mối quan hệ lãng mạn kéo dài nhất của Kusama, giữa họ có sự hòa hợp về tâm hồn, nhưng tuyệt nhiên không có tình dục.
Từ giã cuộc sống thăng trầm và mất mát tại New York, bà quay trở về Nhật vào năm 1973. Một năm sau, bà tiếp tục chứng kiến cha mình qua đời. Kusama đã thuê một căn hộ ở tầng 10 tại một tòa nhà ở Shinjuku, Tokyo, với tầm nhìn hướng ra một khu nghĩa trang rộng lớn. Vào thời gian này, ảo giác và các cơn sang chấn tâm lý tấn công bà mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đó cũng là lúc Kusama bắt đầu sáng tác tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ chủ đề siêu thực gây sốc.
Đến tháng 03/1977, bà tình nguyện vào sống ở bệnh viên tâm thần tại Tokyo. Với một số họa sĩ, có thể hành động này sẽ đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp, nhưng với Kusama, nó lại khởi đầu cho một chương mới của cuộc đời. Tại đây, Kusama học cách kiểm soát chứng hưng cảm của bản thân và chuyển hóa chúng thành các tác phẩm nghệ thuật. Bệnh viện cũng mang đến cho bà một số khóa trị liệu nghệ thuật, bà đăng ký và chưa bao giờ ngừng tham gia.
Lịch trình làm việc của họa sĩ là ngủ tại bệnh viện tâm thần vào mỗi tối và làm việc tại studio cá nhân gần bệnh viện 6 ngày/tuần. Kusama có một số trợ lý phụ trách những studio, phòng triển lãm của bà tại New York, Tokyo và London. Bà thường ăn sushi ở một siêu thị địa phương và tự may quần áo để mặc. Khối tài sản khổng lồ của bản thân - bà xem chúng là những thứ vô thường và tập trung hoàn toàn vào sáng tạo nghệ thuật.
Yayoi Kusama thường nói rằng: “Nếu không phải vì nghệ thuật, tôi có lẽ đã tự giết chính mình rất lâu rồi”.
Yayoi Kusama là một nghệ sĩ đa tài khi tham gia sáng tạo ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Các tác phẩm của bà thuộc trường phái nghệ thuật vị niệm, nơi ý tưởng hay khái niệm ẩn giấu trong tác phẩm được đánh giá cao hơn chất liệu, tạo hình hay thẩm mỹ truyền thống.
Thông qua các sản phẩm sáng tạo, Yayoi Kusama đã đóng góp tích cực cho chủ nghĩa nữ quyền, phong cách nghệ thuật tối giản, siêu thực, Art Brut, pop art và chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng.
Nhắc đến Yayoi Kusama, không thể bỏ qua những tác phẩm điêu khắc ngoài trời, chủ yếu là cây hay hoa quái dị với màu sắc sặc sỡ, bao gồm quả bí ngô “Pumpkin” (năm 1994) ở Bảo tàng nghệ thuật thành phố Fukuoka; rừng hoa huyền bí “The Visionary Flowers” (năm 2002) ở Bảo tàng nghệ thuật thành phố Matsumoto; hoa nở “Tsumari in Bloom” (năm 2003) ở nhà ga Matsudai, thành phố Niigata; hoa tulip “Tulipes de Shangri-La” (năm 2003) ở Euralille in Lille tại Pháp; quả bí ngô “Pumpkin” (2006) ở đảo Naoshima...
Vũ trụ của đốm màu không ngừng đưa người xem lạc vào thế giới của những ảo mộng và sự vô hạn. Các buổi triển lãm nghệ thuật của bà luôn rợp khách, điển hình như triển lãm “All the Eternal Love I Have for the Pumpkins” diễn ra vào ngày 25/02/2017 tại bảo tàng Hirshhorn ở Washington, Hoa Kỳ. Căn phòng rộng 1,2m2 được phủ kín với hơn 60 tác phẩm điêu khắc bí ngô. Allison Peck, phát ngôn viên của Hirshhorn, cho biết đây là triển lãm đông đúc nhất trong lịch sử của họ với hơn 8.000 du khách viếng thăm chỉ trong 4 ngày triển lãm.
Cũng trong năm 2017, Bảo tàng Yayoi Kusama đã được khai trương tại Tokyo, trở thành nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của nữ họa sĩ, thu hút lượng lớn khách tham quan trên khắp thế giới mỗi năm.
Trên thị trường tranh, các tác phẩm nghệ thuật của Kusama luôn được đấu giá cao kỷ lục. Năm 2012, bà trở thành nữ họa sĩ có tác phẩm được bán với giá cao nhất mọi thời đại. Trong một cuộc đấu giá năm 2014, tác phẩm “White No.28” (năm 1960) trích từ loạt tác phẩm kinh điển “Infinity Nets” của bà được bán với giá 7,1 triệu USD.
Bà trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhà hoạt động nghệ thuật khác, được nhóm nhạc Indie Mỹ Superchunk dành tặng một ca khúc riêng mang tên “Art Class” trong album “Here’s to Shutting Up” của họ, hay vào năm 1967, Jud Yalkut đã làm một bộ phim về bà với tựa đề “Kusama’s Self – Obiliteration”.
Hiện tại, nữ họa sĩ tài năng vẫn miệt mài sáng tác dù đã bước sang tuổi 93. Bà chính là minh chứng cho nghị lực sống phi thường vượt qua thương tổn tâm lý, biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật sáng tạo mang đến sự chữa lành cho người xem.