Phải làm gì khi những phiền nhiễu và bộn bề của cuộc sống hàng ngày bắt đầu xâm chiếm không gian mà chúng ta cần cảm thấy thư thái nhất? Một gợi ý là hãy biến ngôi nhà của bạn trở thành nơi mang đến sự bình yên, tĩnh lặng với việc áp dụng một số quy tắc Thiền trong thiết kế và bài trí căn nhà.
Trong Phật giáo, Thiền là phép tĩnh tâm giúp loại trừ phiền não và khai mở tâm trí con người. Trong yoga, Thiền được gọi là “Dhyana”, có nghĩa là dòng chảy của tâm trí với trạng thái tinh khiết và tập trung cao độ khi tâm trí xuôi chảy không bị cản trở.
Tại Nhật, Thiền định (Zen) đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa nghệ thuật và lối sống, trở thành một phần của nền tảng tinh thần và thẩm mỹ nơi người dân đất nước mặt trời mọc.
Ngày xưa, Thiền giúp nhân loại hiểu sâu hơn về sự thiêng liêng, huyền bí của cuộc sống. Còn nay, Thiền như là loại thuốc bổ thân thể và tâm hồn của con người. Như Julian Daizan Skinner, người Anh đầu tiên đến Nhật Bản và trở thành Thiền sư phái Rinzai, người sáng lập nên Zenways (Zendo Kyodan), cho biết: “Thiền là công cụ hoàn hảo cho cuộc sống hiện đại. Nó hoạt động từ cơ thể, tâm trí và năng lượng của bạn để tạo ra sức khỏe, sức sống và nhận thức tốt hơn”.
Thiền dạy chúng ta tìm thấy niềm an ủi trong sự trống rỗng, vẻ đẹp trong sự không hoàn hảo hay nét trang nhã ẩn sau vẻ ngoài đơn giản. Và khi những nguyên tắc này được truyền tải vào ngôn ngữ thiết kế nội thất, chúng có thể biến ngôi nhà của bạn thành một nơi nghỉ ngơi, thiền định, mang lại sự cân bằng, giúp nguồn năng lượng lưu chuyển tích cực trong không gian.
Với thiết kế nội thất Zen, trọng tâm là mang lại sự yên tĩnh, hài hòa cho ngôi nhà, sử dụng cách tiếp cận đơn giản và tối giản. Dưới đây là một số cách giúp tạo ra không gian Thiền tại nhà dành cho bạn.
Không gian xung quanh có tác động lớn đến việc thiền định. Vì vậy khi thiết kế không gian theo phong cách Thiền, điều đầu tiên bạn nên lưu ý là cường độ ánh sáng. Nên sử dụng ánh sáng tự nhiên hay các thiết bị đèn điện không quá chói mà chiếu sáng nhẹ nhàng, vừa đủ.
Rèm cửa nên dùng loại mỏng, có màu sắc nhạt, đơn giản. Bạn có thể bố trí cửa trượt Shoji hoặc vách ngăn Fusuma theo kiểu truyền thống Nhật Bản. Loại cửa dán giấy này giúp căn phòng không quá ngột ngạt khi đóng lại và cho ánh sáng mặt trời đi qua, khiến không gian ấm áp, sáng sủa hơn.
Phong cách tối giản của người Nhật ngày càng được ưa chuộng. Một nguyên tắc Thiền (Zen) là “Datsuzoku”, được hiểu như là sự thoát tục, tự do thoát khỏi những ràng buộc của thế gian. Vì thế, bạn có thể thiết kế căn phòng, ngôi nhà của mình theo kiểu tối giản với đồ nội thất có gam màu trung tính, được bài trí gọn gàng trong không gian sạch sẽ, thoáng đãng.
Đi bộ bằng chân trần là một phương pháp Thiền cổ điển. Vì vậy, sàn nhà nên được xây theo kiểu truyền thống như lát gỗ hay gạch đất sét, bên cạnh đó là trồng thêm cây cối xung quanh để tạo cảm giác hòa mình vào thiên nhiên.
Bạn hãy chọn nơi Thiền đem lại cảm giác thoải mái, thư thái nhất. Sân, sàn nhà, vườn hoa hay ở bất cứ đâu trong nhà miễn là bạn thấy yên bình, có thể tĩnh tâm để thiền định.
Nên ưu tiên lựa chọn màu sắc trầm ấm, thiên về tự nhiên cho không gian Thiền. Những gam màu rực rỡ, nổi bật như cam sáng, đỏ rực, hồng đậm... đều không phù hợp, mà thay vào đó là lựa chọn các tông màu cổ điển, nhẹ nhàng như trắng, xám, nâu nhạt... Bên cạnh đó, bạn có thể kết hợp một chút tông màu đậm như nâu, đỏ bã trầu, xanh rêu để tạo điểm nhấn cho không gian, tránh sự nhàm chán.
Nhắc đến Thiền, không thể không nhắc đến sự tĩnh lặng: Seijaku. Một phần quan trọng của lối sống Zen là thực hành Thiền, ngồi yên lặng, tập trung vào hơi thở. Tuy nhiên để thanh lọc tâm hồn, tạo cảm giác thư giãn cho việc tịnh tâm, bạn cũng có thể sử dụng các âm thanh như tiếng chuông, tiếng sóng vỗ từ đại dương, tiếng chim hót, tiếng mưa rơi, hay bất cứ âm thanh từ thiên nhiên nào mang lại sự dễ chịu. Hãy đảm bảo bản nhạc lúc nghe đủ dài để tránh bị gián đoạn trong khi Thiền.
Bên cạnh đó, một chút hương sẽ giúp dễ dàng tập trung, loại bỏ căng thẳng và thư giãn. Gợi ý là nên sử dụng trầm hương, tinh dầu hay nến thơm từ thực vật như oải hương, sen, cúc hay bạc hà…
Các đồ vật được đặt vừa đủ, ưu tiên những đồ dùng cần thiết với nguyên liệu gỗ tự nhiên, màu sắc trầm, có thể có họa tiết trang trí nhẹ nhàng. Bạn có thể đặt trong phòng Thiền một vài món đồ như gối, bàn nhỏ hay thảm tập yoga. Một bức tượng Phật, thư pháp hay một bức tranh cũng sẽ giúp dẫn dắt tâm trí con người vào sự thiền định.
Mang thiên nhiên vào nhà là một ý tưởng tuyệt vời, đặc biệt là khi sống tại đô thị, không có điều kiện để Thiền ngoài trời trong môi trường tự nhiên. Bạn nên đặt trong phòng hay căn hộ của bản thân một số chậu cây, bình hoa, lọ chứa đá cuội, cát hay vỏ sò, một vài cây bonsai hay hòn non bộ..., vừa để trang trí vừa giúp tạo cảm giác hòa mình vào thiên nhiên.
Wabi Sabi là triết lý sống của người Nhật, nhìn nhận cuộc đời trong sự tôn vinh dành cho vẻ đẹp không hoàn hảo. Trong tiếng Nhật, “Wabi” mang nghĩa thanh lịch, tinh tế, thể hiện sự mộc mạc, đơn giản và tự nhiên. Còn “Sabi” nghĩa là nhận thấy, hiểu thấu nét đẹp trong những khiếm khuyết bộc lộ dần theo năm tháng.
Wabi Sabi là triết lý sâu sắc, dẫn dắt người Nhật tới sự thiền định, tĩnh tại trong cuộc sống với bảy nguyên tắc chính là: Kanso (sự đơn giản), Fukinsei (không đối xứng hoặc không đồng đều), Shibumi (vẻ đẹp trong sáng), Shizen (tự nhiên và khiêm tốn), Yugen (duyên dáng tinh tế), Datsuzoku (tự do) và Seijaku (sự yên tĩnh).
Wabi Sabi thể hiện qua phong cách sống đậm chất Nhật, tại nơi mà mọi thứ xung quanh trở nên thật yên bình và những thói quen giản dị, thân thuộc tạo nên thứ hạnh phúc bình dị.
Chúng ta Thiền để học cách sống chậm lại, trút bỏ những tạp niệm, buồn phiền. Và một không gian sống đậm phong cách Thiền không chỉ là nơi để ở, nó còn là nơi tâm trí cùng thân thể của mỗi người được vỗ về, nuôi dưỡng, nơi ta tìm thấy chút bình yên giữa cuộc sống đô thị ồn ã và náo nhiệt.