eMagazine
0%

Ngắn ngủi nhưng đầy biến động, thời kỳ Taisho là giai đoạn mà những làn sóng văn hóa, tư tưởng từ phương Tây được chào đón nồng nhiệt, hòa nhập vào xã hội và tác động sâu sắc đến lối sống cùng các giá trị của người Nhật. Vì thời trang phản ánh thời đại, thời kỳ này đã chứng kiến sự ra đời và phát triển rực rỡ của nhiều xu hướng thời trang mới mẻ, mà những ảnh hưởng của chúng vẫn còn in dấu đến tận ngày nay.

Những đặc điểm của thời đại Taisho Những đặc điểm của thời đại Taisho.

Thời kỳ Taisho nằm giữa thời kỳ Meiji và Showa, kéo dài 14 năm 5 tháng từ ngày 30 tháng 7 năm 1912, khi Hoàng đế Taisho lên ngôi, cho đến ngày 25 tháng 12 năm 1926.

Vào những năm 20 trong thời Taisho, Nhật Bản được bao phủ trong bầu không khí văn hóa tương đối tự do, còn được gọi là “dân chủ Taisho''. Đã có những sự trỗi dậy trong ý thức dân tộc với sự ra đời của quyền bầu cử phổ thông, các đảng phái chính trị và các phong trào lao động... ảnh hưởng đến toàn xã hội. Những giá trị và tư tưởng mới lan rộng, các ảnh hưởng của văn hóa phương Tây cũng ngày càng mạnh mẽ.

Một tấm bưu thiếp mô tả khu vực Nihonbashi, Tokyo ngay trước trận Động đất lớn Kanto năm 1923.
Một tấm bưu thiếp mô tả khu vực Nihonbashi, Tokyo ngay trước trận Động đất lớn Kanto năm 1923.
Ảnh: Getty Images

Địa vị của phụ nữ bắt đầu thay đổi đáng kể với việc tham gia tích cực hơn vào các hoạt động của xã hội cùng sự gia tăng về cơ hội học tập. Song song với đó, quan điểm truyền thống về giới tính cũng dần thay đổi theo hướng tiến bộ, các lựa chọn về thời trang và lối sống dành cho phụ nữ ngày càng mở rộng hơn. Những sự vận động này được thể hiện qua sự xuất hiện đầy tính biểu tượng của những “cô gái hiện đại” (modern girl hay moga).

Phụ nữ nhật thời taisho. Trong tranh của họa sĩ kasho akabatake (1888 - 1966).
Những người phụ nữ mang đơn thỉnh cầu đòi quyền bầu cử đến chính quyền, ảnh chụp khoảng những năm 1920.
Những người phụ nữ mang đơn thỉnh cầu đòi quyền bầu cử đến chính quyền, ảnh chụp khoảng những năm 1920. Ảnh: Corbis-Bettmann

Về phương diện kinh tế, nhiều người trở nên giàu có do sự bùng nổ kinh tế thời hậu Thế chiến I (1914-1918), hay còn được gọi là “thời kỳ bong bóng Taisho”. Trong chiến tranh, Nhật Bản được hưởng lợi từ việc xuất khẩu hàng hóa dân sự và quân sự cho các cường quốc Đồng minh. Ngành công nghiệp thời kỳ này có sự tăng trưởng mạnh mẽ tại khu vực thành thị, xuất khẩu hàng hóa tăng cao (tổng giá trị xuất nhập khẩu tăng gần 4 lần từ năm 1914 đến năm 1919).

Mặt khác, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng ở các thành phố lớn, văn hóa tiêu dùng mới ra đời, những mặt hàng nhập khẩu thời thượng kích thích hoạt động tiêu dùng mạnh mẽ trong dân chúng.

Ở Tokyo và Osaka nói riêng, các xu hướng mới về lối sống, giải trí và thời trang lan rộng. Phim ảnh và âm nhạc phương Tây, đặc biệt là nhạc jazz, có ảnh hưởng rất lớn đến giới trẻ. Lối sống phương Tây được chấp nhận và tôn trọng rộng rãi trên mọi phương diện, từ ẩm thực, kiến trúc cho đến lĩnh vực thời trang.

Tựu trung, Taisho là giai đoạn của những sự thay đổi; nền tảng xã hội, văn hóa, kinh tế của thời đại này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tạo nên một sự “bùng nổ” về thời trang.

Trang phục thời Taisho được tái hiện tại Lễ hội Taisho (Taisho Matsuri).
Trang phục thời Taisho được tái hiện tại Lễ hội Taisho (Taisho Matsuri). Ảnh: Ronin Dave

Đặc điểm của trang phục thời Taisho Đặc điểm của trang phục thời Taisho.

Thời đại Taisho tuy ngắn nhưng là một thời kỳ độc đáo với nhiều thay đổi trong phong cách ăn mặc của các tầng lớp trong xã hội.

Vào thời Minh Trị, trang phục phương Tây được xem là loại y phục trang trọng dành riêng cho tầng lớp quý tộc, đặc biệt là với các quý tộc nam. Cho đến nửa đầu thời kỳ Taisho, ngoại trừ một số nghề nghiệp như binh lính mặc đồng phục kiểu Tây thì trang phục Nhật truyền thống vẫn là xu hướng chủ đạo.

Khi văn hóa phương Tây dần thâm nhập sâu hơn vào xã hội Nhật Bản, những bộ Kimono với hoa văn lấy cảm hứng từ phương Tây cũng xuất hiện. Nhưng phải đến sau trận Đại động đất Kanto năm 1923, các loại trang phục phương Tây mới bắt đầu phổ biến và được ưa chuộng trong người dân. Lý do được cho là bởi những khó khăn, bất tiện mà họ đã gặp phải khi sơ tán trong bộ Kimono vào thời điểm động đất diễn ra.

Ngoài ra, phong cách kết hợp bốt với hakama của nữ sinh cũng xuất hiện vào khoảng thời gian này.

Trận Đại động đất Kanto đã phá hủy hầu như toàn bộ khu vực đô thị Tokyo.
Trận Đại động đất Kanto đã phá hủy hầu như toàn bộ khu vực đô thị Tokyo. Ảnh: Thư viện Quốc hội Nhật Bản

Mobo và Moga: Những chàng trai, cô gái hiện đại

Nam nữ giới diện trang phục phương Tây thời thượng xuất hiện ở Tokyo sau Thế chiến thứ nhất được gọi là “modern boy” và “modern girl”, hay ngắn gọn hơn là “Mobo” và “Moga”.

Những phụ nữ thời thượng – Moga.
Những phụ nữ thời thượng – Moga. Ảnh: tripeditor.com - Thiết kế: Kilala

Các chàng trai, cô gái hiện đại là phong cách dẫn đầu làn sóng chủ nghĩa hiện đại, phổ biến trên toàn thế giới trong suốt những năm 1920. Ở Mỹ nó được gọi là "Flapper" và ở Pháp thì được gọi là "Garçonne".

Các Moga có đặc điểm là đội mũ đan móc, mặc váy dài qua gối và mang giày cao gót. Họ cắt tóc bob, kẻ lông mày, son môi, đánh má hồng và bắt đầu sử dụng nước hoa.

Còn trang phục của Mobo thường bao gồm mũ quả dưa, kính Lloyd, một bộ vest chỉnh tề, gậy và giày da. Về kiểu tóc, phổ biến là rẽ ngôi 7/3 và vuốt ngược, sử dụng pomade để tạo kiểu.

Modern boy

Taisho Roman và sự pha trộn giữa Nhật Bản
với phương Tây

Taisho Roman (大正ロマン/大正浪漫) đề cập đến phong trào nghệ thuật, văn hóa và tư tưởng của Chủ nghĩa lãng mạn Nhật Bản trong thời đại Taisho, chịu ảnh hưởng của Chủ nghĩa lãng mạn châu Âu.

Nếu nghĩ về Taisho Roman từ góc độ thời trang, thì đó là việc bổ sung thêm các yếu tố sáng tạo của phương Tây vào trang phục truyền thống của Nhật Bản.

Phong cách Art Nouveau vốn rất nổi tiếng vào thời điểm đó bắt đầu được đưa vào Kimono và Obi. Ngoài ra, những loài hoa phương Tây lộng lẫy như hoa hồng và lily cũng trở thành cảm hứng cho các mẫu Kimono, trong đó hoa hồng đặc biệt được các nữ sinh ưa chuộng.

Cho đến thời bấy giờ, các loại vải được sử dụng cho quần áo Nhật Bản chủ yếu có hoa văn sọc và lưới cổ điển, nên việc mọi người bị thu hút bởi những thiết kế phóng khoáng và tươi sáng là điều tự nhiên.

Taisho-kimono.
Ảnh: mistore.jp

Trang phục truyền thống của nam giới cũng có những thay đổi về màu sắc, thay vì đen, xanh nước biển và xám vốn là xu hướng chủ đạo từ thời Edo thì những gam màu ấm thuộc họ nâu lại được ưa chuộng hơn cả.

Đồng thời, các món phụ kiện phương Tây cũng được kết hợp với trang phục Nhật Bản. Các nữ sinh mặc Kimono và Hakama kết hợp với giày bốt da, hay những nữ phục vụ quán cà phê và hầu gái trong các gia đình quý tộc mặc Kimono với tạp dề kiểu Tây. Việc đàn ông mặc áo sơ mi bên trong Kimono cũng trở nên phổ biến.

Trang phục của các giai cấp
trong thời Taisho

Quý tộc

Kazoku (華族) là giai cấp quý tộc tồn tại từ năm 1869 đến năm 1947, được hình thành bằng cách sáp nhập các lãnh chúa phong kiến ​​(daimyo) và quý tộc triều đình (kuge) thành một hệ thống theo mô hình tương tự như quý tộc Anh.

Trong thời kỳ Taisho, nam giới quý tộc mặc cả trang phục Nhật Bản và phương Tây. Haori và Hakama là tiêu chuẩn cho trang phục truyền thống, nhưng với ảnh hưởng từ phương Tây, những sự kết hợp hiện đại như mũ quả dưa và gậy đi bộ đã được thêm vào.

Ngoài ra họ cũng mặc nhiều loại trang phục phương Tây khác nhau, từ đồng phục quân đội, vest... Tuy nhiên, vì là trang phục của giới quý tộc nên nhiều người trong số họ sẽ gắn thêm những phụ kiện sang trọng.

Nam tước Kijuro Shidehara (sau này là Thủ tướng), Tử tước Tomosaburo Kato và Hoàng tử Iesato Tokugawa tại Hội nghị Hải quân Washington.
Nam tước Kijuro Shidehara (sau này là Thủ tướng), Tử tước Tomosaburo Kato và Hoàng tử Iesato Tokugawa tại Hội nghị Hải quân Washington

Phụ nữ quý tộc diện cả trang phục truyền thống lẫn phương Tây, nhưng vì được xem là những quý cô có phẩm giá và đẳng cấp nên họ không mặc loại trang phục thời thượng theo phong cách Moga.

Họ chủ yếu mặc trang phục phương Tây khi dự tiệc. Váy phải đủ dài để che kín toàn bộ đôi chân, cổ cao và tay áo dài để hạn chế tối đa phần da thịt lộ ra. Tóc họ buộc cao, đội một chiếc mũ rộng vành và mang theo một chiếc quạt lớn.

Con gái trong gia đình quý tộc thời Taisho.
Con gái trong gia đình quý tộc thời Taisho. Ảnh: Yomiuri

Thường dân

Nappafuku.
Nappafuku. Ảnh: trafficnews.jp

Trang phục tầng lớp bình dân mặc trong thời kỳ Taisho vẫn chủ yếu là Kimono Nhật Bản, ngoại trừ những nghề nghiệp như giáo viên, nhân viên văn phòng, quân nhân hay học sinh.

Những người làm việc trong các hiệu buôn mặc Kimono và đeo tạp dề Maekake ngang bụng, còn công nhân nhà máy mặc quần áo lao động màu xanh lam gọi là Nappafuku. Họ vẫn mặc Kimono khi ở nhà.

Nappafuku.
Nappafuku. Ảnh: trafficnews.jp

Chỉ một số người có đặc quyền ở các thành phố và tầng lớp trung lưu mới có thể mặc trang phục kiểu Tây, trong khi nhiều người, đặc biệt là dân thường hay nông dân sống ở miền quê, thậm chí chưa từng nhìn thấy chúng.

Các nông dân mặc bộ quần áo Noragi làm bằng cotton hoặc vải lanh khi lao động.
Các nông dân mặc bộ quần áo Noragi làm bằng cotton hoặc vải lanh khi lao động.

Nhiều phụ nữ thời Taisho quan tâm đến thời trang và ngay cả những người bình thường cũng cố gắng kết hợp các xu hướng mới vào trang phục của mình.

Chẳng hạn, kiểu tóc buộc ruy băng rất phổ biến khi kết hợp với Hakama và bốt, vốn là trang phục điển hình của thời Taisho, nhưng ruy băng rất đắt đỏ và khó tìm vào thời điểm đó. Vì vậy, họ thường tự làm những dải ruy băng từ vải thừa ở nhà.

Các nông dân mặc bộ quần áo Noragi làm bằng cotton hoặc vải lanh khi lao động.
Các nông dân mặc bộ quần áo Noragi làm bằng cotton hoặc vải lanh khi lao động.

Học sinh, sinh viên

Những thay đổi về trang phục trong thời Taisho cũng ảnh hưởng đến giới học sinh và sinh viên. Các nữ sinh bắt đầu kết hợp những món đồ phương Tây vào trang phục truyền thống, như phối Kimono mang hoa văn mũi tên cùng Hakama với giày bốt cột dây để mang lại vẻ hiện đại.

Hakama được cắt ngắn đến giữa bắp chân, giống với đồng phục kiểu phương Tây (váy xếp li). Tuy nhiên, phần ống chân lộ ra được che đi bằng quần bó và bốt để đảm bảo không lộ da thịt. Một phong cách từng được các nữ sinh yêu thích thời trang ưa chuộng là tóc búi cao ở phía sau và buộc lại bằng một dải ruy băng bản rộng.

Bấy giờ không có nhiều trường học yêu cầu đồng phục nên phong cách trên là phổ biến nhất. Còn ở những nơi có quy định thì kiểu đồng phục thủy thủ là tiêu chuẩn.

Trang phục nữ sinh thời Taisho.
Trang phục nữ sinh thời Taisho.

Còn đối với nam sinh, trước đó trong thời Minh Trị, đồng phục đã thay đổi từ Kimono sang trang phục phương Tây kiểu cổ cao (Gakuran) hoặc vest. Và vào thời Taisho, có một phong trào chống lại thời trang phương Tây đã xuất hiện trong các nam học sinh, sinh viên, được gọi là Bankara.

Mũ đi học bị cố ý làm bẩn hoặc hư hỏng, đồng phục thì được làm cho rách tả tơi. Họ thường khoác áo choàng bên ngoài, bước đi khệnh khạng trên đôi guốc gỗ Geta. Người ta cho rằng phong cách này trở nên phổ biến vì những sinh viên từng trải qua thời kỳ hỗn loạn đã cố gắng thể hiện rằng phẩm chất của một người đàn ông mới là điều quan trọng, chứ không phải ngoại hình.

Bankara.
Bankara. Ảnh: matsu-haku.com
Bankara.
Bankara. Ảnh: matsu-haku.com

Tạm kết Tạm kết.

Với sự xâm nhập và nở rộ của văn hóa phương Tây tại xứ Phù Tang, trang phục thời Taisho là sự hòa quyện đầy thú vị giữa tính truyền thống và các ảnh hưởng từ phương Tây. Sự khác biệt về tầng lớp và thu nhập trong xã hội được thể hiện qua trang phục càng khiến thời trang Taisho trở nên độc đáo hơn so với xã hội được tiêu chuẩn hóa ngày nay.

Tuy nhiên, tình trạng bất ổn kinh tế, ảnh hưởng của chiến tranh cùng các cuộc suy thoái sau đó đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Nhật Bản, khiến nhận thức của người dân về thời trang cũng thay đổi. Hơn nữa, tình hình chính trị đã thay đổi đáng kể vào những năm 1930, với việc Hoàng đế Showa lên ngôi và bầu không khí chung của xã hội trở nên bảo thủ.

Mặc dù sự bùng nổ của các xu hướng thời Taisho chỉ là tạm thời nhưng ảnh hưởng của nó đã ăn sâu vào thời trang và xã hội Nhật Bản nói chung. Tinh thần đó tiếp tục trỗi dậy dưới những hình thức mới trong thời hiện đại, làm cho văn hóa thời trang Nhật Bản càng trở nên phong phú và đa dạng.