eMagazine
0%

Thời gian 54 năm, 8 tháng, 6 ngày, 5 giờ, 32 phút, 20,3 giây của Shizo Kanakuri được Kỷ lục Guinness Thế giới chính thức công nhận là thời gian dài nhất để hoàn thành một cuộc chạy marathon. Hành trình của ông đã truyền động lực cho nhiều vận động viên kiên trì với mục tiêu của mình.

Shizo Kanakuri – “Cha đẻ”
của marathon tại Nhật

Shizo Kanakuri sinh ngày 20/08/1891 tại thị trấn Nagomi trên đảo Kyushu trong một gia đình bán rượu sake. Tuổi thơ của ông là mỗi ngày đi bộ đi học đến trường trên quãng đường hơn 6km.

Vận động viên Shizo Kanakuri.
Vận động viên Shizo Kanakuri. Ảnh: Radiowave

Vào tháng 11/1911, khi Kanakuri tròn 20 tuổi, Nhật Bản đã tổ chức một cuộc thi marathon để lựa chọn vận động viên tham gia Thế vận hội Stockholm 1912. Với thành tích 2 giờ, 30 phút và 33 giây trên quãng đường 40km, Kanakuri được lựa chọn là một trong hai vận động viên đại diện Nhật Bản tham dự Olympic. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản tham gia Olympic và cũng là đại diện châu Á đầu tiên đến với Thế vận hội.

Để chuẩn bị cho cuộc thi, Kanakuri đã có những buổi rèn thể lực cùng với Jigoro Kano – Người sáng lập ra Judo.

Thời điểm ấy, để có thể tham gia Thế vận hội, các vận động viên phải tự mình trang trải chi phí đi lại là 1.800 yên. Số tiền này được những người bạn của Kanakuri gây quỹ trên toàn quốc và thu về 1.500 yên. Bắt đầu trên một con tàu trước khi chuyển sang Đường sắt xuyên Siberia, Kanakuri đã trải qua 18 ngày để đến với Thụy Điển.

Vận động viên Shizo Kanakuri.
Vận động viên Shizo Kanakuri. Ảnh: Radiowave

“Chông gai” khi tham gia
Thế vận hội

Khi đến Stockholm, Thụy Điển, không chỉ gặp phải vấn đề lệch múi giờ khiến giấc ngủ của Kanakuri bị ảnh hưởng, thức ăn không hợp khẩu vị, mà người quản lý của đội - Hyozo Omori đã phải nằm liệt giường vì bệnh lao và không thể tham gia luyện tập cùng Kanakuri. Tất cả như một điềm báo rằng Kanakuri sẽ không dễ dàng trong hành trình chinh phục tấm huy chương Thế vận hội.

Shizo Kanakuri đại diện đoàn Nhật Bản cầm cờ tại Olympic Stockholm 1912.
Shizo Kanakuri đại diện đoàn Nhật Bản cầm cờ tại Olympic Stockholm 1912. Ảnh: The Washington Post

Chưa hết, thời tiết thời điểm ấy ở Stockholm được miêu tả là cực kì tồi tệ với nắng nóng kéo dài khiến thể lực của các vận động viên không thể chịu đựng nổi. Johnny Hayes - Nhà vô địch người Anh năm 1908, đã mô tả cuộc thi là “sự ô nhục đối với nền văn minh”. Còn Francisco Lázaro – vận động viên nghiệp dư người Bồ Đào Nha, trước khi thi đấu đã phát biểu rằng: “Hôm nay, hoặc là tôi thắng, hoặc là tôi chết”, ngay sau đó ông đã gục ngã trên đường chạy và tử vong. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên tại Olympic.

Shizo Kanakuri thi đấu tại Olympic Stockholm 1912.
Shizo Kanakuri thi đấu tại Olympic Stockholm 1912. Ảnh: The Washington Post
Shizo Kanakuri trở về từ Thế vận hội 1924.
Shizo Kanakuri trở về từ Thế vận hội 1924. Ảnh: Wikipedia

Trong số 68 vận động viên tham gia marathon, chỉ có 34 người hoàn thành cuộc đua, trong đó không có Kanakuri. Sau khi chạy khoảng 25km, ông đã cảm thấy thân nhiệt mình tăng lên và dần suy nhược, khi tình cờ nhìn thấy một bữa tiệc gần đó, Kanakuri đã đi đến uống nước cam và nghỉ ngơi. Xấu hổ về thất bại của mình, ngày hôm sau, ông trở về Nhật Bản mà không thông báo cho cơ quan chức năng. Thậm chí Thụy Điển đã thêm Shizo Kanakuri vào danh sách những người mất tích.

Trở về Nhật Bản, ông bắt đầu hành trình tự hoàn thiện bản thân và đóng góp cho xã hội, để lại dấu ấn không thể phai mờ trong thế giới thể thao Nhật Bản. Năm 1916, ông tham gia Thế vận hội ở Berlin, nhưng cuối cùng đã bị hủy bỏ do Thế chiến thứ nhất bùng nổ.

Shizo Kanakuri trở về từ Thế vận hội 1924.
Shizo Kanakuri trở về từ Thế vận hội 1924. Ảnh: Wikipedia

Tại Thế vận hội 1920 ở Antwerp, Kanakuri đã hoàn thành cuộc chạy marathon Olympic đầu tiên của mình, về đích ở vị trí thứ 16 với thời gian 2 giờ, 48 phút và 45,4 giây. Bốn năm sau, ông đủ điều kiện tham dự sự kiện ở Paris nhưng không hoàn thành cuộc thi.

Hoàn thành cuộc đua còn
dang dở sau 54 năm

Tuy trở về Nhật Bản và đạt được những thành tích nhất định nhưng ở Thụy Điển, Kanakuri vẫn bị coi là người mất tích. Điều đó đã thay đổi vào cuối những năm 1960 khi một phóng viên người Thụy Điển phát hiện ra rằng Kanakuri đang làm giáo viên ở thành phố Tamana, tỉnh Kumamoto.

Kanakuri về đích ở Stockholm để “hoàn thành” chặng đường chạy kéo dài năm thập kỷ.
Kanakuri về đích ở Stockholm để “hoàn thành” chặng đường chạy kéo dài năm thập kỷ. Ảnh: Radiowave

Sau đó, Kanakuri được một đài truyền hình ở Stockholm mời quay trở lại thành phố để hoàn thành cuộc đua marathon dang dở năm nào. Vào ngày 20/03/1967, người đàn ông 75 tuổi cuối cùng đã hoàn thành cuộc đua sau hơn 5 thập kỷ. Thời gian chính thức của ông là 54 năm 8 tháng 6 ngày 5 giờ 32 phút 20,3 giây. Ông bình luận: "Đó là một hành trình dài. Trên đường đi, tôi đã kết hôn, có sáu người con và 10 đứa cháu."

Tấm gương về sự bền bỉ

Có thể thấy rằng, dù bỏ cuộc và thất bại ở Stockholm, Kanakuri vẫn không nản lòng, miệt mài tập luyện, truyền cảm hứng cho thế hệ vận động viên trẻ và tiên phong trong các sáng kiến thúc đẩy chạy đường dài. Trong đó có việc phát triển giải chạy tiếp sức Hakone Ekiden vào năm 1920, dựa trên ý tưởng về việc nuôi dưỡng những vận động viên chạy bộ có thể cạnh tranh trên thế giới.

Bấy giờ ông biết rằng Nhật Bản đã chuẩn bị rất kém so với các quốc gia khác khi Thế vận hội tiếp theo đang đến gần, vì thế ông đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thành lập Giải chạy Ekiden Tokyo-Hakone College. Giải chạy tiếp sức dành cho sinh viên này được coi là đã phổ biến môn chạy đường dài ở Nhật Bản, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi Kanakuri được coi là “cha đẻ của marathon”.

Từ năm 2004, giải thưởng cao nhất trong cuộc đua đã được đặt theo tên ông để vinh danh những đóng góp của Kanakuri dành Hakone Ekiden.

Giải chạy Hakone Ekiden ngày nay.
Giải chạy Hakone Ekiden ngày nay. Ảnh: Nippon

Trên hết, ông còn dành cả cuộc đời mình để tham gia các hoạt động truyền đạt kiến ​​thức, niềm đam mê của mình đến nhiều cộng đồng khác nhau, bao gồm cả trẻ em khiếm thị, thúc đẩy tính hòa nhập và trao quyền.

Hành trình của ông đóng vai trò như ngọn hải đăng của hy vọng và nguồn cảm hứng, nhắc nhở tất cả chúng ta rằng nếu có sự quyết tâm không lay chuyển thì ngay cả cuộc chạy marathon dài nhất cũng có thể được chinh phục. Nhiều người cho rằng nền tảng mà ông đặt ra đã đóng góp đáng kể vào thành công Olympic sau này của Nhật Bản.