eMagazine

Sanpo yoshi triết lý tạo nên sự thành công của doanh nghiệp Nhật

#Kilalaseries

Triết lý tạo nên sự thành công
của doanh nghiệp Nhật Bản

Bài: Hoàng ThiênThiết kế: IN191

Sự hài lòng của khách hàng luôn là yếu tố cốt lõi trong ngành dịch vụ của Nhật Bản. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho dịch vụ tại quốc gia này luôn nhận được sự đánh giá cao. Nhưng để tạo nên thành công bền vững kéo dài trong nhiều thập kỷ, yếu tố “hài lòng” trong kinh doanh đã phát triển rộng hơn và trở thành một triết lý, đó là “Sanpo Yoshi” - Sự hài lòng ba phía.

Sanpo Yoshi là gì?Sanpo Yoshi là gì?

Sanpo Yoshi (三方よし) được ghép từ “Sanpo” nghĩa là “ba phía” và “Yoshi” nghĩa là “tốt”, có thể hiểu nôm na là nghĩa “Sự hài lòng từ ba phía”. Trong đó, “Sanpo” theo triết lý này bao gồm: phía người bán, phía người mua và xã hội.

Sanpo Yoshi là triết lý kinh doanh tốt cho cả người bán, người mua và xã hội. Ảnh: yamauchi-inc.co.jp
Sanpo Yoshi là triết lý kinh doanh
tốt cho cả người bán, người mua và xã hội.
Ảnh: yamauchi-inc.co.jp

Theo đó, có thể hiểu rằng, triết lý kinh doanh này là yếu tố cốt lõi, đảm bảo rằng các giao dịch thương mại của doanh nghiệp giúp mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan chứ không chỉ cho chính doanh nghiệp đó. Bản thân doanh nghiệp hiểu rằng thành công của họ hoàn toàn là nhờ khách hàng và cộng đồng.

Tốt cho người bán
  • Các lợi ích của Sanpo Yoshi chia thành ba phía:
  • Urite Yoshi (売り手よし) - Tốt cho người bán
  • Kaite Yoshi (買い手よし) - Tốt cho người mua
  • Seken Yoshi (世間よし) - Tốt cho xã hội
Tốt cho người bán

Từ trước khi xuất hiện các thuật ngữ kinh doanh như Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility – CSR), Bộ ba cốt lõi bền vững (Triple Bottom Line – TBL) hay Tạo giá trị sẻ chia (Creating Shared Value – CSV), Sanpo Yoshi đã giữ cho các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động như những “công dân doanh nghiệp” có trách nhiệm.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) là mô hình kinh doanh tự điều chỉnh giúp một doanh nghiệp có trách nhiệm đối với bản thân, các bên liên quan và công chúng. Bằng cách thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, còn được gọi là tư cách công dân của doanh nghiệp, các công ty có thể nhận thức được tác động của họ có đối với tất cả các khía cạnh của xã hội, bao gồm kinh tế, xã hội và môi trường.

Bộ ba cốt lõi bền vững (TBL hoặc 3BL) là một khái niệm trong kinh doanh cho rằng các công ty nên cam kết đo lường các tác động của họ đến xã hội và môi trường (bên cạnh hiệu quả tài chính) thay vì chỉ tập trung vào việc tạo ra lợi nhuận. Nó có thể được chia thành "3 Ps": Profit - Lợi nhuận, People - Con người và Planet - Hành tinh.

Tạo giá trị sẻ chia (CSV) là mô hình kinh doanh tạo ra giá trị kinh tế, đồng thời giải quyết các nhu cầu và thách thức xã hội. Khi các doanh nghiệp hoạt động với tư cách là doanh nghiệp - không phải với tư cách là nhà tài trợ từ thiện - họ có thể cải thiện lợi nhuận song song với việc cải thiện hoạt động môi trường, sức khỏe cộng đồng và dinh dưỡng cũng như các phúc lợi xã hội khác.

Khởi nguồn của Sanpo YoshiKhởi nguồn của Sanpo Yoshi

Khởi nguồn của triết lý này được cho là từ một nhóm thương nhân sống ở thời Edo. Lúc bấy giờ, Nhật Bản có một tầng lớp thương nhân rất thành công được gọi là Omi Shonin (近江 商人). Đây là một nhóm nhỏ gồm khoảng 100 người, họ đi khắp nơi trên đất nước để buôn bán các vật dụng như màn chống muỗi, thuốc men, hàng vải dệt và một số hàng hóa khác đến từ quê nhà - vùng Omi (tỉnh Shiga ngày nay).

Chân dung của Omi Shonin. Ảnh: intojapanwaraku.com
Chân dung của Omi Shonin. Ảnh: intojapanwaraku.com

Nguồn gốc của các thương nhân Omi có thể bắt nguồn từ thời Kamakura và Nanboku-cho (thế kỷ 13 - 14), sự thành công của họ đến vào cuối thời Sengoku (thế kỷ 16) khi lãnh chúa Oda Nobunaga, người nắm giữ quyền điều hành vùng Omi, bắt đầu thiết lập các cơ sở thương mại tại vùng đất này. Trong đó nổi bật nhất là việc đề ra chính sách Rakuichi-rakuza (chính sách kinh tế thị trường tự do và phường hội mở) ở thị trấn gần Lâu đài Azuchi.

Chân dung của Omi Shonin. Ảnh: intojapanwaraku.com
Chân dung của Omi Shonin.
Ảnh: intojapanwaraku.com

Sự phát triển thương mại rực rỡ ở Omi tạo điều kiện cho các thương nhân nơi đây có thể đi đến những nơi mà họ muốn, tiếp tục thúc đẩy giao thương phát triển. Họ tìm thấy cơ hội ở những vùng đất khác nhau, vào những thời điểm khác nhau và mang theo những loại sản phẩm khác nhau. Đến thời Edo (1603 - 1868), những thương nhân này hội họp thành các nhóm theo nguồn gốc xuất thân, bao gồm: thương gia Takashima, thương gia Hachiman, thương gia Hino và thương gia Koto.

Từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, Omi Shonin dần dần mở rộng hoạt động và phát triển mạng lưới bán buôn trên toàn quốc, tiến hành giao thương từ Hokkaido ở phía Bắc đến tận mũi Kyushu phía Nam nước Nhật. Vào cuối thời kỳ Edo, họ đã trở thành một trong những nhóm thương nhân thành công và có sức ảnh hưởng lớn nhất ở Nhật Bản.

Chìa khóa dẫn đến thành công của họ là nhờ vào cốt lõi mang đến sự hài lòng cho ba bên: người bán - người mua - xã hội, hay chính là Sanpo Yoshi được đề cập ở trên. Họ tạo lập mối quan hệ tốt với khách hàng và địa phương mà họ làm việc.

Triển lãm thương nhân Omi Shonin tại Bảo tàng Thương gia Omi, thành phố Higashiomi, tỉnh Shiga. Ảnh: mainichi.jp
Triển lãm thương nhân Omi Shonin tại Bảo tàng
Thương gia
Omi, thành phố Higashiomi, tỉnh Shiga.
Ảnh: mainichi.jp

Họ hào phóng sử dụng lợi nhuận của mình vào hoạt động từ thiện, mang lại lợi ích cho cả cộng đồng, chẳng hạn như xây cầu và trường học, hỗ trợ cho các ngôi đền địa phương, thậm chí là đóng thuế cho các gia đình nghèo.

Một thương gia buôn bán vật dụng tre vào giữa thời Minh Trị. Ảnh: Hikoma Ueno
Một thương gia buôn bán vật dụng tre vào giữa thời Minh Trị.
Ảnh: Hikoma Ueno

Nakamura Jihei, một thành viên của nhóm thương nhân Omi Shonin sống giữa thời kỳ Edo, được cho là người đầu tiên đưa ra triết lý Sanpo Yoshi đã truyền lại lời dạy cho thế hệ sau của mình rằng: “Luôn đặt khách hàng lên hàng đầu. Khi đến những tỉnh khác, hãy làm mọi cách để người dân ở đó cảm thấy hài lòng khi sử dụng sản phẩm mà chúng ta mang đến”.

Một thương gia buôn bán vật dụng tre vào giữa thời Minh Trị. Ảnh: Hikoma Ueno
Một thương gia buôn bán vật dụng tre
vào giữa thời Minh Trị. Ảnh: Hikoma Ueno

Sanpo Yoshi là kinh doanh bắt nguồn từ việc mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, không chỉ riêng người bán và khách hàng. Các thương gia Nhật Bản từ lâu đã hiểu rằng họ mang ơn cộng đồng đem lại sự thành công cho mình, nên họ đền đáp lại cộng đồng bằng nhiều hoạt động từ thiện.

Triết lý Sanpo Yoshi trong xã hội hiện đạiTriết lý Sanpo Yoshi trong xã hội hiện đại

Triết lý Sanpo Yoshi vẫn giữ nguyên giá trị ngay cả trong bối cảnh xã hội hiện đại. Về cơ bản, các thương gia Omi duy trì sự thành công khi họ ý thức được nguyên tắc: buộc phải tập trung vào tính bền vững lâu dài của thị trường. Đó cũng là nguyên lý cốt lõi trong kinh doanh ở xã hội hiện đại.

Triết lý Sanpo Yoshi vẫn được nhiều doanh nghiệp Nhật duy trì đến tận ngày nay. Ảnh: medium.com
Triết lý Sanpo Yoshi vẫn được nhiều doanh nghiệp Nhật duy trì
đến tận ngày nay. Ảnh: medium.com

Trong bối cảnh thế giới bắt đầu yêu cầu trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội lớn hơn, nhiều doanh nghiệp cũng vận dụng triết lý Sanpo Yoshi vào kinh doanh. Từ lâu, trong kinh tế và thương mại đã tồn tại khái niệm “win-win”, tức đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, việc cân nhắc đến bên thứ ba là xã hội, cộng đồng vào mối quan hệ lợi ích này thì không đơn giản. Do đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản ứng dụng Sanpo Yoshi vào các nguyên tắc quản lý, kinh doanh để thực hiện được “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp – CSR”.

Triết lý Sanpo Yoshi vẫn được nhiều doanh nghiệp Nhật duy trì đến tận ngày nay. Ảnh: medium.com
Triết lý Sanpo Yoshi vẫn được nhiều doanh
nghiệp Nhật
duy trì đến tận ngày nay.
Ảnh: medium.com

Nhiều thế kỷ trôi qua, vẫn có nhiều công ty Nhật Bản vận dụng triết lý Sanpo Yoshi vào hoạt động kinh doanh và truyền bá những giá trị này đến với khách hàng, đối tác và nhân viên. Điển hình như tập đoàn thương mại tổng hợp Itochu được thành lập vào năm 1858, hoạt động trên các lĩnh vực chính như dệt may, kim loại/khoáng sản, thực phẩm, năng lượng/hóa chất, bất động sản, tài chính..., được xếp hạng 72 trong danh sách 500 công ty Fortune Global 500 vào năm 2020.

Chân dung Chubei Itoh I, người sáng lập nên doanh nghiệp Itochu. Ảnh: marubeni.com
Chân dung Chubei Itoh I, người sáng lập nên doanh
nghiệp Itochu. Ảnh: marubeni.com

Ban đầu, Itochu được xây dựng dựa trên triết lý Sanpo Yoshi bởi người sáng lập Chubei Itoh I, một thương gia Omi Shonin. Ông Chubei Itoh I từng nói: “Thương mại là một ngành kinh doanh nhân ái. Việc kinh doanh cao quý khi nó phù hợp với triết lý của Phật giáo, thông qua việc mang lại lợi ích cho người bán, người mua và cung ứng cho nhu cầu của xã hội”.

Vào tháng 04/2018, tập đoàn Itochu đã xây dựng kế hoạch phát triển bền vững, hướng tới đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững SDGs do Liên hợp quốc đề ra, dựa trên nền tảng triết lý Sanpo Yoshi sẵn có của tập đoàn.

Chân dung Chubei Itoh I, người sáng lập nên doanh nghiệp Itochu. Ảnh: marubeni.com
Chân dung Chubei Itoh I, người
sáng lập nên doanh nghiệp Itochu.
Ảnh: marubeni.com

Chẳng hạn như, ở mục tiêu SDGs thứ 9 “Công nghiệp, đổi mới và cơ sở hạ tầng”, tập đoàn Itochu tiến hành tái tạo lại hoạt động của mình thông qua việc đổi mới công nghệ bằng cách ứng dụng IoT, AI, Fintech; hay ở mục tiêu SDGs thứ 7 “Năng lượng sạch và bền vững” và mục tiêu SDGs thứ 13 “Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu”, Itochu đưa ra mục tiêu cố gắng thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu lên hoạt động kinh doanh, đồng thời nỗ lực để hiện thực hóa một xã hội carbon thấp, cụ thể là đưa ra mục tiêu nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên trên 20% vào năm tài chính 2031.

Trụ sở tập đoàn Itochu tại Tokyo. Ảnh: es.wikipedia.org
Trụ sở tập đoàn Itochu tại Tokyo.
Ảnh: es.wikipedia.org
Itochu SDGs Studio, không gian triển lãm, chụp ảnh, tổ chức sự kiện dành cho các sản phẩm thời trang SDGs tại quận Minato. Ảnh: fashionsnap.com
Itochu SDGs Studio, không gian triển lãm,
chụp ảnh, tổ chức sự kiện dành cho các
sản phẩm thời trang SDGs tại quận Minato.
Ảnh: fashionsnap.com

Trong khi duy trì vị thế là một cường quốc kinh tế với GDP cao thứ 3 thế giới, nước Nhật vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề phức tạp, từ già hóa dân số đến thiên tai xảy ra thường xuyên, và bất bình đẳng giới (chỉ có 5% vị trí cấp cao trong các công ty có quy mô vừa và lớn là do phụ nữ đảm nhiệm)... đòi hỏi sự chung tay giải quyết của toàn xã hội, từ chính quyền, doanh nghiệp đến từng cá nhân trong cộng đồng.

Do đó, với các doanh nghiệp nói riêng, đây có lẽ là thời điểm lý tưởng để họ quay trở lại nghiên cứu về triết lý Sanpo Yoshi lâu đời, cố gắng hoàn thành các mục tiêu bền vững để giải quyết được nhiều vấn đề xã hội tồn tại trong lòng xã hội Nhật Bản.