Nữ hoàng Himiko (卑弥呼), còn được gọi là Pimiko hoặc Pimiku, là một nữ tư tế - nữ hoàng của vương quốc Yamatai-koku cổ đại của Nhật Bản vào khoảng thế kỷ III. Bà được coi là người cai trị đầu tiên của Nhật Bản hoặc nhân vật có thẩm quyền đầu tiên trị vì khu vực mà sau này trở thành đất nước Nhật Bản. Triều đại của bà kéo dài hơn 59 năm từ năm 189 CN - 248 CN. Tuy nhiên sự tồn tại của bà vẫn còn có nhiều tranh cãi.
Theo các tài liệu lịch sử, Himiko được sinh ra vào khoảng năm 170 CN tại vùng Yamatai-koku cổ đại của Nhật Bản.
Chỉ có rất ít tư liệu về xuất thân của bà trong tài liệu của xứ Phù Tang, nhưng văn hóa dân gian Nhật Bản cho rằng bà là con gái của Thiên hoàng Suinin, người đã thành lập Thần cung Ise (Ise Jingu - 伊勢神宮), thành phố Ise, tỉnh Mie. Đây được xem là nơi linh thiêng nên các vị tu sĩ hoặc nữ tư tế của đền Ise phải đến từ Hoàng gia Nhật Bản và chịu trách nhiệm trông coi đền. Nữ tu hiện tại của ngôi đền là Sayako Kuroda, con gái của Thái thượng hoàng Akihito.
Tên của Himeko trong tiếng Nhật cổ có nghĩa là Đứa trẻ Mặt trời hoặc Con gái Mặt trời và có lẽ ám chỉ đến dòng dõi thần thánh của bà là từ Amaterasu, Nữ thần Mặt trời của Thần đạo. Tất cả những người cai trị Nhật Bản sau này đều được coi là hậu duệ của thần mặt trời.
Tại Nhật Bản, vào thế kỷ III CN, có khoảng 100 vương quốc trải dài trên các hòn đảo. Có vẻ như vương triều Yamatai là quyền lực nhất, sở hữu 30 tiểu bang vì nhà nước Trung Quốc đương thời đã công nhận bà là người cai trị tất cả các hòn đảo của Nhật Bản.
Những ghi chép lịch sử đầu tiên về Himiko được tìm thấy trong Tam quốc chí (Sanguo Zhi) cho rằng người Yayoi - 弥生人 (một dân tộc cổ đại di cư đến quần đảo Nhật Bản từ Hàn Quốc và Trung Quốc trong thời Yayoi (300 TCN – 300 CN)) đã chọn Himiko làm người cai trị và lãnh đạo tinh thần của họ, sau nhiều năm chiến tranh giữa các bộ tộc và các vị vua của “Wa” - tên cổ nhất của Nhật Bản.
Tuy nhiên, những lời kể của người Trung Quốc và Nhật Bản lại mâu thuẫn về danh tính và vị trí vương quốc của bà, đã khiến Himiko trở thành chủ đề tranh luận của các học giả. Theo Tam quốc chí, vương quốc của nữ hoàng Himiko nằm ở phía bắc của Kyushu, nhưng các tài liệu lịch sử khác nói rằng nó nằm ở hòn đảo chính của Nhật Bản, Honshu. Cuộc tranh luận bắt đầu từ thời Edo vẫn chưa lắng xuống cho đến tận ngày nay, thu hút một số nhà sử học tiến hành nghiên cứu về vấn đề này. Có một giả thuyết khác nói rằng Himiko trị vì vào cuối thế kỷ II và đầu thế kỷ III (189 CN - 248 CN).
Trong khi hầu hết các nhân vật có ảnh hưởng nhất của Nhật Bản thời kỳ đó vẫn chưa được công chúng biết đến do thiếu hồ sơ, một cuộc khảo sát do Bộ Giáo dục và Khoa học Nhật Bản thực hiện cho thấy 99% trẻ em Nhật Bản có sự nhận biết về Nữ hoàng Himiko.
Trong Gishi no Wajinden (truyền thuyết về người Wa dưới góc nhìn của người Trung Quốc cổ (người Ngụy)) ghi chép rằng, Nhật Bản cổ là một vùng đất trước đó được cai trị bởi một nam hoàng, đã phải đối mặt với sự hỗn loạn trong hơn 70 năm “Chán nản vì điều đó, người dân trong nước đã chọn Himiko làm người cai trị và trở thành nữ hoàng của họ. Bà đã mang lại sự ổn định và hòa bình giữa các bộ tộc đang chiến tranh”. Vào cuối thế kỷ II, khoảng 30 vương quốc nhỏ đã liên minh với nhau để tạo thành một vương quốc hoặc nhà nước liên minh được gọi là “Yamatai-koku” với Nữ hoàng Himiko đứng đầu.
Nữ hoàng Himiko được ghi chép trong sử sách Trung Quốc bởi bà đã cử một phái đoàn ngoại giao vào năm 238 CN tới hoàng đế nhà Ngụy – Tào Duệ, và phái đoàn mang những cống phẩm dâng lên hoàng đế Trung Hoa bao gồm: 6 nữ tì, 4 nam nô lệ và 2 mảnh vải được làm thủ công dài 20ft (khoảng 6m). Đồng thời, những lời đề nghị của bà lúc đó cũng được hoàng đế chấp nhận và đánh giá cao. Nữ hoàng Himiko cũng được công nhận là người cai trị Wa và là người bạn của nước Ngụy.
Để thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao của đất nước với xứ Wa, Hoàng đế Ngụy cũng gửi tặng Nữ hoàng Himiko một con dấu bằng vàng, được trang trí bằng dải ruy băng màu tím, thông qua một sứ giả Trung Quốc.
Văn bản cổ nhất của Hàn Quốc "Samguk Sagi" (Tam quốc sử ký) cũng thừa nhận sự hiện diện của một nữ cai trị được gọi là Himiko, người đã cử các nhà ngoại giao của mình đến gặp Vua Adalla của xứ Silla (vương quốc Triều Tiên) vào tháng 05/172.
Tuy vậy, trên thực tế về sau Nữ hoàng Himiko để lại việc điều hành quốc gia cho em trai của mình, nhưng Nữ hoàng Himiko rất có thể nắm giữ quyền lực thực tế lớn hơn vai trò nghi lễ và tôn giáo của mình. Bà được bảo vệ bởi một đội quân lớn và được xem là người cai trị thực thụ, với sức mạnh phi thường.
Nữ hoàng Himiko giữ vai trò nghi lễ của một nữ tư tế pháp sư, nữ tiên tri hoặc thiếu nữ đền thờ (Miko) với việc giao tiếp cùng các vị thần. Cuốn Gishi no Wajinden mô tả bà là một người đã “thể hiện bản thân bằng phép thuật và nhận được sự tin tưởng của mọi người”.
Tuy nổi tiếng là thế nhưng Nữ hoàng Himiko được bao phủ bởi sự bí ẩn. Bà hiếm khi xuất hiện trước công chúng, sống trong pháo đài được canh gác cẩn thận, có 1.000 cung nữ hầu hạ và một nam cận vệ đóng vai trò là người phát ngôn của nữ hoàng.
Vương quốc Yamatai thịnh vượng dưới sự cai trị của Nữ hoàng Himiko và được ghi nhận trong ghi chép của Gishi no Wajinden là có hơn 70 nghìn hộ gia đình, luật lệ và hệ thống thuế được tổ chức tốt, thương mại phát đạt. Bà được nhận xét là hiền lành và yêu hòa bình.
Nhiều năm sau, khi Nữ hoàng Himiko qua đời, người dân đã xây một gò chôn cất lớn (đường kính khoảng 100m) cho bà. 1.000 người phục vụ nam và nữ đã hy sinh để chôn cất cùng với nữ hoàng của họ. Bà không có con cái nối dõi và sống độc thân cho đến cuối đời. Cái chết của Himiko đánh dấu sự kết thúc của Thời kỳ Yayoi và mở ra Thời kỳ Kofun (khoảng năm 250 - 538 CN).
Sau khi Himiko băng hà, Thiên hoàng là nam đã lên ngôi thay thế nhưng không được bao lâu thì vương quốc rơi vào tình trạng mất đoàn kết và chiến tranh lại xảy ra. Chỉ đến khi Iyo, một cô gái 13 tuổi có quan hệ họ hàng với Himiko được đưa lên ngai vàng, hòa bình được lập lại và cuộc chiến kết thúc.
Năm 2009, các nhà khảo cổ học Nhật Bản tuyên bố rằng họ đã phát hiện ra mộ của Himiko ở Hashihaka Kofun, thuộc thành phố Sakurai của Nara. Họ xác định niên đại bằng carbon phóng xạ/ phân tích đồng vị carbon, được sử dụng để xác định các di tích được tìm thấy, và cho thấy ngôi mộ thuộc về thời kỳ 240 - 260 CN. Tuy nhiên, Cơ quan Hoàng gia Nhật Bản đã ra lệnh cấm khai quật ở Hashihaka, vì nơi đây được chỉ định là nơi chôn cất của hoàng gia.
Vị trí của vương quốc Yamatai (cũng như nơi chôn cất Nữ hoàng Himiko) vẫn còn là một bí ẩn và là chủ đề của một cuộc tranh cãi học thuật lớn về việc liệu miền bắc Kyushu hay Kinai là trụ sở thực sự của Nữ hoàng Himiko.
Những đồ vật do con người tạo ra thường mang trong mình một phần tinh thần của người làm ra hoặc sở hữu chúng. Điều này đặc biệt xảy ra với những chiếc gương thần của Trung Quốc và Nhật Bản.
Chiếc gương được khai quật tại Lăng mộ Higashinomiya ở Aichi, Nhật Bản được nhận định thuộc loại gương được gọi là Sankakubuchi Shinjukyo. Đồ vật này được liên kết với Nữ hoàng Himiko, một số tấm gương được tìm thấy trong lăng mộ được khắc năm 239, vào thời điểm mà một vị hoàng đế Trung Quốc, theo một số biên niên sử Trung Quốc, được cho là đã tặng 100 chiếc gương đồng cho Nữ hoàng pháp sư Himiko.
Gương tròn làm bằng đồng, có đường kính từ 15 - 20 cm và được trang trí ở mặt sau với các họa tiết động vật, thực vật hoặc các vị thần, mặt trước là gương. Kì lạ thay, khi chiếu một tia sáng thẳng từ mặt gương thì mọi hoa văn và họa tiết ở mặt sau gương đều phản chiếu ánh sáng lên bề mặt đối diện.
Hiện tượng này chỉ được giải thích một cách khoa học cách đây một thời gian tương đối ngắn, khi gương được đánh bóng, ứng suất được tác động lên các phần mỏng, gương sẽ uốn cong, khiến các phần đó khó bị mài mòn hơn, không giống như các phần ở trên phần dày hơn. Kết quả là, độ cao và độ lõm phù hợp với hoa văn ở mặt sau được hình thành, ảnh hưởng đến cách ánh sáng phản xạ khỏi bề mặt. Điều này cho phép hoa văn ở mặt sau xuất hiện khi ánh sáng phản chiếu từ gương lên bề mặt khác.
Nhưng trong nhiều thế kỷ, khi chưa có sự xuất hiện của khoa học thì hiện tượng này của những chiếc gương vẫn nằm trong lĩnh vực “ma thuật”. Dù có sự lý giải như thế nào thì phát hiện này càng củng cố hơn sự tồn tại của Nữ hoàng Himiko.
Bất chấp việc các nhà lịch sử học, khảo cổ học... tranh cãi về sự tồn tại của Himiko thì bà vẫn giữ vị trí quan trọng trong lòng người dân Nhật Bản và còn được sử dụng trong các ấn phẩm tuyên truyền.
Ở vùng Kinai, thành phố Sakurai (nơi Hashihaka Kofun tọa lạc) có hình Nữ hoàng Himiko trên các bảng hiệu hay cả những phương tiện trực tuyến. Các nhà lãnh đạo thành phố đã tạo bộ phim hoạt hình ngắn theo chủ đề Himiko và có một trang web riêng có tên "Trang của Himiko-chan".
Thậm chí bà còn là “gương mặt đại diện” cho một chiến dịch học đường kêu gọi học sinh nhai kĩ thức ăn, để cải thiện tiêu hóa và sức khỏe răng miệng.
Bạn thậm chí có thể được trao vương miện "Nữ hoàng Himiko" bằng cách tham gia một trong một số những cuộc thi sắc đẹp có tên gọi “Cuộc thi Nữ hoàng Himiko”.
Ở Kyushu, có những bức tượng của Himiko bên ngoài ga Kanzaki, gần hẻm núi Takachiho Miyazaki, và trong khuôn viên của đền Himiko ở Hayato.
Thành phố Yoshinogari tổ chức lễ hội đốt lửa hàng năm với sự xuất hiện của Nữ hoàng Himiko. Và nhà máy bia Kyushu cho ra đời loại rượu shochu "Himiko Fantasia".
Himiko cũng là nguồn cảm hứng cho các nhân vật trong nhiều bộ phim, tiểu thuyết, manga, anime và trò chơi điện tử. Một nữ hoàng quyền lực và uy nghiêm cai trị với quyền uy và sự duyên dáng trong cuốn sách bán chạy nhất năm 1967 "Maboroshi no Yamatotaikoku". Phiên bản điện ảnh năm 2008 của cuốn sách có sự tham gia của Sayuri Yoshinaga - nữ diễn viên Nhật Bản được kính trọng trong vai Nữ hoàng Himiko, và hình ảnh của bà trong vai diễn này đã được chính phủ Nhật Bản lựa chọn cho một bộ tem kỷ niệm.
Một bản sao của nữ hoàng cũng xuất hiện trong manga Afterschool Charisma và trong anime Shangri-la. Hay trò chơi điện tử Tomb Raider năm 2013 có sự xuất hiện của Himiko. Đồng thời bản phim điện ảnh năm 2018 với sự tham gia của Alicia Vikander kể về hành trình nữ chính du hành đến một hòn đảo bí mật ở Nhật Bản để tìm kiếm người cha đã mất của mình, nơi cô phát hiện ra ngôi mộ của Hoàng hậu Nhật Bản bí ẩn Himiko.