Departures - tác phẩm từng đoạt tượng vàng Oscar với giải “Phim nước ngoài hay nhất” năm 2008. Bộ phim của đạo diễn Takita Yojiro đã trở thành một kiệt tác điện ảnh giàu tính nghệ thuật, truyền tải những triết lý nhân sinh sâu sắc.
Nội dung phim kể về người đàn ông từng trải Kobayashi Daigo (Motoki Masahiro) làm công việc khâm liệm, đưa tiễn người chết sang thế giới bên kia. Dù chịu những sự khinh rẻ, coi thường, phản đối của mọi người xung quanh, nhưng nghề này đã giúp Daigo thấu hiểu cuộc sống, học cách an nhiên, tự tại đối diện với hiện thực, với sự đời luôn đổi thay.
Departures miêu tả chân thực về những người làm nghề tang lễ truyền thống tại xứ hoa anh đào. Ở đời thực, những ai làm nghề này gọi là “Nokanshi - 納棺師” và trong xã hội Nhật hiện nay công việc của họ vẫn chịu sự xa lánh của một số người.
Người thực hiện những nghi thức trong tang lễ
Tang lễ của người Nhật là nghi lễ mang tính nghi thức cao, thường tiến hành theo tiêu chuẩn, thủ tục Phật giáo, thường được chia thành hai phần, Otsuya (お通夜) và Osoushiki (お葬式). Nokanshi sẽ chuẩn bị các bước cần thiết cho thi thể để hoả táng với các công việc chính là:
Thực hiện nghi lễ Yukan - lễ tắm rửa cuối cùng: Cơ thể và tóc của người quá cố được rửa sạch và thanh lọc bằng nước ấm. Thi thể được giữ sạch sẽ mang ý nghĩa bỏ những lo lắng, đau khổ, tạp chất để người đã khuất thanh lọc bản thân, chuẩn bị cho “hành trình” sang kiếp sau.
Phục sức cho người mất: Ở bước này, Nokanshi sẽ mặc quần áo và trang điểm cho người quá cố. Thường thì thi thể hay mặc trang phục màu trắng hoặc mặc đồ theo nguyện vọng, yêu cầu từ phía người thân gia đình.
Điều quan trọng nhất là Nokanshi sẽ thực hiện việc xoa bóp cơ thể, chỉnh sửa lại để thi thể gần giống nhất với hình dáng khi còn sống.
Nghi thức ướp xác cũng được thực hiện với những chất bảo quản để ngăn chặn cơ thể bị phân hủy. Việc ướp xác có thể cần thiết hoặc không, nhưng nhu cầu được ghi nhận là đang gia tăng trong những năm gần đây. Công đoạn này thường đòi hỏi ở những Nokanshi có kinh nghiệm và giỏi về kiến thức chuyên môn.
Cuối cùng Nokanshi thực hiện nghi lễ đặt thi thể trong quan tài, cùng với tài sản cá nhân và những vật dụng cần thiết của người đã khuất.
Một nghề nghiệp thiêng liêng
Trong văn hóa phương Đông, cái chết không phải là đánh dấu cho sự kết thúc mà là khởi đầu cho một hành trình mới sang thế giới bên kia.
Vì vậy người đã khuất sẽ cần được thanh tẩy, rũ bỏ hết những vương vấn “bụi trần” ở dương gian để thanh thản ra đi. Và người thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng này là Nokanshi.
Bất kỳ ai cũng có thể trở thành Nokanshi vì công việc ngay khi bắt đầu vào làm không yêu cầu về bằng cấp và quá đòi hỏi về kinh nghiệm.
Theo "Khảo sát thống kê cơ bản về cơ cấu tiền lương năm 2021" của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản thì Nokanshi có thu nhập trung bình hằng năm là khoảng hơn 3,8 triệu yên (khoảng hơn 621 triệu VNĐ) và độ tuổi lao động trung bình rơi vào khoảng 42,3 tuổi.
Tuy nhiên làm một Nokanshi không phải dễ và không phải ai cũng kiên trì gắn bó lâu dài với công việc đặc thù này. Vì Nokanshi cần thực hiện theo nghi lễ với yêu cầu cao, đòi hỏi sự tận tâm.
Trong Departures, nhân vật chính Daigo đã gặp nhiều khó khăn, trải qua nỗi khổ tâm khi anh từ một nghệ sĩ Cello nay lại phải bắt đầu với nghề khâm liệm.
Daigo cảm thấy nhục nhã nơi công cộng khi mọi người ngửi thấy mùi khó chịu từ anh. Mùi này “ám” vào cơ thể anh sau khi làm việc với một xác chết tại một đám tang.
Anh còn phải đối mặt với sự tẩy chay của xã hội. Vợ anh bỏ đi khi phát hiện ra chồng mình làm công việc này và mong muốn Daigo tìm việc mới đáng kính trọng hơn.
Theo Yuko Nakajima, một Nokanshi làm việc cho Aqua Quality Staff Co. có trụ sở tại Tokyo chia sẻ rằng:
“Một số người tỏ ra khinh thường khi tôi nói với họ rằng tôi làm việc với người chết và bố mẹ tôi cũng không hoàn toàn ủng hộ công việc này. Nhưng một khi mọi người nhìn thấy những gì chúng tôi đang làm, chắc chắn họ sẽ thay đổi suy nghĩ”.
Yuko cho biết cô phải xử lý tình trạng xác chết với các giai đoạn phân hủy khác nhau. Có nhiều trường hợp rất tồi tệ, có những xác chết đã bị phân hủy đến mức không thể nhận dạng được. Đặc biệt là những “xác chết cô đơn” của người già khiến cô ám ảnh mãi về sau.
Yuko cũng phải trải qua sự kỳ thị, xa lánh của một số người khi họ biết cô là Nokanshi. Cô chia sẻ ban đầu cũng cảm thấy xấu hổ và giấu diếm việc mình làm, nhưng dần thì cô cảm thấy yêu nghề và tự hào vì bản thân là một Nokanshi.
Với cô đây là một công việc thiêng liêng và ý nghĩa, giúp cô học hỏi được nhiều điều, trải nghiệm sự sinh ly từ biệt trong nhiều hoàn cảnh.
Định kiến về Nokanshi đã có từ thời xa xưa bất chấp tầm quan trọng của người thực hiện các nghi thức trong tang lễ truyền thống ở Nhật.
Theo quan điểm cũ thì người Nhật cho rằng mọi thứ liên qua đến cái chết đều được cho là nguồn gốc của sự ô uế cần phải tẩy rửa sạch sẽ. Vì vậy sau khi tiếp xúc với người chết, các cá nhân phải thanh lọc cơ thể thông qua nghi lễ thanh tẩy.
Thế nên những ai làm việc với xác chết như Nokanshi đều bị cho là ô uế cần được thanh tẩy. Trong thời phong kiến, những người làm công việc liên quan đến cái chết thường bị xã hội phân biệt đối xử, xem là tiện dân.
Đến thời Minh Trị từ năm 1868, mặc dù đã có những cải cách đáng kể trong văn hóa xã hội nhưng sự kỳ thị cái chết vẫn còn tồn tại và Nokanshi vẫn bị rẻ rúng.
Cho đến những năm 1970 thì định kiến này dần bị xóa bỏ dần khi Nokanshi trở nên phổ biến hơn, hầu hết các trường hợp tử vong đều do gia đình, nhà tang lễ hoặc Nokanshi xử lý.
Hiện nay dù xã hội ngày càng phát triển hiện đại hơn, nhu cầu về công việc này càng nhiều hơn thì những quan điểm cổ hủ lạc hậu, kỳ thị về Nokanshi vẫn chưa được xóa bỏ hoàn toàn, nó vẫn còn tồn tại trong tư tưởng của một số người.
May mắn thay, đó chỉ là thiểu số khi đa số người dân Nhật đã dần cởi mở hơn và có cái nhìn khác về Nokanshi, không còn khắt khe nữa mà dành là sự tôn trọng, biết ơn những “người tiễn đưa”.