Robin Hood có lẽ là cái tên không quá xa lạ, một huyền thoại của văn học dân gian Anh từng nhiều lần xuất hiện trong các tác phẩm điện ảnh Tây phương. Ông được biết đến là một cung thủ, kiếm sĩ tài giỏi và nổi tiếng với việc cướp của người giàu chia cho người nghèo. Ở Nhật Bản cuối thời Edo lan truyền một truyền thuyết về người có tên gọi Nezumi Kozo cũng lấy tài sản của Daimyo – lãnh chúa, tuy nhiên lại không phải để chia cho người nghèo. Nhưng bởi những đặc thù trong xã hội thời đó mà ông cũng được ví như Robin Hood. Câu chuyện về Nezumi trở thành nguồn cảm hứng cho những vở kịch Kabuki, bài hát dân gian, văn hóa đại chúng thời hiện đại tại xứ Phù Tang.
Nezumi Kozo tên thật là Nakamura Jirokichi (1797 - 1831), con trai của một gia đình làm nghề thợ hồ. Theo một số ghi chép, biệt danh Nezumi Kozo có nghĩa là “cậu bé chuột”, với “Nezumi” là “chuột” và “Kozo” là “cậu nhóc/ nhóc” nhưng thường được dùng với nghĩa tiêu cực như một kẻ móc túi. Ngoài việc Nezumi chuyên len lỏi, đột nhập vào nhà của những người giàu có để ăn cắp như chuột thì ông cũng mang theo một chiếc túi đựng đầy những con chuột. Khi đến nơi, Nezumi thả chúng ra, tiếng kêu của chuột sẽ át đi tiếng lục lọi và phân tán sự chú ý của gia chủ.
Trước khi hành nghề đạo chích, Nezumi đã từng theo cha đi làm thợ hồ, nhưng do những hành vi sai trái, ông đã bị cha từ mặt khi 25 tuổi. Sau đó Nezumi sa đà vào cờ bạc, rượu chè và phát sinh hành vi ăn trộm. Nhờ vào kỹ năng có được khi làm nghề thợ hồ trước đây, Nezumi trà trộn vào nhóm thợ đến sửa sang hoặc xây dựng dinh thự, trong thời gian làm việc, ông quan sát cách vận hành của ngôi nhà, bao gồm những nơi cất giữ các món đồ quan trọng. Sau đó chờ thời điểm thích hợp, Nezumi sẽ đột nhập và lấy đi tài sản.
Sau này, nhiều người hành hương đã lấy những mảnh vỡ trên bia mộ của Nezumi mang về làm kỷ niệm như một lá bùa, nên bia mộ của ông nhiều lần phải tu sửa.
Đến năm 1822, Nezumi thừa nhận đứng sau 32 vụ trộm ở khoảng 28 dinh thự của các Samurai, ông bị bắt, kết án lưu đày và bị trục xuất khỏi Edo. Sau khi biến mất một thời gian, ông bí mật quay trở lại và tiếp tục hành nghề.
Năm 1832, Nezumi Kozo bị bắt khi đang thực hiện phi vụ tại dịnh thự của gia tộc Obata ở Kozuke, Nihonbashihama-cho. Đến lúc này, ông thú nhận có liên quan đến vụ trộm tại hơn 100 dinh thự, lấy đi số tiền là 30.000 ryo (đơn vị tiền vàng thời Edo) trong suốt 15 năm sự nghiệp của mình.
Sau đó, ông bị trói vào ngựa và giải ra pháp trường trước sự chứng kiến của công chúng, rồi bị xử trảm tại khu hành quyết Suzugamori. Đầu của ông sau đó bị treo trên một cây cọc ở chốn đông người. Ông được chôn cất tại Eko-in, thuộc khu Ryogoku của Tokyo.
Trên thực tế, không có bằng chứng cho thấy Nezumi lấy tiền của người giàu chia cho người nghèo mà ông ta chỉ sử dụng tiền ăn trộm để phục vụ cho những nhu cầu của bản thân: cờ bạc, rượu chè, phụ nữ... Tuy nhiên, chính vì đặc thù thời bấy giờ mà việc làm của Nezumi lại không phải nhận sự chỉ trích từ dân chúng.
Vào thời điểm đó, lãnh chúa Mizuno Tadakuni đã đề ra đạo luật hạn chế sự xa hoa, được gọi là “Cải cách Tenpo”. Mục tiêu là ổn định nền kinh tế thông qua việc quay về với lối sống tiết kiệm, đơn giản và kỷ luật, vốn là đặc trưng từ đầu thời kỳ Edo. Vì thế, chính quyền đã cấm hầu hết các hình thức giải trí và phô trương sự giàu có. Việc áp dụng quy định theo cách quá khắc nghiệt đã không được lòng dân thường.
Chính vì thế, những hành động nhắm vào các lãnh chúa như việc làm của Nezumi đã được người dân ủng hộ.
Bên cạnh đó, Nezumi cũng có những quy tắc riêng trong công việc của mình: hành động một mình; không hại người khác; chỉ trộm vàng bạc chứ không lấy những đồ vật khác. Đặc biệt, việc cố gắng không để người khác liên lụy đã khiến hình ảnh Nezumi trở thành anh hùng.
Cụ thể, theo điều luật thời đó, người nhà của những người bị kết án cũng sẽ chịu liên đới. Tuy nhiên, cha mẹ Nezumi đã từ ông từ lâu, với những người vợ và thiếp, ông buộc họ ký đơn ly hôn trước khi bị kết án để họ không bị liên lụy.
Nhiều người cho rằng, hai lý do chính khiến Nezumi Kozo có thể hành nghề trong hơn 10 năm mà không bị bắt đến từ cách hành động kín kẽ của Nezumi và lòng tự trọng của các lãnh chúa.
Dù lấy được rất nhiều tiền nhưng Nezumi lại không thể hiện bản thân mình là một kẻ dư dả, điều này khiến ông không bị nghi ngờ. Đồng thời, nơi mà ông ăn trộm là dinh thự của các lãnh chúa, Samurai và quả thực là điều đáng xấu hổ khi nhà của những người cao quý với đội quân bảo vệ hùng hậu, an ninh thắt chặt lại không thể ngăn được một tên trộm.
Chính vì thế, những vụ trộm thường được chính gia đình giữ kín và chỉ khi Nezumi bị bắt thì những nơi ông từng “viếng thăm” mới được công khai.
Chính vì những mảng đối nghịch trong câu chuyện của Nezumi mà ông đã trở thành cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật từ kịch Kabuki, tiểu thuyết, phim ảnh đến manga và anime... từ xa xưa đến tận ngày nay.