eMagazine
0%

Cô ấy ghét số học, nhưng giỏi ngôn ngữ, âm nhạc và nghệ thuật. Cô ấy cũng thích ăn kem. Điều này khiến nhiều người nghĩ “Nghe giống nói về tôi quá!". Nhưng đây là mô tả về Licca-chan - một cô búp bê rất được các cô gái trẻ Nhật Bản yêu thích. Sức ảnh hưởng của Licca-chan “vượt mặt” cả Barbie ở xứ Phù Tang.

Nhật Bản có một nền văn hóa búp bê đồ sộ có tên gọi là Ningyo -人形 với đa dạng các loại búp bê phục vụ cho các mục đích khác nhau: Búp bê Hina – dành cho Lễ hội búp bê của các bé gái; Búp bê Daruma đại diện cho Bồ Đề Đạt Ma; Búp bê Gosho – đại diện cho trẻ sơ sinh; Búp bê Kokeshi không tay; Búp bê Karakuri – được xem là tiền đề cho việc phát triển robot ngày nay…

Tuy vậy có một loại búp bê thời trang tương tự như Barbie cực kì được yêu thích ở Nhật Bản, đó là Licca-chan.

Licca-chan là ai?

Licca-chan là tên của một con búp bê thời trang* làm bằng nhựa, xuất hiện lần đầu vào năm 1967. Mặc dù búp bê Barbie của Mỹ đã có mặt ở Nhật Bản vào thời điểm đó, nhưng khuôn mặt nhỏ nhắn dễ thương của Licca-chan đã đánh cắp trái tim của các cô gái trẻ Nhật Bản. Giống như các cô gái ngày nay, khi họ khoác lên mình bộ váy cô dâu cho búp bê Licca-chan, những cô gái của thời ấy hẳn đã mơ về tương lai của chính mình và tự nhủ: "Mình sẽ trở thành cô dâu giống như Licca-chan".

*Búp bê thời trang là loại búp bê được thiết kế chủ yếu để mặc nhiều loại trang phục khác nhau, phản ánh xu hướng thời trang của từng giai đoạn. Búp bê đa dạng theo từng độ tuổi, giới tính và cả một số biến thể không phải con người. Chúng được sản xuất vừa làm đồ chơi cho trẻ em vừa làm đồ sưu tầm cho người lớn.

Những tạo hình đa dạng của Licca-chan
Những tạo hình đa dạng của Licca-chan. Ảnh: licca.takaratomy
Những tạo hình đa dạng của Licca-chan
Những tạo hình đa dạng của Licca-chan. Ảnh: licca.takaratomy

Sự ra đời củaLicca-chan

Vào năm 1966, công ty đồ chơi Takara (hiện nay được biết đến với cái tên Takara Tomy) lên kế hoạch tham gia vào thị trường búp bê thời trang, bằng cách tạo nên những ngôi nhà theo kích thước của những loại búp bê nổi tiếng thời điểm đó (trong đó có Barbie), để mọi trẻ em có thể mang chúng theo.

Những cô búp bê với gương mặt như nhân vật trong Anime
Những cô búp bê với gương mặt như nhân vật trong Anime.

Tuy nhiên bắt tay thực hiện, những nhà sáng tạo nhận ra tính bất khả thi của dự án khi kích thước thực tế của những ngôi nhà này lớn hơn dự kiến, đồng thời không phù hợp với người Nhật thời bấy giờ. Cuối cùng, Yasuhiro Kojima - Giám đốc điều hành cấp cao của Takara Co. thời điểm ấy đã quyết định tạo ra "một con búp bê nhỏ và có ngôi nhà riêng, dành cho các cô gái Nhật Bản".

Những cô búp bê với gương mặt như nhân vật trong Anime
Những cô búp bê với gương mặt như nhân vật trong Anime.
Licca-chan
Ảnh: takaratomy

Các cô gái Nhật Bản đều thích các tạp chí truyện tranh Shoujo, bản thân Kojima cũng là người say mê đọc truyện tranh. Trong cuốn sách "Licca-chan Umaremasu” do Sobisha Inc. xuất bản, Kojima đã viết: "Tôi nảy ra một ý tưởng tuyệt vời. Tại sao không tạo ra một bản sao ba chiều của thế giới truyện tranh Shoujo đẹp như mơ?”

Cuối cùng một cô búp bê cao 21cm, có thể cầm dễ dàng trong lòng bàn tay, gương mặt của một cô gái trong anime, với thiết kế do cựu họa sĩ Manga Shoujo – Miyako Maki, tạo nên.

Ngay cả sau khi rời khỏi vị trí phát triển sản phẩm, Kojima vẫn tiếp tục tham gia cùng Licca-chan, đưa ra lời khuyên khi cần thiết, dựa trên triết lý nền tảng "luôn phát triển sản phẩm từ quan điểm của trẻ em".

Licca Kayama

Profile

LICCA Kayama

Sinh nhật: 03/05/1967

Tuổi: 11 tuổi

(Học sinh lớp 5 trường tiểu học Shirakaba Gakuen)

Chòm sao: Kim Ngưu

Chiều cao: 142 cm

Cân nặng: 34 kg

Tính cách: Vui vẻ nhưng hơi bốc đồng

Nghề nghiệp tương lai: Nhà thiết kế

Màu yêu thích: Trắng và hồng

Loài hoa yêu thích: Hoa hồng đỏ

Sở thích: Ca hát, chơi piano, mua sắm và làm bánh

Cuốn sách yêu thích: Anne of Green Gables và A Little Princess

Gia đình Licca

Gia đình Licca

Từ năm 1967 cho đến nay, Licca-chan đã trải qua 4 phiên bản. Khi lần đầu ra mắt Licca-chan có mái tóc xoăn màu nâu với phần mái xéo.

Đến năm 1972, ngoại hình của Licca-chan được thay đổi với mái tóc chuyển sang nâu đỏ và để ngôi giữa.

Thế hệ thứ ba được ra mắt vào năm 1982 với tóc màu nâu thẳng và hơi mỉm cười, giờ đây có thể đeo bông tai cho Licca-chan. Và cuối cùng là vào năm 1987, tóc Licca-chan lại chuyển sang màu vàng, đôi mắt dường như to hơn và tăng chiều cao lên thành 22cm.

Bốn thế hệ của Licca-chan
Bốn thế hệ của Licca-chan. Ảnh: charabizasia
Bốn thế hệ của Licca-chan
Bốn thế hệ của Licca-chan. Ảnh: charabizasia

Sức hấp dẫn đến từ Licca-chan

Vào năm 2001, 34 năm sau sự xuất hiện của Licca-chan ban đầu, một phiên bản trường thành của Licca-chan đã xuất hiện. Đây là loại búp bê mang thai có tên Konnichiwa Akachan (Xin chào em bé), đi kèm các phụ kiện trẻ em bao gồm yếm, bình sữa và lục lạc.

Sau khi mua được hai tuần, một con búp bê trẻ em sẽ được gửi đến, kèm theo một cuốn sổ tay sức khỏe bà mẹ và trẻ em, cùng các vật dụng khác. Một trong những món đồ đó là chiếc chìa khóa bí mật mà chủ nhân có thể sử dụng để tách chiếc bụng to của búp bê mẹ ra, ngay lập tức khôi phục Licca-chan về hình dạng trước khi mang thai.

Búp bê Konnichiwa Akachan dành cho những người phụ nữ mang thai
Búp bê Konnichiwa Akachan dành cho những người phụ nữ mang thai.

Vào năm 2002, nhà sản xuất báo cáo đã bán được 48 triệu búp bê Licca-chan trong 35 năm qua và doanh số bán búp bê Licca-chan dành cho bà bầu đã có một khởi đầu tốt. Theo người phát ngôn của công ty: "Chúng tôi đã đặt mục tiêu 100.000 mẫu khi mới phát hành, nhưng chúng tôi đã đạt được mục tiêu đó chỉ sau một tháng. Chúng tôi đang lên kế hoạch mở rộng sản xuất thêm 50.000 búp bê".

Búp bê Konnichiwa Akachan dành cho những người phụ nữ mang thai
Búp bê Konnichiwa Akachan dành cho những người phụ nữ mang thai.
trẻ em
Ảnh: licca.takaratomy

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 35 của Licca-chan, lễ hội mang tên cô búp bê đã được tổ chức từ ngày 01 – 14/01/2002. Những cô bé tham gia sự kiện đều đi cùng mẹ và khi chụp hình cùng Licca-chan kích thước bằng người thật, một cô bé đã chia sẻ: “Em đã được nghe mẹ kể về việc mẹ từng chơi búp bê Licca-chan khi bà còn nhỏ”. Có thể thấy, Licca-chan đã gắn bó với nhiều thế hệ trẻ em gái Nhật Bản.

Cuốn sách kỷ niệm 50 năm Licca-chan
Cuốn sách kỷ niệm 50 năm Licca-chan. Ảnh: prtimes
Cuốn sách kỷ niệm 50 năm Licca-chan
Cuốn sách kỷ niệm 50 năm Licca-chan. Ảnh: prtimes

Ngày nay, không khó để thấy những video của người hâm mộ làm riêng cho Licca-chan, từ việc thiết kế trang phục, xây dựng nhà ở đến những bộ ảnh thời trang, thu hút hàng triệu lượt xem trên instagram.

Minami Murayama, một người nội trợ 34 tuổi từng có tham vọng trở thành nhà thiết kế thời trang, hài hước chia sẻ rằng "giấc mơ của tôi đã thành hiện thực với kích thước chỉ bằng 1/6, nhờ Licca-chan".

Tác phẩm sáng tạo của Minami Murayama
Tác phẩm sáng tạo của Minami Murayama. Ảnh: Japan Times

"Nếu tôi thấy một người phụ nữ sành điệu mặc thứ gì đó mà tôi không thể mặc vì tuổi tác hoặc kích thước cơ thể, thì Licca-chan vẫn có thể mặc nó và trông rất ổn", Murayama hiện sở hữu khoảng 40 con búp bê và đã làm thủ công hơn 1.000 con.

Murayama dành hàng giờ để may quần áo cho búp bê của mình và yêu thích chất liệu denim, thứ mà cô được chồng hỗ trợ mài và xé để có được vẻ ngoài “bụi bặm”.

Không dừng lại ở đó, cô đã xây dựng một loạt các bối cảnh phức tạp, sử dụng những đạo cụ nhỏ để trang trí các quán cà phê mini và studio thời trang.

"Có rất nhiều công việc khác nhau mà tôi muốn làm, chẳng hạn như điều hành một quán cà phê, một tiệm bánh hay trở thành một nhà thiết kế thời trang. Tất nhiên, tôi không thể làm tất cả chúng trong đời thực, nhưng tôi có thể làm trong thế giới búp bê", Murayama bộc bạch.

Hay Ryoko Baba, một nhà thiết kế đồ họa, đã chơi với Licca-chan khi còn nhỏ và khơi dậy sở thích khoảng hai năm trước như một cách để giảm bớt căng thẳng. Cô ấy cho rằng những ảnh hưởng kéo dài của đại dịch COVID-19 đã khiến mọi người có nhiều thời gian hơn để ở nhà với những sở thích của họ. Nhiều người đã "thỏa mãn mong muốn đó bằng cách mặc quần áo cho búp bê”.

Những câu chuyện kì lạ về Licca-chan

Vết sẹotrên mũi Licca-chanbản đầu tiên

Đối với hàng triệu bé gái sở hữu con búp bê Licca-chan nguyên bản, được lắp ráp vào năm 1967, có lẽ chúng đã nhận thấy một vết lõm nhỏ ở lỗ mũi bên phải nhưng không mảy may suy nghĩ.

Licca-chan đầu tiên vào năm 1967 có một vết lõm nhẹ ở mũi
Licca-chan đầu tiên vào năm 1967 có một vết lõm nhẹ ở mũi. Ảnh: Pinterest

Tuy nhiên, bí mật được tiết lộ bởi Yasuhiro Kojima, ông ấy thú nhận rằng đã vô tình làm rơi khuôn nguyên mẫu Licca-chan ban đầu, được làm bằng đất sét, xuống bàn của mình.

Và Licca phiên bản ấy đã đi thẳng vào sản xuất, với một vết lõm nhỏ, đáng chú ý. Tuy vậy sau khi phát hiện ra lỗi thì những mẫu Licca-chan về sau đã được chỉnh sửa lại.

Licca-chan đầu tiên vào năm 1967 có một vết lõm nhẹ ở mũi
Licca-chan đầu tiên vào năm 1967 có một vết lõm nhẹ ở mũi. Ảnh: Pinterest

Truyền thuyết đô thị về Licca-chan

Licca-chan gắn với một số truyền thuyết đô thị đáng sợ
Licca-chan gắn với một số truyền thuyết đô thị đáng sợ. Ảnh: Kobanawa

Sự nổi tiếng của Licca-chan tại thị trường Nhật Bản là điều không thể chối cãi, đến mức công ty quyết định thiết lập một đường dây điện thoại để quảng bá sản phẩm. Thông qua đó, trẻ em có thể gọi và trò chuyện với Licca-chan dù chỉ là một đoạn tin nhắn đã được ghi âm từ trước. Tuy nhiên, một số đứa trẻ đã nghe Licca-chan nói những điều rùng rợn như “Tao sẽ đến nhà để giết mày”. Điều này đã dẫn đến những truyền thuyết đô thị đáng sợ.

Có một cô gái trẻ khi dọn dẹp phòng của mình chợt nhìn thấy một con búp bê Licca-chan mà cô đã nâng niu từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên cô nghĩ rằng mình đã quá tuổi để chơi búp bê nên đã đem bỏ vào thùng rác.

Một thời gian sau, gia đình cô chuyển đến thành phố khác. Ngày nọ, khi bố mẹ cô gái đã đi làm còn cô quay về nhà sau khi học ở trường thì đột nhiên điện thoại trong nhà reo lên. Cô gái nhấc máy thì nghe được một giọng nói “Xin chào, đây là Licca-chan. Tôi đang ở bãi rác, tôi đã bị bỏ rơi, nhưng tôi đang trở về nhà”.

Licca-chan gắn với một số truyền thuyết đô thị đáng sợ
Licca-chan gắn với một số truyền thuyết đô thị đáng sợ. Ảnh: Kobanawa

Nghĩ rằng đây là một trò đùa, cô gái quyết định cúp điện thoại. Nhưng một lúc sau điện thoại lại reo và giọng nói lúc nãy xuất hiện “Xin chào, đây là Licca-chan. Tôi đang ở nhà ga xe lửa, chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ gặp nhau”. Điều này làm cô gái cảm thấy bất an.

Cuộc gọi thứ ba là một thông điệp tiếp theo “Xin chào, đây là Licca-chan. Tôi đang ở trên phố của bạn. Bạn có nhớ tôi không?”. Lần này cô vẫn cúp máy và cảm thấy sợ hãi.

Điện thoại lại reo “Xin chào, đây là Licca-chan. Tôi đang ở ngoài nhà của bạn. Hãy mở cửa!”. Và cuộc gọi cuối cùng, “Xin chào, đây là Licca-chan. Tôi đang ở phía sau bạn”.

Một câu chuyện khác liên quan đến lô hàng Licca-chan bị lỗi, khi công ty vô tình sản xuất lô búp bê có ba chân và chúng được chuyển đến các cửa hàng trước khi bị phát hiện. Khi nhận được báo cáo sự việc, công ty đã nhanh chóng thu hồi tất cả sản phẩm tuy nhiên có những con đã được bán.

Buổi tối nọ, một phụ nữ trẻ đang đi dạo trong công viên, khi bước vào một căn phòng trong nhà vệ sinh nữ, cô nhận thấy có một vật gì đó nằm cạnh chân mình. Khi cầm lên cô nhận ra đó là Licca-chan có ba chân.

Tuy nhiên khác với hai chân bình thường làm bằng nhựa, chiếc chân thứ ba bị biến dạng, đầy lông và có màu tím đáng sợ. Quá kinh hoàng, người phụ nữ làm rớt con búp bê xuống khiến mặt nó úp xuống đất. Nhưng con búp bê nhanh chóng quay đầu lại đối mặt với cô và nói “Tên tôi là Licca-chan và tôi bị nguyền rủa. Tôi bị nguyền rủa…”

Khi người phụ nữ chạy trốn thì dường như cô vẫn nghe vang vọng bên tai tiếng nói ấy. Cuối cùng, cô gái trẻ không thể chịu nổi, phát điên và tự đâm thủng màng nhĩ của mình để không thể nghe tiếng nói ấy nữa.

Mối liên kết đặc biệt của Licca-chan và Barbie

Dù là sản phẩm của nữ doanh nhân người Mỹ Ruth Handler, sản xuất bởi công ty đồ chơi Mỹ Mattel và ra mắt vào năm 1959, nhưng ít ai biết những con búp bê Barbie đầu tiên được sản xuất tại Nhật Bản, với quần áo được khâu bằng tay bởi những người lao động Nhật.

Dù được yêu thích ở Mỹ, nhưng Barbie không được chú ý ở Nhật, chiều cao 30cm của Barbie quá lớn để những đứa trẻ mang theo và những nét phương Tây dường như xa lạ đối với những cô gái Nhật mắt đen tóc đen. Mattel quyết định thay đổi kiểu tóc và trang phục để Barbie phù hợp hơn với thị hiếu người Nhật. Có lẽ đây là một quyết định đúng đắn khi doanh số Barbie dần tăng lên.

Trận chiến giữa Barbie và Licca-chan tại thị trường Nhật
Trận chiến giữa Barbie và Licca-chan tại thị trường Nhật

Tuy nhiên, khi Licca-chan (11 tuổi) ra mắt và thành công trong việc kết nối với những cô bé Nhật Bản hơn Barbie (19 tuổi), thì doanh số Barbie giảm mạnh và phải rút lui khỏi thị trường Nhật Bản.

Đến năm 1980, “kẻ thù không đội trời chung” Mattel và Tomy hợp tác nhằm mục đích đưa Barbie trở lại Nhật Bản. Vào năm 1982, Tomy đã nhận được giấy phép từ Mattel để tạo ra búp bê Barbie phiên bản riêng hướng tới thị trường Nhật.

Takara Barbie
Takara Barbie. Ảnh: The Saleroom

Tomy đã tận dụng tối đa quyền giám hộ có được đối với Barbie và đổi tên cô ấy thành “Takara Barbie” và thay đổi tuổi thành một nữ sinh trung học 17 tuổi. Điều này đã có hiệu quả, Takara Barbie dần trở nên nổi tiếng và được chú ý trong một thời gian tương tự như “chị kế” Licca-chan.

Sau đó, vào năm 1986, Tomy mất quyền sản xuất Barbie do hết hạn hợp đồng. Ngay sau đó, Tomy đã giới thiệu một người em gái mới cho Licca-chan. Tên cô ấy là JeNnY (ジェニー). Trong khi đó, Mattel chuyển sang hợp tác với một công ty Nhật Bản khác là BANDAI. Hai công ty sáp nhập và trở thành Tổng công ty MaBa và tạo nên “MaBa Barbie”.

Nhưng MaBa ​​Barbie lại trông giống như Licca-chan nên Tomy đã đệ đơn kiện Mattel và cuộc chiến này được gọi là “phiên tòa búp bê”, hay “Ningyosaiban - 人形裁判”.

Đến năm 1991, Barbies Nhật Bản biến mất khỏi các kệ hàng. Ngày nay, Mattel International chỉ bán Barbie nguyên bản tại Nhật Bản.