eMagazine
0%

Mang vẻ đẹp mộc mạc với bề mặt không phủ men, gốm Bizen là hiện thân của đất, lửa cùng sự tài hoa của bàn tay con người được tiếp nối trong suốt 1.000 năm lịch sử.

Thành phố Bizen nằm ở phía đông nam tỉnh Okayama, giáp với Biển nội địa Seto, thuộc vùng Chugoku của Nhật Bản. Nơi đây là điểm giao giữa sông Yoshii-gawa – một trong ba con sông lớn nhất tỉnh, với đường Sanyodo – tuyến đường huyết mạch từ thời Nara, kết nối tỉnh Yamaguchi ngày nay với vùng Kinai. Khí hậu ôn hòa cùng thổ nhưỡng đặc trưng, Bizen là cái nôi của một dòng gốm vang danh khắp thế giới.

Một trong sáu lò nung cổ của Nhật Bản

Đồ gốm Nhật Bản sở hữu một lịch sử lâu đời, xuất hiện sớm nhất vào khoảng 10.000 năm trước trong thời Jomon. Gốm Jomon được tạo ra bằng cách nhào và tạo hình đất sét, sau đó làm cứng lại bằng cách nung lên.

Sản xuất gốm sứ ở Nhật Bản phát triển đặc biệt từ cuối thời Heian (794-1185) đến thời Muromachi (1336-1568). Mặc dù lò nung được thành lập ở khắp các vùng trên cả nước nhưng vẫn có sáu khu vực mà sản xuất đồ gốm phát triển mạnh mẽ nhất. Đó là Bizen (tỉnh Okayama), Tamba (tỉnh Hyogo), Shigaraki (tỉnh Saga), Echizen (tỉnh Fukui), Tokoname và Seto (tỉnh Aichi). Những nơi này được gọi là Rokkoyo - Sáu lò nung cổ và đã được chỉ định là Di sản Nhật Bản vào năm 2017.

Sáu lò nung cổ của Nhật Bản.
Sáu lò nung cổ của Nhật Bản. Ảnh: sixancientkilns.jp

Đồ gốm Bizen (Bizen-yaki hay Bizen-ware) đã có hơn 1.000 năm lịch sử, được phát triển từ đồ gốm Sue do những nghệ nhân đến từ Triều Tiên làm ra vào cuối thời Kofun (250-600). Những người thợ này nung gốm ở nhiệt độ cao trong các lò nung được xây dựng trên sườn núi.

Tượng Komainu bằng gốm Bizen tại đền Amatsu, làng Imbe, thành phố Bizen.
Tượng Komainu bằng gốm Bizen tại đền Amatsu, làng Imbe, thành phố Bizen. Ảnh: okayama-kanko.jp

Ban đầu lò gốm Bizen được đặt trên các ngọn núi của dãy Kumayama, sau chuyển xuống các ngôi làng ở đồng bằng để thuận tiện cho việc vận chuyển.

Trong thời kỳ Azuchi-Momoyama (1573-1603), người ta tin rằng những nghệ nhân gốm Bizen đã bắt đầu hướng dẫn cách làm đồ gốm ở Kaga, Toyooka, Tamba Sasayama, Maizuru và Yanai, khi các sản phẩm học theo hình thức của gốm Bizen xuất hiện trên thị trường. 

Vào thời Edo (1603-1867), Ikeda Mitsumasa – vị lãnh chúa cai quản Okayama đã nỗ lực để phát triển Bizen-yaki. Ông cung cấp nguyên vật liệu cho các nghệ nhân và tặng danh hiệu "Thợ thủ công bậc thầy" cho những thợ gốm lành nghề.

Bình gốm Bizen từ thời Momoyama (được lưu trữ tại Lò nung Ichiyo). Bình dùng để đựng hạt giống nông nghiệp hoặc đựng nước trong nghi lễ Trà đạo.
Bình gốm Bizen từ thời Momoyama (được lưu trữ tại Lò nung Ichiyo). Bình dùng để đựng hạt giống nông nghiệp hoặc đựng nước trong nghi lễ Trà đạo.
Ảnh: premium-j.jp
Bình gốm Bizen từ thời Momoyama (được lưu trữ tại Lò nung Ichiyo). Bình dùng để đựng hạt giống nông nghiệp hoặc đựng nước trong nghi lễ Trà đạo.
Bình gốm Bizen từ thời Momoyama (được lưu trữ tại Lò nung Ichiyo). Bình dùng để đựng hạt giống nông nghiệp hoặc đựng nước trong nghi lễ Trà đạo.
Ảnh: premium-j.jp

Tuy nhiên từ thời Meiji (1868-1912) đến đầu thời Showa (1926-1989), sự phổ biến của đồ sứ khiến gốm Bizen đứng trước nhiều khó khăn, nhiều lò gốm đã phải chuyển sang sản xuất gạch và ống.

Sau Thế Chiến I, một thợ làm tượng trẻ tên là Kaneshige Toyo trong quá trình tìm kiếm kỹ thuật làm ấm trà đã khám phá ra phương pháp làm gốm Bizen cổ xưa từ thời Momoyama. Kaneshige đã làm sống lại các kỹ thuật xử lý đất sét, xây lò và nung bị thất truyền, tạo nền tảng cho sự thịnh vượng hiện nay của Bizen-yaki. Ông trở thành bậc thầy gốm Bizen đầu tiên được chỉ định là Bảo vật sống của Quốc gia vào năm 1956.

Bảo vật sống Nhật Bản – nghệ nhân Kaneshige Toyo.
Bảo vật sống Nhật Bản – nghệ nhân Kaneshige Toyo. Ảnh: red-village.com

Ngày nay chỉ riêng ở làng Imbe – “ngôi nhà” của Bizen-yaki đã có khoảng 400 nghệ nhân và lò gốm, không ngừng tạo nên những tác phẩm mang nét độc đáo riêng biệt.

Vẻ đẹp từ lửa và đất

Gốm Bizen được đặc trưng bởi vẻ ngoài mộc mạc, giản dị, tạo cảm giác ấm áp khi không được tráng men hay tô vẽ. Tuy nhiên một chút quan sát sẽ khiến bạn bất ngờ nhận ra rằng đồ gốm Bizen rất khác nhau, không có cái nào giống cái nào.

Điều góp phần tạo nên đặc trưng này của gốm Bizen chính là ngọn lửa đỏ bên trong lò. Đất sét sau khi hoàn thành bước tạo hình và phơi khô sẽ được nung trong khoảng 10-14 ngày với nhiệt độ tăng dần đến trên 1.200 độ C. Kỹ thuật này có tên là Yakishime, đã được truyền lại từ thời đồ gốm Sue.

Nhiệt độ cao cùng thời gian nung kéo dài khiến thành phẩm có độ bền vượt trội so với các loại gốm khác, thậm chí người ta còn nói rằng đồ gốm Bizen “ném cũng không vỡ”. Đồng thời, việc điều chỉnh ngọn lửa kết hợp với các yếu tố khác sẽ tạo nên những họa tiết có một không hai.

Gốm Bizen với những họa tiết đặc trưng được tạo ra trong quá trình nung.
Gốm Bizen với những họa tiết đặc trưng được tạo ra trong quá trình nung. Ảnh: okayama-kanko.jp

Đất cũng là một yếu tố quan trọng không kém và chủ yếu có hai loại đất sét được sử dụng: một được đào từ ruộng lúa, một từ trên núi. Loại đầu tiên - hiyose là loại đất sét có màu sẫm, chứa nhiều sắt và chất hữu cơ, nó ẩm, có kết cấu mịn và khả năng chịu lửa thấp. Hiyose xuất hiện ở khu vực làng Imbe đến làng Kagato của thành phố Bizen.

Các nghệ nhân trộn hiyose với đất núi (yamatsuchi) có màu sắc rực rỡ, chịu lửa tốt để tạo ra vẻ đẹp và tính chức năng cho đồ gốm Bizen. Hiyose có độ co ngót cao do đó, hầu hết Bizen-yaki không có lớp men tráng bên ngoài vì nó sẽ bong ra trong quá trình nung.

Quy trình tạo ra đồ gốm Bizen

Quá trình tạo ra đồ gốm Bizen tiêu tốn rất nhiều công sức và là nơi thể hiện tài hoa cùng kinh nghiệm của nghệ nhân.

Đất sét được đào từ ruộng cách mặt đất 3-5m hoặc trên các ngọn núi, sau đó vận chuyển đến xưởng để kiểm tra tạp chất. Đất phải được để già từ nhiều tuần cho đến nhiều năm dưới nắng và gió trước khi trải qua một quá trình tinh chế phức tạp.

Công đoạn khai thác và xử lý đất có thể mất đến vài năm.
Công đoạn khai thác và xử lý đất có thể mất đến vài năm. Ảnh: asemi.co

Một năm lò nung chỉ hoạt động một đến hai lần vào mùa xuân và mùa thu do quá trình nung rất phức tạp. Thời gian còn lại trong năm, các nghệ nhân sẽ dành để tạo hình đồ gốm.

Bizen-yaki thường được tạo hình với bàn xoay, hoặc cũng có thể nắn tay. Ngoài các bình hoa và dụng cụ pha trà truyền thống, gần đây họ đã bắt đầu sản xuất đồ gốm phục vụ cuộc sống hiện đại như cốc uống bia.

Làm gốm bizen.
Ảnh: gensoart.net

Hầu hết quá trình nung diễn ra trong các lò đốt củi truyền thống như “noborigama” (登り窯) - kiểu lò được xây dựng với nhiều buồng khác nhau dọc theo sườn dốc, hoặc lò nung dạng hang “anagama” (穴窯).

Các lò nung được cung cấp nhiên liệu từ những cây thông đỏ địa phương chứa nhiều dầu, thích hợp với yêu cầu về nhiệt độ cao (lên tới 1250 độ C) của Bizen-yaki. Một lần đốt lò nung cần tới hơn 20 xe tải củi.

Và công đoạn nung là nơi “phép màu” diễn ra, cũng là bước đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm cùng khả năng phán đoán của nghệ nhân. Chỉ riêng việc sắp xếp gốm vào lò cũng mất đến hai tuần.

Gốm được sắp xếp vào lò dạng noborigama. Ảnh: Imprintspace
Gốm được sắp xếp vào lò dạng noborigama. Ảnh: Imprintspace

Nghệ nhân sẽ phải xem xét tỉ mỉ việc đặt các sản phẩm vào lò nung theo thứ tự, vị trí như thế nào vì vẻ ngoài của sản phẩm phụ thuộc vào cách ngọn lửa và tro chảy, rơi xung quanh.

Việc giám sát lò phải được thực hiện liên tục, củi cần được thêm vào bằng tay đều đặn cả ngày lẫn đêm. Lượng không khí, tro hay nhiệt là những biến số mà người thợ sẽ khai thác nhằm tạo ra màu sắc và hoa văn cuối cùng của sản phẩm.

Trước mỗi lần nung, người ta dâng một ít rượu sake, gạo và muối rồi cầu nguyện với thần linh trước khi lò nung được thắp sáng. Chỉ cần một chút kém may mắn, công sức của một năm làm việc có thể mất trắng; còn nếu được thần linh phù hộ, may mắn mỉm cười, những tác phẩm bất ngờ sẽ ra đời. Tất cả được tiết lộ sau 10-14 ngày, khi lò nung được mở ra.

Những hoa văn chính trên gốm Bizen

Các sản phẩm gốm Bizen thường không được phủ men hay chạm khắc nhưng vẫn có những màu sắc và họa tiết đặc trưng. Như đã nói, ngoại hình gốm sẽ tùy thuộc vào thành phần của đất sét, nhiệt độ lò và vị trí của đồ gốm trong lò, cũng như tính chất của tro. Dưới đây là một số hoa văn phổ biến:

Hidasuki (緋襷)
Ảnh: cool-japan
1

Hidasuki (緋襷)

Hoa văn này đặc trưng bởi đường màu đỏ tươi như được vẽ bằng cọ. Nó được tạo ra bằng cách bọc rơm rạ quanh gốm trước khi nung. Kỹ thuật này ban đầu được phát hiện một cách tình cờ khi người ta quấn rơm để ngăn các sản phẩm dính vào nhau trong quá trình nung.

Trong lò nung, một phản ứng hóa học xảy ra giữa chất sắt trong đất sét và rơm, tạo ra hình dạng “ngọn lửa” đỏ đặc biệt.

Goma (胡麻)
Ảnh: mgsrefining.com
2

Goma (胡麻)

“Goma”, nghĩa đen là hạt mè, là một lớp phủ bóng và đôi khi có hạt trên bề mặt gốm, được tạo thành từ tro than tan chảy khi gặp nhiệt độ cao. Chúng có nhiều màu sắc và hoa văn khác nhau, bao gồm cả màu trắng và màu vàng. Tro cũng có thể tích tụ, tan chảy và nhỏ giọt xuống các cạnh, khi đó nó được gọi là “tamadare”.

Botamochi (牡丹餅)
Ảnh: gakyu.jp
3

Botamochi (牡丹餅)

Hoa văn hình tròn trên đĩa Bizen được gọi là botamochi (nghĩa đen là “mochi mẫu đơn”, một loại bánh gạo được bọc trong đậu đỏ). Khi xếp chồng những chiếc đĩa nhỏ lên những chiếc đĩa hoặc bát lớn hơn, khu vực được che phủ sẽ không bám tro, tạo ra các hình tròn.

Sangiri (桟切り)
Ảnh: okayama-kanko.jp
4

Sangiri (桟切り)

Trong quá trình nung, luồng không khí có thể bị chặn và than hồng rơi vào đồ gốm. Phản ứng hóa học giữa sắt có trong đất sét và carbon từ than hồng tạo ra tông màu men tự nhiên như xanh xám, xám đen hoặc nâu đen.

Tinh thần Wabi Sabi

Có thể nói tinh thần cốt lõi của đồ gốm Bizen là "Wabi Sabi". Đây là một quan điểm mỹ học truyền thống của người Nhật với sự trân trọng vẻ đẹp không hoàn hảo và những thay đổi được tạo nên bởi thời gian. Wabi Sabi tôn vinh sự đơn giản, tự nhiên cùng vẻ đẹp bất đối xứng trong từng món đồ -  tất cả đều thể hiện rõ nét trong đồ gốm Bizen.

Vào thời Muromachi, gốm Bizen được các bậc thầy Trà đạo sử dụng và trở nên phổ biến như một dụng cụ trong nghi lễ Cha no Yu. Người khởi xướng điều này là Murata Jukou, một nhà sư, trà sư được biết đến với tư cách là người sáng lập Trà đạo Nhật Bản. Ông là người đầu tiên phát triển phong cách thưởng trà Wabi-cha sử dụng các dụng cụ bản địa của Nhật Bản và chủ trương rằng “Cha no Yu chỉ đơn giản là đun nước và uống trà”.

Trà đào.
Ảnh: sd.tankosha.co.jp

Đồ gốm Bizen với sự mộc mạc, giản dị là mảnh ghép hoàn hảo của Wabi-cha, và người ta nói rằng Toyotomi Hideyoshi cũng là một người hâm mộ dòng gốm này. Với việc Wabi-cha trở thành xu hướng chủ đạo, từ cuối thời Muromachi, dụng cụ pha trà bằng gốm Bizen đã được đánh giá cao như những tác phẩm nghệ thuật.

Thăm Imbe – quê hương của gốm Bizen

Nơi khởi nguồn của dòng gốm trứ danh là làng Imbe ở Thành phố Bizen, một khu vực tập trung nhiều cửa hàng và lò nung gốm lâu đời. Nơi đây được bao bọc bởi rừng núi cùng một bầu không khí yên tĩnh, thanh bình. Giữa những nếp nhà hoài cổ là nhiều ống khói bằng gạch vươn lên cao của những lò nung trong làng. 

Từ Ga Imbe, du khách dễ dàng tản bộ đến nhiều cửa hàng và phòng trưng bày, Bảo tàng gốm Bizen cùng các di tích khác nhau để trải nghiệm lịch sử, văn hóa.

Ngoài ra còn có nhiều sự kiện khác nhau được tổ chức quanh năm, bao gồm Lễ hội gốm Bizen được tổ chức vào mùa thu, Hội chợ đồ gốm Bizen và Inbenomino (đi dạo uống rượu).

Làng Imbe tựa lưng vào núi.
Làng Imbe tựa lưng vào núi. Ảnh: static.camp-fire.jp
Những ống khói rải rác trong ngôi làng.
Những ống khói rải rác trong ngôi làng. Ảnh: imbebook.net
Cửa hàng gốm Ryuhogama (龍峰窯).
Cửa hàng gốm Ryuhogama (龍峰窯). Ảnh: imbebook.net

Lễ hội gốm Bizen là một sự kiện lớn thu hút hơn 100.000 người từ khắp nơi trên đất nước đổ về. Tại đây, du khách có thể mua tác phẩm của các nghệ nhân Bizen với mức giảm giá 20%, cũng như nhiều mặt hàng khác với giá phải chăng.

Lễ hội gốm Bizen được tổ chức hàng năm vào Chủ nhật thứ ba của tháng 10 và Thứ Bảy trước đó.
Lễ hội gốm Bizen được tổ chức hàng năm vào Chủ nhật thứ ba của tháng 10 và Thứ Bảy trước đó.
Ảnh: city.bizen.okayama.jp