Kuda-gitsune hay Kuda-kitsune (管狐, クダ狐) còn được gọi với cái tên Kanko là một sinh vật huyền bí trong truyền thuyết ở nhiều vùng đất của xứ Phù Tang.
Kuda-gitsune được mô tả như tsukimono - yêu quái hoặc linh hồn xâm chiếm cơ thể con người. Nó mang hình dạng của một con cáo nhỏ, gầy, thường được nhét trong tay áo, trong túi đồ của con người hoặc cất trong ống tre.
Vẻ ngoài nhỏ bé có thể bỏ vừa trong ống tre hay cái đuôi trông giống như một cái ống được ghép làm đôi nên Kuda-gitsune còn được biết đến là con cáo trong ống tre theo miêu tả của những câu chuyện dân gian.
Nguồn gốc
Kuda-gitsune có nguồn gốc từ các truyền thuyết ở khu vực miền núi của tỉnh Nagano, liên quan đến giáo phái Izuna Shugen với vị thần Izuna Myojin được thờ tại ngôi đền trên đỉnh núi Izuna Kamiminochi.
Giáo phái Izuna lần đầu tiên được đề cập đến vào năm 1279 trong nửa sau của Asaba-sho, một cuốn sách Phật giáo ra đời vào giữa thời Kamakura. Izuna Shugen hoạt động với sự kết hợp Dakini của Phật giáo và kỹ năng phép thuật trong việc sử dụng cáo làm linh hồn để kiểm soát cuộc sống loài người. Những pháp sư dùng cáo để điều khiển được gọi là izuna tsukai.
Từ Nagano, chuyện về Kuda-gitsune dần được lan truyền phổ biến ở các địa phương khác. Kuda-gitsune cũng xuất hiện trong tín ngưỡng dân gian ở các vùng phía nam của khu vực Chubu (hay còn được gọi là tiểu vùng Tokai), cụ thể là các tỉnh Mikawa (Aichi ngày nay) và Totomi (Shizuoka ngày nay). Nó cũng là một phần của văn hóa dân gian ở vùng Kanto phía nam, vùng Tohoku và những nơi khác.
Tên gọi Kuda-gitsune được dùng phổ biến ở khu vực Chubu, trong khi phía bắc miền trung vùng đất Nagano và vùng Tohoku, có xu hướng sử dụng cái tên Izuna, còn vùng Kanto thì gọi là Osaki.
Mô tả chung
Trong tự nhiên, Kuda-gitsune có hành vi giống như các loài động vật có vú nhỏ như cáo hay chồn. Nó sống xa con người và khi được thuần hóa, xuất hiện trong nhà của con người thì cáo sẽ thành tinh, ẩn chứa sức mạnh hắc ám khủng khiếp có thể hủy diệt mọi thứ nếu nghịch ý.
Về kích thước của loài sinh vật huyền bí này, tập tiểu luận Kasshi Yawa của Matsura Seizan có một mục đề cập đến. Trong đó, mẫu vật Kuda-gitsune được mang đến từ vùng nông thôn ở Osaka và được trưng bày tại Edo (Tokyo ngày nay) vào năm 1822 có chiều dài khoảng 36–39cm.
Nhưng nhà nghiên cứu văn học dân gian Yanagita Kunio cho rằng đây là kích cỡ lớn nhất của Kuda-gitsune và có nhiều con nhỏ hơn với kích cỡ chỉ bằng loài chồn hôi, tầm dưới 30cm. Một số tài liệu khác mô tả Kuda-gitsune có kích thước nhỏ bé, chỉ bằng con chuột nhà hay bao diêm.
Trong Shozan Chomon Kishu (tuyển tập 57 câu chuyện kỳ lạ về động thực vật, thần phật và các thảm họa thiên nhiên của Sozan Miyoshi thời Edo), Kuda-gitsune được miêu tả là có khuôn mặt giống mèo, thân giống rái cá, lông màu xám và có kích thước tương đương của một con sóc với cái đuôi dày. Còn tiểu luận Zen-an zuihitsu của Asakawa Zen-an lại tả Kuda-gitsune tương đương kích thước của một con chồn, trong khi mặt giống chuột hoang và bộ lông dày xù.
Kuda-gitsune thường được giữ trong ống tre bởi Yamabushi (những ẩn sĩ tu khổ hạnh trên núi) và được triệu hồi bằng một câu thần chú. Nó sẽ được yêu cầu trả lời các câu hỏi, thường là tiên tri về tương lai.
Kuda-gitsune còn được người điều khiển (gọi là kitsune-tsukai) cất giữ trong túi hoặc ống tay áo dưới dạng linh hồn và chỉ họ mới có thể nhìn thấy. Chúng sẽ thì thầm vào tai của chủ nhân về quá khứ, tương lai của người khác.
Kuda-gitsune được pháp sư sử dụng trong các nghi lễ tâm linh. Có nhiều gia đình nuôi dưỡng sinh vật này trong nhà để xem vận mệnh tương lai của gia tộc cũng như sử dụng như một công cụ để “ám”, nguyền rủa kẻ thù dính phải xui xẻo, bệnh tật, thảm họa...
Các hộ gia đình nuôi Kuda-gitsune được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như kuda mochi, kudaya, kuda tsukai, izuna tsukai và kudasho. Những gia đình này thường trở nên giàu có và quyền lực rất nhanh, khiến hàng xóm xung quanh nghi ngờ và sợ hãi xa lánh.
Nhà nào sở hữu Kuda-gitsune mà có dã tâm, tham vọng lớn sẽ cố gắng nuôi dưỡng để chúng sinh sản càng nhiều càng tốt nhằm mục đích thu hút tiền tài, danh vọng. Tuy nhiên giữ quá nhiều Kuda-gitsune sẽ khiến gia đình bị hủy hoại vì khi số lượng lên đến con số 75, đàn cáo lớn sẽ ăn mòn sự giàu có của gia đình, làm họ suy sụp. Số lượng cáo sẽ nhân lên mỗi lần có hôn sự diễn ra trong nhà, chúng còn đi theo cô dâu đến nhà chồng và sinh sản giống loài sang nhiều nơi khác.
Bầy cáo sẽ kiểm soát, giam giữ và ăn thịt bất kỳ ai dám ra khỏi ngôi nhà chứa chúng. Con người phải cung phụng và thực hiện các nghi lễ tôn thờ chúng, không được làm giảm số lượng hay tự ý giao chúng cho nhà khác nuôi nếu không sẽ nhận lấy cái kết vô cùng đau đớn.
Kuda-gitsune trong văn hóa đại chúng
Con cáo huyền bí trú trong ống tre xuất hiện từ xa xưa trong những câu chuyện dân gian và cho đến ngày nay trong các tác phẩm nghệ thuật như tranh ảnh minh họa hay sách truyện, phim hoạt hình, trò chơi điện tử.
Kuda-gitsune xuất hiện trong bộ manga xxxHolic dưới cái tên Mugetsu với hình dạng cáo giống như một cái ống hút dày màu trắng hoặc trông như con rắn và chỉ lộ ra cái đầu cáo. Nhân vật này có thể hóa thành Kitsune - cáo chín đuôi màu vàng trắng truyền thống với những vết màu xanh trên đầu và móng vuốt rộng giống như bàn tay của con người ở hai chân trước.
Ngoài ra Kuda-gitsune cũng từng được miêu tả trong manga Wild and Horned Hermit chương 8 hay xuất hiện trong Momochi-san Chi no Ayakashi với tư cách là anh em của nhân vật Tamamo.