Choshu Five: Những Samurai thay đổi vận mệnh nước Nhật
0%
Câu chuyện về năm Samurai trẻ đã trải qua hành trình trên biển đầy nguy hiểm kéo dài 135 ngày trên con tàu Jardine Matheson & Co để đến London thời Victoria. Chuyến đi này của họ đã góp phần giúp Nhật Bản trở nên thịnh vượng và lớn mạnh.
Choshu Five – Họ là ai?
Choshu Five là tên gọi của năm thành viên thuộc miền Choshu (nay là tỉnh Yamaguchi) ở miền tây Nhật Bản, bao gồm:
Họ đã bí mật rời khỏi đất nước trong thời kỳ hỗn loạn vào cuối thời Mạc phủ Tokugawa, khởi hành từ Yokohama vào tháng 05/1863 và đến Vương quốc Anh vào tháng 11 cùng năm, để theo học tại University College London (UCL).
Kiến thức và khả năng ngôn ngữ được học đã giúp họ trở thành những nhân vật lãnh đạo trong quá trình hiện đại hóa Nhật Bản dưới thời chính quyền Minh Trị. Năm 2023 vừa qua đã đánh dấu kỷ niệm 160 năm chuyến đi của Choshu Five.
Chuyến du học bất hợp pháp
Ngày 27/06/1863, một con tàu đã nhổ neo từ thành phố Yokohama ở Nhật Bản đến Thượng Hải. Trên tàu có một nhóm năm thanh niên Nhật Bản: Ito Hirobumi, Inoue Kaoru, Endo Kinsuke, Inoue Masaru và Yamao Yozo. Sau khi cập bến Thượng Hải họ được sắp xếp chuyến đi tiếp theo đến London.
Đây là một hành trình đòi hỏi mức độ bí mật cao nhất vì chính sách Sakoku – Bế quan tỏa cảng, coi bất kỳ hành động nào rời khỏi đất nước là điều phạm pháp. Trong bức thư Choshu Five gửi đến Cơ quan quản lý lãnh thổ của mình, họ cũng đã đề cập đến vấn đề này:
Để đảm bảo đến nơi an toàn, họ quyết định cắt tóc, thay quần áo kiểu phương Tây và ẩn mình trong một hầm than trên tàu để tránh bị phát hiện. Những hành động này được coi là sự sỉ nhục đối với những quý tộc Nhật Bản, đặc biệt là khi năm người này là những người ủng hộ mạnh mẽ các phong trào chống lại ngoại bang, bảo vệ nền văn minh Nhật Bản.
Vậy điều gì đã khiến những người đàn ông này thực hiện hành động bí mật trái ngược với niềm tin chính trị của họ? Câu trả lời nằm ở khát vọng mong muốn xây dựng đất nước có thể cạnh tranh với các cường quốc phương Tây. Để làm được điều đó, họ phải học được cách sản xuất tàu chiến, vũ khí và cả tư duy hiện đại.
Khi đến London vào đầu tháng 11/1863, họ đã được chứng kiến cảnh tượng xa hoa của một đất nước đang ở đỉnh cao của cuộc cách mạng công nghiệp. “Những tòa nhà ba hoặc năm tầng xếp thành hàng, tàu hỏa chạy khắp mọi hướng, khói đen từ các nhà máy bốc lên cao trên bầu trời… Cảnh tượng thịnh vượng này khiến tôi cảm thấy choáng váng”, Inoue Kaoru viết trong cuốn tự truyện của mình.
Tiếp cận kiến thức hiện đại
Khi đến London, năm người họ bắt đầu bằng việc học tiếng Anh và đăng ký theo học tại UCL. Đây là trường đại học duy nhất ở Anh mở cửa cho mọi người thuộc mọi quốc tịch và tôn giáo vào thời điểm đó.
Choshu Five được hướng dẫn bởi Giáo sư hóa học lỗi lạc tên là Alexander Williamson – thời điểm đó ông là Chủ tịch Hội Hóa học London, chức vụ cao nhất trong ngành hóa học Anh.
Alexander Williamson, cùng với vợ là Emma Williamson, đã che chở cho những chàng trai trẻ từ Nhật Bản, cung cấp cho họ nhà ở và giúp họ ổn định cuộc sống ở London. Năm thành viên Choshu được nhận vào UCL với tư cách là “sinh viên không trúng tuyển” vào Khoa Nghệ thuật và Luật, và học hóa học phân tích, một môn do Giáo sư Williamson giảng dạy.
Những lớp học của Giáo sư Williamson giúp sinh viên có được kiến thức thực tế bằng cách kết hợp các bài giảng hóa học truyền thống với kinh nghiệm thực hành trong phòng thí nghiệm. Phương pháp tiếp cận này giúp cho sinh viên không bị giới hạn trong môn học, mà họ có thể áp dụng những nguyên tắc hóa học vào nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghiệp, y học và nông nghiệp.
Với sự giúp đỡ của Williamsons, Choshu Five đã đến thăm các bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật, xưởng đóng tàu, nhà máy, ngân hàng và nhà máy công nghiệp, từ đó có được sự hiểu biết sâu sắc về công nghệ hiện đại, thương mại và quản trị phương Tây.
Trải nghiệm này cũng khiến Choshu Five thay đổi quan điểm của mình. Ban đầu, mục đích của họ khi đến London là để có kiến thức về công nghệ hiện đại, bảo vệ Nhật Bản khỏi các nước phương Tây. Tuy nhiên giờ đây họ nhận ra rằng điều kiện để nước Nhật có thể phát triển thịnh vượng là phải mở cửa, khẳng định mình trên trường quốc tế cùng với các cường quốc phương Tây.
Tháng 04/1864, Ito Hirobumi và Inoue Kaoru đã trở về Nhật Bản khi có tin về cuộc pháo kích Shimonoseki ở Choshu. Đến năm 1869, tất cả năm người đều quay về Nhật Bản.
Những người tạo nên Nhật Bản hiện đại
Khi trở về Nhật Bản, năm người đàn ông này đã trở thành nòng cốt của chính phủ Nhật Bản mới, dẫn dắt đất nước chuyển đổi từ một quốc gia biệt lập thành một trong những cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới.
Ito Hirobumi
Năm 1885, Ito Hirobumi trở thành Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản, ông tái đắc cử 4 lần khiến nhiệm kỳ của ông là một trong những nhiệm kỳ dài nhất trong lịch sử nước Nhật. Ông cũng là người từng được in trên tờ 1.000 yên.
Di sản bền vững nhất của Ito là vai trò của ông trong việc soạn thảo Hiến pháp Minh Trị, đặt nền tảng cho bộ máy nhà nước hiện đại của Nhật Bản. Lấy cảm hứng từ nghiên cứu của ông về hệ thống pháp luật phương Tây, Ito hình dung ra một chế độ quân chủ lập hiến cân bằng chủ quyền của Thiên hoàng với cơ quan lập pháp lưỡng viện.
Hiến pháp Minh Trị năm 1889, với sự kết hợp giữa chế độ chuyên quyền và dân chủ, đóng vai trò quan trọng trong việc tập trung quyền lực và thiết lập khuôn khổ, tạo điều kiện cho các chính sách của Nhật Bản trong những thập kỷ tiếp theo.
Dưới sự quản lý của Ito, Nhật Bản đã trải qua những cải cách kinh tế và xã hội toàn diện. Bằng cách bồi dưỡng một nền tảng công nghiệp vững mạnh và một đội quân hiện đại, Ito đảm bảo rằng Nhật Bản không chỉ chống lại chủ nghĩa đế quốc phương Tây mà còn trở thành một thế lực đế quốc.
Ngay cả khi không còn là người đứng đầu chính phủ quốc gia, ông vẫn tiếp tục có ảnh hưởng to lớn đến các chính sách của Nhật Bản với tư cách là cố vấn thường trực của Hoàng gia.
Inoue Kaoru
Sau cuộc Duy tân Minh Trị, Inoue đã đảm nhiệm một số vị trí quan trọng trong chính quyền Minh Trị mới. Năm 1871, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Tài chính. Trong nhiệm kỳ của mình, Inoue có công lớn trong việc tổ chức lại hệ thống tài chính của chính phủ theo đường lối hiện đại, đặc biệt là trong cải cách hệ thống thuế đất đai, chấm dứt trợ cấp của chính phủ cho các cựu samurai và tầng lớp quý tộc cũ, thúc đẩy công nghiệp hóa.
Tuy vậy, do nhiều áp lực nên ông đã từ chức vào tháng 05/1873. Đến tháng 12/1885, Inoue chính thức trở thành Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Nhật Bản. Để giành được sự tôn trọng của các cường quốc phương Tây và bảo vệ chủ quyền của Nhật Bản, ông đã thúc đẩy quá trình Tây hóa Nhật Bản, được tượng trưng bằng Rokumeikan - 鹿鳴館, một tòa nhà kiểu phương Tây được xây dựng để làm nơi ở cho các chức sắc nước ngoài.
Rokumeikan được xây dựng với hi vọng là phương tiện để giáo dục tầng lớp quý tộc Nhật Bản theo cách thức phương Tây và gây ấn tượng với du khách nước ngoài về sự tiến bộ về văn hóa của Nhật Bản. Mặc dù Rokumeikan chủ yếu được thiết kế để cung cấp chỗ ở phù hợp cho khách nước ngoài, nhưng nơi đây cũng là nơi tổ chức tiệc tùng, hội chợ từ thiện và các buổi khiêu vũ nổi tiếng. Tại đó, khách và quý tộc Nhật Bản mặc trang phục, thực hành các nghi thức và khiêu vũ theo phong cách phương Tây.
Từ năm 1883 đến năm 1887, Rokumeikan đã trở thành biểu tượng của lối sống phương Tây mới được ủng hộ trong thời kỳ Minh Trị. Tuy nhiên sau khi Inoue từ chức Bộ trưởng ngoại giao, sức ảnh hưởng của Rokumeikan dần suy giảm cả về danh tiếng lẫn chất lượng của kết cấu công trình. Sau nhiều lần tu bổ, cải tạo, cuối cùng tòa nhà đã bị phá hủy vào năm 1935.
Yamao Yozo
Sau khi Ito Hirobumi và Inoue Kaoru quay về Nhật Bản để cố gắng ngăn chặn chiến tranh thì ba người còn lại tiếp tục ở lại London để hoàn thành việc học. Sau hai năm, Yamao chuyển đến Glasgow, Scotland, để được đào tạo kỹ thuật tại xưởng đóng tàu Napier trên sông Clyde.
Khi cuộc Duy tân Minh Trị diễn ra, Yamao trở về Choshu và trở thành một công chức cấp cao trong Chính phủ Minh Trị mới, bắt đầu bằng việc phụ trách xưởng đóng tàu Yokosuka. Tuy nhiên, tư tưởng tiến bộ của ông đã vấp phải hàng loạt chỉ trích vì bị cho rằng tiêu tốn quá nhiều kinh phí, vốn đã eo hẹp.
Để tránh xung đột, Yamao đề xuất thành lập một cơ quan riêng để có thể tập trung độc lập vào các dự án hiện đại hóa. Cùng với cộng sự của mình là Edmund Morel - kỹ sư trưởng về xây dựng đường sắt và sự ủng hộ của Ito Hirobumi, Bộ Công chính đã ra đời.
Đồng thời, ông nỗ lực thiết lập các cấu trúc tổ chức và cung cấp các cơ hội, đào tạo cho người lao động. Ông đặc biệt tập trung vào việc đào tạo các kỹ sư, thành lập Học viện Kỹ thuật Hoàng gia (nay là Khoa Kỹ thuật tại Đại học Tokyo).
“Các hoạt động giáo dục của Yamao không chỉ giới hạn ở kỹ thuật, vì ông cũng dành nhiều năng lượng cho việc thành lập ngôi trường đầu tiên của Nhật Bản dành cho trẻ em khiếm thị, khiếm thính và câm”, trích lời Tiến sĩ Andrew Cobbing (Giáo sư Lịch sử Nhật Bản tại Đại học Nottingham) viết trong cuốn sách “Biographical Portraits Volume VII”.
Nhờ những cống hiến to lớn của mình, Yamao Yozo được mệnh danh là “Cha đẻ của lĩnh vực kỹ thuật Nhật Bản”.
Endo Kinsuke
Endo Kinsuke trở thành viên chức cấp cao trong một nhóm quản lý hậu cần và thương mại bởi ông có khả năng giao tiếp với các chuyên gia nước ngoài. Năm 1881, Endo trở thành quản lý tại Japan Mint - một Cơ quan hành chính độc lập của chính phủ Nhật Bản, chịu trách nhiệm sản xuất và lưu hành tiền xu của Nhật Bản tại Osaka.
Vào tháng 08/1874, trước khi rời xưởng đúc tiền, ông đã chấm dứt hợp đồng của nhiều cố vấn phương Tây, bởi các kỹ sư Nhật Bản đã nhanh chóng nắm vững các quy trình liên quan. Đến năm 1881, Endo quay lại và trở thành người đứng đầu của Japan Mint.
Ông được nhớ đến là người đã tiên phong tạo ra hệ thống tiền tệ hiện đại của Nhật Bản, được sử dụng trên toàn quốc. Tuy nhiên, có lẽ người ta thường nhớ đến ông nhiều hơn vì là người đã cho phép mở cửa Xưởng đúc tiền vào mùa xuân, để tất cả người dân Osaka có thể thưởng ngoạn những cây hoa anh đào được trồng ở đó khi chúng nở hoa.
Inoue Masaru
Sau khi Inoue Masaru trở về Choshu, ông được chính quyền Minh Trị giao trách nhiệm quản lý Xưởng đúc tiền Nhật Bản và hoạt động khai thác mỏ vào năm 1869. Đến năm 1871, Inoue phụ trách bộ phận đường sắt thuộc Bộ Công nghiệp – nơi phụ thuộc vào các chuyên gia nước ngoài. Khả năng ngôn ngữ và kiến thức khoa học của ông đã thúc đẩy sự hợp tác và ngành công nghiệp đường sắt mới ra đời đã có những bước tiến lớn.
Sau khi Tokyo và Yokohama được kết nối vào năm 1872, một tuyến đường sắt giữa Osaka và Kobe đã được nối lại vào năm 1874 và Osaka – Kyoto đã bắt đầu hoạt động vào năm 1877.
Inoue đã thuê những công nhân có kinh nghiệm du học và đào tạo kỹ sư trong nước để đạt được sự độc lập về công nghệ trong ngành đường sắt. Kết quả là, số lượng các chuyên gia phương Tây được trả lương cao đã giảm xuống, thay vào đó là những kỹ sư Nhật Bản.
Năm 1889, tuyến Tokaido từ Shinbashi ở Tokyo đến Kobe được hoàn thành và tuyến Shin'etsu giữa Takasaki và Naoetsu hoạt động vào năm 1893.
Dù có những suy nghĩ hiện đại, góp phần thay đổi ngành đường sắt Nhật Bản, có thể sử dụng kiến thức của mình để thúc đẩy chính sách, nhưng sự phát triển của chính trị và hành chính hiện đại đã khiến ông tụt hậu so với thời đại. Chính vì thế, Inoue Masaru đã quyết định nghỉ hưu vào tháng 03/1893. Ông thành lập công ty sản xuất tàu hơi nước vào năm 1896 và đảm nhiệm chức chủ tịch. Bên cạnh đó, ông trở thành cố vấn cho Cục Đường sắt. Trong chuyến công tác đến Châu Âu, ông đã bị bệnh và qua đời tại London.
Choshu Five: Những công thần của nước Nhật
Các thành viên của Choshu Five đã áp dụng nhiều tài năng khác nhau của mình để hỗ trợ chính quyền Minh Trị trong nhiệm vụ xây dựng một nhà nước hiện đại, chỉ trong vòng 40 năm, đất nước này đã nổi lên như một trong những siêu cường công nghệ hàng đầu thế giới.
Khi cần thiết, trong các lĩnh vực công nghệ, họ đã chuyển đổi một cách tự nhiên từ làm việc với các cố vấn nước ngoài, sang các kỹ sư Nhật Bản đã học ở nước ngoài, và cuối cùng là sử dụng nguồn lực tại chính quốc gia - những người đã hoàn thành chương trình giáo dục trong nước.
Tiếp bước Choshu Five, nhiều sinh viên Nhật Bản đã theo học tại UCL, đóng góp vào hầu hết mọi khía cạnh của xã hội Nhật Bản và thúc đẩy mối quan hệ Anh – Nhật như: cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi, Natsume Soseki (tiểu thuyết gia và học giả nổi tiếng người Nhật về văn học Anh) và Arinori Mori (Đại sứ Nhật Bản đầu tiên tại Hoa Kỳ và là người sáng lập hệ thống giáo dục hiện đại của Nhật Bản với tư cách là Bộ trưởng Bộ Giáo dục)…
Đài tưởng niệm - tượng trưng cho tình hữu nghị quan trọng của UCL với Nhật Bản, đã được đại sứ Nhật Bản tại Anh công bố vào tháng 9/1993. Đài tưởng niệm nằm trong khu vườn giữa Trung tâm sinh viên UCL và South Cloisters trong Tòa nhà Wilkins, được bao quanh bởi những cây hoa anh đào được tặng cho UCL thông qua Dự án Sakura Cherry Tree.
Một mặt của tượng đài khắc tên của Choshu Five và 14 sinh viên Nhật Bản thuộc gia tộc Satsuma, những người đã đến UCL vào năm 1865.