Cha mẹ quái vật – Khi phụ huynh can thiệp quá sâu vào giáo dục nhà trường
0%
Là cha mẹ, quan tâm đến việc học của con cái là một điều tốt. Tuy nhiên, nếu như lấy danh nghĩa đó để đưa ra những yêu cầu phi lý với nhà trường thì sẽ gây ra những hệ lụy lớn.
Bên cạnh những phụ huynh mặc kệ con cái, giao phó hoàn toàn trách nhiệm nuôi dạy cho nhà trường, thì cũng có những phụ huynh vì lo sợ con mình bị bắt nạt, bị đối xử bất công… mà quyết tâm đối chọi với giáo viên để bảo vệ con mình.
Điều đó không sai, vì tất cả đều xuất phát từ tình yêu thương con, nhưng nếu bất cứ chuyện gì phụ huynh cũng can thiệp, dù nhỏ nhặt, cũng sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ của con trẻ, sự phát triển tâm sinh lý và tạo áp lực lên giáo viên.
Những cha mẹ này không hề xa lạ, họ có thể xuất hiện ở bất kỳ lớp học nào, ở bất kỳ quốc gia nào, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Thậm chí có nhiều bài báo đưa tin về vấn đề này, như báo Tuổi Trẻ có một bài viết mang tên ““Quyền lực” của phụ huynh và “nỗi sợ” của người thầy”.
Những phụ huynh này được đặt một cái tên riêng, đó là “Cha mẹ quái vật”.
Cha mẹ quái vật là gì?
Cha mẹ quái vật/ Monster Parents (モンスターペアレント) là những người nuôi dạy con bằng cách kết hợp giữa chủ nghĩa độc đoán và sự bảo vệ quá mức. Họ liên tục và kiên trì đưa ra những yêu cầu ích kỷ và vô lý, vượt quá phạm vi mà nhà trường có thể giải quyết, gây ra nhiều vấn đề trong hoạt động của trường.
Thuật ngữ này được đặt ra vào năm 2007 bởi nhà giáo dục Nhật Bản Yoichi Mukoyama dựa trên Wasei-eigo (nghĩa là "tiếng Anh do người Nhật tạo ra"). Nhưng nó trở nên thịnh hành hơn vượt ra khỏi biên giới Nhật Bản thông qua bộ phim truyền hình Nhật Bản cùng tên “Monster Parents” (2008).
Nguyên nhân khiến phụ huynh như vậy?
Có rất nhiều tình huống về cách cư xử của cha mẹ, cũng như việc nhà trường và giáo viên lo sợ những cha mẹ bảo vệ quá mức con cái. Một trong số đó là do ngày nay mỗi gia đình có ít con hơn và số gia đình chỉ có một con ngày càng tăng, khiến nhiều bậc cha mẹ đặt hết hy vọng vào đứa con duy nhất của mình. Đứa trẻ này không được phép thất bại, vì điều đó đồng nghĩa với việc cha mẹ sẽ thất bại.
Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với nhiều thông tin tiêu cực trong học đường, sẽ khiến các bậc phụ huynh lo sợ con của họ sẽ gặp phải tình huống tương tự. Khi việc gần giống như vậy xảy đến, cơ chế bảo vệ con sẽ được “bật”. Và họ sẽ làm mọi cách để đảm bảo con cái không chịu bất công.
Biểu hiện của cha mẹ quái vật
Hành động theo cảm tính
Cha mẹ quái vật thường hành động theo cảm tính, khi đụng đến vấn đề con cái, họ không thể kiềm chế được cảm xúc của mình. Khi cảm thấy con mình bị đối xử bất công, họ sẽ trút giận lên những người xung quanh.
Họ không có thói quen lắng nghe những gì đang diễn ra xung quanh và đánh giá tình hình, tự động cho rằng người khác có lỗi. Họ tin rằng mọi ý kiến của mình là đúng và có thể trở nên cực kỳ tức giận khi gặp phải một lập luận phản bác.
Vì thế, nếu nhà trường mất bình tĩnh khi tiếp xúc với những bậc cha mẹ thì gần như cuộc thảo luận sẽ không đi đến kết cục tốt đẹp.
Bảo vệ con quá mức
Một trong những đặc điểm của cha mẹ quái vật là họ quan tâm đến con cái nhiều hơn mức cần thiết và lo lắng quá nhiều về mọi thứ. Ngay cả khi một số tình huống trẻ nên tự mình giải quyết vấn đề thì họ muốn can thiệp sâu hơn.
Họ có thể tranh luận để con mình được điểm cao hơn, đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt và đôi khi đổ lỗi cho giáo viên nếu con họ học không tốt.
Thờ ơ với con cái
Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng những bậc cha mẹ không quan tâm đến con cái cũng là một trong những đặc điểm của cha mẹ quái vật. Thay vì nhận trách nhiệm làm cha mẹ, họ sẽ đổ mọi trách nhiệm lên những người xung quanh.
Hậu quả
Cha mẹ quái vật thường can thiệp vào cuộc sống cá nhân của con cái và có xu hướng đáp ứng mọi yêu cầu của con. Kết quả là, những đứa trẻ này thường phát triển những nét tính cách và thái độ chống đối xã hội bởi chúng tin rằng sẽ có cha mẹ ủng hộ và xử lý mọi rắc rối. Một thuật ngữ thường được sử dụng ở châu Á để mô tả hiện tượng này là "bệnh hoàng tử/công chúa".
Con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ, nếu cha mẹ nuông chiều và bảo vệ con thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Tương lai những đứa trẻ ấy sẽ lớn lên, lập gia đình, sinh con và có thể trở thành cha mẹ quái vật, tạo nên một vòng luẩn quẩn không có sự thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.
Ngoài ra, việc này khiến giáo viên e ngại với những học sinh này hơn, mối quan hệ với bạn bè cũng sẽ gặp khó khăn. Với những học sinh nhút nhát, việc này dễ khiến các em bị cô lập, không phải vì bị ghét bỏ, mà mọi người sợ “rước họa vào thân”.
Tại Việt Nam
Theo trang Giáo dục Việt Nam, bên cạnh những phụ huynh không quan tâm, hợp tác để dạy dỗ học sinh, thì cũng có những phụ huynh can thiệp sâu vào công việc của nhà trường, khiến giáo viên áp lực.
Theo chia sẻ của giáo viên, đôi khi thầy cô đưa ra yêu cầu nào đó với học sinh, câu trả lời của các em sẽ là “mẹ con dặn không được như thế này”, “mẹ con nói phải làm như thế kia”. Ví dụ, trong buổi vệ sinh chung của cả lớp, khi các em được thầy cô phân công cùng nhau làm việc như: bưng bê bàn ghế, lau dọn phòng học… sẽ vấp phải ý kiến của phụ huynh như: “Công việc này nặng nề quá, sức cháu yếu, làm thế sao nó phát triển được?”…
Hay như thông tin trên báo Tuổi Trẻ, nhiều giáo viên ngày nay không dám đưa ra quá nhiều yêu cầu vì “có gì sẽ bị phụ huynh đưa lên mạng xã hội”. Điều này khiến các thầy cô không thể uốn nắn và dạy bảo học sinh khi chúng phạm lỗi.
Ngay cả khi các em vi phạm quy định của nhà trường, các em chủ động nhận lỗi và chịu trách nhiệm cho hành động của mình (như việc đến phòng thi trễ hơn thời gian quy định sẽ không được thi môn đó). Nhưng sẽ có phụ huynh phản ứng và gặp thẳng hiệu trưởng để yêu cầu con họ được thi.
Kết quả em học sinh đó được tổ chức buổi thi riêng bằng đề dự phòng và không chịu bất kì chế tài nào. Điều này sẽ tạo ra tiền lệ xấu và khiến học sinh nghĩ rằng dù mình làm sai cũng sẽ có cách giải quyết và các em không thể rút ra bài học cho mình.
Nhưng nếu giáo viên từ chối thì có thể ngay lập tức giáo viên sẽ được đưa lên mạng xã hội, bị kể lại câu chuyện theo hướng khác, bị tất cả mọi người “xâu xé”. Nên nhiều người sẽ tặc lưỡi bỏ qua “cho lành”.
Tạm kết
Tranh cãi có, bảo vệ có, nhưng những vị phụ huynh này có một lý do hợp lý để làm điều đó - Vì thương con. Tuy nhiên “một nửa ổ bánh mì là ổ bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật”. Chính vì thế, để mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh là sự tương trợ, giúp đỡ nhau, 2 bên cần lắng nghe câu chuyện từ các phía, phán đoán, lập luận và cùng nhau đưa ra phương án hợp lý. Tạo nên môi trường giáo dục tốt nhất cho học sinh.
Phụ huynh cũng nên quan sát cuộc sống học đường của con một cách chừng mực, vẫn ở bên cạnh để đảm bảo con không gặp phải vấn đề bị cô lập, bắt nạt. Nhưng vẫn cho con không gian riêng, để con có thể học cách tự chịu trách nhiệm cho việc học của mình. Đó cũng là cách rèn cho con khả năng xử lý tình huống, thích nghi và chịu áp lực trong mọi hoàn cảnh, để sau này khi bước chân ra đời, không có cha mẹ phía sau, các con cũng có thể tự tin và thể hiện tốt bản thân mình.