eMagazine
0%

Trong nhiều ngôi nhà ở xứ sở hoa anh đào có sự xuất hiện của một chiếc tủ gỗ được trang trí tinh xảo, đặt ở nơi trang nghiêm và trông tựa như một Phật điện thu nhỏ. Người Nhật gọi đó là Butsudan.

Butsudan là gì?

Trong văn hóa Phật giáo Nhật Bản, Butsudan (仏壇, Phật Đàn, nghĩa là “án thờ Phật”) là một điện thờ thu nhỏ, có thể nhìn thấy trong các ngôi chùa và nhà của người dân.

Butsudan chứa đựng và bảo vệ một Gohonzon (御本尊) – đồ vật được tôn kính trong Phật giáo Nhật Bản, thường là tượng hoặc tranh Phật, Bồ Tát hoặc cuộn tranh Mandala.

Butsudan là một điện thờ thu nhỏ.
Butsudan là một điện thờ thu nhỏ. Ảnh: ameblo.jp

Mỗi Butsudan còn bao gồm các khí cụ (được gọi là Butsugu/仏具) như chân nến, lư hương, chuông và bục để đặt các lễ vật (trái cây, trà hoặc gạo). Ở một số tông phái Phật giáo, bài vị, tro cốt của người đã khuất và Kakocho (過去帳, sổ ghi chép lai lịch người đã qua đời trong gia đình) cũng được đặt bên trong hoặc gần Butsudan.

Nguồn gốc của Butsudan

Butsudan có nguồn gốc từ Ấn Độ cổ đại. Những người theo đạo Phật thời kỳ đầu đã đắp những nền đất và thờ các vị Phật ở đó. Không lâu sau, mái nhà được thêm vào để che mưa, chắn gió cho nền đất linh thiêng đó. Người ta cho rằng đây là nguồn gốc của đền thờ Phật giáo.

Phật giáo du nhập vào Nhật Bản khoảng thế kỉ VI từ Trung Quốc. Theo thời gian, đạo Phật dần phát triển và chính thức được công nhận. Vào ngày 27 tháng 3 năm 685, Thiên hoàng Tenmu đã ban hành sắc lệnh quy định mỗi gia đình ở mọi nơi phải lập một bàn thờ để đặt tượng và kinh Phật, đồng thời phải tiến hành cầu nguyện và tưởng niệm trước bàn thờ.

Tuy nhiên, cũng có những giả thuyết khác cho thấy, các Butsudan ngày nay hình thành theo một cách khác chứ không liên quan đến sắc lệnh nói trên.

Giả thuyết thứ nhất cho rằng Butsudan bắt nguồn từ Jibutsudou (持仏堂) – căn phòng lưu giữ tượng Phật và bài vị tổ tiên của giới quý tộc. Trong thời Nara (710-784), Jibutsudou là một gian nhỏ bên ngoài ngôi nhà nhưng đến thời Heian (794-1185) thì đã được chuyển vào bên trong.

Jibutsudou là nơi lưu giữ tượng Phật và bài vị tổ tiên của giới quý tộc.
Jibutsudou là nơi lưu giữ tượng Phật và bài vị tổ tiên của giới quý tộc. Ảnh: butsuzoutanbou.org

Theo nhà sử học nổi tiếng Takeda Choshu (1916-1980), Jibutsudou đã dần biến thành Butsuma (仏間, phòng thờ Phật) với kích thước nhỏ hơn và phổ biến rộng rãi, không chỉ có ở dinh thự của tầng lớp quý tộc mà còn xuất hiện trong nhà thường dân. Butsuma được cho là tiền thân của Butsudan.

Ở giả thuyết thứ hai, Butsudan được cho là có nguồn gốc từ Tamadana (魂棚) – bàn thờ tưởng niệm linh hồn tổ tiên và những người mới qua đời trong lễ Obon. Hình dáng của Tamadana thay đổi theo từng vùng và từng thời kỳ nhưng nhìn chung, nó thường là một tấm ván gắn vào bốn trụ được làm bằng gỗ hoặc tre.

Tamadana – bàn thờ tưởng niệm linh hồn tổ tiên và những người mới qua đời trong lễ Obon.
Tamadana – bàn thờ tưởng niệm linh hồn tổ tiên và những người mới qua đời trong lễ Obon. Ảnh: jodo.or.jp

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nhật Bản - Yanagida Kunio (1875-1962) tin rằng, Tamadana là nguồn gốc của Butsudan hiện đại. Từ việc sử dụng tạm thời trong lễ Obon, bàn thờ Tamadana được chuyển sang lắp đặt cố định và cuối cùng trở thành Butsudan.

Hiện nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho nguồn gốc của Butsudan nhưng giả thuyết đầu tiên có mức độ tin cậy cao hơn.

Sự phổ biến của Butsudan
trong đời sống của người Nhật

Vào thời Muromachi (1336-1537), Rennyo - môn chủ (門主) thứ 8 của chùa Hongan-ji thuộc Tịnh độ Chân tông (Jodo Shinshu) đã truyền tặng những người theo ông những cuộn giấy ghi “Namu Amida Butsu” (南無阿弥陀仏), tức “Nam mô A Di Đà Phật”. Rennyo khuyến khích các tín đồ cất giữ cuộn giấy trong Butsudan.

Khi lập Phật đàn của mình, họ mô phỏng theo bàn thờ Phật ở chùa Hongan-ji và làm ra Butsudan bằng vàng. Đây được coi là tiền thân của Kin-butsudan hiện tại.

Kin-butsudan – Phật đàn được làm bằng vàng.
Kin-butsudan – Phật đàn được làm bằng vàng. Ảnh: yamebutsudan.or.jp

Jodo Shinshu đặt ra nhiều quy tắc chuẩn mực liên quan đến Butsudan. Ngay cả ở hiện tại, tông phái này vẫn giữa quan niệm đồ vật chính của Butsudan phải là cuộn giấy có câu “Nam mô A Di Đà Phật” được lấy từ ngôi chùa chính, nơi thờ phụng tổ tiên mỗi gia đình.

Sau này, Butsudan đã lan rộng ra bên ngoài Tịnh độ Chân tông khi những bài vị tang lễ của gia đình trở nên phổ biến.

Vào thời Edo từ năm 1664, Mạc phủ đã tạo ra hệ thống Terauke-seido (寺請制度)hay còn được gọi là Danka-seido hoặc Jidan-seido. Hệ thống này yêu cầu mọi người phải nhận được chứng nhận về đức tin Phật giáo của mình từ một ngôi chùa.

Sự ra đời của Terauke-seido buộc người dân phải chọn một ngôi chùa nhất định làm Bodaiji (菩提寺, chùa gia đình) và trở thành Danka (檀家, người ủng hộ chùa). Các ngôi chùa tạo ra nhiều Shumon Ninbetsu Aratamecho (宗門人別改帳, sổ đăng ký điều tra dân số tôn giáo) và nhân dân cần có chứng thư gọi là Terauke shomon (寺請証文, giấy chứng nhận của một ngôi chùa Phật giáo) khi họ di chuyển sang vùng khác. 

Dưới hệ thống Terauke-seido, mỗi hộ gia đình đều phải có bàn thờ Phật - Butsudan đặt trong nhà để thờ cúng buổi sáng và tối, thực hiện tập tục mời nhà sư đến dự các lễ tưởng niệm ngày mất của tổ tiên.

Phong tục này dần trở nên phổ biến trong đời sống ở mọi tầng lớp quần chúng nhân dân. Từ đó, Butsudan trở thành một phần không thể thiếu trong mỗi gia đình Nhật Bản.

Cách bài trí Butsudan

Việc bài trí, sắp xếp đồ lễ trong và xung quanh Phật đàn tùy thuộc vào quy định của mỗi tông phái hay kích cỡ của Butsudan. Về cơ bản, Butsudan thường có cửa được trang trí như cửa điện thờ, trong trường hợp không có cửa thì thay thế bằng một tấm vải gấm hoặc vải trắng.

Cửa Butsudan được trang trí tinh xảo.
Cửa Butsudan được trang trí tinh xảo. Ảnh: nakayamabutsudans.com

Butsudan thường chứa một bức tượng hoặc một bức tranh của Đức Phật hay một vị thần Phật giáo mà gia đình tôn thờ. Bên cạnh đó, cuộn giấy chứa kinh Phật cũng được dùng để bài trí Butsudan khá phổ biến.

Những đồ lễ đặt gần Butsudan bao gồm trà, nước và thức ăn (thường là trái cây hoặc gạo) cùng một cái lư để đốt hương, nến, hoa, đèn treo và cây thường xanh. Chuông mõ hay khánh được đặt gần Butsudan để người dân tụng kinh cầu nguyện. Các bảng gỗ khắc tên những thành viên quá cố trong gia đình cũng được đặt ở bên trong hoặc bên cạnh Butsudan. 

Cửa Butsudan được trang trí tinh xảo.
Cửa Butsudan được trang trí tinh xảo. Ảnh: nakayamabutsudans.com
Cách bài trí Butsudan.
Cách bài trí Butsudan. Ảnh: kamosada.jp

Có quan niệm cho rằng, không nên đặt hình ảnh, giấy khen, cúp hoặc vé số vào bên trong Butsudan vì đây không phải là nơi để cầu mong lợi ích. Tuy nhiên, một số người Nhật vẫn để những thứ này trong Butsudan của gia đình như một cách báo cho tổ tiên biết họ đã, đang làm gì.

Ý nghĩa của Butsudan trong văn hóa

Butsudan là đồ vật linh thiêng thể hiện bản sắc độc đáo trong văn hóa Phật giáo Nhật Bản cùng sự phong phú trong đời sống tâm linh của người Nhật.

Đồ vật này được coi là một phần thiết yếu trong cuộc sống của một gia đình Nhật Bản truyền thống vì nó là trung tâm của đức tin tâm linh trong gia đình, là nơi tưởng niệm người thân đã mất và thể hiện sự hiếu lễ hướng về tổ tiên, thần linh.

Ý nghĩa của Butsudan trong văn hóa.
Ảnh: ikoi-co.jp

Hiện nay, Butsudan phổ biến trong nhà của người dân ở vùng nông thôn hơn là khu vực đô thị. Ước tính có khoảng hơn 90% hộ gia đình ở quê sở hữu một Butsudan trong nhà, con số này ở thành thị (bao gồm cả nội thành và ngoại ô) có thể giảm xuống dưới 60%.