eMagazine
0%

Từng bị đạo diễn Steven Spielberg và George Lucas từ chối phát hành với lý do “khó tiếp cận được khán giả phương Tây”, Akira - anime chuyển thể từ manga cùng tên cuối cùng lại trở thành tác phẩm có sức ảnh hưởng lớn và lâu dài đến các lĩnh vực từ âm nhạc, điện ảnh cho đến truyện tranh ở thời điểm hiện tại. Phim cũng thể hiện tư duy đột phá và tiên phong của đạo diễn kiêm mangaka Katsuhiro Otomo khi phá vỡ định kiến hoạt hình chỉ “dành cho trẻ em” vào thời điểm thập niên 80.

Akira lấy bối cảnh vào năm 2019 ở xã hội Tân Tokyo (Neo-Tokyo). Hậu Thế chiến thứ 3, thành phố Tân Tokyo chìm trong biển hỗn loạn. Giữa khu đô thị toàn những toà nhà chọc trời, nhiều nấm bom nguyên tử, các cuộc biểu tình của sinh viên, băng nhóm chống đối chính phủ và nhóm đua xe nổi loạn xuất hiện ở khắp mọi nơi. Nổi trội là băng nhóm đua xe Chú Hề và nhóm đua xe Capsule do Kaneda cầm đầu.

Một hôm, Tetsuo thử sức với chiếc mô tô của cậu bạn Kaneda và gặp phải sự tấn công của băng nhóm kia. Cậu va quẹt vào một đứa bé có năng lực siêu nhiên, ngã xuống và bị một liên minh khoa học quân sự bí ẩn bắt cóc để làm vật thí nghiệm cho loại sức mạnh mới. Họ đã sử dụng sức mạnh của Akira số 28, một vật thí nghiệm đã qua đời để kiểm soát sức mạnh lên Tetsuo. Không may, mọi thứ ngày càng phát triển vượt tầm kiểm soát, và Tetsuo trở thành mối nguy của cả thành phố khi có thể một lần nữa đẩy Tân Tokyo đến tận thế.

Ảnh: Wallpaper Flare

Akira ra mắt vào ngày 15 tháng 7 năm 1988 tại các rạp phim ở Nhật Bản, và 2023 là kỷ niệm 35 năm kể từ khi phát hành bộ phim này. Phim được chuyển thể từ bộ manga cùng tên dài 6 tập, 2.000 trang của tác giả Katsuhiro Otomo. Kinh phí làm phim Akira lên đến 10 triệu đô la Mỹ - tương đương 1 tỷ yên, một con số khổng lồ và ngoài sức tưởng tượng so với bất kỳ bộ phim hoạt hình nào khác của Nhật Bản thời bấy giờ.

Và điều ấy cũng hợp lý đối với một tác phẩm điện ảnh được gầy dựng công phu, khi mỗi khung hình là 24 bức vẽ tay của ekip các hoạ sĩ - một con số lớn hơn so với mọi phim hoạt hình 2D thời bấy giờ (1 khung hình của hoạt hình Disney gồm trung bình 12 bức vẽ tay), vị chi là 160.000 bức vẽ tay. Chưa kể, ánh sáng neon ở các toà nhà thành phố Tân Tokyo, các vụ nổ bom có thể nói là vượt trội hơn hẳn so với phim của Studio Ghibli. Phần lồng tiếng gần như khớp hoàn toàn với cử động miệng của nhân vật, các cảnh chuyển động, đánh nhau cũng sống động. Tất cả những điều này chứng tỏ Akira đã phải huy động một đội ngũ họa sĩ hùng hậu để có thể hoàn thành.

Ở thời điểm thập niên 80, anime hầu hết tập trung vào các đề tài như lịch sử, giả tưởng theo lối dễ thương hướng đến nhóm khán giả thiếu nhi (như Doraemon, Dr.Slump), hay chủ đề thể thao. Kể cả sự thành công của Studio Ghibli với hai tác phẩm lên án về sự tiến bộ của công nghệ lên môi trường là Nausicaa Valley Of The WindCastle In The Sky cũng hướng đến thông điệp tích cực. Và Akira hoàn toàn khác biệt hẳn.

Đó là một câu chuyện khoa học - giả tưởng lấy bối cảnh ở một xã hội phản địa đàng, lồng ghép nhiều câu chuyện phức tạp về đạo đức trong khoa học, thế giới cyberpunk, ranh giới thiện - ác của con người, cùng nhiều vấn đề liên quan đến bất cập trong chính trị Nhật Bản được đan cài nhịp nhàng và tinh tế. Bên cạnh đó, hình ảnh nấm bom xuất hiện hai lần trong Akira, hay việc cậu bé Tetsuo bị bạn bè bắt nạt vì mồ côi cha mẹ gợi nhớ đến hậu quả của vụ ném hai quả bom nguyên tử năm 1945 ở thành phố Hiroshima và Nagasaki.

Trong nhiều video diễn giải về Akira trên Youtube, một số người đặt ra nghi vấn liệu Akira-28, “chiếc hộp Pandora” như lời nhận định của viên sĩ quan với nhà khoa học, có phải là quả bom nguyên tử mà cả quốc gia đã muốn chôn vùi. Katsuhiro Otomo đã mạnh dạn đưa vào rất nhiều yếu tố bạo lực, chiến tranh một cách kịch tính và tàn bạo để lên án mặt tối của những công nghệ tối tân lên xã hội loài người. Nhiều kẻ tham lam vì lợi ích cá nhân, bất chấp mối đe doạ của nó lên tính mạng vật thí nghiệm, mà gây nên hậu quả kinh hoàng không thể vãn hồi.

Điều đặc biệt ở đây: Katsuhiro Otomo vừa là cha đẻ của bộ manga nguyên tác, vừa là đạo diễn của bộ phim.

Cảnh nấm bom gợi nhớ đến vụ thả bom nguyên tử năm 1945, kết thúc Thế chiến thứ 2 ở Nhật Bản.
Cảnh nấm bom gợi nhớ đến vụ thả bom nguyên tử năm 1945, kết thúc Thế chiến thứ 2 ở Nhật Bản.
Cảnh nấm bom gợi nhớ đến vụ thả bom nguyên tử năm 1945, kết thúc Thế chiến thứ 2 ở Nhật Bản.
Cảnh nấm bom gợi nhớ đến vụ thả bom nguyên tử năm 1945,
kết thúc Thế chiến thứ 2 ở Nhật Bản.

Người tiên phong trong thể loại Manga SCI-FI

Katsuhiro Otomo sinh ngày 14 tháng 4 năm 1954 ở vùng Tohoku, vựa lúa của Nhật Bản. Lớn lên trong thời kỳ hậu chiến ở vùng nông thôn, là con trai duy nhất trong gia đình ba người con, ông thường dành thời gian đọc manga một mình và tự sáng tác truyện. Sớm được truyền cảm hứng bởi bộ Tetsuwan Atom (còn gọi là Astro Boy của Osamu Tezuka) và Tetsujin 28-go (Mitsuteru Yokoyama), ông thường dành hàng giờ để vẽ lại câu chuyện từ hai tác phẩm này. Sau đó, ông bắt đầu tập vẽ manga nghiêm túc qua việc đọc thêm nhiều giáo trình vẽ manga.

Tác giả Katsuhiro Otomo bên đứa con tinh thần
Tác giả Katsuhiro Otomo bên đứa con tinh thần. Ảnh: IMDb

Con số 28 của nhân vật Akira là cách ông tri ân với hoạ sĩ Mitsuteru Yokoyama. Cốt truyện của Akira cũng được đắp lên từ bộ truyện này - câu chuyện về một vũ khí tối thượng trong thời chiến và phát sinh thảm hoạ diệt vọng ở thời bình.

Khi bước vào cấp 3, vị mangaka bắt đầu có hứng thú với điện ảnh. Ông nuôi tham vọng trở thành hoạ sĩ truyện tranh chuyên nghiệp và đạo diễn phim. Một người bạn của Katsuhiro đã giới thiệu ông cho một biên tập viên của đơn vị xuất bản manga nổi tiếng để gửi tác phẩm. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông chuyển đến Tokyo theo lời đề nghị của người này, trở thành hoạ sĩ manga của Futabasha.

Những năm đầu tiên của sự nghiệp, Otomo vẽ gekiga - dòng manga dành cho người lớn, phản ánh những vấn đề xã hội đương thời một cách táo bạo, và cả manga thể thao. Chỉ đến khi bước vào con đường chuyên nghiệp, ông mới bắt đầu thay đổi định hướng. Nhớ về những lần vui sướng lúc bé thơ khi đọc manga khoa học viễn tưởng, Katsuhiro nảy ra ý định “tái tạo cảm giác phấn khích” mình từng có được. Bên cạnh đó, ông cũng nhìn nhận rằng đây là thể loại mang đến nhiều không gian sáng tạo khi mới bắt đầu.

Tác giả Katsuhiro Otomo bên đứa con tinh thần
Tác giả Katsuhiro Otomo bên đứa con tinh thần. Ảnh: IMDb

Năm 1973, phim The Exorcist trở thành hiện tượng kinh dị trong giới điện ảnh. Otomo đã được truyền cảm ứng mạnh mẽ bởi bộ phim này, và thêm thắt chất liệu cùng với bối cảnh vùng Takashimadaira phía Bắc Tokyo (nổi tiếng với nhiều trường hợp nhảy lầu liên tiếp ở các chung cư lớn) cho manga giả tưởng Fireball. Tác phẩm này cũng là tiền đề để ông sáng tác Domu, và đề cập đến những đứa trẻ có năng lực ngoại cảm – một chất liệu được ông tái sử dụng cho Akira.

Ba đứa trẻ có gương mặt như người già, sở hữu khả năng ngoại cảm được lấy cảm hứng từ bộ truyện Fireball và phim The Exorcist
Ba đứa trẻ có gương mặt như người già, sở hữu khả năng ngoại cảm được lấy cảm hứng từ bộ truyện Fireball và phim The Exorcist. Ảnh: MyAnimeList

Xây dựng nhân vật cũng là điểm sáng riêng trong sáng tác của Otomo. Trong Akira, những nhân vật như ba đứa trẻ với da dẻ nhăn nheo, làn da xanh lạnh, hay hình ảnh Tetsuo biến hoá khi bị bắn cụt tay cho thấy sự độc đáo về tư duy của ông. Bên cạnh những nhân vật là con người, Katsuhiro quyết định để những toà nhà chọc trời cũng là một nhân vật quan trọng trong phim. Ông đã tiếp cận phong cách của hội hoạ phương Tây từ những hoạ sĩ như Moebius, một chút từ phương Đông như Yokoo Tadanori và Yoshitaro Isaka để tạo sự độc đáo và hiệu ứng thị giác cho sản phẩm của mình.

Đối với phong cách cyberpunk của bộ phim, Otomo đã lấy cảm hứng những phim điện ảnh phương Tây. Những toà nhà chọc trời ở Neo Tokyo được truyền cảm hứng từ Blade Runner. Không gian trong phim ảnh hưởng từ 2001: A Space Odyssey. Và những chiếc mô tô của các băng nhóm đua xe được lấy ý tưởng từ chiếc lightcycle trong Tron.

Âm nhạc với nhịp điệu hồi hộp cũng là điểm nhấn cho phim. Đảm nhận vai trò sáng tác là Geinoh Yamashirogumi, một nhóm nhạc dân tộc nghiệp dư mà Katsuhiro Otomo yêu thích
Âm nhạc với nhịp điệu hồi hộp cũng là điểm nhấn cho phim. Đảm nhận vai trò sáng tác là Geinoh Yamashirogumi,
một nhóm nhạc dân tộc nghiệp dư mà Katsuhiro Otomo yêu thích.

Cú hích trong điện ảnh

Ảnh: Film Daze

Manga Akira ra đời dựa theo lời đề nghị cộng tác của Tạp chí Young với Otomo Matsuhiro. Thời điểm ông bắt tay làm việc, Young là một tạp chí non trẻ, và trên thị trường gần như không có bộ manga nào khai thác về câu chuyện của giới trẻ. Ảnh hưởng bởi tư tưởng phương Tây, tác phẩm đã khai thác về sự lạc lối, cô đơn của những đứa trẻ mới lớn và khao khát thể hiện bản thân. Nhân vật Tetsuo thể hiện rõ tinh thần này, khi suốt hành trình bỏ trốn, bị bắt cóc, bị Akira chiếm hữu, cậu luôn đau đáu “Mình là ai?”.

So với nguyên tác, bản điện ảnh đã lược bỏ nhiều tình tiết và nhân vật quan trọng để phù hợp với thời lượng 2 tiếng của bộ phim. Nhưng Katsuhiro Otomo chấp nhận và cho rằng sản phẩm chuyển thể phải có một sức sống mới mẻ, độc đáo hơn so với manga. Chỉ có điều vì bị cắt lược nhiều quá, nên lần đầu xem Akira, vị mangaka đã cảm thấy thất vọng khi thấy chất lượng câu chuyện ở nửa sau phim ngày càng giảm sút. Điều này cũng giống với thời kỳ manga Akira ra đời, ông đã từng coi đây là dự án thất bại khi tạp chí Young nói rằng bộ truyện chỉ phát hành trong thời gian ngắn, nên phải vẽ ít tập lại.

Trước khi tham gia đạo diễn cho Akira, bản thân Otomo cũng tự bỏ tiền để làm một bộ phim live-action 16mm dài một tiếng. Sau khi có được kinh nghiệm quý báu, ông đã bắt tay vào làm tác phẩm huyền thoại của mình.

Ảnh: Film Daze

Tầm ảnh hưởng vượt biên giới

Akira cho thấy nhiều ảnh hưởng từ các kiệt tác điện ảnh sci-fi phương Tây như Rebel Without a Cause, Videodrome của David Cronenberg, Blade Runner của Ridley Scott, 2001: A Space Odyssey của Stanley Kubrick, ET của Steven Spielberg và Star Wars. Sau khi ra mắt lần đầu ở rạp, phim thu về 49 triệu đô.

Điều thú vị là sau đó Akira ảnh hưởng ngược lên rất nhiều phim sci-fi phương Tây, thậm chí định hình cả một ngành công nghiệp điện ảnh và giải trí trong hơn 30 năm. Midnight Special, ChronicleInception đều mượn chủ đề và phong cách từ Akira, khi có nhân vật cốt lõi là một đứa trẻ có sức mạnh dịch chuyển tức thời mang tính tàn phá.

Phân cảnh quay xe của Kaneda đầu phim đã được tái hiện lại ở nhiều phim điện ảnh và hoạt hình Mỹ sau này
Phân cảnh quay xe của Kaneda đầu phim đã được tái hiện lại ở nhiều phim điện ảnh và hoạt hình Mỹ sau này.

Gần đây nhất, series Netflix Stranger Things cũng được lấy cảm hứng từ bộ phim này. Nhân vật Eleven là một đứa trẻ được huấn luyện bởi một nhóm mờ ám nào đó để sử dụng sức mạnh thần giao cách cảm của mình làm vũ khí. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2016, anh em nhà Duffer, cha đẻ của series cho biết ảnh hưởng của “Akira” “rõ ràng là rất lớn” với sản phẩm. Rapper Kanye West cũng liệt Akira vào danh sách phim yêu thích nhất của anh và lấy ý tưởng phim cho MV Stronger. Thậm chí, đạo diễn Steven Spielberg, người từng từ chối phát hành Akira đã đưa hình ảnh chiếc xe mô tô huyền thoại vào Ready Player One.

Akira còn là nguồn cảm hứng thời trang khi vào năm 2017, thương hiệu streetwear Supreme đã phát hành bộ sưu tập trang phục vào mùa thu năm 2017 với tác phẩm nghệ thuật từ Akira và Otomo.

BST Supreme X Akira năm 2017
BST Supreme X Akira năm 2017. Ảnh: Supreme

Ở nước sở tại, bộ phim năm 1982 cũng là nguồn cảm hứng lớn cho rất nhiều anime đình đám sau này như Neon Genesis Evangelion, poster phim Naruto, Ghost In The Shell, Cowboy Bebop.

Độ phủ sóng Akira rộng lớn đến mức nhiều đạo diễn phương Tây ngỏ ý muốn chuyển thể thành phiên bản live-action. Chia sẻ về quan điểm chuyển thể, Katsuhiro Otomo cho biết ông cởi mở với những đề nghị, nhưng đưa ra điều kiện chính đối với phiên bản người đóng, đó là “tôi phải kiểm tra và phê duyệt kịch bản.” Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có thông báo chính thức về dự án này. Có lẽ sau thất bại của phiên bản live-action Ghost In The Shell, những nhà làm phim phương Tây đã cân nhắc nghiêm túc trong việc làm một bộ phim tôn trọng văn hoá và tinh thần của bản gốc.