Kiến trúc Gassho-zukuri ở Gokayama và Shirakawago

Bài: MayuSenda / Hợp tác: ASEAN-Japan Centre
Jul 4, 2017

Ảnh: PIXTA / Biên dịch: Lăng Vi

gasshozukuri

Làng Ainokura, vùng Gokayama vào đầu hè. Khung cảnh yên bình trải rộng trước mắt (Photo: nonnonpon / PIXTA)

Vùng Gokayama thuộc tỉnh Toyama và vùng Shirakawago thuộc tỉnh Gifu là những nơi chốn vô cùng quý giá khi còn lưu giữ nhiều phong cảnh làng mạc thời xa xưa của đất nước Nhật Bản. Hai nơi này nổi tiếng với những ngôi nhà có lối kiến trúc độc đáo được gọi là Gassho-zukuri. “Gassho” trong “Gassho-zukuri” có nghĩa là “chắp tay”. 

Do hình dáng mái nhà trông như đang chắp tay nên người ta đặt tên cho lối kiến trúc này là “Gassho-zukuri”. Phần mái nhà được lợp bằng cỏ đã phơi khô, phương thức này gọi là “Kayabuki”. 

Ở Nhật Bản, phong cách kiến trúc như vậy chỉ có thể tìm thấy ở Gokayama và Shirakawago. Năm 1995, làng Suganuma, làng Ainokura thuộc vùng Gokayama và làng Ogimachi thuộc vùng Shirakawago được ghi nhận là Di sản Văn hóa Thế giới

mái nhà Gasshozukuri

Kiến trúc Gassho-zukuri của làng Suganuma. Khu vực hình tam giác có thể trở thành căn phòng chia tầng (Photo: IKEDO HIROSHI / PIXTA )

Kiến trúc Gassho-zukuri là nơi hội tụ trí tuệ của nhiều người. Những ngôi làng này nằm trong khu vực tuyết rơi đặc biệt dày. Mái nhà được làm có độ dốc cao là để tuyết có thể dễ dàng rơi xuống. 

Khi tuyết rơi dày, mặc dù sẽ phủ đầy nhưng mái nhà ít nhất cũng sẽ nâng đỡ, bảo vệ ngôi nhà không bị đổ sập do sức nặng của lớp tuyết. Không chỉ thế, phần mái cũng được thiết kế quay theo hướng dễ đón ánh sáng để tuyết có thể tan một cách nhanh chóng. 

Ngoài ra, khu vực có hình dáng gần như là hình tam giác trong ngôi nhà là nơi rộng rãi, trước đây từng được sử dụng để nuôi tằm. Căn phòng đón trọn gió và ánh sáng từ cửa sổ nên thích hợp cho tằm sinh trưởng, trồng dâu nuôi tằm và chế tạo thuốc súng sử dụng chất thải từ con tằm trở thành ngành nghề hỗ trợ địa phương lúc bấy giờ. 

Gasshozukuri trong tuyết

Shirakawago trong tuyết trắng. Mái nhà Kayabuki có khả năng duy trì độ ấm tốt. (Photo: lastpresent/ PIXTA)

Nửa sau thế kỉ 19, có hơn 1.800 ngôi nhà Gassho-zukuri nhưng do những nguyên nhân như nghề nuôi tằm suy thoái, dân số giảm nên số lượng nhà cũng ít đi, đến nay chỉ còn lại 150 ngôi nhà. 

Việc bảo tồn những ngôi nhà Gassho-zukuri từ kỹ thuật đến chi phí không hề đơn giản chút nào. Phần mái nhà Kayabuki cứ 30 - 40 năm là cần phải tiến hành thay cỏ một lần, gọi là “Fukikae”. 

Trước đây nhờ vào tổ chức Yui gồm những người dân trong vùng tập hợp và giúp đỡ, người dân trong làng có thể hoàn thành một căn nhà trong một ngày nhưng ngày nay do thiếu nguồn lao động nên người ta phải nhờ vả thêm tình nguyện viên. Tuy nhiên, sự tồn tại đến nay của một tổ chức như Yui dạy bảo cho con người hiện đại thấu hiểu tầm quan trọng của sự liên kết giữa người và người. 

ngôi nhà Wakade

Wakade, ngôi nhà cổ nhất ở Shirakawago với 300 năm tuổi. Du khách có thể tham quan khu vực tầng 1 và 2. (Photo: mt223 / PIXTA)

Từ lúc kiến trúc Gassho-zukuri được ghi nhận là Di sản Văn hóa Thế giới đến nay đã được 20 năm. Bất kể nhiều du khách đến tham quan, cuộc sống trong làng vẫn diễn ra không có gì thay đổi, có lẽ chính điều đó đã trở thành Di sản Văn hóa đáng giá với Nhật Bản và thế giới. 

Mayu Senda / kilala.vn

ASEAN%20logo.jpg

Bài viết được tài trợ bởi ASEAN-Japan Centre, một Tổ chức quốc tế được thành lập vào năm 1981 bởi Nhật Bản và các quốc gia thành viên ASEAN. Với chủ trương thúc đẩy thương mại, du lịch, giao lưu giữa Nhật Bản và các nước thành viên ASEAN, tổ chức đã có nhiều hoạt động như Triển lãm sản phẩm các quốc gia Châu Á, Hội nghị kinh doanh, Hội thảo về nhiều vấn đề khác nhau, Workshop, Đào tạo nguồn nhân lực, Sự kiện văn hóa, xuất bản nhiều ấn phẩm hay hỗ trợ thông tin.

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU