Xu hướng chuyển về trung tâm của các trường đại học Nhật
Bài: Rin
Jun 10, 2022
Nguồn: Asahi
Xu hướng này được nhiều trường đại học ở Nhật hưởng ứng nhằm tăng khả năng cạnh tranh và thu hút sinh viên.
Tại khu vực gần Ga Myogadani của Tokyo Metro, cách Ga Tokyo chỉ 10 phút di chuyển bằng tàu điện ngầm, xuất hiện một công trình đang trong giai đoạn thi công phủ dưới những tấm bạt màu xanh lam. Đây chính là cơ sở mới của Đại học Chuo, dự kiến khánh thành vào tháng 04/2023.Được biết, Đại học Chuo chỉ là một trong số nhiều trường đại học tại xứ sở hoa anh đào quyết định chuyển cơ sở về khu vực trung tâm.
Cạnh tranh trong việc thu hút sinh viên mới
Khoảng 5.800 sinh viên khoa Luật đang học tập tại cơ sở Tama của Đại học Chuo ở Hachioji, phía Tây Tokyo sẽ được chuyển đến chi nhánh mới Myogadani sau khi cơ sở này đi vào hoạt động.
Thông thường,
các sinh viên Luật của Chuo sẽ mất khoảng một giờ đồng hồ di chuyển
bằng tàu từ Ga Tokyo đến cơ sở Tama. Một nữ sinh viên
bày tỏ, cơ sở này nằm quá xa trong trường hợp cô muốn tìm kiếm một công
việc làm thêm ở trung tâm Tokyo.
Vào năm 1978, Đại học Chuo đã dời các khoa liên quan đến Khoa học xã hội và Nhân văn từ quận Chiyoda, Tokyo về khu vực Tama, quận Hachioji, Tokyo để đảm bảo có một không gian học tập rộng rãi cho sinh viên. Hiện tại, có khoảng 80% sinh viên đang học tập tại cơ sở này.
Đến năm 2004, Chuo đã thành lập thêm một trường Luật tại quận Shinjuku, Tokyo. Một số cơ sở khác của trường, bao gồm một khoa mới cũng được đặt gần đó vào năm 2019.
Theo báo cáo của trường, di dời khoa Luật từ cơ sở Tama đến cơ sở Myogadani trong năm 2023 đồng nghĩa với việc tỷ lệ sinh viên tham gia các lớp học ở trung tâm Tokyo tăng lên 45%. Nobuyuki Sato, Phó Chủ tịch của Đại học Chuo nhấn mạnh tầm quan trọng của động thái này và nói rõ cơ sở mới sẽ đẩy mạnh sự hợp tác giữa khoa Luật với khoa Khoa học và Kỹ thuật của trường, nằm cách nhau một ga.
Đại học Chuo đang triển khai dự án mời các cựu sinh viên về làm việc với tư cách chuyên gia luật và công chức để mang đến các bài giảng và hội thảo dành cho sinh viên của trường. Như vậy, việc di dời khoa Luật sẽ giúp những cựu sinh viên đang làm việc tại trung tâm Tokyo dễ dàng tham gia dự án trên.
Đồng thời, Chuo cũng tin tưởng cơ sở mới nằm tại quận Bunkyo, Tokyo với giao thông thuận tiện sẽ giúp thu hút thêm nhiều sinh viên trong năm tài chính tiếp theo, bởi kỳ thi tuyển sinh vừa qua không có sự gia tăng về số lượng thí sinh đăng ký.
Theo thông tin từ người đại diện của Đại học Chuo, một số giáo viên trung học phụ trách hướng nghiệp cho học sinh cũng đã phản hồi tích cực về vị trí mới khá đắc địa của trường.
Ngoài đại học Chuo, Đại học Nữ Nhật Bản cũng đã mở khoa Khoa học xã hội tại quận Bunkyo, Tokyo vào tháng 04/2021. Trước đó, sinh viên học tại một cơ sở khác ở Kawasaki, tỉnh Kanagawa. Dự kiến vào tháng 04/2025, Đại học Khoa học Tokyo cũng sẽ dời khoa Khoa học Y dược từ chi nhánh Noda, tỉnh Chiba lên quận Katsushika, Tokyo.
Các trường đại học lớn nằm bên ngoài Tokyo cũng đang ấp ủ kế hoạch dịch chuyển vào trung tâm. Đại học Hiroshima sẽ dời trường Luật từ Higashi-Hiroshima về trung tâm Hiroshima cách đó 20km vào năm tài chính 2023. Cũng trong năm 2023, Đại học Tohoku Gakuin tại tỉnh Miyagi dự kiến tích hợp 3 chi nhánh nằm tại Sendai và lân cận Tagajo thành một cơ sở ở khu vực trung tâm Sendai.
Theo các chuyên gia, xu hướng trên xuất phát từ việc các trường đại học Nhật Bản cạnh tranh nhau để thu hút sinh viên, trong bối cảnh tỷ lệ sinh ở Nhật ngày càng giảm.
Trở ngại khi chuyển về Tokyo được loại bỏ
Nhiều trường đại học tọa lạc tại các đô thị xung quanh Tokyo đã liên tục chuyển chi nhánh về Tokyo kể từ những năm 2000. Trước đó, việc thiết lập các khoa mới tại Tokyo bị hạn chế theo luật ban hành vào năm 1959 để tránh việc biến nơi đây trở nên đông đúc hơn. Tuy nhiên, đến năm 2002, luật này đã được bãi bỏ.
Kết quả là Đại học Tokyo, Đại học Aoyama Gakuin và nhiều trường khác đã chuyển cơ sở từ vùng ngoại ô trở lại trung tâm Tokyo.
Shigeru Izawa, Trưởng bộ phận nghiên cứu dữ liệu của Daigaku Tsushin, chuyên cung cấp thông tin giáo dục chia sẻ: “Các thí sinh ngày nay thường có xu hướng chọn những trường dễ đi lại hơn. Các trường đại học hẳn đang mong đợi thu hút thêm thí sinh bằng cách đáp ứng nhu cầu này”.
Izawa cũng cho biết thêm việc bảo đảm thu hút được một số lượng thí sinh nhất định liên tục qua các năm là điều cần thiết để duy trì chất lượng sinh viên của trường. Việc có những chi nhánh tại các quận thành thị đôi khi cũng giúp tăng chất lượng khóa học vì có thể dễ dàng hợp tác với các nhóm, tổ chức bên ngoài, số lượng nhân viên công ty có chuyên môn để bố trí làm giảng viên cũng tăng gấp đôi.
Tình trạng giảm tỷ lệ sinh ở Nhật Bản
Theo dữ liệu từ Bộ Giáo dục, dân số ở độ tuổi 18 của Nhật Bản bắt đầu giảm sau năm 1992, từ 2,05 triệu người xuống còn 1,14 triệu người vào năm 2021. Số lượng sinh viên mới chưa giảm mạnh tính đến hiện tại vì
tỷ lệ học sinh học lên bậc đại học ngày càng tăng, nhưng con số này được dự báo sẽ giảm dần kể từ năm 2022.
Vào năm ngoái, lần đầu tiên số lượng thí sinh đăng ký vào các trường cao đẳng tư nhân ít hơn so với chỉ tiêu đưa ra. Izawa cho biết: “Một số trường đại học đã nhận thấy điều này. Tùy thuộc vào khả năng tài chính, nhiều trường sẽ tiếp tục dời vào Tokyo trong thời gian tới”.
kilala.vn