Vì sao nhiều người Nhật sống "tị nạn" trong quán cafe internet?
Bài: Ái ThươngAug 1, 2023
Tại xứ sở hoa anh đào, nhiều người đã chọn quán cafe net để
sống và xem nơi này như nhà của họ, một “thiên đường” để họ thoải mái
lướt web và thoát khỏi thực tại. Tuy nhiên hiện tượng này cũng phản ánh nhiều mặt tối của xã hội Nhật Bản.
"Tị nạn tại quán cafe" là gì?
Tại Nhật Bản, có một thuật ngữ là “ネットカフェ難民” (netto kafe nanmin), chỉ những “kẻ
tị nạn ở quán cafe internet". Một thuật ngữ tương đương với nó là “サイバーホームレス” (saibaa hoomuresu), được hiểu
là “người vô gia cư trên mạng".
Cả hai từ đều ám chỉ một bộ
phận người vô gia cư ở Nhật Bản, họ không sở hữu hoặc thuê nhà (do đó
không có địa chỉ thường trú) và thường ngủ trong những quán cafe internet, cafe manga mở cửa 24 giờ.
Thuật ngữ này lần đầu được sử
dụng vào năm 2007, trong một chương trình tài liệu của Nippon News
Network NNN Document, để mô tả xu hướng sinh sống tại các quán net
gần như là 24 giờ mỗi ngày.
“Ngôi nhà” lý tưởng trong thời đại 4.0
Quán cafe internet ở Nhật không chỉ đơn giản là nơi khách hàng đến lướt mạng, theo dõi những thứ có trên internet hay chơi game, mà còn cung cấp những dịch vụ tiện ích với giá cả phải chăng.
Với chi phí thường rơi vào
khoảng 300 đến 400 yên (50.000 - 67.000 VND) mỗi giờ tùy vào từng khu vực, khách hàng sẽ được thoải mái lướt web, đọc truyện tranh và hưởng các dịch vụ đi kèm như ăn uống, tắm rửa, vệ sinh và ngủ nghỉ.
Mỗi quán đều mở cửa 24/7 và thường có các phòng cabin với
diện tích khoảng 2m2 nên khách có thể nằm ngủ, hoạt động thoải mái. Bên
trong phòng được trang bị đầy đủ đèn ngủ, máy tính kết nối mạng, ổ
cắm điện và giường.
Một số nơi còn bán đồ lót, quần
áo và vật dụng cá nhân khác, cung cấp nước giải khát và các loại súp
miễn phí, tạp chí, băng đĩa video, máy chơi game... Thậm chí có
nơi còn trang bị máy photocopy và máy in để phục vụ cho những ai đến
đây làm việc.
Ngoài ra, hầu hết các địa điểm đều có gói giảm giá khi ở qua đêm. Giá thay đổi tùy theo thành phố, nhưng các gói 6 giờ hoặc 9 giờ thường có giá khoảng 1.500 yên (250.000 VND). So với khách sạn con nhộng và ký túc xá (khoảng 2.500 yên - 415.000 VND) và khách sạn dành cho doanh nhân, mức giá tương đối rẻ khiến quán cà phê net trở thành một lựa chọn hấp dẫn.
Cafe internet tựa như một “ngôi nhà” lý tưởng với nhiều người vì họ có thể tự do làm bất cứ việc gì trong không gian riêng tư, không bị làm phiền bởi người khác với mức phí bỏ ra không nhiều. Chính vì vậy mô hình “nhà ở” này đã “gây sốt” và trở thành một hiện tượng xã hội ở xứ Phù Tang.
Hệ quả từ cuộc khủng hoảng kinh tế
Một nghiên cứu của chính phủ Nhật Bản ước tính rằng có hơn 5.400 người đang dành ít nhất nửa thời gian trong tuần để cư trú trong các quán cafe internet. Tính đến năm 2020, có khoảng 15.000 người ở Tokyo thường qua đêm tại địa điểm này, đa số là các nam thanh niên.
Cafe internet đã xuất hiện ở Nhật từ khoảng cuối thập niên 90 và đến cuối những năm 2000 thì bắt đầu nở rộ, có mặt khắp mọi thành phố.
Thời điểm này, khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra khiến tình trạng thất nghiệp tăng cao. Nhiều người mất việc và không còn khả năng thuê nhà riêng đã tìm đến quán cafe internet như một nơi để giúp họ có chỗ ăn chỗ ở trong thời kỳ khó khăn.
Ước tính mức phí để sống tại quán net một tháng mất khoảng hơn 14
triệu đồng, rẻ hơn nhiều với giá thuê căn hộ rộng 30m2 tại Tokyo - khoảng hơn 30 triệu đồng.
Hầu hết những “người vô gia cư” ở quán cafe internet là tầng lớp lao động thành thị, bị đẩy đến một hình thức cư trú không ổn định do chi phí sinh hoạt cao trong bối cảnh kinh tế khó khăn kéo dài. Có quan điểm cho rằng, họ có thể được coi là ví dụ điển hình cho sự bất an và nỗi tuyệt vọng bao trùm xã hội Nhật Bản đương đại.
Nỗi lo về tương lai
Quán cafe internet cung cấp các dịch vụ, nhu yếu phẩm cho sinh hoạt hằng ngày, là chỗ “tá túc” tốt cho người đang trong tình cảnh khó khăn, thiếu thốn về tài chính. Nó là một xu thế sống trong thời đại ngày nay nhưng cũng đồng thời tồn tại nhiều khía cạnh tiêu cực.
Thứ nhất, nó khiến con người dễ bị cô lập, khó xây dựng các mối quan hệ dài lâu và dần hình thành một thế hệ cô đơn, không lập gia đình. Điều này rất đáng báo động vì Nhật Bản đang rơi vào khủng hoảng già hóa dân số, giới trẻ ngại kết hôn và sinh con.
Ngoài ra, đa số những người “vô gia cư” lấy quán net làm nhà là những người thất nghiệp đang tìm việc hoặc có thu nhập thấp. Các quán cafe internet mọc lên ngày một nhiều ở các thành phố lớn, lượng người “định cư” lâu dài tại đây cũng tăng dần lên cho thấy kinh tế Nhật Bản đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Đồng yên rớt giá, chi phí sinh hoạt tăng cao, khoảng cách giàu nghèo ở nước này cũng ngày càng nới rộng.
Chẳng ai muốn sống mãi ở quán cafe internet dù nó tiện nghi và giá rẻ, ai cũng sẽ muốn có một ngôi nhà của riêng mình. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế xã hội bất ổn như hiện nay, cafe internet lại được ví như nơi định cư lý tưởng để nhiều người thoát khỏi thực tại khắc nghiệt.
kilala.vn