Vì sao Nhật Bản cấm uống rượu khi chưa đủ 20 tuổi?

Bài: Mỹ Triều
Feb 4, 2022

Ảnh bìa: irasutoya.com, hussle.com

Ở Nhật Bản, nếu bạn đã tốt nghiệp cấp 3, đang đi học hoặc đang đi làm, đừng ngạc nhiên khi biết rằng nếu dưới 20 tuổi thì bạn vẫn không được uống rượu vì điều này bị pháp luật nghiêm cấm.

Vào năm 2018, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua sửa đổi Bộ Luật Dân sự, theo đó, từ tháng 4 năm 2022, độ tuổi trưởng thành về mặt pháp lý sẽ giảm xuống còn 18 tuổi, tương đồng với Việt Nam và nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, giới hạn độ tuổi uống rượu bia vẫn không thay đổi, chỉ những người từ 20 tuổi trở lên mới được phép tiêu thụ đồ uống có cồn.

Luật cấm uống rượu khi chưa đủ tuổi

“Luật cấm các loại đồ uống có cồn đối với trẻ vị thành niên” (未成年者飲酒禁止法) là một trong những luật tồn tại lâu đời trong xã hội Nhật Bản, được ban hành vào ngày 30/03/1922 (Taisho 11), quy định cấm trẻ vị thành niên (dưới 20 tuổi) uống rượu. 

nhật bản cấm uống rượu khi chưa đủ 20 tuổi
Nhật Bản cấm uống rượu bia khi chưa đủ 20 tuổi. Ảnh: unsplash

Xem thêm: Ngày Seijin no Hi - Dấu mốc tuổi 20 của thanh niên Nhật

Kể từ tháng 4/2022, sau khi độ tuổi trưởng thành về mặt pháp lý được giảm xuống 18 tuổi, luật này sẽ có tên gọi là “Luật cấm các loại đồ uống có cồn đối với người dưới 20 tuổi” (二十歳未満ノ者ノ飲酒ノ禁止ニ関スル法律)

Sau nhiều lần bổ sung và sửa đổi cho đến hiện tại, luật này bao gồm 4 điều khoản, trong đó về cơ bản gồm các quy định: 

  • Nghiêm cấm người dưới 20 tuổi uống rượu bia.
  • Người giám hộ, giám sát có nghĩa vụ ngăn chặn việc người chưa đủ tuổi uống rượu bia. 
  • Cấm bán/cung cấp đồ uống có cồn cho người chưa đủ tuổi nếu biết được họ sẽ uống rượu bia.
  • Người bán/cung cấp đồ uống có cồn có trách nhiệm xác nhận độ tuổi và thực hiện các biện pháp cần thiết khác để ngăn chặn việc uống rượu khi chưa đủ tuổi. 
poster tuyên truyền không uống rượu khi chưa đủ 20 tuổi
Poster tuyên truyền khẩu hiệu “KHÔNG uống rượu bia khi chưa đủ 20 tuổi” của Sở cảnh sát Tokyo. Ảnh: keishicho.metro.tokyo.lg.jp

Được biết, người vi phạm quy định bán/cung cấp đồ uống có cồn cho người chưa đủ tuổi sẽ bị phạt tiền với mức phạt lên đến 500.000 yên (khoảng 98 triệu VND). 

Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản vẫn luôn cố gắng đẩy mạnh tuyên truyền để người lớn nhận thức được rằng uống rượu bia là hành vi có thể gây hại cho cơ thể của trẻ và ngăn chặn trẻ sử dụng rượu bia là trách nhiệm của họ. 

Xem thêm: Nhật Bản hạ độ tuổi chịu trách nhiệm pháp lý

Tác động tiêu cực của việc uống rượu khi chưa đủ tuổi

Tại Nhật Bản, hầu hết mọi người quan niệm rằng việc cấm trẻ vị thành niên sử dụng rượu bia là cần thiết để bảo vệ cơ thể và tâm lý đang trong giai đoạn phát triển. Đã có nhiều dẫn chứng về các tác dụng phụ của việc uống rượu bia ở độ tuổi dưới 20, bao gồm "ảnh hưởng về thể chất", "ảnh hưởng đến tinh thần" và "ảnh hưởng về mặt xã hội", cụ thể như: 

Ảnh hưởng đến thể chất

  • Rối loạn não ảnh hưởng đến sự phát triển của não: Uống rượu khi não đang phát triển có nguy cơ phá hủy các tế bào thần kinh trong não và gây teo não sớm.
  • Rối loạn chức năng tuyến sinh dục làm trì hoãn các đặc điểm tình dục thứ cấp: Rượu ảnh hưởng xấu đến các hormone sinh dục cần thiết cho các đặc tính sinh dục thứ cấp, có thể dẫn đến bất lực ở trẻ em trai, kinh nguyệt không đều và vô kinh ở trẻ em gái.
  • Các tác dụng phụ khác: Uống rượu quá mức khi không quen với rượu sẽ làm tăng mức độ say rượu, dẫn đến ngộ độc cấp tính. Gây ra rối loạn gan như gan nhiễm mỡ và xơ gan; rối loạn tuyến tụy như viêm tụy và bệnh tiểu đường…
uống rượu bia ảnh hưởng xấu đến tinh thần
Rượu có thể gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể trong giai đoạn vị thành niên. Ảnh: jiseikan.salvationarmy.or.jp

Ảnh hưởng đến tinh thần

  • Dễ mắc chứng nghiện rượu: Nhiều ý kiến cho rằng độ tuổi bắt đầu uống rượu càng trẻ thì thời gian bắt đầu nghiện rượu càng sớm và cuối cùng có thể dẫn đến tử vong. Đặc biệt là đến tuổi 20, ý thức tự điều chỉnh việc uống rượu bia có xu hướng mất dần, làm tăng nguy cơ nghiện rượu.
  • Các tác dụng phụ khác: Không thể tập trung, động lực học tập giảm sút; không quan tâm đến tương lai; sự phát triển tinh thần và tâm lý bị ngừng trệ; tính cách thay đổi, chẳng hạn như trở nên dễ nóng giận hoặc ích kỷ...

Ảnh hưởng về mặt xã hội

  • Bạo lực và hành vi sai trái tình dục làm tổn thương bản thân và những người khác: Nhiều nghiên cứu chỉ ra càng bắt đầu uống rượu từ khi còn trẻ thì nguy cơ dẫn đến các hành vi nói trên càng cao. Trẻ vị thành niên sẽ sẽ không thể hành động theo lý trí và có nhiều khả năng phạm tội tình dục hoặc có hành vi tình dục nguy hiểm.
  • Một số hành vi ảnh hưởng đến xã hội khi sử dụng rượu bia như: Lái xe trong tình trạng say xỉn gây tai nạn giao thông; ảnh hưởng tới học tập như sao nhãng việc học hành, thành tích sa sút và bỏ học; dễ gây ra những rắc rối về tài chính như tiêu xài hoang phí và nợ nần…
uống rượu dễ gây ra tai nạn đáng tiếc
Lái xe trong tình trạng say xỉn dễ dễ gây ra tai nạn giao thông. Ảnh: mcgf.hatenablog.com

Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng một số tệ nạn gia tăng và lo ngại về các nguy cơ đối với sức khỏe ở trẻ vị thành niên, hiện nay Chính phủ Nhật Bản cũng tiếp tục duy trì độ tuổi giới hạn là 20 tuổi cho hình thức sử dụng thuốc lá và các môn thể thao công cộng như đua ngựa, đua xe đạp, đua ô tô, đua thuyền mô tô...

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU