Ứng dụng giúp tìm kiếm những chú chó mất tích nhờ vân mũi
Bài: Natsume
Jun 7, 2022
Nguồn: Mainichi
Bằng cách quay video trực diện mũi của chú chó và gửi lên ứng dụng, người nuôi chó có cơ hội tìm lại thú cưng bị mất tích.
Giống như vân tay của con người, mỗi chú chó đều sở hữu vân mũi khác nhau, và công ty S'more có trụ sở tại Tokyo đã tập trung vào đặc điểm này để phát triển ứng dụng mới. Với hệ thống này, trí thông minh nhân tạo sẽ phân tích các mẫu mũi để định danh từng con chó.
Ý tưởng này được tạo nên bởi Qingyan Han, người sáng lập S'more, khi vào đêm muộn cách đây 2 năm, chuông báo cháy tại chung cư của cô vang lên. Qingyan hốt hoảng ôm lấy chú chó cưng của mình lao ra khỏi nhà.
May mắn đó chỉ là báo động giả, nhưng điều này khiến Qingyan lo sợ rằng nếu tình huống tương tự xảy ra, thú cưng của mình sẽ chạy trốn trong hoảng loạn dẫn đến việc có thể bị mất tích. Từ đó, cô cùng những người đồng nghiệp đã tạo nên ứng dụng Nose ID.
Trường hợp như Qingyan không hiếm, nhiều người chủ và vật nuôi đã bị chia cắt trong các sự cố hay thảm họa. Chính vì thế, ứng dụng này được kỳ vọng sẽ giúp người chủ có thể tìm lại được thú cưng của mình.
Các nhà phát triển hiện đang kêu gọi nhiều người đăng ký thông tin cho thú cưng của họ, vì việc tăng số lượng chó đăng ký sẽ cải thiện độ chính xác của tính năng nhận dạng. Người dùng có thể đăng ký cho chú chó của họ bằng cách quay video mũi của chó bằng điện thoại thông minh.
Nếu ai đó tìm thấy một chú chó bị lạc và gửi video quay mũi của con vật lên ứng dụng, khi AI phát hiện nó khớp với một mẫu mũi trên hệ thống, người tìm thấy chú chó và chủ nhân của nó có thể trao đổi thông tin ẩn danh.
Trong trận động đất năm 2011, đã có một số báo cáo về những vật nuôi mất tích ở thành phố Sendai kể từ sau khi thảm họa xảy ra ở khu vực này không lâu, và nhiều thú cưng đã không bao giờ quay trở lại. Hàng năm, ở Nhật Bản, có vô số trường hợp vật nuôi bị thất lạc ngay cả khi không xảy ra thiên tai, và khoảng 25.000 chú chó trên khắp đất nước đã được đưa vào các cơ sở như trung tâm chăm sóc động vật vào năm 2020 vì không tìm thấy chủ.
Mặc dù Đạo luật về phúc lợi và quản lý động vật sửa đổi có hiệu lực vào tháng 06/2022, bắt buộc phải cấy vi mạch vào chó và mèo để có thể truy tìm chủ sở hữu, nhưng chỉ một số cơ sở như trung tâm y tế công cộng có trình đọc thông tin vi mạch. Chính vì thế, một ứng dụng giúp người dùng có thể dễ dàng tra cứu thông tin sẽ tiện lợi hơn.
S'more cũng có kế hoạch triển khai chức năng gửi thông báo đến những người dùng ứng dụng khác tại cùng một khu vực. Người đồng sáng lập Satsuki Sawashima, 32 tuổi, nhấn mạnh tính hữu ích của điều này: "Mọi người sẽ có thể nhanh chóng tìm được chó cưng của họ trong khu vực đó với sự giúp đỡ của những người xung quanh."
Công ty đã thu thập dữ liệu về khoảng 4.000 chú chó chủ yếu ở khu vực thủ đô và khu vực Kansai để cải thiện độ chính xác trong việc xác định giống chó. Mặc dù chưa thu thập được nhiều dữ liệu ở vùng Kyushu, nhưng chính quyền thành phố Fukuoka đã quyết định đưa vào sử dụng chương trình của S'more trong nỗ lực nhằm giải quyết các thách thức xã hội bằng công nghệ. Và kể từ tháng 4, các quan chức đã cùng kêu gọi những người yêu chó trong khu vực đăng ký ứng dụng.
Ứng dụng Nose ID có thể được tải xuống miễn phí. Sawashima cho biết: "Người dùng có thể dễ dàng đăng ký thông tin vật nuôi qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, và bằng cách quét mũi để có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Trong tương lai, chúng tôi muốn phát triển thêm mảng về thông tin như giấy chứng nhận vắc xin và quản lý sức khỏe”. Phiên bản thử nghiệm của ứng dụng đã được phát hành vào ngày 21/05.
Giống như dấu vân tay của con người, vân mũi của các loài 4 chân, điển hình như bò không thay đổi ngay cả khi chúng lớn lên và có thể dùng để nhận dạng bò có thương hiệu.
kilala.vn